CHỈ THỊ CỦA UBND TỈNH
V/v phát huy vai trò của hội khuyến học các cấp trong tỉnh
________________________
Quán triệt Chỉ thị số 29/1999/CT-TTg ngày 15/10/1999 của Thủ tướng Chính phủ về việc phát huy vai trò của Hội khuyên học Việt Nam trong phát triển sự nghiệp giáo dục; thực hiện Thông tri số 01-TT-TU ngày 02/3/2001 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình về việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với Hội khuyến học các cấp trong tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh, UBND các huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn tổ chức chỉ đạo thực hiện tốt một số việc sau:
1/ Các cơ quan thông tin đại chúng như Báo Thái Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh có kế hoạch phối hợp chặt chẽ với Hội khuyến học các cấp và ngành Giáo dục - Đào tạo, chủ động làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho mọi người về chủ trương, chính sách phát triển giáo dục của Đảng và Nhà nước về Luật Giáo dục, về những điển hình cá nhân và đơn vị làm tốt công tác khuyến học... nhằm từng bước giúp mọi người nhận thức rõ, để có kế hoạch "Học tập suốt đời" để thích ứng với yêu cầu phát triển không ngừng của đất nước, của địa phương và gia đình... Trên cơ sở đó xây dựng thành công một "Xã hội học tập", trong đó "Ai cần gì được học nấy", làm nền tảng cho "Xã hội công bằng và văn minh", coi đây là động lực cơ bản của qúa trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
2/ Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh phối hợp với Hội khuyến học cấp tỉnh và sở Giáo dục - Đào tạo giúp UBND tỉnh hướng dẫn việc thành lập các Hội khuyến học ở các cấp, các ngành theo hướng:
- Tổ chức hội thuộc cấp xã do UBND xã thẩm định và ra quyết định cho phép thành lập.
- Tổ chức hội thuộc cấp huyện do UBND huyện ra quyết định cho phép thành lập.
- Tổ chức hội cấp tỉnh do UBND tỉnh thẩm định và ra quyết định cho phép thành lập.
Hết qúy 3 năm 2001 phải hoàn thành xong việc thành lập Hội khuyến học ở các cấp cơ sở và đi vào hoạt động; Đồng thời các cấp chính quyền tạo điều kiện hỗ trợ cần thiết cho Hội khuyến học hoạt động thuận lợi nhằm góp phần đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục, nhất là ở những vùng xa, vùng khó khăn trong tỉnh.
3/ Sở Giáo dục - Đào tạo, sở Kế hoạch và Đầu tư, sở Tài chính - Vật giá, sở Khoa học công nghệ và Môi trường, sở Lao động - thưong binh - xã hội, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh... có kế hoạch phối hợp để Hội khuyến học đóng góp tích cực vào việc phát triển giáo dục; Đặc biệt việc tổ chức cho cán bộ, đảng viên, thanh niên và người lao động được học tập tiếp tục về khoa học kỹ thuật, học nghề, ngoại ngữ, tin học... để đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của sự nghiệp Công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
4/ Các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức kinh tế - xã hội, các nhà chức sắc tôn giáo... chủ động phát huy vai trò, vị trí của mình cùng với Hội khuyến học các cấp làm tốt công tác khuyến học ở địa phưong, đơn vị; Giúp Hội khuyến học các cấp trong tỉnh, xây dựng, quản lý và sử dụng tốt qũy khuyến học để giúp những nơi, những người gặp nhiều khó khăn vẫn phát triển giáo dục và mọi người đều được học tập. Những người học giỏi và lao động sáng tạo, Hội khuyến học cần dùng qũy để động viên, khích lệ.
5/Hội khuyến học phối hợp vói ngành Giáo dục - Đào tạo nghiên cứu sâu đường lối, chính sách giáo dục của Đảng và Nhà nước và kế hoạch phát triển giáo dục từng thời gian để làm tốt chức năng tư vấn, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp chăm lo xây dựng sự nghiệp Giáo dục - Đào tạo của tỉnh và với tình cảm và nhận thức: "... giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu..." trong qúa trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương đất nước.