THÔNG TƯ
LIÊN BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI - Y TẾ
Quy định các điều kiện lao động
có hại và có công việc cấm sử dụng lao động chưa thành niên
Căn cứ Điều 121 của Bộ Luật lao động ngày 23/6/1994;
Để bảo đảm sự phát triển toàn diện về thể lực, trí lực, nhân cách và bảo đảm an toàn lao động của người lao động chưa thành niên; Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Y tế quy định các điều kiện lao động có hại và các công việc cấm sử dụng lao động chưa thành niên.
A. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI
Các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức dưới đây cấm không được sử dụng lao động chưa thành niên làm các công việc có điều kiện lao động có hại và các chức danh công việc quy định tại Thông tư này:
- Doanh nghiệp Nhà nước;
- Các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, các tổ chức, cá nhân có thuê mướn lao động;
- Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp; các cơ quan, tổ chức nước ngoài hoặc tổ chức Quốc tế đóng tại Việt Nam có thuê mướn lao động là người Việt Nam;
- Các đơn vị sự nghiệp, kinh doanh, phục vụ thuộc cơ quan hành chính, sự nghiệp, đoàn thể nhân dân, tổ chức chính trị, xã hội khác, lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân.
B. CÁC ĐIỀU KIỆN LAO ĐỘNG CÓ HẠI CẤM SỬ DỤNG LAO ĐỘNG CHƯA THÀNH NIÊN
1- Lao động thể lực quá sức (mức tiêu hao năng lượng lớn hơn 4 kcal/phút, nhịp tim 120/phút);
2- Tư thế làm việc gò bó, thiếu dưỡng khí;
3- Trực tiếp tiếp xúc với hoá chất có khả năng gây biến đổi gien, gây ảnh hưởng xấu đến chuyển hoá tế bào, gây ung thư, gây tác hại sinh sản lâu dài (gây thiểu năng tinh hoàn, thiểu năng buồng trứng), gây bệnh nghề nghiệp và các tác hại khác.
4- Tiếp xúc với các yếu tố gây bệnh truyền nhiễm;
5- Tiếp xúc với chất phóng xạ (kể cả các thiết bị phát tia phóng xạ);
6- Tiếp xúc với điện từ trường ở mức quá giới hạn cho phép;
7- Trong môi trường có độ rung ồn cao hơn tiêu chuẩn cho phép;
8- Nhiệt độ không khí trong nhà xưởng trên 40 độ C về mùa hè và trên 35 độ C về mùa đông, hoặc chịu ảnh hưởng của bức xạ nhiệt cao;
9- Nơi có áp suất không khí cao hơn hoặc thấp hơn áp suất khí quyển;
10- Trong lòng đất;
11- Nơi cheo leo nguy hiểm;
12- Nơi làm việc không phù hợp với thần kinh, tâm lý người chưa thành niên;
13- Nơi gây ảnh hưởng xấu tới việc hình thành nhân cách.
C. DANH MỤC CÔNG VIỆC CẤM SỬ DỤNG LAO ĐỘNG CHƯA THÀNH NIÊN
1. Danh mục công việc cấm sử dụng lao động chưa thành niên (xem Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này).
2. Đối với các Bộ, ngành hoặc cơ sở nếu còn có điều kiện lao động hoặc công việc (chưa có tên trong danh mục kèm theo Thông tư này) thì báo cáo về Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Y tế xem xét để bổ sung vào danh mục chung thống nhất.
D. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1- Các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Liên đoàn lao động cùng cấp tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện ở các đơn vị cơ sở.
2- Thanh tra Nhà nước về an toàn lao động và Thanh tra Nhà nước về vệ sinh lao động tăng cường thanh tra các cơ sở sử dụng lao động chưa thành niên để phát hiện và xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật.
3- Các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức và cá nhân căn cứ vào các điều kiện lao động có hại, các công việc đã quy định trong Thông tư này thực hiện ngay các biện pháp sau:
a/ Rà soát lại các công việc người lao động chưa thành niên đang làm. Trên cơ sở đó sắp xếp công việc phù hợp với sức khoẻ của họ. Chậm nhất sau 2 tháng kể từ ngày ban hành Thông tư này, không để người lao động chưa thành niên làm việc trong các điều kiện lao động và các công việc đã quy định trong Thông tư này.
b/ Lập sổ theo dõi riêng, ghi đầy đủ họ tên, ngày tháng năm sinh, công việc đang làm; phải kiểm tra sức khoẻ khi tuyển dụng; tiến hành kiểm tra sức khoẻ định kỳ.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày ký./.
DANH MỤC
CÔNG VIỆC CẤM SỬ DỤNG LAO ĐỘNG CHƯA THÀNH NIÊN
(Ban hành kèm theo Thông tư số 09 ngày 13/4/1995
của Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Y tế)
1- Trực tiếp nấu rót và vận chuyển kim loại lỏng, tháo rỡ, khuôn đúc làm sạch sản phẩm đúc ở các lò:
- Lò điện hồ quang (không phân biệt dung tích).
- Lò bằng luyện thép.
- Lò chuyển luyện thép.
- Lò cao.
- Lò quy bilo luyện gang.
2- Cán kim loại nóng.
3- Trực tiếp luyện kim loại màu (đồng, chì, thiếc, thuỷ ngân, kẽm, bạc).
4- Đốt và ra lò luyện cốc.
5- Đốt lò đầu máy hơi nước.
6- Hàn trong thùng kín, hàn ở độ cao trên 5m so với mặt sàn công tác.
7- Đào lò giếng.
8- Đào lò và các công việc trong hầm lò, hoặc ở những hố sâu hơn 5m.
9- Cậy bẩy đá trên núi.
10- Lắp đặt giàn khoan.
11- Làm việc ở giàn khoan trên biển.
12- Khoan thăm dò giếng dầu và khí.
13- Khoan thăm dò, khoan nổ mìn , bắn mìn.
14- Sử dụng các loại máy cầm tay chạy bằng hơi ép từ 4 atmotphe trở lên (như máy khoan, máy búa và các máy tương tự gây những chấn động không bình thường cho thân thể người).
15- Điều khiển các phương tiện giao thông vận tải có động cơ.
16- Điều khiển cầu trục, cần trục, cổng trục, palăng điện (trừ palăng xích kéo tay).
17- Móc, buộc tải trọng cho cầu trục, cần trục, cổng trục, palăng điện.
18- Điều khiển thang máy chở người và hàng hoá hoặc riêng cho hàng hoá, điều khiển các máy nâng.
19- Lái máy thi công (như máy xúc, máy gát ủi, xe bánh xích...)
20- Lái máy kéo nông nghiệp.
21- Vận hành tàu hút bùn.
22- Vận hành nồi hơi.
23- Vận hành máy hồ vải sợi.
24- Cán ép tấm da lớn cứng.
25- Khảo sát đường sông.
26- Đổ bê tông dưới nước.
27- Thợ lặn.
28- Làm việc trong thùng chìm.
29- Làm việc trên máy bay.
30- Sửa chữa đường dây điện trong cống ngầm hoặc trên cột ngoài trời, đường dây điện cao thế,lắp dựng cột điện cao thế.
31- Lắp đặt sửa chữa cáp ngầm, cáp treo của đường dây thông tin.
32- Trực tiếp đào gốc cây có đường kính lớn hơn 40cm.
33- Đốn hạ những cây thẳng đứng đường kính từ 35cm trở lên, cưa cắt cành, tỉa cành trên cao.
34- Vận xuất, xeo bắn, bốc xếp gỗ có đường kính từ 35 cm trở lên bằng thủ công, bằng máng gỗ, cầu trượt gỗ.
35- Xuôi bè mảng trên sông có nhiều ghềnh thác.
36- Mò vớt gỗ chìm, cánh kéo gỗ trong âu, triền đưa gỗ lên bờ.
37- Cưa xẻ gỗ thủ công 2 người kéo (chỉ cấm đối với nữ).
38- Công việc trên dàn dáo hoặc trên rầm xà cao hơn 5m và các công việc tương tự.
39- Lắp dựng, tháo dỡ hoặc thay đổi dàn dáo (trừ trường hợp phụ việc làm trên mặt đất hoặc trên sàn nhà).
40- Các công việc khai thác tổ yến, khai thác phân dơi.
41- Các công việc trên tàu đi biển.
42- Công việc gác tàu, trông tàu trong âu, triền đà.
43- Công việc phải làm một mình trên đường sắt; trong hầm núi; trong các công trình ngầm; hoặc ở nơi tầm nhìn của người công nhân không vượt quá 400m; hoặc nơi giao thông rất khó khăn.
44- Công việc di chuyển, nối hoặc tách toa xe trong xưởng máy, trên đường sắt.
45- Xẻ gỗ bằng máy cưa đĩa và máy cưa vòng.
46- Đưa vật liệu vào máy nghiền đá và làm việc với máy nghiền đá.
47- Vận hành các máy bào trong nghề gỗ.
48- Vận hành máy và gia công kim loại bằng các máy rèn, dập, ép, cắt sử dụng hơi nước, khí nén hoặc bằng điện.
49- Lắp, sửa chữa, lau chùi khuôn máy rèn, dập, ép, cắt kim loại (không phân biệt máy hơi nước, khí nén, điện hoặc cơ).
50- Các công việc đóng vỏ tàu (tàu gỗ, tàu sắt) phải mang vác, gá đặt vật gia công nặng từ 20kg trở lên.
51- Khối lượng mang vác không được vượt quá:
52- Vận hành, trực các trạm điện hạ áp, trung áp và cao áp.
53- Kiểm tra, sửa chữa và xử lý các mạch điện có điện thế >700 von trong trường hợp dòng điện một chiều; >220 von trong trường hợp dòng điện xoay chiều và các vật duy trì mạch điện ấy.
54- Châm lửa cho máy đốt dầu tiêu thụ từ 400 l/giờ.
55- Chế tạo, sử dụng, vận chuyển các sản phẩm nguy hiểm: chất nổ, chất dễ cháy, chất ô xy hoá, khí đốt, thuốc súng, đạn dược, pháo có nguy cơ gây nổ, cháy.
56- Vận hành hệ thống điều chế và nạp axetylen, ô xy, hydro, clo và các khí hoá lỏng.
57- Vận hành hệ thống lạnh (làm nước đá, đông lạnh).
58- Công việc ở nơi có bụi hoặc bột đá, bụi xi măng, bụi than, lông súc vật và các thứ bụi khác vượt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép.
59- Sửa chữa lò, thụng, tháp kín, đường ống trong sản xuất hoá chất.
60- Làm việc ở lò lên men thuốc lá, lò sấy điếu thuốc lá.
61- Đốt lò sinh khí nấu thuỷ tinh; thổi thuỷ tinh bằng miệng.
62- Tráng paraphin trong bể rượu.