• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 26/06/1992
CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Số: 238-CT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thái Bình, ngày 26 tháng 6 năm 1992

CHỈ THỊ

CỦA CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Về việc chấn chỉnh và tăng cường

hệ thống thu thuế, cải tiến mạnh các biện pháp thu và nộp thuế

Sau gần hai năm thực hiện Nghị định số 281-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng, các cơ quan thu thuế nội địa đã được tổ chức lại thành hệ thống từ Trung ương đến quận, huyện, tạo điều kiện thi hành thống nhất các luật và pháp lệnh thuế trong cả nước. So với trước, số thuế thu được tăng khá, nhưng số thuế bị thất thu, bị chiếm dụng, xâm tiêu và khê đọng còn rất lớn và việc thu lệ phí ở các ngành, các cấp rất tuỳ tiện, dẫn đến tình trạng "phụ thu, lạm bổ". Điều đó không những ảnh hưởng tới việc tăng nguồn thu cho ngân sách, mà còn gây bất bình lớn trong nhân dân. Nguyên nhân quan trọng của tình hình trên là do tổ chức hệ thống thu thuế còn những bất hợp lý và yếu kém, một số cán bộ thuế bị sa sút về phẩm chất, các biện pháp hành thu và nộp thuế chưa được hướng dẫn rõ ràng, thiếu sự kiểm soát thống nhất của Nhà nước.

Để khắc phục những yếu kém nói trên, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chỉ thị cho Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thủ trưởng các ngành có liên quan, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

1. Tiếp tục chấn chỉnh hệ thống thu thuế Nhà nước từ Tổng cục đến các Cục thuế và các Chi cục thuế theo Nghị định số 281/HĐBT ngày 7-8-1990 của Hội đồng Bộ trưởng. Tổ chức và kiện toàn các đội thuế xã, phường (hoặc liên xã, liên phường) là bộ phận trong Chi cục thuế. Chuẩn bị điều kiện lập Vụ Chính sách thuế thuộc Bộ Tài chính làm nhiệm vụ nghiên cứu, soạn thảo chính sách chế độ thuế và các loại lệ phí trình cấp có thẩm quyền ban hành để sau này Tổng cục Thuế chỉ làm nhiệm vụ hành thu và cưỡng chế thuế.

2. Bộ Tài chính cùng với Ban Tổ chức - Cán bộ của Chính phủ sắp xếp lại biên chế của ngành thuế trên cơ sở rà soát, tính toán cụ thể nhu cầu biên chế trên cơ sở số thuế phải thu, số đối tượng phải quản lý và đặc điểm từng vùng lãnh thổ.

3. Kiểm tra, kiên quyết đưa ra khỏi ngành thuế những cán bộ, nhân viên sa sút phẩm chất, xâm tiêu tiền thuế, lợi dụng chức quyền sách nhiễu, gây phiền hà tiêu cực. Đồng thời đẩy mạnh công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ thuế, xây dựng một đội ngũ chuyên ngành mạnh, chính quy. Cần tập trung đào tạo cán bộ cho những địa phương có nguồn thu lớn, những địa bàn trọng điểm.

4. Cải tiến mạnh các biện pháp thu nộp thuế ở cơ sở, trước mặt tập trung làm tốt những việc sau đây:

a. Tách cán bộ quản lý ở cơ sở thành 3 bộ phận độc lập hỗ trợ và giám sát lẫn nhau: bộ phận tính thuế, lập bộ và phát hành thông báo thuế; bộ phận quản lý và đôn đốc thu nộp; bộ phận kiểm tra, thanh tra thu, nộp thuế.

b. Hệ thống thuế phải phối hợp với hệ thống Kho bạc Nhà nước để thực hiện việc thu nộp thuế qua kho bạc, trước hết là ở những thành phố, thị xã và những nơi có nguồn thu lớn của ngân sách.

c. Phải tổ chức bằng được công tác kế toán của các cơ sở kinh tế ngoài quốc doanh, trước hết là các hộ lớn và vừa để thực hiện việc nộp thuế trên cơ sở sổ sách kế toán và chứng từ, hoá đơn, khắc phục lối khoán thu đối với loại hộ này.

d. mỗi cục, Chi cục thuế phải đặc biệt chú ý việc thanh tra cả khâu thu và khâu nộp thuế, áp dụng các biện pháp cưỡng chế thuế, tăng cường chống thất thu và trốn lậu thuế. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách thuế và nghĩa vụ của người nộp thuế, đề cao và phối hợp chặt với chính quyền cơ sở và các đoàn thể trong việc thu thuế.

5. Bộ Tài chính phải sớm đề xuất những sửa đổi, bổ sung hoàn chỉnh các Luật, Pháp lệnh và các văn bản hướng dẫn về thuế; rà soát lại các loại lệ phí mà các ngành, các cấp đang thu; kiến nghị việc sửa đổi trong tổ chức thu, quản lý, sử dụng các loại lệ phí và công bố cho toàn dân biết để chấp hành và kiểm tra việc thực hiện.

6. Ban Tổ chức - Cán bộ của Chính phủ, Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp nghiên cứu việc cho ngành thuế được áp dụng chế độ tiền lương mới gắn với việc sắp xếp cán bộ vào chức danh tiêu chuẩn và số thuế thu được.

Trong khi chờ đợi áp dụng chế độ tiền lương mới, từ năm 1992 cho cán bộ thuế được hưởng thu nhập (tiền lương và tiền thưởng) bình quân 200.000 đồng/người/tháng (kể cả trượt giá). Để đảm bảo mức thu nhập trên, thực hiện thưởng cho các ngành phối hợp, bổ sung mua sắm phương tiện làm việc, cho phép trích thưởng như đã quy định tại Thông báo số 2461-PPLT ngày 29-7-1991, ngoài ra được trích thêm 0,2% tổng số thuế thực nộp Ngân sách Nhà nước. Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể việc trích lập, quản lý và sử dụng nguồn tiền thưởng trên.

7. Bộ Tài chính bàn với Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước để ghi vào kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản hàng năm để bảo đảm xây dựng trụ sở làm việc và trang bị phương tiện cho ngành thuế, dứt điểm trong một vài năm.

8. Bộ trưởng Bộ Tài chính, Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ của Chính phủ, Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan khác có liên quan theo chức năng của mình, có kế hoạch triển khai việc tổ chức thực hiện Chỉ thị này.

 

Phó Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.