Sign In

THÔNG TƯ

Hướng dẫn thực hiện một số điều tại Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ

về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản,

xây dựng cánh đồng lớn

________________

 

Căn cứ Nghị định số 199/2013/NĐ-CP ngày 26/11/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Quyết định 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn,

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều tại Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này ban hành tiêu chí cánh đồng lớn; Hướng dẫn quy hoạch và tổ chức triển khai xây dựng các vùng sản xuất nông sản tập trung theo mô hình cánh đồng lớn trong lĩnh vực trồng trọt.

2. Đối tượng áp dụng

a) Doanh nghiệp có hợp đồng hợp tác, liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (gọi chung là tổ chức đại diện của nông dân) hoặc hộ gia đình, cá nhân, trang trại (gọi chung là nông dân).

b) Tổ chức đại diện của nông dân có hợp đồng hợp tác, liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn với doanh nghiệp hoặc nông dân.

c) Nông dân tham gia hợp đồng hợp tác, liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn với doanh nghiệp hoặc tổ chức đại diện của nông dân.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Dự án hoặc Phương án cánh đồng lớn là dự án hoặc phương án phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn do doanh nghiệp hoặc tổ chức đại diện của nông dân xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản là hợp đồng hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn (sau đây gọi là hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản) được ký kết giữa doanh nghiệp với tổ chức đại diện của nông dân hoặc nông dân; giữa tổ chức đại diện của nông dân với nông dân.

Điều 3. Tiêu chí cánh đồng lớn

Việc chấp thuận và phê duyệt Dự án hoặc Phương án cánh đồng lớn phải đáp ứng các tiêu chí sau đây:

1. Tiêu chí bắt buộc

a) Phù hợp với quy hoạch của địa phương về: Phát triển kinh tế - xã hội; sử dụng đất; tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp; nông thôn mới và các quy hoạch khác.

b) Áp dụng đồng bộ quy trình sản xuất được thống nhất giữa các bên tham gia liên kết, phù hợp với loại cây trồng và đảm bảo phát triển bền vững.

c) Có ít nhất một trong các hình thức liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng sau đây:

- Liên kết giữa doanh nghiệp tiêu thụ - doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào với tổ chức đại diện của nông dân hoặc nông dân;

- Liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với nông dân;

- Liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với tổ chức đại diện của nông dân;

- Liên kết sản xuất giữa tổ chức đại diện của nông dân với nông dân.

(Mẫu hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản theo phụ lục 1)

d) Quy mô diện tích của cánh đồng lớn:

Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) căn cứ điều kiện của địa phương quy định quy mô diện tích tối thiểu Dự án hoặc Phương án cánh đồng lớn phù hợp với điều kiện cụ thể và từng loại nông sản, hình thành vùng nguyên liệu.

2. Tiêu chí khuyến khích

a) Có hạ tầng kinh tế như hệ thống giao thông nội đồng, thủy lợi, điện và những công trình phục vụ sản xuất khác đáp ứng yêu cầu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và từng bước cải thiện theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung.

b) Quy mô lớn tập trung và áp dụng cơ giới hóa đồng bộ; công nghệ tiên tiến (sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, VietGAP, Global GAP…) và có cơ sở thu mua, bảo quản, chế biến nông sản gần nơi sản xuất.

c) Các tiêu chí khác do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định nếu thấy cần thiết.

Điều 4. Hướng dẫn Quy hoạch hoặc Kế hoạch cánh đồng lớn

Tùy theo điều kiện cụ thể từng địa phương lựa chọn xây dựng một trong hai hình thức Quy hoạch hoặc Kế hoạch cánh đồng lớn làm căn cứ phê duyệt các Dự án hoặc Phương án cánh đồng lớn tại địa phương.

1. Căn cứ xây dựng Quy hoạch hoặc Kế hoạch cánh đồng lớn

a) Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp đã được phê duyệt.

b) Quy hoạch phát triển sản xuất ngành nông nghiệp (bao gồm: Quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 theo Quyết định số 124/2012/QĐ-TTg ban hành ngày 02/2/2012 của Thủ tướng Chính phủ; các quy hoạch khác của địa phương được cấp thẩm quyền phê duyệt).

d) Tiêu chí quy mô cánh đồng lớn quy định tại Điều 3 của Thông tư này.

đ) Lợi thế của địa phương, dự báo nhu cầu thị trường của loại sản phẩm dự kiến sản xuất và định hướng phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.

e) Nhu cầu xây dựng cánh đồng lớn của các doanh nghiệp, tổ chức đại diện của nông dân.

2. Thời gian thực hiện Quy hoạch hoặc Kế hoạch cánh đồng lớn

Quy hoạch hoặc Kế hoạch cánh đồng lớn phải ổn định tối thiểu trong 10 năm; định kỳ có kiểm tra, đánh giá và điều chỉnh.

3. Quy trình xây dựng, thẩm định và phê duyệt Quy hoạch hoặc Kế hoạch cánh đồng lớn

a) Quy trình xây dựng, thẩm định và phê duyệt Quy hoạch cánh đồng lớn: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31/10/2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu.

b) Quy trình xây dựng, thẩm định và phê duyệt Kế hoạch cánh đồng lớn

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì xây dựng Kế hoạch cánh đồng lớn của tỉnh;

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan, Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện) xây dựng Kế hoạch cánh đồng lớn và trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh;

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập hội đồng thẩm định, phê duyệt và công bố Kế hoạch cánh đồng lớn.

Điều 5. Quy định về xây dựng Dự án hoặc Phương án cánh đồng lớn

Tùy theo điều kiện cụ thể từng địa phương, doanh nghiệp, tổ chức đại diện của nông dân lựa chọn xây dựng một trong hai hình thức Dự án hoặc Phương án cánh đồng lớn.

1. Chấp thuận về chủ trương

Doanh nghiệp hoặc tổ chức đại diện của nông dân có nhu cầu tham gia liên kết trong cánh đồng lớn, có đơn đề nghị xây dựng Dự án hoặc Phương án cánh đồng lớn gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin ý kiến chấp thuận (mẫu đơn theo phụ lục 2).

Sau khi nhận được đơn đề nghị, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện có liên quan xem xét và trả lời bằng văn bản việc chấp thuận trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn. Trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do.

2. Xây dựng Dự án hoặc Phương án cánh đồng lớn

Căn cứ vào ý kiến chấp thuận của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, doanh nghiệp hoặc tổ chức đại diện của nông dân xây dựng Dự án hoặc Phương án cánh đồng lớn (mẫu Dự án hoặc Phương án theo phụ lục 3).

Phương án thực hiện các nội dung được ưu đãi, hỗ trợ quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 4 và Điểm b Khoản 2 Điều 5 Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg phải thể hiện trong Dự án hoặc Phương án cánh đồng lớn mà doanh nghiệp hoặc tổ chức đại diện của nông dân xây dựng.

3. Hồ sơ đề nghị thẩm định, phê duyệt

a) Đơn đề nghị phê duyệt Dự án hoặc Phương án cánh đồng lớn (mẫu đơn theo phụ lục 4).

b) Dự án hoặc Phương án cánh đồng lớn.

c) Giấy phép kinh doanh theo quy định của pháp luật trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh có điều kiện (bản công chứng).

d) Thông tin về năng lực tiêu thụ nông sản của doanh nghiệp, tổ chức đại diện của nông dân được tính bằng sản lượng nông sản tiêu thụ trong nước hoặc xuất khẩu trung bình 3 năm gần nhất; hoặc năng lực bảo quản và chế biến tính theo công suất kho, xưởng và máy móc thiết bị phục vụ chế biến hiện có của doanh nghiệp, tổ chức đại diện của nông dân. Các thông tin này do doanh nghiệp, tổ chức đại diện của nông dân tự kê khai và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của thông tin.

4. Quy trình thẩm định và phê duyệt

a) Sau khi được chấp thuận chủ trương, doanh nghiệp hoặc tổ chức đại diện của nông dân xây dựng Dự án hoặc Phương án cánh đồng lớn gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ít nhất 07 bộ hồ sơ để tổ chức thẩm định.

b) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ theo đường bưu điện hoặc ngay trong ngày nếu nhận hồ sơ trực tiếp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm kiểm tra mức độ đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ và yêu cầu đơn vị nộp hơ sơ hoàn thiện đầy đủ nếu hồ sơ còn thiếu.

c) Chậm nhất 15 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ hợp lệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện có liên quan thẩm định trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét phê duyệt Dự án hoặc Phương án cánh đồng lớn.

Trường hợp Dự án hoặc Phương án không được phê duyệt, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho doanh nghiệp hoặc tổ chức đại diện của nông dân.

5. Thời gian thực hiện

Thời gian thực hiện Dự án hoặc Phương án cánh đồng lớn phải đảm bảo theo lộ trình thực hiện đối với cây hàng năm là 5 năm, đối với cây lâu năm là 7 năm.

6. Lộ trình xây dựng nhu cầu nguyên liệu

Để đảm bảo thực hiện quy định về vùng nguyên liệu tại Điểm b Khoản 2 Điều 4 của Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg, Dự án hoặc Phương án cánh đồng lớn thực hiện theo lộ trình tối thiểu quy định tại Điểm b Khoản 6 Điều này và được tính như sau:

a) Công thức tính tỷ lệ đáp ứng về nhu cầu nguyên liệu (theo phụ lục 5).

b) Bảng quy định lộ trình xây dựng nhu cầu nguyên liệu:

Loại cây trồng

Tỷ lệ tối thiểu đáp ứng về nhu cầu nguyên liệu (%)

Năm 1

Năm 2

Năm 3

Năm 4

Năm 5

Năm 6

Năm 7

1. Cây hàng năm

10

20

30

40

50

 

 

2. Cây lâu năm

10

15

20

25

30

40

50

 

c) Hàng năm, doanh nghiệp, tổ chức đại diện của nông dân xây dựng lộ trình vùng nguyên liệu báo cáo Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

7. Triển khai thực hiện Dự án hoặc Phương án cánh đồng lớn

Căn cứ vào Dự án hoặc Phương án cánh đồng lớn đã được phê duyệt, hàng năm doanh nghiệp, tổ chức đại diện của nông dân xây dựng kế hoạch triển khai và dự toán chi tiết gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

8. Điều chỉnh, bổ sung, kéo dài thời gian thực hiện Dự án hoặc Phương án cánh đồng lớn

Doanh nghiệp hoặc tổ chức đại diện của nông dân có nhu cầu điều chỉnh, bổ sung, kéo dài thời gian thực hiện Dự án hoặc Phương án cánh đồng lớn có đơn đề nghị và kèm theo Dự án hoặc Phương án bổ sung gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Việc thẩm định và phê duyệt điều chỉnh, bổ sung, kéo dài thời gian thực hiện Dự án hoặc Phương án cánh đồng lớn được thực hiện theo quy định tại Điểm b và Điểm c Khoản 4 của Điều này.

Điều 6. Quy định hỗ trợ đối với nông dân

Ủy ban nhân dân cấp xã căn cứ vào hợp đồng và biên bản nghiệm thu hợp đồng liên kết và tiêu thụ nông sản ký giữa doanh nghiệp hoặc tổ chức đại diện của nông dân với nông dân trong khuôn khổ các dự án hoặc phương án cánh đồng lớn thực hiện trên địa bàn xã xác nhận việc thực hiện hợp đồng của nông dân để làm căn cứ cho việc xem xét nông dân được hưởng ưu đãi, hỗ trợ theo quy định tại Khoản 2 Điều 6 Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg.

Ủy ban nhân dân cấp huyện căn cứ vào xác nhận thực hiện hợp đồng thực hiện việc ưu đãi, hỗ trợ cho hộ nông dân theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 7. Tổ chức thực hiện

1. Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn

a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu giúp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, theo dõi, hướng dẫn triển khai thực hiện Thông tư này.

b) Kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết đánh giá theo định kỳ tình hình thực hiện Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg, định kỳ báo cáo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Cục Trồng trọt

Chủ trì, phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật, Cục Chế biến Nông Lâm Thủy sản và Nghề muối và các cơ quan liên quan thuộc Bộ hướng dẫn việc áp dụng đồng bộ quy trình sản xuất và các công nghệ tiên tiến.

3. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia

Lồng ghép các dự án khuyến nông để xây dựng, nhân rộng các mô hình liên kết, hướng dẫn và tham gia tập huấn kỹ thuật cho nông dân, chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông các tỉnh hỗ trợ cán bộ kỹ thuật giúp các đơn vị tham gia liên kết trong xây dựng cánh đồng lớn.

4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Tùy theo nhu cầu phát triển cánh đồng lớn ở mỗi địa phương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định thành lập Ban chỉ đạo hoặc Ban điều hành xây dựng cánh đồng lớn do Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là trưởng ban hoặc lồng ghép với các ban chỉ đạo khác của tỉnh để giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện Quy hoạch hoặc Kế hoạch, chính sách cánh đồng lớn trên địa bàn.

b) Tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành tiêu chí quy mô diện tích tối thiểu, các tiêu chí khác về cánh đồng lớn và mức hỗ trợ cụ thể của địa phương về xây dựng cánh đồng lớn.

c) Thực hiện các nhiệm vụ đã được quy định tại Khoản 3 Điều 4 và Điều 5 của Thông tư này.

d) Chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng kế hoạch bố trí ngân sách hỗ trợ hàng năm cho doanh nghiệp, tổ chức đại diện của nông dân và nông dân tham gia cánh đồng lớn trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.

đ) Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và đôn đốc thực hiện các Dự án hoặc Phương án cánh đồng lớn và báo cáo kết quả theo quy định.

e) Tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xử lý các tranh chấp, vi phạm trong quá trình thực hiện hợp đồng giữa các bên liên kết; xem xét, quyết định hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền thu hồi các hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước đối với các bên vi phạm hợp đồng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản.

g) Tham mưu giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan, các cấp chính quyền khuyến khích dồn điền, đổi thửa; hướng dẫn, tư vấn cho các bên tham gia liên kết thực hiện Dự án hoặc Phương án cánh đồng lớn.

Điều 7. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 6 năm 2014.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh hoặc khó khăn vướng mắc, các địa phương phản ánh về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để kịp thời bổ sung, sửa đổi./.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Trần Thanh Nam