• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 15/02/2014
  • Ngày hết hiệu lực: 20/01/2022
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Số: 57/2013/TT-BGTVT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thái Bình, ngày 27 tháng 12 năm 2013

THÔNG TƯ

Quy định về bảo đảm an ninh tại cảng thủy nội địa tiếp nhận

phương tiện thủy nước ngoài

____________

 

Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 15 tháng 6 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Vận tải,

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định về bảo đảm an ninh tại cảng thủy nội địa tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định các hoạt động liên quan đến việc bảo đảm an ninh tại cảng thủy nội địa có tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài.

Điều 2. Đổi tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với:

1. Tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài liên quan đến hoạt động đánh giá, phê duyệt và cấp giấy chứng nhận phù hợp an ninh cảng thủy nội địa tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài.

2. Tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài có phương tiện thủy hoạt động tại cảng thủy nội địa tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Cảng thủy nội địa tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài quy định trong Thông tư này là cầu cảng, bến cảng hoặc cảng thủy nội địa được Bộ Giao thông vận tải công bố có tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài.

2. Cơ quan thực hiện công tác an ninh cảng thủy nội địa là cơ quan, đơn vị thực hiện việc đánh giá an ninh cảng thủy nội địa; thẩm định phê duyệt đánh giá an ninh cảng thủy nội địa; phê duyệt Kế hoạch an ninh cảng thủy nội địa; cấp Giấy chứng nhận phù hợp an ninh cảng thủy nội địa và tổ chức thực hiện Kế hoạch an ninh cảng thủy nội địa.

3. Nhân viên an ninh cảng thủy nội địa là người được doanh nghiệp kinh doanh, khai thác cảng chỉ định và chịu trách nhiệm đối với việc xây dựng, thực thi và duy trì Kế hoạch an ninh cảng thủy nội địa và là đầu mối liên lạc với các sĩ quan an ninh tàu và nhân viên an ninh công ty.

4. Doanh nghiệp khai thác cảng thủy nội địa là tổ chức, cá nhân trực tiếp kinh doanh, khai thác cảng thủy nội địa.

Chương II

AN NINH CẢNG THỦY NỘI ĐỊA

Điều 4. Cấp độ an ninh cảng thủy nội địa

Cấp độ an ninh cảng thủy nội địa phân thành 03 cấp độ an ninh.

a) Cấp độ an ninh 1 là cấp độ mà các biện pháp bảo vệ an ninh thích hợp phải được duy trì liên tục;

b) Cấp độ an ninh 2 là cấp độ mà các biện pháp bảo vệ an ninh bổ sung phải được duy trì trong khoảng thời gian có nguy cơ cao của một sự cố an ninh;

c) Cấp độ an ninh 3 là cấp độ mà các biện pháp bảo vệ an ninh cụ thể phải được duy trì trong khoảng thời gian hạn chế khi một sự cố an ninh có thể xảy ra hoặc sắp xảy ra, mặc dù có thể không xác định được mục tiêu cụ thể.

Điều 5. Các biện pháp bảo đảm an ninh cảng thủy nội địa

Các biện pháp bảo đảm an ninh cảng thủy nội địa phải phù hợp với từng cấp độ an ninh:

1. Cấp độ an ninh 1

a) Đảm bảo duy trì thực hiện mọi nhiệm vụ an ninh cảng thủy nội địa trong Kế hoạch an ninh cảng thủy nội địa;

b) Theo dõi tất các hoạt động diễn ra trong khu vực cảng thủy nội địa kể cả khu vực neo đậu;

c) Kiểm soát các khu vực hạn chế trong cảng;

d) Kiểm tra, giám sát khu vực làm hàng;

đ) Kiểm tra, giám sát hoạt động nhận đồ dự trữ cho tàu;

e) Đảm bảo việc trao đổi thông tin an ninh kịp thời.

2. Cấp độ an ninh 2

Các biện pháp bảo vệ bổ sung nêu trong Kế hoạch an ninh cảng thủy nội địa phải được triển khai thực hiện đối với mỗi hoạt động quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Cấp độ an ninh 3

Các biện pháp tăng cường bảo vệ đặc biệt trong Kế hoạch an ninh cảng thủy nội địa phải được triển khai thực hiện đối với mỗi hoạt động quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 6. Đánh giá an ninh cảng thủy nội địa

1. Đánh giá an ninh cảng thủy nội địa do doanh nghiệp khai thác cảng tổ chức thực hiện theo các nội dung quy định tại Phụ lục I của Thông tư này và có sự tham gia của đại diện các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng thủy nội địa.

2. Những người thực hiện đánh giá an ninh cảng thủy nội địa phải có chuyên môn nghiệp vụ về lĩnh vực được phân công đánh giá.

3. Đánh giá an ninh cảng thủy nội địa phải được thực hiện định kỳ hàng năm, lưu ý đến sự thay đổi các nguy cơ an ninh và những thay đổi của cảng thủy nội địa.

4. Đánh giá an ninh cảng thủy nội địa phải có các nội dung sau:

a) Xác định và đánh giá những tài sản và cơ sở hạ tầng cần được bảo vệ;

b) Xác định mối đe dọa có thể xảy ra đối với con người, tài sản, cơ sở hạ tầng quan trọng và khả năng xảy ra để thiết lập và ưu tiên các biện pháp an ninh;

c) Xác định các biện pháp đối phó cần được ưu tiên lựa chọn để làm giảm khả năng bị tổn hại;

d) Xác định những hạn chế về con người, cơ sở hạ tầng, quy trình và chính sách trong bảo đảm an ninh cảng thủy nội địa.

Điều 7. Kế hoạch an ninh cảng thủy nội địa

1. Kế hoạch an ninh cảng thủy nội địa do doanh nghiệp khai thác cảng xây dựng theo mẫu quy định tại Phụ lục II của Thông tư này và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, nhằm đảm bảo việc áp dụng các biện pháp bảo vệ người, cảng, tàu, hàng hóa, các đơn vị vận chuyển hàng hóa, đồ dự trữ của tàu trong phạm vi cảng, tránh các rủi ro của một sự cố an ninh.

2. Kế hoạch an ninh cảng thủy nội địa phải được lập và duy trì trên cơ sở đánh giá an ninh cảng thủy nội địa. Kế hoạch an ninh cảng thủy nội địa phải đưa ra các biện pháp phù hợp đối với ba cấp độ an ninh.

Điều 8. Cam kết an ninh cảng thủy nội địa

Bản cam kết an ninh được thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục III của Thông tư này, dựa trên cơ sở đánh giá nguy cơ rủi ro có thể xảy ra từ các hoạt động giao tiếp giữa tàu với cảng hoặc giữa tàu với tàu đối với người, tài sản và môi trường.

1. Tàu hoặc cảng có thể yêu cầu một bản cam kết an ninh trong trường hợp:

a) Tàu có cấp độ an ninh cao hơn so với cảng hoặc tàu khác mà nó đang giao tiếp;

b) Có ký kết thỏa thuận về cam kết an ninh giữa các nước ký kết đối với một số tuyến quốc tế hoặc đối với một số tàu cụ thể trên các tuyến đó;

c) Đã có mối đe dọa an ninh hoặc sự cố an ninh liên quan đến tàu hoặc cảng;

d) Tàu đang ở trong cảng, nhưng không yêu cầu cảng phải có và thực thi Kế hoạch an ninh cảng thủy nội địa đã được phê duyệt;

đ) Tàu đang tiến hành các hoạt động giao tiếp với tàu khác, nhưng không yêu cầu phải có và thực thi một Kế hoạch an ninh tàu được phê duyệt.

2. Nội dung trong bản cam kết an ninh phải được cảng hoặc tàu xác báo phù hợp với cấp độ an ninh của cảng và tàu.

3. Bản cam kết an ninh phải do thuyền trưởng hoặc sĩ quan an ninh tàu và nhân viên an ninh cảng thủy nội địa hoặc tổ chức chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh trên bờ thay mặt cho cảng lập.

Điều 9. Đào tạo, huấn luyện an ninh cảng thủy nội địa

1. Cán bộ, nhân viên làm công tác bảo đảm an ninh cảng thủy nội địa phải hoàn thành khóa đào tạo, huấn luyện về an ninh cảng thủy nội địa tại cơ sở đào tạo có chuyên ngành đào tạo về an ninh bến cảng theo đúng chương trình đào tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

2. Sau khi nhận được kết quả học tập của học viên và xác nhận của cơ sở đào tạo, trong thời gian 05 ngày làm việc, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam tổ chức cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa đào tạo, huấn luyện an ninh cảng thủy nội địa theo mẫu quy định tại Phụ lục IV của Thông tư này.

Điều 10. Kiểm tra, giám sát an ninh cảng thủy nội địa

1. Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Sở Giao thông vận tải, Cảng vụ Đường thủy nội địa trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác an ninh tại các cảng thủy nội địa. Danh mục kiểm tra theo mẫu quy định tại Phụ lục V của Thông tư này.

2. Doanh nghiệp khai thác cảng thủy nội địa tự tổ chức kiểm tra việc thực hiện công tác an ninh, để phục vụ cho việc đánh giá an ninh và xây dựng Kế hoạch an ninh cảng thủy nội địa.

Điều 11. Xử lý vi phạm về bảo đảm an ninh cảng thủy nội địa

Việc xử lý vi phạm về bảo đảm an ninh cảng thủy nội địa thực hiện theo các quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn, an ninh hàng hải.

Chương III

THỦ TỤC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN LIÊN QUAN

ĐẾN AN NINH CẢNG THỦY NỘI ĐỊA

Điều 12. Thủ tục phê duyệt đánh giá an ninh cảng thủy nội địa

1. Doanh nghiệp khai thác cảng thủy nội địa gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị phê duyệt đánh giá an ninh cảng thủy nội địa qua đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp tại Cảng vụ Đường thủy nội địa. Hồ sơ gồm có:

a) Đơn đề nghị phê duyệt đánh giá an ninh cảng thủy nội địa theo mẫu quy định tại Phụ lục VI của Thông tư này;

b) Bản đánh giá an ninh cảng thủy nội địa (do lãnh đạo doanh nghiệp ký tên, đóng dấu);

c) Biên bản họp đánh giá an ninh cảng thủy nội địa có chữ ký của đại diện các cơ quan tham gia đánh giá.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Cảng vụ Đường thủy nội địa phải tổ chức kiểm tra thực tế tại cảng, trên cơ sở bản đánh giá an ninh cảng thủy nội địa. Nếu hồ sơ đề nghị đánh giá đáp ứng được các yêu cầu theo quy định thì trong thời gian 03 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc việc kiểm tra tại cảng, Cảng vụ Đường thủy nội địa trình hồ sơ lên Cục Đường thủy nội địa Việt Nam. Trường hợp hồ sơ không đảm bảo các điều kiện theo quy định Cảng vụ Đường thủy nội địa hướng dẫn và yêu cầu doanh nghiệp làm lại hồ sơ.

Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ do Cảng vụ Đường thủy nội địa trình, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam phê duyệt Đánh giá an ninh. Trường hợp không cấp được phải trả lời doanh nghiệp bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 13. Thủ tục phê duyệt Kế hoạch an ninh cảng thủy nội địa và cấp Giấy chứng nhận phù hợp an ninh cảng thủy nội địa

1. Doanh nghiệp khai thác cảng thủy nội địa gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị phê duyệt Kế hoạch an ninh cảng thủy nội địa qua đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp tại Cảng vụ Đường thủy nội địa. Hồ sơ gồm có:

a) Đơn đề nghị phê duyệt kế hoạch an ninh và cấp giấy chứng nhận phù hợp an ninh cảng thủy nội địa tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài theo mẫu quy định tại Phụ lục VII của Thông tư này;

b) Bản đánh giá an ninh cảng thủy nội địa đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

c) Kế hoạch an ninh cảng thủy nội địa (do lãnh đạo doanh nghiệp ký tên, đóng dấu).

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Cảng vụ Đường thủy nội địa phải tổ chức kiểm tra thực tế tại cảng, trên cơ sở Kế hoạch an ninh cảng thủy nội địa. Nếu hồ sơ đề nghị đáp ứng được các yêu cầu theo quy định, trong thời gian 03 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc việc kiểm tra tại cảng, Cảng vụ Đường thủy nội địa trình hồ sơ lên Cục Đường thủy nội địa Việt Nam. Trường hợp hồ sơ không đảm bảo các điều kiện theo quy định phải hướng dẫn và yêu cầu doanh nghiệp làm lại hồ sơ.

Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ do Cảng vụ Đường thủy nội địa trình, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam phê duyệt Kế hoạch an ninh đồng thời cấp Giấy chứng nhận phù hợp đối với cảng thủy nội địa. Trường hợp không cấp được phải trả lời doanh nghiệp bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 14. Thẩm quyền phê duyệt đánh giá an ninh, kế hoạch an ninh cảng thủy nội địa

Cục Đường thủy nội địa Việt Nam có trách nhiệm phê duyệt đánh giá an ninh, Kế hoạch an ninh và cấp Giấy chứng nhận phù hợp an ninh cảng thủy nội địa trên phạm vi toàn quốc. Giấy chứng nhận phê duyệt đánh giá an ninh theo mẫu quy định tại Phụ lục VIII, Giấy chứng nhận phù hợp an ninh theo mẫu quy định tại Phụ lục IX của Thông tư này.

Điều 15. Thủ tục xác nhận hàng năm Giấy chứng nhận phù hợp an ninh cảng thủy nội địa

1. Doanh nghiệp khai thác cảng thủy nội địa gửi 01 bộ hồ sơ qua đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp tại Cục Đường thủy nội địa Việt Nam. Hồ sơ gồm:

a) Đơn đề nghị xác nhận hàng năm Giấy chứng nhận phù hợp an ninh cảng thủy nội địa theo mẫu quy định tại Phụ lục X của Thông tư này;

b) Bản đánh giá an ninh cảng thủy nội địa có ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cảng: hải quan, biên phòng, cảng vụ, y tế, cảnh sát đường thủy, công an, kiểm dịch;

c) Biên bản các buổi tập huấn hoặc diễn tập hoặc huấn luyện theo chương trình Kế hoạch an ninh cảng thủy nội địa dược phê duyệt;

d) Bản chính Giấy chứng nhận phù hợp an ninh cảng thủy nội địa.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam xem xét, nếu hồ sơ bảo đảm các điều kiện theo quy định thì xác nhận hàng năm Giấy chứng nhận phù hợp cảng thủy nội địa. Trường hợp hồ sơ không bảo đảm các điều kiện theo quy định phải trả lời doanh nghiệp bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 16. Trách nhiệm tổ chức thực hiện an ninh cảng thủy nội địa

1. Trách nhiệm của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam

a) Cục Đường thủy nội địa Việt Nam có trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này trên phạm vi toàn quốc và báo cáo kết quả thực hiện định kỳ hàng quý, hàng năm về Bộ Giao thông vận tải;

b) Tổ chức hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp khai thác cảng và kiểm tra việc thực hiện công tác bảo đảm an ninh cảng thủy nội địa theo quy định tại Thông tư này;

c) Phối hợp với các cơ quan hữu quan trong việc tổ chức thực hiện công tác an ninh cảng thủy nội địa.

2. Trách nhiệm của Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam,

Phối hợp với Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Sở Giao thông vận tải trong việc trao đổi, cung cấp thông tin liên quan đến an ninh tàu và an ninh cảng thủy nội địa.

3. Trách nhiệm của Sở Giao thông vận tải

a) Tổ chức hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp khai thác cảng thuộc phạm vi quản lý của địa phương và kiểm tra việc thực hiện công tác bảo đảm an ninh cảng thủy nội địa theo quy định tại Thông tư này;

b) Phối hợp với các cơ quan hữu quan trong việc thực hiện công tác an ninh cảng thủy nội địa.

4. Trách nhiệm của Cảng vụ Đường thủy nội địa

a) Chủ động phối hợp với cơ quan thiết lập cấp độ an ninh và các cơ quan hữu quan tại khu vực trách nhiệm để nắm bắt kịp thời thông tin an ninh liên quan đến tàu và cảng để có biện pháp bảo đảm an ninh phù hợp;

b) Hướng dẫn các doanh nghiệp khai thác cảng thủy nội địa đánh giá an ninh cảng thủy nội địa; xây dựng Kế hoạch an ninh cảng thủy nội địa;

c) Kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác bảo đảm an ninh tại cảng thủy nội địa.

5. Trách nhiệm của doanh nghiệp khai thác cảng thủy nội địa

a) Tổ chức thực hiện đánh giá an ninh cảng thủy nội địa và xây dựng bản đánh giá an ninh cảng thủy nội địa có sự tham gia của đại diện các cơ quan đơn vị gồm Cảng vụ Đường thủy nội địa, Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát trật tự, Cảnh sát đường thủy;

b) Xây dựng Kế hoạch an ninh cảng thủy nội địa theo quy định;

Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trong Kế hoạch an ninh cảng thủy nội địa.

6. Trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ liên quan đến bảo đảm an ninh tại cảng thủy nội địa

Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tại cảng thủy nội địa có tiếp nhận phương tiện thủy nước ngoài phải tuân thủ thực hiện các quy định về bảo đảm an ninh cảng thủy nội địa.

Điều 17. Tổ chức lực lượng thực hiện công tác bảo đảm an ninh cảng thủy nội địa

1. Cục Đường thủy nội địa Việt Nam bố trí cán bộ, nhân viên thực hiện công tác bảo đảm an ninh cảng thủy nội địa.

2. Cảng vụ Đường thủy nội địa trong phạm vi trách nhiệm có cảng thủy nội địa thuộc đối tượng áp dụng của Thông tư này bố trí cán bộ, nhân viên thực hiện công tác an ninh cảng thủy nội địa.

3. Các doanh nghiệp khai thác cảng thủy nội địa bố trí cán bộ, nhân viên chuyên trách và lực lượng trực tiếp thực hiện công tác bảo đảm an ninh cảng thủy nội địa.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 18. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực kể ngày 15 tháng 02 năm 2014.

Biều 19. Tổ chức thực hiện

1. Cục Đường thủy nội địa Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức triển khai thực hiện Thông tư này.

2. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng thuộc Bộ, Cục trưởng các Cục: Đường thủy nội địa Việt Nam, Hàng hải Việt Nam, Đăng kiểm Việt Nam, Giám đốc các Sở Giao thông vận tải, các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

 

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Đinh La Thăng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.