THÔNG TƯ
Quy định tổ chức thi tuyển vào ngạch Chấp hành viên sơ cấp
__________________
Căn cứ Luật Cán bộ, công chức ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Luật Thi hành án dân sự ngày 14 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức và Nghị định số 93/2010/NĐ-CP ngày 31 tháng 8 năm 2010 của Chính phủ sửa đổi một số điều của Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức;
Căn cứ Nghị định số 74/2009/NĐ-CP ngày 09 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự và công chức làm công tác thi hành án dân sự;
Căn cứ Nghị định số 93/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;
Sau khi trao đổi thống nhất với Bộ Nội vụ (Công văn số 3008/BNV-CCVC ngày 22 tháng 8 năm 2012 của Bộ Nội vụ);
Xét đề nghị của Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Tư pháp;
Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư quy định việc tổ chức thi tuyển Chấp hành viên sơ cấp như sau:
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về nguyên tắc, điều kiện, nội dung, hình thức và quy trình tổ chức thi tuyển vào ngạch Chấp hành viên sơ cấp của Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Cục Thi hành án dân sự) và Chi cục Thi hành án dân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Chi cục Thi hành án dân sự). Việc thi tuyển vào ngạch Chấp hành viên sơ cấp các cơ quan thi hành án dân sự trong quân đội thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và theo quy định của pháp luật.
Điều 2. Nguyên tắc tổ chức thi tuyển Chấp hành viên sơ cấp
Việc tổ chức thi tuyển Chấp hành viên sơ cấp (sau đây gọi chung là thi tuyển) được thực hiện theo nguyên tắc công khai, minh bạch, khách quan và cạnh tranh.
Điều 3. Đăng ký nhu cầu ngạch Chấp hành viên sơ cấp
1. Chậm nhất là ngày 31 tháng 3 hàng năm, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự có văn bản báo cáo Tổng cục Thi hành án dân sự về biên chế, số lượng công chức hiện có theo từng ngạch công chức và đăng ký nhu cầu Chấp hành viên sơ cấp của địa phương để trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt chỉ tiêu và kế hoạch thi tuyển.
2. Kế hoạch thi tuyển Chấp hành viên sơ cấp được Bộ Tư pháp thông báo công khai theo quy định của pháp luật để các đối tượng có nhu cầu đăng ký dự thi tuyển.
Điều 4. Đối tượng đăng ký dự thi tuyển
1. Công chức các cơ quan thi hành án dân sự địa phương.
2. Công chức các cơ quan khác có nhu cầu đăng ký dự thi.
3. Những người chưa phải là công chức có nhu cầu đăng ký dự thi.
Chương II
NỘI QUY, QUY CHẾ THI TUYỂN, HỘI ĐỒNG THI, ĐIỀU KIỆN, HỒ SƠ ĐĂNG KÝ THI TUYỂN CHẤP HÀNH VIÊN SƠ CẤP
Điều 5. Nội quy, quy chế thi tuyển
Nội quy kỳ thi và quy chế thi tuyển vào ngạch Chấp hành viên sơ cấp thực hiện như quy định về nội quy kỳ thi, quy chế thi nâng ngạch công chức quy định tại Phụ lục số 3 và Phụ lục số 4 ban hành kèm theo Thông tư số 13/2010/TT-BNV ngày 30 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định chi tiết một số điều về tuyển dụng và nâng ngạch công chức của Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức (sau đây gọi chung là Thông tư số 13/2010/TT-BNV).
Điều 6. Hội đồng thi tuyển Chấp hành viên sơ cấp
1. Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định thành lập Hội đồng thi tuyển Chấp hành viên sơ cấp trên cơ sở đề nghị của Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự. Hội đồng thi tuyển Chấp hành viên sơ cấp có 05 hoặc 07 thành viên, bao gồm:
a) Chủ tịch Hội đồng: 01 Lãnh đạo Bộ Tư pháp;
b) Phó Chủ tịch Hội đồng: 01 Lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự;
c) Các Ủy viên Hội đồng: 01 Lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Tư pháp và các uỷ viên khác là đại diện các đơn vị chuyên môn, nghiệp vụ có liên quan;
d) Ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng: 01 Lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự.
2. Hội đồng thi tuyển Chấp hành viên sơ cấp thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật.
Điều 7. Điều kiện và hồ sơ đăng ký dự thi tuyển đối với công chức đang công tác tại cơ quan thi hành án dân sự
1. Đối với các trường hợp đăng ký thi tuyển tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi mình đang công tác thì điều kiện và hồ sơ thực hiện theo quy định tại Điều 15 và Điều 18 Nghị định số 74/2009/NĐ-CP, kèm theo Giấy chứng nhận sức khoẻ do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp trong hạn 30 ngày, tính đến ngày nộp hồ sơ dự tuyển và các quy định của Thông tư này.
2. Đối với trường hợp công chức cơ quan thi hành án dân sự thuộc tỉnh, thành phố này đăng ký thi tuyển vào ngạch Chấp hành viên sơ cấp của cơ quan thi hành án dân sự tỉnh, thành phố khác phải có đủ điều kiện, hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này và các nội dung sau:
a) Đơn vị nơi công chức đăng ký dự thi còn chỉ tiêu biên chế và có nhu cầu bổ sung Chấp hành viên sơ cấp;
b) Văn bản đồng ý cho tham dự thi tuyển của cơ quan, đơn vị mà người đăng ký dự thi đang công tác.
Điều 8. Điều kiện và hồ sơ đăng ký dự thi của công chức không thuộc các cơ quan thi hành án dân sự
Công chức không thuộc các cơ quan thi hành án dân sự đăng ký dự thi tuyển phải bảo đảm đủ điều kiện và hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư này và các nội dung sau:
1. Đơn vị nơi công chức đăng ký dự thi còn chỉ tiêu biên chế và có nhu cầu bổ sung Chấp hành viên sơ cấp;
2. Có văn bản đồng ý cho tham dự thi tuyển của Thủ trưởng cơ quan nơi công chức đang công tác.
Điều 9. Điều kiện và hồ sơ đăng ký dự thi của những người chưa phải là công chức
1. Có đủ các điều kiện để trở thành công chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.
2. Có đủ điều kiện và hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư này.
3. Đơn vị nơi đăng ký dự thi còn chỉ tiêu biên chế và có nhu cầu bổ sung Chấp hành viên sơ cấp.
4. Có đủ điều kiện được miễn chế độ tập sự quy định tại khoản 4 Điều 20 Nghị định số 24/2010/NĐ-CP.
5. Có tài liệu, giấy tờ để xác định thời gian làm công tác pháp luật.
Điều 10. Sơ tuyển ngạch Chấp hành viên sơ cấp
1. Tập thể lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự thực hiện sơ tuyển đối với những người được đề nghị hoặc đăng ký tham dự thi tuyển ngạch Chấp hành viên sơ cấp tại địa phương mình.
2. Nội dung sơ tuyển:
a) Kiểm tra tính hợp lệ của Hồ sơ của những người tham dự thi tuyển;
b) Kiểm tra điều kiện tham dự thi tuyển;
c) Đánh giá phẩm chất chính trị, đạo đức và các điều kiện về sức khỏe của người dự thi tuyển theo yêu cầu, nhiệm vụ thi hành án dân sự.
3. Trên cơ sở kết quả sơ tuyển theo quy định tại khoản 2 Điều này, tập thể lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự đánh giá kết quả sơ tuyển theo hình thức đạt hoặc không đạt.
4. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày thực hiện sơ tuyển, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự phải thông báo kết quả sơ tuyển cho người được sơ tuyển và cơ quan nơi người đó công tác biết.
Trường hợp có khiếu nại về kết quả sơ tuyển thì Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự phải xem xét, giải quyết. Thủ tục giải quyết khiếu nại của công chức thực hiện theo quy định của pháp luật.
Điều 11. Thời gian tổ chức kỳ thi tuyển quốc gia vào ngạch Chấp hành viên sơ cấp
Hàng năm, Tổng cục Thi hành án dân sự phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Tư pháp tham mưu, trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định tổ chức kỳ thi tuyển quốc gia vào ngạch chấp hành viên sơ cấp.
Chương III
MÔN THI, HÌNH THỨC THI TUYỂN CHẤP HÀNH VIÊN SƠ CẤP
Điều 12. Các môn thi
1. Công chức loại C đăng ký thi tuyển vào ngạch Chấp hành viên sơ cấp phải tham gia thi các môn thi quy định tại khoản 1 Điều 13 Thông tư này.
2. Công chức loại D đăng ký dự thi vào ngạch Chấp hành viên sơ cấp phải tham gia đủ các môn thi theo quy định tại Điều 13 Thông tư này trừ trường hợp quy định tại Điều 5 Phụ lục số 5 ban hành kèm theo Thông tư số 13/2010/TT-BNV.
3. Những người chưa phải là công chức, nếu đăng ký dự thi vào ngạch Chấp hành viên sơ cấp phải tham gia đủ các môn thi theo quy định tại Điều 13 Thông tư này.
Điều 13. Hình thức thi và thời gian thi
1. Môn nghiệp vụ chuyên ngành thi hành án dân sự gồm 01 bài thi trắc nghiệm Pháp luật về thi hành án dân sự, thời gian 45 phút và 01 bài thi viết Kỹ năng thi hành án dân sự, thời gian 180 phút.
2. Môn Kiến thức chung: Thi viết 01 bài, thời gian 180 phút.
3. Môn Ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số: Thi viết để kiểm tra về các kỹ năng đọc hiểu, viết ở trình độ B (một trong năm thứ tiếng Anh, Pháp, Nga, Đức, Trung Quốc) hoặc thi tiếng dân tộc thiểu số quy định tại khoản 4 Điều 7 Thông tư số 13/2010/TT-BNV. Thời gian thi là 60 phút.
4. Môn tin học văn phòng: thi trắc nghiệm hoặc thi thực hành trên máy vi tính về hệ điều hành Windows, sử dụng các ứng dụng của Microsoft Office, sử dụng Internet. Thời gian thi là 30 phút.
Điều 14. Cách tính điểm các môn thi
1. Bài thi được chấm theo thang điểm 100.
2. Điểm các môn thi được tính như sau:
a) Môn nghiệp vụ chuyên ngành thi hành án dân sự: bài thi viết kỹ năng thi hành án dân sự tính hệ số 2; bài thi trắc nghiệm pháp luật về thi hành án dân sự tính hệ số 1;
b) Điểm các bài thi môn kiến thức chung, môn ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số và môn tin học tính hệ số 1 và không tính vào tổng số điểm thi.
Nội dung các môn thi này thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 8 Nghị định số 24/2010/NĐ-CP và các quy định khác có liên quan.
Điều 15. Xác định người trúng tuyển trong kỳ thi tuyển Chấp hành viên sơ cấp
1. Người trúng tuyển trong kỳ thi tuyển phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có đủ các bài thi của các môn thi theo quy định tại Điều 12 Thông tư này;
b) Có số điểm của mỗi bài thi (chưa nhân hệ số) đạt từ 50 điểm trở lên;
c) Có kết quả thi tuyển cao hơn lấy theo thứ tự từ cao xuống thấp trong phạm vi chỉ tiêu Chấp hành viên sơ cấp của đơn vị. Theo tổng điểm chung được xác định như sau: Tổng điểm chung = (điểm bài thi nghiệp vụ chuyên ngành thi hành án dân sự (thi viết) x (nhân) hệ số 2) + (điểm bài thi nghiệp vụ chuyên ngành (trắc nghiệm) x (nhân) hệ số 1).
d) Trường hợp có 02 người trở lên có kết quả thi tuyển bằng nhau ở vị trí, chỉ tiêu cuối cùng của ngạch Chấp hành viên sơ cấp (theo chỉ tiêu phân bổ của cơ quan quản lý công chức), thì người có điểm bài thi viết kỹ năng thi hành án dân sự cao hơn là người trúng tuyển. Nếu vẫn không xác định được người trúng tuyển thì Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự có văn bản đề nghị để Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, quyết định người trúng tuyển.
Điều 16. Thông báo kết quả kỳ thi và bổ nhiệm vào ngạch Chấp hành viên sơ cấp
1. Hội đồng thi tuyển Chấp hành viên sơ cấp thông báo công khai kết quả thi trên cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp, thông báo cho Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự, cơ quan nơi có công chức đăng ký dự thi vào ngạch Chấp hành viên sơ cấp và những người đăng ký dự thi về kết quả thi.
2. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày hoàn thành thủ tục phúc khảo theo quy định, Hội đồng thi tuyển Chấp hành viên sơ cấp phải báo cáo Bộ trưởng Bộ Tư pháp công nhận kết quả kỳ thi và phê duyệt danh sách công chức trúng tuyển.
Trường hợp nhiều người có tổng số điểm bằng nhau ở chỉ tiêu Chấp hành viên sơ cấp cuối cùng của từng tỉnh, thành phố thì Hội đồng thi tuyển Chấp hành viên lập riêng danh sách số người này để xác định người trúng tuyển theo quy định tại Thông tư này.
3. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả của Hội đồng thi tuyển, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ra quyết định công nhận kết quả kỳ thi và danh sách người trúng tuyển, thông báo cho Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự có công chức tham dự kỳ thi và cơ quan nơi có công chức dự thi vào ngạch Chấp hành viên sơ cấp trúng tuyển, đồng thời quyết định bổ nhiệm Chấp hành viên sơ cấp theo quy định trừ trường hợp quy định tại Điều 19, Điều 20 Thông tư này.
Điều 17. Bổ nhiệm Chấp hành viên sơ cấp đối với trường hợp công chức trúng tuyển kỳ thi tuyển Chấp hành viên sơ cấp có nguyện vọng đến làm Chấp hành viên sơ cấp của tỉnh, thành phố khác
Trường hợp tham dự kỳ thi tuyển Chấp hành viên sơ cấp đáp ứng đủ điều kiện tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 15 của Thông tư này nhưng tại đơn vị mà công chức đang công tác đã thực hiện đủ chỉ tiêu Chấp hành viên sơ cấp theo quy định tại điểm c và điểm d Điều 15 của Thông tư này thì có thể được xem xét để bổ nhiệm vào ngạch Chấp hành viên sơ cấp ở các cơ quan thi hành án dân sự của tỉnh, thành phố khác khi đáp ứng các yêu cầu sau đây:
1. Công chức có đơn trình bày nguyện vọng;
2. Đơn vị đăng ký chuyển đến còn chỉ tiêu và được sự đồng ý bằng văn bản của Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự nơi công chức chuyển đi và Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự nơi công chức chuyển đến.
Điều 18. Điều động, bổ nhiệm Chấp hành viên sơ cấp đối với các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư này
Căn cứ kết quả kỳ thi tuyển Chấp hành viên sơ cấp, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định bổ nhiệm và điều động Chấp hành viên đối với trường hợp công chức cơ quan thi hành án dân sự thuộc tỉnh, thành phố này trúng tuyển kỳ thi tuyển vào ngạch Chấp hành viên của cơ quan thi hành án dân sự tỉnh, thành phố khác.
Điều 19. Tiếp nhận và bổ nhiệm Chấp hành viên sơ cấp đối với trường hợp công chức không thuộc các cơ quan thi hành án dân sự trúng tuyển kỳ thi tuyển vào ngạch Chấp hành viên sơ cấp
Căn cứ kết quả thi tuyển Chấp hành viên sơ cấp, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự nơi có công chức đăng ký dự thi hoàn tất hồ sơ, thủ tục báo cáo Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định tiếp nhận và bổ nhiệm Chấp hành viên sơ cấp đối với trường hợp công chức không thuộc các cơ quan thi hành án dân sự đỗ kỳ thi tuyển vào ngạch Chấp hành viên sơ cấp.
Điều 20. Tuyển dụng và bổ nhiệm Chấp hành viên sơ cấp đối với trường hợp chưa phải là công chức
Căn cứ kết quả thi tuyển Chấp hành viên sơ cấp, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự nơi có người đăng ký dự thi hoàn tất hồ sơ, thủ tục báo cáo Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định tuyển dụng và bổ nhiệm Chấp hành viên sơ cấp đối với trường hợp chưa phải là công chức đỗ kỳ thi tuyển vào ngạch Chấp hành viên sơ cấp.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ HIỆU LỰC THI HÀNH
Điều 21. Trách nhiệm thi hành
1. Hàng năm, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự có trách nhiệm rà soát số lượng công chức hiện có theo từng ngạch công chức và đăng ký nhu cầu thi tuyển vào ngạch Chấp hành viên sơ cấp của các cơ quan thi hành án dân sự của địa phương gửi Tổng cục Thi hành án dân sự.
2. Căn cứ đề xuất của Cục Thi hành án dân sự, Tổng cục Thi hành án dân sự xây dựng kế hoạch thi tuyển vào ngạch Chấp hành viên sơ cấp trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt.
Điều 22. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2012.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các đơn vị phản ánh về Bộ Tư pháp để hướng dẫn, xem xét, giải quyết./.