• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 04/07/2009
BỘ CÔNG THƯƠNG
Số: 11/2009/TT-BCT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 20 tháng 5 năm 2009

THÔNG TƯ

Quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 107/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2008 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức,

đưa tin thất thiệt, buôn lậu và gian lận thương mại

_________________________

Căn cứ Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Nghị định số 107/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2008 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, đưa tin thất thiệt, buôn lậu và gian lận thương mại;

Bộ Công Thương quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 107/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2008 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, đưa tin thất thiệt, buôn lậu và gian lận thương mại (sau đây gọi tắt là Nghị định số 107) như sau:

Mục I. PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH VÀ ĐIỀU KIỆN ÁP DỤNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định chi tiết việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định tại các Điều 4, 5, 6, 7, 8, 9,10,11, 12, 13 Nghị định số 107.

Điều 2. Điều kiện áp dụng

1. Việc xử phạt hành chính đối với các hành vi quy định tại Điều 4, Điều 5, Điều 6 và Điều 7 chỉ được áp dụng khi đủ hai điều kiện sau:

a) Đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá tại Nghị định số 75/2008/NĐ-CP ngày 09 tháng 06 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 170/2003/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Giá và Thông tư số 104/2008/TT-BTC ngày 13 tháng 11 năm 2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 170/2003/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2003, Nghị định số 75/2008/NĐ-CP ngày 09 tháng 06 năm 2008 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 170/2003/NĐ-CP.

b) Trong trường hợp thị trường có biến động bất thường về cung cầu, giá cả hàng hóa, dịch vụ do thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh, chiến tranh hoặc diễn biến bất thường khác khi được Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định công bố áp dụng các biện pháp bình ổn giá trong phạm vi cả nước, từng khu vực (thì được xử phạt các hành vi vi phạm quy định tại các Điều trên trong cả nước hoặc khu vực được công bố) hoặc được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định công bố áp dụng các biện pháp bình ổn giá trong phạm vi địa phương (thì chỉ xử phạt các hành vi vi phạm quy định tại các Điều trên địa bàn do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh công bố).

Điều 3. Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, các loại Giấy phép kinh doanh

Về tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, các loại Giấy phép kinh doanh quy định tại Nghị định số 107 áp dụng như sau:

- Tước quyền sử dụng các loại giấy trên có thời hạn là tước quyền sử dụng các loại giấy trên tối đa không quá mười hai tháng; xác định thời hạn tước quyền sử dụng các loại giấy trên phải căn cứ vào trị giá hàng hoá vi phạm, tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.

- Tước quyền sử dụng các loại giấy trên không thời hạn là tước quyền sử dụng các loại giấy trên với thời gian từ trên mười hai tháng trở lên và chỉ áp dụng đối với hành vi vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm hành vi vi phạm hành chính; việc xác định hành vi vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm thực hiện theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 6 Nghị định số 128/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008.

- Thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề được tính từ thời điểm tạm giữ Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, Giấy phép, chứng chỉ hành nghề.

Mục II. HÀNH VI VI PHẠM VÀ ÁP DỤNG HÌNH THỨC, MỨC XỬ PHẠT

Điều 4. Xử phạt hành vi đầu cơ hàng hoá

1. Về hành vi vi phạm

Trường hợp trong thời gian và khu vực công bố áp dụng biện pháp bình ổn giá mà người kinh doanh đi mua hàng hoá ở ngoài khu vực để đưa về khu vực có biến động bất thường được cấp có thẩm quyền công bố áp dụng biện pháp bình ổn giá để bán ra ổn định thị trường thì không coi là hành vi đầu cơ hàng hoá, không bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi đầu cơ hàng hoá.

2. Cách tính giá trị hàng hoá, xác định lượng và giá hàng hoá mua vét, mua gom:

Giá trị hàng hoá mua vét, mua gom = giá mua x lượng hàng hoá mua vét, mua gom.

Trong đó:

- Xác định giá:

Căn cứ xác định giá thực hiện theo quy định tại Điều 63 Nghị định số 06/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, Thông tư số 15/2008/TT-BCT ngày 02 tháng 12 năm 2008 của Bộ Công Thương hướng dẫn thực hiện Nghị định số 06/2006/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại và Điều 34 Nghị định số 128/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2008 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008.

- Xác định lượng gồm:

+ Hàng hoá đang mua vét, mua gom;

+ Hàng hoá mua vét, mua gom đang để trong kho, cửa hàng;

+ Hàng hoá mua vét, mua gom đã bán.

3. Tịch thu số tiền thu lợi áp dụng đối với hàng hoá đã bán, cách tính như sau:

Số tiền thu lợi phải tịch thu = ( Giá bán - giá mua) X lượng hàng mua vét, mua gom đã bán

Điều 5. Xử phạt hành vi găm hàng

1. Về hành vi vi phạm

Các hành vi quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều 5 Nghị định số 107/2008/NĐ-CP bị xử phạt trong trường hợp có đủ hai điều kiện quy định tại Điều 2 Thông tư này khi có hàng tại cửa hàng, tại kho, tại điểm bán hàng là hành vi găm hàng.

2. Việc xử phạt về hành vi găm hàng quy định tại điểm c khoản 5 Điều 5 Nghị định số 107 được áp dụng như sau:

a) Trường hợp siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở phân phối hàng hoá hiện đại khác (Trung tâm mua bán, Cửa hàng hội viên dạng nhà kho, Đại siêu thị, Cửa hàng bán giá rẻ, Cửa hàng bách hoá hiện đại) kinh doanh hàng hoá có hành vi găm hàng thì đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính là tổ chức, cá nhân làm chủ sở hữu siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở phân phối hàng hoá hiện đại khác.

b) Trường hợp tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh trong siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở phân phối hàng hoá hiện đại khác có hành vi găm hàng thì đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính là tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh trong siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở phân phối hàng hoá hiện đại khác.

3. “Lý do chính đáng” được hiểu như sau: những hành vi vi phạm quy định tại các khoản trên xẩy ra mà tổ chức, cá nhân vi phạm do nguyên nhân khách quan bất khả kháng.

Ví dụ:

- Mất điện cả khu vực khi bán xăng dầu;

- Tại thời điểm kiểm tra hàng hoá cả trong kho và địa điểm bán hàng đều hết nên không còn hàng để bán.

- Cắt giảm địa điểm kinh doanh để giảm chi phí hoặc địa điểm kinh doanh đó không có người mua, ít người mua vì chủng loại, màu sắc loại hàng không phù hợp thị hiếu người tiêu dùng tại địa điểm phải cắt giảm.

Xác định lý do chính đáng hay không chính đáng thì người có thẩm quyền kiểm tra, xử phạt kết luận, chịu trách nhiệm kết luận của mình và phải được ghi vào biên bản kiểm tra.

4. “Thời gian trước đó” đựơc hiểu là thời gian trước khi cấp có thẩm quyền công bố các biện pháp bình ổn giá có hiệu lực.

5. Cách tính lượng hàng hoá tồn kho trung bình của 3 tháng liền kề trước đó quy định tại khoản 4 Điều 5 Nghị định số 107/2008/NĐ-CP như sau:

Lượng hàng tồn kho trung bình của 3 tháng = Tổng lượng hàng tồn kho trung bình từng tháng tháng của 3 tháng liền kề : (chia)3

Trong đó cách tính “Lượng hàng tồn kho trung bình của 1 tháng” căn cứ số liệu cụ thể để áp dụng một trong các cách tính như sau:

- Có đầy đủ số liệu tồn kho của từng ngày:

Lượng tồn kho trung bình 1 tháng = Tổng lượng tồn kho của từng ngày trong tháng : (chia) Số ngày trong tháng

- Không có đầy đủ số liệu của từng ngày:

Lượng tồn kho trung bình 1 tháng = (Lượng tồn kho đầu tháng + lượng tồn kho giữa tháng + lượng tồn kho cuối tháng) : (chia) 3

- Không có số liệu tồn kho giữa tháng:

Lượng tồn kho trung bình 1 tháng = (lượng tồn kho đầu tháng + lượng hàng tồn kho cuối tháng) : (chia) 2

Điều 6. Xử phạt vi phạm hành chính về kê khai giá và đăng ký giá

1. Kê khai giá

Danh mục hàng hoá phải kê khai giá, doanh nghiệp phải kê khai giá, hinh thức, nội dung và thủ tục kê khai giá, cơ quan tiếp nhận hồ sơ kê khai giá, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan tiếp nhận kê khai giá và doanh nghiệp kê khai giá theo quy định tại Mục VII Thông tư số 104/2008/TT-BTC ngày 13 tháng 11 năm 2008 của Bộ Tài chính.

2. Đăng ký giá

Danh mục hàng hoá, dịch vụ phải đăng ký giá, doanh nghiệp phải đăng ký giá, hình thức, nội dung và thủ tục đăng ký giá, cơ quan tiếp nhận hồ sơ đăng ký giá, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan tiếp nhận đăng ký giá và doanh nghiệp đăng ký giá theo quy định tại mục VI Thông tư số 104/2008/TT-BTC ngày 13 tháng 11 năm 2008 của Bộ Tài chính.

Điều 7. Xử phạt vi phạm hành chính về niêm yết giá hàng hoá, dịch vụ

1. Hành vi vi phạm

Hành vi không niêm yết giá hàng hoá, dịch vụ, ngoại tệ, vàng; niêm yết giá không đúng quy định, không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng; bán hàng, thu phí dịch vụ cao hơn giá niêm yết; niêm yết giá hàng hoá dịch vụ bằng ngoại tệ hoặc thu tiền bán hàng hoá dịch vụ bằng ngoại tệ mà không được phép là hành vi vi phạm về niêm yết giá bị xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 9 Nghị định số 107.

2. Niêm yết giá và giá niêm yết

a) Việc niêm yết giá thực hiện theo quy định tại Điều 29 Pháp lệnh giá, cụ thể:

Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải niêm yết giá hàng hoá, dịch vụ tại cửa hàng, nơi giao dịch mua bán hàng hoá và cung ứng dịch vụ; việc niêm yết giá phải rõ ràng, không gây nhầm lân cho khách hàng.

Đối với hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước định giá thì tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh phải niêm yết đúng giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định và mua bán đúng giá đã niêm yết.

Đối với hàng hoá, dịch vụ không thuộc danh mục Nhà nước định giá thì niêm yết theo giá do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh quyết định.

b) Đối với hàng hoá, dịch vụ phải đăng ký giá là giá của doanh nghiệp đã đăng ký giá với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại khoản 5.2 Mục VI Thông tư số 104/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính.

c) Đối với hàng hoá, dịch vụ phải kê khai giá là giá của doanh nghiệp đã kê khai giá với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Điều 8. Xử phạt hành chính đối với hành vi xuất lậu xăng, dầu qua biên giới

1. Hành vi vi phạm về xuất khẩu hàng hoá không đúng nội dung giấy phép tại điểm b khoản 2 và hành vi vi phạm xuất khẩu hàng hoá không có giấy phép theo quy định tại điểm đ khoản 4 của khoản 10 Điều 1 Nghị định số 18/2009/NĐ-CP ngày 18 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 97/2007/NĐ-CP ngày 07 tháng 6 năm 2007của Chính phủ quy định việc xử lý vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan mà mặt hàng xuất khẩu là xăng, dầu thì áp dụng chế tài xử phạt vi phạm hành chính tại Điều 10 Nghị định số 107 để xử phạt.

2. Hành vi làm giả, sử dụng trái phép hạn ngạch, Giấy phép xuất khẩu, Giấy phép nhập khẩu hàng hoá và hành vi xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá không có hạn ngạch ngạch, Giấy phép xuất khẩu, Giấy phép nhập khẩu hàng hoá theo quy định tại Khoản 2, khoản 3 Điều 34 Nghị định số 06/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ mà mặt hàng xuất khẩu xăng, dầu thì áp dụng chế tài xử phạt quy định tại Điều 10 Nghị định số 107 để xử phạt.

3. Hướng dẫn cách tính giá trị xăng, dầu để áp dụng chế tài xử phạt quy định tại Điều 10 Nghị định như sau:

Giá trị xăng (dầu) = Lượng xăng (dầu) thu giữ X giá

Căn cứ xác định giá thực hiện theo quy định tại Điều 63 Nghị định số 06/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, Thông tư số 15/2008/TT-BCT ngày 02 tháng 12 năm 2008 của Bộ Công Thương hướng dẫn thực hiện Nghị định số 06/2006/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại và Điều 34 Nghị định số 128/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2008 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008.

Điều 9. Xử phạt hành vi xuất lậu thóc, gạo, lâm sản, khoáng sản qua biên giới

Cách tính giá trị hàng hoá là thóc, gạo, lâm sản, khoáng sản để áp dụng chế tài xử phạt quy định tại Điều 11 Nghị định:

Giá trị hàng hoá = Lượng hàng hoá thu giữ x giá

Trong đó:

- Lượng hàng hoá thực tế thu giữ.

- Giá: Căn cứ xác định giá thực hiện theo quy định tại Điều 63 Nghị định số 06/2006/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, Thông tư số 15/2008/TT-BCT ngày 02 tháng 12 năm 2008 của Bộ Công Thương hướng dẫn thực hiện Nghị định số 06/2006/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại và Điều 34 Nghị định số 128/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2008 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008.

Điều 10. Xử phạt đối với hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả

Việc xử phạt đối với các hành vi vi phạm về hàng hoá cấm kinh doanh, hàng hoá nhập lậu có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên, hàng giả có giá trị từ 30.000.000 đồng trở lên và vi phạm về nhãn hàng hóa thực hiện theo Thông tư số 15/2008/TT-BCT ngày 02 tháng 12 năm 2008 của Bộ Công Thương hướng dẫn một số điều Nghị định số 06/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại.

Điều 11. Xử phạt đối với hành vi gian lận về đo lường, đóng gói hàng hoá và chất lượng hàng hoá, dịch vụ

1. Hành vi vi phạm

Hành vi vi phạm quy định tại Điều 13 Nghị định 107 gồm:

a) Hành vi gian lận về đo lường, đóng gói hàng hoá là gian lận trong việc thực hiện các phép đo, phương pháp đo trong cân, đong, đo, đếm hàng hoá (lượng hàng thiếu so với lượng ghi trên bao bì) làm thiếu hàng mà người mua vẫn phải trả tiền theo giá đủ hàng, gây thiệt hại cho khách hàng.

b) Hành vi gian lận về chất lượng hàng hoá, dịch vụ là hành vi sản xuất, chế biến, sang chiết, nạp, đóng gói, kinh doanh hàng hoá mà chất lượng hàng hoá không đúng với công bố chất lượng hoặc ghi trên nhãn hàng hoá gây thiệt hại cho khách hàng.

2. Các hành vi vi phạm, chế tài xử phạt khác trong đo lường, chất lượng hàng hoá, dịch vụ mà Nghị định số 107/2008/NĐ-CP không quy định thì áp dụng chế tài xử phạt quy định tại Nghị định số 126/2005/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2005 của Chính phủ và Nghị định số 95/2007/NĐ-CP ngày 04 tháng 6 năm 2007 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2005/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2005 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hoá.

3. Phương pháp tính giá trị hàng hoá gian lận về số lượng:

Giá trị hàng hoá gian lận = lượng hàng hoá gian lận x giá

Trong đó:

a) Xác định lượng hàng hoá gian lận:

- Lượng hàng hoá gian lận là lượng hàng hoá thực tế tại thời điểm kiểm tra, thu giữ;

Nếu có đủ căn cứ xác định được thời gian gian lận và lượng hàng hoá gian lận trong thời gian đó thì lấy lượng hàng hoá gian lận tính từ thời gian có hành vi gian lận.

Ví dụ:

Kiểm tra cây xăng A ngày 30/12/2008 gắn chíp điện tử gây sai số 0,5%, quy định chỉ cho phép sai số 0,05%; Cơ quan kiểm tra có đủ căn cứ xác định cây xăng gắn chíp điện thử từ ngày 30/9/2008, lượng hàng hoá bán trong thời gian từ 30/9/2008 đến 30/12/2008 là 100.000 lít.

Cách tính lượng xăng gian lận về đo lường của cây xăng X như sau:

Lượng xăng gian lận = 100.000 lít X ( 0,5% - 0,05%) = 4.500 lít

- Hàng hoá gian lận về đo lường nếu là hàng hoá đóng gói sẵn mà có đủ căn cứ xác định số hàng gian lận đó thuộc lô hàng nào thì lượng hàng hoá gian lận là cả lô hàng đóng gói sẵn đó. Để đảm bảo tính đại diện cho cả lô hàng phải có đủ căn cứ đảm bảo kiểm tra xác xuất 5% số lượng hàng đóng gói sắn đang thu giữ gian lận về đo lường gây thiệt hại cho khác hàng.

Ví dụ:

Khi kiểm tra cơ sở sản xuất phân bón của Công ty X phát hiện mỗi bao có ghi trọng lượng tịnh 50 kg/bao nhưng thực tế qua kiểm tra xác định mỗi bao thiếu hụt so với trọng lượng ghi trên bao bì trung bình chỉ đạt 48,5 kg/bao; qua kiểm tra, xác định số hàng khi kiểm tra thuộc lô hàng Y và đã bán ra thị trường 500.000 kg ( 10.000 bao).

Cách tính số phân bón gian lận về đo lường của Công ty X như sau:

Lượng phân bón Công ty X gian lận = 10.000 bao X (50kg - 48,5kg) = 15.000 kg

b) Xác định giá

- Căn cứ xác định giá thực hiện theo quy định tại Điều 63 Nghị định số 06/2006/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, Thông tư số 15/2008/TT-BCT ngày 02 tháng 12 năm 2008 của Bộ Công Thương hướng dẫn thực hiện Nghị định số 06/2006/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại và Điều 34 Nghị định số 128/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2008 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008.

- Trường hợp giá thay đổi nhiều lần mà không xác định được lượng gian lận của mỗi lần thay đổi giá thì giá trị hàng hoá gian lận được tính giá theo phương pháp bình quân giản đơn.

Ví dụ:

Ngày 10 tháng 10 năm 2008, kiểm tra phát hiện Cây xăng A bán xăng với tỉ lệ sai số 0,1 %, sai số quy định cho phép 0,05%, thời gian gắn chíp điện tử gây sai lệnh về đo lường, gây thiệt hại cho khách hàng của Cây xăng trên là ngày 01 tháng 12 năm 2007; Trong thời gian trên xăng đã điều chỉnh giá 4 lần: tại thời điểm gắn chíp 1/12/2007 đang bán với giá 12.000đ/llít, điều chỉnh giá ngày 30/3/2008 lên 14.000đ/lít; điều chỉnh giá ngày 01/6/2008 lên 18.000 đ/lít; điều chỉnh giá ngày 30/8/2008 xuống 14.500 đ/lít; điều chỉnh giá ngày 20/9/2008 xuống 11.000 đ/lít. Tổng số lượng xăng bán ra từ 01/12/2007 đến 10/10/2008 là 200.000 lít.

Do không có số liệu về lượng bán trong mỗi lần thay đổi giá nên tính giá bình quan giản đơn:

Giá bình quân giản đơn = (12.000 đ/l + 14.000 đ/l + 18.000 đ/l + 14.500 đ/l +11.000 đ/l) : (chia) 5 = 13.900 đ/lít

Lượng xăng gian lận = 200.000 lít X (0.1 – 0,05) = 10.000 lít

Giá trị hàng hoá gian lận = 10.000 lít X 13.900 đồng = 139.000.000 đồng

- Trường hợp có số liệu về lượng bán của mỗi lần tăng (giảm ) giá thì tính giá theo phương pháp bình quân gia quyền.

Giá bình quân gia quyền = ∑ ( lượng hàng hoá gian lận trong từng lần thay đổi giá X giá của từng lần thay đổi) : ( chia) Tổng số lượng hàng hoá

Ví dụ: Từ ví dụ trên có thêm tài liệu chứng minh

Từ 1/12/2007 đến 29/3/2008 cây xăng A bán ra 50.000 lít, giá 12.000 đ/lít

Từ 30/03/2008 đến 01/6/2008 cây xăng A bán ra 50.000 lít giá 14.000 đ/lít

Từ 2/6/2007 đến 29/8/2008 cây xăng A bán ra: 40.000 lít giá 18.000 đ/lít

Từ 30/8/2008 đến 19/9/2008 cây xăng A bán ra: 40.000 lít giá 14.500 đ/lít

Từ 20/9/2007 đến 10/10/2008 cây xăng A bán ra: 20.000 lít giá 11.000 đ/lít

Giá bình quân gia quyền = (50.000 X 12.000) + (50.000 X 14.000) + (40.000 X 18.000) + (40.000 X 14.500) + ( 20.000 X 11.000)﴿ : (chia) 200.000 = 14.200 đ/lít

4. Phương pháp tính giá trị hàng hoá gian lận về chất lượng

- Tính giá trị hàng hoá gian lận chất lượng để xác định mức phạt tiền và thẩm quyền xử phạt:

Giá trị hàng hoá gian lận chất lượng = lượng hàng hoá thu giữ X giá

- Giá trị buộc đền bù thiệt hại cho khách hàng, trường hợp không xác định được khách hàng thì tịch thu số tiền nộp ngân sách nhà nước = Số lượng đơn vị hàng hoá thu giữ X ( đơn giá đơn vị hàng hoá đúng công bố chất lượng hoặc ghi trên nhãn hàng hoá – đơn giá đơn vị hàng hoá gian lận về chất lượng).

Mục III. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 12. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký.

2. Trong quá trình thực hiện Nghị định số 107/2008/NĐ-CP và hướng dẫn tại Thông tư này nếu có gì vướng mắc thì đề nghị các Bộ, ngành ở Trung ương và địa phương phản ảnh về Bộ Công Thương để kịp thời nghiên cứu, hướng dẫn và giải đáp./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Cẩm Tú

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.