CHỈ THỊ CỦA UBND TỈNH
V/v đẩy mạnh công tác xây dựng quỹ hỗ trợ nông dân
________________________
Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Bí thư TW Đảng (khóa VII) và ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã có văn bản hướng dẫn thành lập Quỹ hỗ trợ nông dân; Tỉnh ủy Thái Bình có văn ,bản số 63 ngày 10/9/1996 về việc lãnh đạo xây dựng Quỹ hỗ trợ nông dân.
Sau 4 năm hoạt động, Ban chỉ đạo vận động xây dựng Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh đã tổ chức, vận động, xây dựng và quản lý nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân đạt được nhiều kết quả tốt. Đến nay, nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân trong toàn tỉnh đạt được 1329,6 triệu đồng, trong đó vốn ủy thác của TW Hội nông dân Việt Nam là 700 triệu đồng, vốn vận động ở địa phương là: 629,6 triệu đồng, đã cho 1998 hộ nông dân ở 123 xã vay để phát triển sản xuẩt. Hoạt động của Qũy bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực, đáp ứng nhu cầu và tạo niềm tin đối với nông dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo, làm giầu, nâng cao đời sống nông dân. Song, do tình hình mất ổn định ở nông thôn những năm trước đây nên việc xây dựng Qũy còn chậm, nhiều nơi chưa xây dựng được nguồn qũy này.
Để phát triển nhanh nguồn Qũy, giúp đỡ và tạo điều kiện hỗ trợ vốn cho nông dân phát triển sản xuất, có hiệu qủa ngày càng cao hơn theo tinh thần NQ Đại hội Đảng bộ lần thứ 16, UBND tỉnh chỉ thị:
1/ Các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, các huyện, thị xã và các xã, thị trấn chưa có Ban chỉ đạo vận động xây dựng qũy hỗ trợ nông dân hoặc có sự thay đổi về nhân sự Ban chỉ đạo, phải báo cáo xin ý kiến cấp ủy cùng cấp để thành lập hoặc kiện toàn Ban chỉ đạo qũy hỗ trợ nông dân (HTND) xong trong tháng 1 năm 2001.
2/ Các sở, ban ngành, đoàn thể của tỉnh, UBND các cấp tập trung chỉ đạo vận động các hội viên, đoàn viên, nông dân, công nhân viên chức, các hộ sản xuất kinh doanh giỏi, Các tầng lớp nhân dân, các tổ chức kinh tế, xã hội, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh... đóng góp xây dựng Qũy hỗ trợ nông dân với 2 hình thức chính là ủng hộ và cho mượn; hỗ trợ của ngân sách địa phương, các chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế xã hội nông thôn, để bổ sung cho nguồn vốn Qũy. Ngoài việc giúp đỡ xây dựng vốn qũy hỗ trợ nông dân, các địa phương và các ngành có liên quan cần tạo mọi điều kiện cho Hội nông dân tổ chức các lớp chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhằm nâng cao trình độ dân trí, hiệu quả sử dụng vốn vay, giúp nông dân xóa đói, giảm nghèo, làm giầu chính đáng.
3/ Nguồn vốn Qũy hỗ trợ nông dân đã vận động được phải quản lý chặt chẽ và hỗ trợ cho nông dân vay sử dụng đúng mục đích, theo đúng quy định của TW Hội nông dân Việt Nam. Ưu tiên cho các hộ nghèo có nhu cầu vay vốn để sản xuất.
4/ Ban chỉ đạo vận động xây dựng Qũy hỗ trợ nông dân các cấp phối hợp vói Hội nông dân cùng cấp tăng cường chỉ đạo, kiểm tra hoạt động của Qũy hỗ trợ nông dân theo đúng quy định của Nhà nước, đảm bảo an toàn, tăng trưởng vốn và sử dụng vốn ngày càng đạt hiệu qủa cao.
5/ Hàng năm, Ban chỉ đạo vận động xây dựng Qũy hỗ trợ nông dân các cấp cần tổ chức sơ kết, đánh giá những mặt làm được, chưa làm được, xác định rõ nguyên nhân và có kế hoạch phát triển Qũy trong những năm tiếp theo.
6/ Các cơ quan thông tin đại chúng cần tăng cường tuyên truyền, phản ảnh gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến về xây dựng, quản lý, sử dụng qũy hỗ trợ nông dân.
Nhận chỉ thị này, yêu cầu các sở, ban ngành, đoàn thể có liên quan, UBND các huyện, thị xã và các xã, thị trấn, Ban chỉ đạo Qũy hỗ trợ nông dân các cấp, Ban chỉ đạo vận động xây dựng qũy hỗ trợ nông dân tỉnh có kế hoạch thực hiện nghiêm chỉnh và hàng tháng báo cáo kết qủa về UBND tỉnh.