• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/01/2016
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Số: 54/2015/TT-BGTVT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thái Bình, ngày 24 tháng 9 năm 2015

THÔNG TƯ

Quy định thủ tục điện tử cho tàu thuyền Việt Nam hoạt động

tuyến nội địa vào, rời cảng biển Việt Nam

_________________

 

Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2005;

Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa năm 2004 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa năm 2014;

Căn cứ Luật Giao dịch điện tử năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấn tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Nghị định số 21/2012/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ về quản lý cảng biển và luồng hàng hải;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam,

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định thủ tục điện tử cho tàu thuyền Việt Nam hoạt động tuyến nội địa vào, rời cảng biển Việt Nam.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định thủ tục điện tử đối với tàu thuyền Việt Nam hoạt động tuyến nội địa vào, rời cảng biển Việt Nam.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài liên quan đến thực hiện thủ tục điện tử cho tàu thuyền Việt Nam hoạt động tuyến nội địa vào, rời cảng biển Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Thủ tục điện tử là việc khai bác, gửi hồ sơ, xử lý hồ sơ và trả kết quả đối với thủ tục cho tàu thuyền vào, rời cảng biển bằng phương thức điện tử.

2. Hồ sơ điện tử là các thông điệp dữ liệu giao dịch điện tử về tàu thuyền, giấy tờ tài liệu của tàu thuyền, thuyền viên, hành khách và hàng hóa được người làm thủ tục khai báo làm thủ tục điện tử.

3. Giấy phép rời cảng điện tử là giấy phép do Cảng vụ hàng hải cấp cho người làm thủ tục dưới dạng điện tử trên cổng thông tin điện tử sau khi đã hoàn thành thủ tục điện tử cho tàu thuyền rời cảng. Giấy phép rời cảng điện tử có mã số để tra cứu và có giá trị pháp lý thay thế Giấy phép rời cảng dạng giấy.

Điều 4. Khai báo làm thủ tục điện tử đối với tàu thuyền

1. Đối với tàu biển

Người làm thủ tục khai báo các thông tin theo các mẫu tờ khai quy định tại Điều 7 và Điều 8 của Thông tư này trên cổng thông tin một cửa quốc gia theo địa chỉ truy cập https://vnsw.gov.vn.

2. Đối với phương tiện thủy nội địa

Người làm thủ tục khai báo và gửi yêu cầu làm thủ tục cho phương tiện thủy nội địa bằng một trong hai hình thức sau:

a) Người làm thủ tục khai báo các thông tin theo các mẫu tờ khai quy định tại Điều 9 và Điều 10 của Thông tư này trên cổng thông tin điện tử Bộ Giao thông vận tải theo địa chỉ truy cập https://dichvucong.mt.gov.vn.

b) Người làm thủ tục soạn tin nhắn theo mẫu quy định tại Điều 9 và Điều 10 của Thông tư này và gửi tới Tổng đài làm thủ tục cho phương tiện thủy nội địa vào, rời cảng biển. Người làm thủ tục có trách nhiệm đăng ký số điện thoại dùng để gửi tin nhắn làm thủ tục tại Cảng vụ hàng hải.

Điều 5. Kiểm tra các loại giấy chứng nhận của tàu thuyền và thuyền viên

Cảng vụ hàng hải thực hiện kiểm tra các thông tin khai báo, tra cứu dữ liệu của tàu thuyền, thuyền viên trên cơ sở dữ liệu điện tử của các cơ quan có thẩm quyền làm cơ sở giải quyết thủ tục điện tử cho tàu thuyền vào, rời cảng biển. Cảng vụ hàng hải chỉ được yêu cầu người làm thủ tục nộp, xuất trình các giấy tờ trong trường hợp cơ sở dữ liệu không có dữ liệu của tàu thuyền, thuyền viên đã được người làm thủ tục khai báo.

Điều 6. Thanh toán phí, lệ phí

Người làm thủ tục có trách nhiệm hoàn thành thanh toán phí và lệ phí vào, rời cảng biển ngay sau khi nhận được thông báo phí, lệ phí bằng một trong các hình thức thanh toán sau đây:

1. Thanh toán trực tuyến tại Cổng thông tin một cửa quốc gia, cổng thông tin điện tử Bộ Giao thông vận tải.

2. Thanh toán chuyển khoản vào tài khoản của Cảng vụ hàng hải.

3. Thanh toán bằng tiền mặt

Chương II

THỦ TỤC ĐIỆN TỬ CHO TÀU THUYỀN HOẠT ĐỘNG TUYẾN NỘI ĐỊA VÀO, RỜI CẢNG BIỂN

Điều 7. Thủ tục đối với tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến nội địa vào cảng biển

1. Thông báo tàu đến cảng

a) Chậm nhất 08 giờ trước khi tàu dự kiến đến cảng biển, người làm thủ tục phải khai báo và gửi Thông báo tàu đến cảng trên Cổng thông tin một cửa quốc gia theo Mẫu số 01 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Trường hợp tàu biển di chuyển giữa các cảng biển Việt Nam hoặc khu vực hàng hải không quá 20 hải lý, chậm nhất 02 giờ trước khi tàu biển dự kiến đến cảng biển, người làm thủ tục khai báo và gửi Thông báo tàu đến cảng trên Cổng thông tin một cửa quốc gia theo Mẫu số 01 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Xác báo tàu biển đến cảng

Chậm nhất 02 giờ trước khi tàu đến vùng đón trả hoa tiêu, người làm thủ tục phải xác báo cho Cảng vụ hàng hải biết chính xác thời gian tàu đến cảng bằng VHF, điện thoại hoặc các phương thức thông tin liên lạc phù hợp khác.

Chậm nhất 02 giờ, kể từ khi nhận được xác báo tàu đã đến vị trí đón trả hoa tiêu, Cảng vụ hàng hải cấp Lệnh điều động điện tử trên Cổng thông tin một cửa quốc gia theo Mẫu số 02 của Thông tư này. Trường hợp không chấp thuận phải trả lời và nêu rõ lý do.

3. Thủ tục khai báo điện tử

Chậm nhất 02 giờ, kể từ khi tàu đã vào neo đậu tại cầu cảng hoặc 04 giờ, kể từ khi tàu đã vào neo đậu tại các vị trí khác trong vùng nước cảng, người làm thủ tục khai báo và gửi hồ sơ điện tử trên Cổng thông tin một cửa quốc gia. Hồ sơ điện tử bao gồm:

a) 01 Bản khai chung theo Mẫu số 03 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;

b) 01 Danh sách thuyền viên theo Mẫu số 04 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;

c) 01 Danh sách hành khách (nếu có) theo Mẫu số 05 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Cảng vụ hàng hải tiếp nhận và giải quyết hồ sơ điện tử trên Cổng thông tin một cửa quốc gia. Trường hợp trên cơ sở dữ liệu điện tử không có dữ liệu của, tàu thuyền, thuyền viên thì Cảng vụ hàng hải thông báo đến người làm thủ tục để nộp, xuất trình tại trụ sở chính hoặc văn phòng đại diện của Cảng vụ hàng hải bản chính các giấy tờ sau:

a) Giấy tờ phải nộp: Giấy phép rời cảng cuối cùng;

b) Giấy tờ phải xuất trình: Giấy chứng nhận đăng ký tàu thuyền; Các giấy chứng nhận về an toàn kỹ thuật của tàu theo quy định; số thuyền viên; Chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên.

5. Thời hạn giải quyết thủ tục: Chậm nhất 01 giờ, kể từ khi người làm thủ tục hoàn thành thủ tục khai báo, nộp và xuất trình đầy đủ các giấy tờ theo quy định, Cảng vụ hàng hải kiểm tra, đối chiếu thông tin về tàu biển và thuyền viên để gửi thông báo xác nhận hoàn thành thủ tục cho người làm thủ tục trên cổng thông tin một cửa quốc gia.

Điều 8. Thủ tục đối với tàu biển Việt Nam hoạt động tuyến nội địa rời cảng biển

1. Thời hạn làm thủ tục: Chậm nhất 02 giờ trước khi tàu dự kiến rời cảng biển, người làm thủ tục khai báo và gửi hồ sơ điện tử trên Cổng thông tin một cửa quốc gia.

2. Hồ sơ phải khai báo điện tử bao gồm:

a) 01 Bản khai chung theo Mẫu số 03 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;

b) 01 Danh sách thuyền viên (nếu có thay đổi) theo Mẫu số 04 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;

c) 01 Danh sách hành khách (nếu có thay đổi) theo Mẫu số 05 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Cảng vụ hàng hải tiếp nhận và giải quyết hồ sơ điện tử trên Cổng thông tin một cửa quốc gia. Trường hợp trên cơ sở dữ liệu điện tử không có dữ liệu của tàu thuyền, thuyền viên thì Cảng vụ hàng hải thông báo đến người làm thủ tục đề xuất trình tại trụ sở chính hoặc văn phòng đại diện của Cảng vụ hàng hải bản chính các giấy tờ sau:

a) Các giấy chứng nhận của tàu thuyền và chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên nếu thay đổi so với khi đến;

b) Các giấy tờ liên quan đến xác nhận việc nộp phí, lệ phí, tiền phạt hoặc thanh toán các khoản nợ theo quy định của pháp luật (nếu có).

4. Thời hạn giải quyết thủ tục

Chậm nhất 01 giờ, kể từ khi người làm thủ tục hoàn thành thủ tục khai báo, xuất trình đủ các giấy tờ theo quy định, Cảng vụ hàng hải kiểm tra, đối chiếu thông tin về tàu biển và thuyền viên để cấp Giấy phép rời cảng biển điện tử trên Cổng thông tin một cửa quốc gia theo Mẫu số 06 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này và Giấy phép rời cảng bản giấy nếu người làm thủ tục có yêu cầu. Trường hợp không cấp Giấy phép phải trả lời và nêu rõ lý do.

5. Trường hợp tàu biển vào cảng và chỉ lưu lại cảng trong khoảng thời gian không quá 12 giờ, thuyền trưởng phải thông báo cho Cảng vụ hàng hải khu vực biết để làm thủ tục điện tử cho tàu vào, rời cảng cùng một lúc.

6. Trường hợp tàu biển đã được cấp Giấy phép rời cảng mà vẫn lưu lại tại cảng quá 24 giờ kể từ thời điểm tàu biển được phép rời cảng, tàu biển đó phải làm lại thủ tục rời cảng theo quy định tại Điều này.

Điều 9. Thủ tục đối với phương tiện thủy nội địa vào cảng biển

1. Thời hạn làm thủ tục:

a) Đối với phương tiện thủy nội địa mang cấp VR-SB: Chậm nhất 02 giờ trước khi phương tiện đến cảng, người làm thủ tục khai báo và gửi hồ sơ trên Cổng thông tin điện tử Bộ Giao thông vận tải hoặc gửi tin nhắn theo Mẫu số 12 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này đến số Tổng đài làm thủ tục cho phương tiện thủy nội địa vào, rời cảng biển.

b) Đối với phương tiện thủy nội địa khác: Trước khi phương tiện đến cảng hoặc sau khi vào neo đậu an toàn, người làm thủ tục khai báo và gửi hồ sơ trên Cổng thông tin điện tử Bộ Giao thông vận tải hoặc gửi tin nhắn theo Mẫu số 07 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này đến Tổng đài làm thủ tục phương tiện thủy nội địa tại cảng biển.

2. Hồ sơ khai báo điện tử bao gồm:

a) Bản khai chung theo Mẫu số 08 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Danh sách thuyền viên theo Mẫu số 09 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Danh sách hành khách (đối với phương tiện chở hành khách) theo Mẫu số 10 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Trường hợp làm thủ tục qua tin nhắn, sau khi phương tiện vào neo đậu an toàn, người làm thủ tục phải nộp tại trụ sở Cảng vụ hàng hải các giấy tờ sau:

a) Danh sách hành khách;

b) Giấy phép rời cảng, bến hoặc xác nhận của cơ quan có thẩm quyền nơi phương tiện thủy rời cảng, bến cuối cùng.

4. Cảng vụ hàng hải tiếp nhận và giải quyết hồ sơ điện tử trên cổng thông tin điện tử Bộ Giao thông vận tải. Trường hợp trên cơ sở dữ liệu điện tử không có dữ liệu của phương tiện, thuyền viên thì Cảng vụ hàng hải thông báo đến người làm thủ tục để nộp, xuất trình tại trụ sở chính hoặc văn phòng đại diện của Cảng vụ hàng hải bản chính các giấy tờ sau:

a) Giấy tờ phải nộp: Giấy phép rời cảng, bến hoặc xác nhận của cơ quan có thẩm quyền nơi phương tiện thủy nội địa rời cảng, bến cuối cùng.

b) Giấy tờ phải xuất trình: Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa (hoặc bản sao có xác nhận của tổ chức tín dụng trong trường hợp phương tiện đang cầm cố, thế chấp); Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện; Sổ Danh bạ thuyền viên; Bằng hoặc Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn và chứng chỉ của thuyền viên, người lái phương tiện.

5. Thời hạn giải quyết thủ tục

Chậm nhất 30 phút, kể từ khi người làm thủ tục hoàn thành thủ tục khai báo, nộp và xuất trình đủ các giấy tờ theo quy định, Cảng vụ hàng hải kiểm tra, đối chiếu thông tin phương tiện và thuyền viên để cấp Giấp phép vào cảng điện tử cho phương tiện thủy nội địa trên cổng thông tin điện tử Bộ Giao thông vận tải theo Mẫu số 11 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này hoặc gửi tin nhắn theo Mẫu số 07 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này đến người làm thủ tục (đối với trường hợp làm thủ tục theo tin nhắn điện thoại). Trường hợp không cấp Giấy phép phải trả lời và nêu rõ lý do.

Điều 10. Thủ tục đối với phương tiện thủy nội địa rời cảng biển

1. Thời hạn làm thủ tục: trước khi phương tiện rời cảng biển, người làm thủ tục khai báo và gửi hồ sơ điện tử trên cổng thông tin điện tử Bộ Giao thông vận tải hoặc gửi tin nhắn theo Mẫu số 07 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này đến Tổng đài làm thủ tục cho phương tiện thủy nội địa vào, rời cảng biển.

2. Hồ sơ phải khai báo điện tử bao gồm:

a) Bản khai chung theo Mẫu số 08 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Danh sách thuyền viên (nếu có thay đổi) theo Mẫu số 09 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Danh sách hành khách (đối với phương tiện chở hành khách, nếu có thay đổi) theo Mẫu số 10 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Trường hợp làm thủ tục qua tin nhắn, người làm thủ tục phải nộp tại trụ sở Cảng vụ hàng hải Danh sách hành khách (đối với phương tiện chở hành khách, nếu có thay đổi).

4. Cảng vụ hàng hải tiếp nhận và giải quyết hồ sơ điện tử trên cổng thông tin điện tử Bộ Giao thông vận tải. Trường hợp trên cơ sở dữ liệu điện tử không có dữ liệu của phương tiện, thuyền viên thì Cảng vụ hàng hải thông báo đến người làm thủ tục để xuất trình tại trụ sở chính hoặc văn phòng đại diện của Cảng vụ hàng hải bản chính các giấy tờ sau:

a) Các giấy chứng nhận của phương tiện và chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên nếu thay đổi so với khi đến;

b) Các giấy tờ liên quan đến xác nhận việc nộp phí, lệ phí, tiền phạt hoặc thanh toán các khoản nợ theo quy định của pháp luật (nếu có).

5. Thời hạn giải quyết thủ tục

Chậm nhất 30 phút, kể từ khi người làm thủ tục hoàn thành thủ tục khai báo, nộp và xuất trình đủ các giấy tờ theo quy định, Cảng vụ hàng hải kiểm tra, đối chiếu thông tin phương tiện và thuyền viên để cấp Giấp phép rời cảng điện tử cho phương tiện thủy nội địa trên cổng thông tin điện tử Bộ Giao thông vận tải theo Mẫu số 12 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư và Giấy phép rời cảng bản giấy nếu người làm thủ tục có yêu cầu. Trường hợp làm thủ tục qua tin nhắn thì Cảng vụ hàng hải cấp Giấy phép rời cảng bản giấy cho người làm thủ tục. Trường hợp không cấp Giấy phép phải trả lời và nêu rõ lý do.

6. Trường hợp phương tiện thủy nội địa vào cảng biển và lưu lại trong khoảng thời gian không quá 72 giờ hoặc giấy tờ, tài liệu khi làm thủ tục rời cảng không thay đổi so với khi đến thì được làm thủ tục vào, rời cảng cùng một lúc.

7. Trường hợp phương tiện đã được cấp Giấy phép rời cảng mà vẫn lưu lại tại cảng quá 24 giờ, kể từ thời điểm phương tiện được phép rời cảng, phương tiện đó phải làm lại thủ tục rời cảng theo quy định tại Điều này.

Điều 11. Thủ tục đối với tàu biển, phương tiện thủy nội địa vào và rời một khu vực hàng hải thuộc vùng nước cảng biển có cảng, bến thủy nội địa

Khi tàu biển, phương tiện thủy nội địa vào, rời một khu vực hàng hải thuộc vùng nước cảng biển thì chỉ phải làm thủ tục vào, rời một lần. Tàu biển, phương tiện thủy nội địa không phải làm thủ tục khi di chuyển giữa các cảng, bến thủy nội địa, bến cảng biển, cầu cảng biển (gọi chung là cảng, bến) trong một khu vực hàng hải. Thủ tục vào, rời thực hiện tại cảng, bến đầu tiên và cảng, bến cuối cùng mà tàu biển, phương tiện thủy nội địa vào, rời.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 12. Trách nhiệm của Cục Hàng hải Việt Nam

1. Cục Hàng hải Việt Nam có trách nhiệm xây dựng và thường xuyên cập nhật các cơ sở dữ liệu điện tử sau:

a) Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển;

b) Giấy chứng nhận định biên an toàn tối thiểu;

c) Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam;

d) Các Giấy xác nhận việc cấp Giấy chứng nhận vô tuyến điện viên hệ GMDSS hạng tổng quát (GOC), Giấy chứng nhận vô tuyến điện viên hệ GMDSS hạng hạn chế (ROC) và giấy chứng nhận xác nhận giấy huấn luyện nghiệp vụ đặc biệt cho tàu chuyên dùng;

đ) Sổ thuyền viên;

e) Cấp giấy chứng nhận bảo hiểm hoặc bảo đảm tài chính về trách nhiệm dân sự đối với tổn thất ô nhiễm dầu năm 1992 (CLC);

g) Cấp giấy chứng nhận bảo hiểm hoặc bảo đảm tài chính về trách nhiệm dân sự đối với tổn thất ô nhiễm dầu nhiên liệu năm 2001 (BCC);

h) Các giấy chứng nhận khác do Cục Hàng hải Việt Nam cấp.

2. Chỉ đạo các Cảng vụ hàng hải tổ chức thực hiện Thông tư này.

Điều 13. Trách nhiệm của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam

Cục Đường thủy nội địa Việt Nam có trách nhiệm xây dựng và thường xuyên cập nhật cơ sở dữ liệu điện tử sau:

1. Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa.

2. Bằng, Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn thuyền viên.

3. Các giấy chứng nhận khác do Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cấp.

Điều 14. Trách nhiệm của Cục Đăng kiểm Việt Nam

Cục Đăng kiểm Việt Nam có trách nhiệm xây dựng và thường xuyên cập nhật cơ sở dữ liệu điện tử sau:

1. Đối với tàu biển:

a) Giấy chứng nhận dung tích;

b) Giấy chứng nhận mạn khô;

c) Giấy chứng nhận phân cấp;

d) Giấy chứng nhận ngăn ngừa ô nhiễm dầu;

đ) Giấy chứng nhận an toàn trang thiết bị;

e) Giấy chứng nhận đối với tàu chuyên dùng.

2. Đối với phương tiện thủy nội địa: Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa.

3. Các Giấy chứng nhận khác do Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp.

Điều 15. Trách nhiệm của Sở Giao thông vận tải

Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm thường xuyên cập nhật vào cơ sở dữ liệu điện tử của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đối với các giấy tờ:

1. Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa.

2. Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa.

3. Bằng, Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền viên.

4. Các Giấy chứng nhận khác do Sở Giao thông vận tải cấp.

Điều 16. Trách nhiệm của Trung tâm Công nghệ thông tin Bộ Giao thông vận tải

1. Xây dựng hệ thống công nghệ thông tin cho thủ tục điện tử đối với tàu thuyền Việt Nam hoạt động tuyến nội địa vào, rời cảng biển theo quy định của Thông tư này.

2. Cấp tài khoản truy cập Cổng thông tin điện tử Bộ Giao thông vận tải cho các tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục điện tử quy định tại Thông tư này.

3. Đăng ký, công bố và duy trì hoạt động của Tổng đài làm thủ tục cho phương tiện thủy nội địa vào, rời cảng biển. Tiếp nhận số điện thoại của chủ tàu do Cảng vụ hàng hải gửi và công khai trên Cổng thông tin điện tử Bộ Giao thông vận tải.

4. Bảo đảm vận hành hệ thống để xử lý tình huống bất thường, khắc phục sự cố nhằm bảo đảm duy trì hoạt động an toàn, liên tục của hệ thống trao đổi dữ liệu điện tử tại địa chỉ dichvucong.mt.gov.vn và thực hiện kết nối, trao đổi dữ liệu với Cổng thông tin một cửa quốc gia đối với thủ tục quy định tại Điều 7 và Điều 8 Thông tư này.

5. Thực hiện lưu trữ hồ sơ điện tử theo quy định của pháp luật về lưu trữ.

Điều 17. Trách nhiệm của Cảng vụ hàng hải

1. Áp dụng công nghệ thông tin để thực hiện khai báo thủ tục điện tử khi làm thủ tục tàu thuyền vào, rời cảng biển.

2. Cập nhật dữ liệu về giấy phép rời cảng điện tử và hồ sơ giấy của tàu thuyền rời cảng biển tại khu vực quản lý của cảng vụ trên cơ sở dữ liệu của Cục Hàng hải Việt Nam.

3. Tổng hợp số điện thoại do chủ phương tiện đăng ký gửi Trung tâm Công nghệ thông tin Bộ Giao thông vận tải.

Điều 18. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2016.

2. Thủ tục đối với phương tiện thủy nội địa theo quy định của Thông tư này được áp dụng từ ngày 01 tháng 03 năm 2016.

3. Ban hành kèm theo Thông tư này 01 Phụ lục bao gồm 12 Mẫu bản khai và giấy phép.

Điều 19. Quy định chuyển tiếp

Đối với tàu thuyền chưa đủ điều kiện thực hiện thủ tục điện tử theo quy định tại Thông tư này thì được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 21/2012/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ về quản lý cảng biển và luồng hàng hải và Thông tư số 10/2013/TT-BGTVT ngày 8 tháng 5 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 21/2012/NĐ-CP.

Điều 20. Tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin của Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Giám đốc Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Đinh La Thăng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.