THÔNG TƯ
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế phát hành giấy tờ có giá trong nước của tổ chức tín dụng ban hành kèm theo Quyết định số 07/2008/QĐ-NHNN ngày 24 tháng 3 năm 2008 của thống đốc ngân hàng nhà nước
______________________________________
Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 1997, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2003;
Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng năm 1997, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2004;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp năm 2005;
Căn cứ Luật Chứng khoán năm 2006;
Căn cứ Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 52/2006/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2006 của Chính phủ về phát hành trái phiếu doanh nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 96/2008/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế phát hành giấy tờ có giá trong nước của tổ chức tín dụng ban hành kèm theo Quyết định số 07/2008/QĐ-NHNN ngày 24 tháng 3 năm 2008 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước như sau:
Điều 1. Các Điều 22, 28, 29, 30, 40, 41 và 42 được sửa đổi, bổ sung như sau:
1. Khoản 3 Điều 22 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“3. Kết quả hoạt động, kinh doanh của năm liền kề trước năm phát hành và tính đến thời điểm gần nhất phải có lãi”.
2. Khoản 3 và Khoản 5 Điều 28 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“3. Kết quả hoạt động, kinh doanh của năm liền kề trước năm phát hành và tính đến thời điểm gần nhất phải có lãi, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của năm liền kề trước năm phát hành và tính đến thời điểm gần nhất dưới 5%.
5. Được sự chấp thuận của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc phát hành trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền của năm tài chính của tổ chức tín dụng. Nếu phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn phát hành trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua có thay đổi, tổ chức tín dụng phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước (Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) để Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét chấp thuận”.
3. Khoản 2 Điều 29 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“2. Phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn phát hành trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền của năm tài chính được Đại hội đồng cổ đông thông qua trong đó nêu rõ các nội dung theo quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước về hồ sơ đề nghị chấp thuận thay đổi mức vốn điều lệ của tổ chức tín dụng”.
4. Khoản 2 Điều 30 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“2. Thời hạn xem xét và ra quyết định về việc phát hành trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền của tổ chức tín dụng không quá 45 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị phát hành của tổ chức tín dụng”.
5. Khoản 1 Điều 40 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“1. Gửi hồ sơ đề nghị phát hành giấy tờ có giá dài hạn; Hồ sơ đề nghị phát hành trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền; Thông báo phát hành giấy tờ có giá từng đợt đến Ngân hàng Nhà nước (Vụ Chính sách tiền tệ); Nếu phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn phát hành trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua có thay đổi, tổ chức tín dụng phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước (Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) để Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét chấp thuận”.
6. Điều 41 được Sửa đổi, bổ sung như sau:
“Có ý kiến cụ thể về đề nghị phát hành trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền của tổ chức tín dụng có trụ sở chính trên địa bàn”.
7. Điểm b Khoản 1 Điều 42 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“b) Gửi hồ sơ về phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn phát hành trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền của tổ chức tín dụng cho Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng để xem xét trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chấp thuận hay không chấp thuận việc tăng vốn điều lệ từ nguồn phát hành trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền của tổ chức tín dụng.
Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xem xét đề nghị phát hành giấy tờ có giá dài hạn, đề nghị phát hành trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền để trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chấp thuận hoặc không chấp thuận đề nghị của tổ chức tín dụng”.
8. Khoản 2 Điều 42 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“2. Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng:
a) Cung cấp cho Vụ Chính sách tiền tệ các thông tin:
- Đánh giá của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng về tình hình tổ chức, hoạt động của tổ chức tín dụng; Tình hình tài chính của tổ chức tín dụng qua quá trình thanh tra tại chỗ, giám sát từ xa.
- Tình hình tuân thủ các hạn chế để bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng theo quy định hiện hành của Luật Các tổ chức tín dụng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.
- Kết quả hoạt động, kinh doanh của năm liền kề trước năm phát hành và tính đến thời điểm gần nhất của tổ chức tín dụng.
- Số liệu về tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của năm liền kề trước năm phát hành và tính đến thời điểm gần nhất của tổ chức tín dụng; Số liệu về tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu theo quy định tại Khoản 4 Điều 28 Quy chế phát hành giấy tờ có giá trong nước của tổ chức tín dụng (trong trường hợp xử lý đề nghị phát hành trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền của tổ chức tín dụng).
b) Xem xét trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chấp thuận hoặc không chấp thuận phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn phát hành trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền của tổ chức tín dụng (kể cả các trường hợp có thay đổi phương án) và thông báo kết quả xử lý về Vụ Chính sách tiền tệ.
c) Phối hợp với Vụ Chính sách tiền tệ xem xét và có ý kiến cụ thể về việc chấp thuận hay không chấp thuận đề nghị phát hành giấy tờ có giá dài hạn, đề nghị phát hành trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền của tổ chức tín dụng.
d) Thanh tra, giám sát việc phát hành giấy tờ có giá của tổ chức tín dụng; Xử lý theo thẩm quyền và kiến nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xử lý các trường hợp vi phạm các quy định tại Quy chế này”.
9. Bỏ Khoản 3 Điều 42.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký.
2. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc (Giám đốc) tổ chức tín dụng và người mua giấy tờ có giá chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.