• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 09/08/2010
BỘ CÔNG AN
Số: 20/2010/TT-BCA
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thái Nguyên, ngày 23 tháng 6 năm 2010

THÔNG TƯ

Quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 37/2009/NĐ-CP ngày 23-4-2009 quy định các mục tiêu quan trọng
về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học - kỹ thuật, văn hoá, xã hội do lực lượng
Cảnh sát nhân dân c
ó trách nhiệm vũ trang canh gác bảo vệ
và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức c
ó liên quan

Căn cứ Nghị định số 77/2009/NĐ-CP ngày 15-9-2009 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;

Bộ Công an quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 37/2009/NĐ-CP ngày 23-4-2009 quy định các mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học - kỹ thuật, văn hoá, xã hội do lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm vũ trang canh gác bảo vệ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có liên quan (sau đây viết gọn là Nghị định số 37/2009/NĐ-CP) như sau :

Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định chi tiết về thay đổi, bổ sung danh mục mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học - kỹ thuật, văn hoá, xã hội do lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm vũ trang canh gác bảo vệ (sau đây gọi chung là mục tiêu); trình tự, thời gian thẩm định hồ sơ đề nghị thay đổi, bổ sung danh mục mục tiêu; trách nhiệm của cơ quan Công an, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ mục tiêu.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với Công an các đơn vị, địa phương; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động bảo vệ mục tiêu.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Thay đổi, bổ sung danh mục mục tiêu

1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ quy định tại Điều 5 Nghị định số 37/2009/NĐ-CP và Thông tư này để xác định mục tiêu cần bổ sung vào danh mục và gửi hồ sơ về Bộ Công an (qua Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội) trước ngày 31-10 hàng năm. Hồ sơ bao gồm:

a) Tờ trình Thủ tướng Chính phủ của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về dự thảo Quyết định bổ sung danh mục mục tiêu;

b) Quyết định của cấp có thẩm quyền về việc thành lập, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan có mục tiêu cần bảo vệ; văn bản xác định nhiệm vụ đặc biệt được giao cho cơ quan có mục tiêu đó; tài liệu khác liên quan đến việc xác định quy mô, tính chất quan trọng của mục tiêu;

c) Văn bản của cơ quan có mục tiêu đề nghị Bộ Công an thẩm định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định thay đổi, bổ sung danh mục mục tiêu. Nội dung văn bản phải thể hiện rõ tên, vị trí địa lý của mục tiêu; đặc điểm, tình hình liên quan và công tác tổ chức bảo vệ của cơ quan có mục tiêu; đề nghị số vọng gác cần phải bố trí lực lượng Cảnh sát nhân dân vũ trang canh gác bảo vệ;

d) Văn bản của cơ quan có mục tiêu cần bảo vệ, trong đó nêu rõ yêu cầu bảo đảm về an ninh, an toàn cho mục tiêu và các tài liệu khác chứng minh mục tiêu cần thiết phải có lực lượng Cảnh sát nhân dân vũ trang canh gác bảo vệ.

2. Mục tiêu khi không còn đủ điều kiện quy định tại Điều 4 Nghị định số 37/2009/NĐ-CP thì cơ quan có mục tiêu đó lập hồ sơ đề nghị đưa ra khỏi danh mục và gửi về Bộ Công an (qua Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội) trước ngày 31-10 hàng năm. Hồ sơ bao gồm:

a) Tờ trình Thủ tướng Chính phủ của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về dự thảo Quyết định đưa mục tiêu ra khỏi danh mục;

b) Các văn bản, tài liệu khác có liên quan đến việc đề nghị đưa mục tiêu ra khỏi danh mục;

c) Văn bản của cơ quan có mục tiêu đề nghị Bộ Công an thẩm định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định đưa mục tiêu ra khỏi danh mục, trong đó nêu rõ lý do.

3. Bộ Công an có trách nhiệm xem xét, thẩm định mục tiêu cần bổ sung vào danh mục, đưa ra khỏi danh mục quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định theo quy định tại Điều 4 Thông tư này.

Điều 4. Trình tự, thời gian thẩm định hồ sơ đề nghị thay đổi, bổ sung mục tiêu vào danh mục

1. Trước ngày 30-11 hàng năm, Bộ Công an phải tiến hành thẩm định hồ sơ đề nghị thay đổi, bổ sung mục tiêu vào danh mục, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.

2. Trường hợp cần thiết phải tổ chức khảo sát thực tế trong quá trình thẩm định, cơ quan đề nghị thẩm định có trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiến hành khảo sát của cơ quan thẩm định.

3. Trường hợp thẩm định thấy không cần thiết phải thay đổi, bổ sung danh mục mục tiêu, Bộ Công an có trách nhiệm trả lời cơ quan đề nghị bằng văn bản.

Điều 5. Giải quyết trường hợp mục tiêu không có trong danh mục nhưng đang được lực lượng Cảnh sát nhân dân vũ trang canh gác bảo vệ

Những mục tiêu không có trong danh mục ban hành kèm theo Nghị định số 37/2009/NĐ-CP, nhưng đang được lực lượng Cảnh sát nhân dân vũ trang canh gác bảo vệ thì cơ quan có mục tiêu đó phải thực hiện theo các quy định sau:

1. Trường hợp có đủ các điều kiện xác định là mục tiêu quan trọng, cần thiết phải có lực lượng Cảnh sát nhân dân vũ trang canh gác bảo vệ theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 37/2009/NĐ-CP và Thông tư này thì cơ quan có mục tiêu đó lập hồ sơ đề nghị Bộ Công an thẩm định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ sung vào danh mục theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư này.

2. Trường hợp không đủ các điều kiện xác định là mục tiêu quan trọng cần thiết phải có lực lượng Cảnh sát nhân dân vũ trang canh gác bảo vệ theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 37/2009/NĐ-CP và Thông tư này thì cơ quan có mục tiêu đó chủ động xây dựng kế hoạch tự bảo vệ, đồng thời, trực tiếp bàn bạc, thống nhất với Cục Cảnh sát bảo vệ hoặc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, thủ trưởng đơn vị Cảnh sát đang làm nhiệm vụ vũ trang canh gác bảo vệ các mục tiêu đó bàn giao cho cơ quan có mục tiêu tự đảm nhiệm công tác bảo vệ. Hết thời hạn trên, cơ quan có mục tiêu chưa nhận bàn giao công tác bảo vệ thì Cục trưởng Cục Cảnh sát bảo vệ hoặc Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi thông báo tới cơ quan có mục tiêu và sau 15 ngày, kể từ ngày gửi thông báo phải rút toàn bộ lực lượng Cảnh sát đang làm nhiệm vụ vũ trang canh gác bảo vệ mục tiêu ra khỏi mục tiêu đó.

Điều 6. Trách nhiệm của cơ quan có mục tiêu được bố trí lực lượng Cảnh sát nhân dân vũ trang canh gác bảo vệ

Thủ trưởng cơ quan có mục tiêu được bố trí lực lượng Cảnh sát nhân dân làm nhiệm vụ vũ trang canh gác bảo vệ thực hiện trách nhiệm theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 37/2009/NĐ-CP và có trách nhiệm sau:

1. Bảo vệ an ninh nội bộ, an toàn tài sản và trật tự bên trong mục tiêu; tổ chức lực lượng bảo vệ chuyên trách, bán chuyên trách làm nhiệm vụ thường trực bảo vệ; xây dựng nội quy bảo vệ, nội quy phòng cháy và chữa cháy, quy định công tác bảo mật, phương án bảo vệ và cơ chế phối hợp với các lực lượng liên quan nhằm bảo vệ an toàn mục tiêu.

2. Xác định trụ sở chính cần bảo vệ, thông báo bằng văn bản đến Bộ Công an, Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để tổ chức lực lượng Cảnh sát nhân dân làm nhiệm vụ vũ trang canh gác bảo vệ.

3. Phối hợp chặt chẽ với thủ trưởng đơn vị Cảnh sát nhân dân được phân công làm nhiệm vụ vũ trang canh gác bảo vệ mục tiêu thực hiện các hoạt động bảo vệ an toàn mục tiêu; định kỳ tháng, quý, 6 tháng, năm tổ chức họp giao ban giữa đơn vị Cảnh sát được phân công làm nhiệm vụ vũ trang canh gác bảo vệ mục tiêu và lực lượng bảo vệ của cơ quan về tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong và xung quanh mục tiêu, biện pháp phối hợp bảo vệ an toàn mục tiêu.

4. Xây dựng tường rào bảo vệ xung quanh mục tiêu, lắp đặt cổng, cửa và hệ thống chiếu sáng phục vụ công tác bảo vệ mục tiêu; căn cứ đặc điểm tình hình mục tiêu, yêu cầu công tác bảo đảm an ninh, an toàn mục tiêu và khả năng của cơ quan có mục tiêu bảo vệ để xây dựng công trình, trang bị, lắp đặt các thiết bị bảo vệ chống xâm nhập; hệ thống báo động, báo cháy tự động, camera quan sát, theo dõi và các thiết bị khác phục vụ công tác bảo vệ mục tiêu.

5. Bố trí đủ các điều kiện cần thiết sau đây để lực lượng Cảnh sát nhân dân triển khai thực hiện nhiệm vụ vũ trang canh gác bảo vệ mục tiêu (trừ các mục tiêu là trụ sở Đại sứ quán các nước tại Việt Nam, trụ sở cơ quan lãnh sự các nước tại Việt Nam, trụ sở cơ quan đại diện các tổ chức trực thuộc Liên hợp quốc tại Việt Nam):

a) Xây dựng vọng gác và lắp đặt hệ thống thông tin liên lạc cần thiết theo yêu cầu của công tác bảo vệ;

b) Có nơi bảo quản vũ khí, phương tiện, công cụ hỗ trợ;

c) Bố trí đủ diện tích nơi ở tối thiểu cho sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân làm nhiệm vụ vũ trang canh gác bảo vệ mục tiêu (sau đây viết gọn là cán bộ, chiến sĩ) theo quy định của Nhà nước; nơi ăn, nơi sinh hoạt thuận tiện cho cán bộ, chiến sĩ, có phòng họp và diện tích phục vụ sinh hoạt chung của đơn vị;

d) Tạo điều kiện hỗ trợ sinh hoạt, hoạt động văn hoá, thể thao cho cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ canh gác bảo vệ mục tiêu theo khả năng của cơ quan.

6. Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu, đề nghị cơ quan hữu quan bố trí doanh trại của đơn vị Cảnh sát làm nhiệm vụ vũ trang canh gác bảo vệ các mục tiêu là trụ sở Đại sứ quán, cơ quan lãnh sự các nước tại Việt Nam, trụ sở cơ quan đại diện tổ chức trực thuộc Liên hợp quốc tại Việt Nam; bảo đảm yêu cầu sau:

a) Đủ diện tích nơi ở tối thiểu cho cán bộ, chiến sĩ theo quy định của Nhà nước;

b) Có bếp ăn tập thể;

c) Có phòng họp và diện tích phục vụ sinh hoạt chung của đơn vị;

d) Có nơi bảo quản vũ khí, phương tiện, công cụ hỗ trợ.

Điều 7. Trách nhiệm của Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội

1. Tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ đề nghị thẩm định của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thay đổi, bổ sung danh mục mục tiêu; tổ chức thẩm định và báo cáo đề xuất Bộ trưởng Bộ Công an trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

2. Trực tiếp chỉ đạo, điều hành, kiểm tra công tác vũ trang canh gác bảo vệ các mục tiêu trong phạm vi cả nước; xây dựng chương trình huấn luyện, bồi dưỡng công tác bảo vệ mục tiêu.

3. Chỉ đạo Cục Cảnh sát bảo vệ tổ chức lực lượng bảo vệ các mục tiêu sau đây:

a) Trụ sở Bộ Ngoại giao;

b) Trụ sở Bộ Tài chính;

c) Trụ sở Ngân hàng nhà nước Việt Nam;

d) Trụ sở Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

đ) Trụ sở Toà án nhân dân tối cao;

e) Đài phát tín Bộ Ngoại giao;

g) Kho bạc nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính;

h) Trụ sở Ban Cơ yếu Bộ Nội vụ;

i) Viện Bảo tàng lịch sử;

k) Trụ sở Đại sứ quán các nước tại Việt Nam;

l) Trụ sở cơ quan đại diện các tổ chức trực thuộc Liên hợp quốc tại Việt Nam;

m) Kho tiền, kim loại quý, đá quý và các tài sản quý hiếm khác được Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quản lý và bảo quản tại Hà Nội;

n) Trụ sở các nhà máy in, đúc tiền, nơi tiêu huỷ tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Hà Nội.

4. Xây dựng danh mục mục tiêu thuộc Bộ Công an quản lý trình Bộ trưởng Bộ Công an quyết định. Việc tổ chức lực lượng bảo vệ các mục tiêu thuộc Bộ Công an thực hiện theo quy định của Thông tư này.

Điều 8. Trách nhiệm của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

1. Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đề nghị thay đổi, bổ sung danh mục mục tiêu; tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định tại Nghị định số 37/2009/NĐ-CP và Thông tư này.

2. Bố trí cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân làm nhiệm vụ vũ trang canh gác bảo vệ các mục tiêu thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an và tổ chức lực lượng bảo vệ các mục tiêu ở địa phương mình, gồm:

a) Trụ sở tỉnh ủy, thành ủy thành phố trực thuộc Trung ương;

b) Trụ sở Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

c) Đài Phát thanh, Đài Truyền hình tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

d) Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

đ) Kho tiền Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

e) Kho tiền, kim loại quý, đá quý và các tài sản quý hiếm khác được Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quản lý và bảo quản tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

g) Trụ sở các nhà máy in, đúc tiền, nơi tiêu huỷ tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

h) Trụ sở cơ quan Lãnh sự các nước tại Việt Nam (bao gồm trụ sở các cơ quan Tổng Lãnh sự);

i) Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt;

k) Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Cục Văn thư lưu trữ nhà nước Bộ Nội vụ;

l) Trung tâm Phát thanh Quốc gia, Trung tâm âm thanh Đài Tiếng nói Việt Nam tại Hà Nội;

m) Đài phát sóng phát thanh trực thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam;

n) Đài Truyền hình Việt Nam tại Hà Nội;

o) Đài thu phát sóng truyền hình trực thuộc Đài Truyền hình Việt Nam;

p) Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, Phú Thọ;

q) Khu Di tích Kim Liên, Nghệ An;

r) Quảng trường Hồ Chí Minh, Nghệ An;

s) Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh Bình Thuận.

Điều 9. Tổ chức lực lượng bảo vệ mục tiêu

1. Mỗi mục tiêu quy định tại danh mục ban hành kèm theo Nghị định số 37/2009/NĐ-CP chỉ tổ chức lực lượng Cảnh sát nhân dân làm nhiệm vụ vũ trang canh gác bảo vệ tại trụ sở chính của mục tiêu đó.

2. Đối với mục tiêu mới phát sinh được bổ sung vào danh mục theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì tuỳ theo từng mục tiêu cụ thể, Bộ Công an có văn bản giao Cục Cảnh sát bảo vệ hoặc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm bố trí cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân làm nhiệm vụ vũ trang canh gác bảo vệ mục tiêu đó.

Điều 10. Xác định vọng gác

Đối với các mục tiêu có bố trí cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân làm nhiệm vụ vũ trang canh gác bảo vệ, Cục Cảnh sát bảo vệ hoặc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, xác định cụ thể để bố trí đủ vọng gác thích hợp đối với từng mục tiêu và thống nhất với thủ trưởng cơ quan có mục tiêu về địa điểm đặt vọng gác, bảo đảm phù hợp với cảnh quan và thuận tiện cho việc quan sát bao quát mục tiêu cần bảo vệ.

Điều 11. Nhiệm vụ của đơn vị Cảnh sát nhân dân được giao trách nhiệm vũ trang canh gác bảo vệ mục tiêu

Đơn vị Cảnh sát nhân dân được giao trách nhiệm vũ trang canh gác bảo vệ mục tiêu phải xây dựng và thực hiện phương án, kế hoạch bảo vệ, phòng, chống các hành vi xâm hại đến sự an toàn của mục tiêu; tổ chức thực hành, diễn tập đối phó, xử lý các tình huống đột xuất; áp dụng phù hợp các biện pháp công tác Công an, trong đó lấy biện pháp vũ trang là hoạt động nghiệp vụ cơ bản trong canh gác bảo vệ, chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi xâm hại vào mục tiêu nhằm bảo đảm an toàn cho mục tiêu đó; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nghiệp vụ Công an, Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi có mục tiêu, cơ quan có mục tiêu và các lực lượng khác nơi có mục tiêu để bảo vệ an toàn mục tiêu. Quy trình nghiệp vụ vũ trang canh gác bảo vệ mục tiêu của lực lượng Cảnh sát nhân dân do văn bản quy phạm pháp luật khác quy định.

Điều 12. Trang phục, trang bị của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân làm nhiệm vụ vũ trang canh gác bảo vệ mục tiêu

Cán bộ, chiến sĩ trong khi thực hiện nhiệm vụ vũ trang canh gác bảo vệ mục tiêu phải mặc trang phục theo đúng điều lệnh Công an nhân dân và được trang bị, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện nghiệp vụ theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ Công an.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 13. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 09-8-2010 và thay thế Thông tư số 05/1998/TT-BCA(C11) ngày 19-11-1998 của Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn thực hiện Nghị định số 106/1997/NĐ-CP ngày 27-10-1997 của Chính phủ quy định các mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội do lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm vũ trang canh gác bảo vệ.

Điều 14. Trách nhiệm thi hành

1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan có mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học - kỹ thuật, văn hoá, xã hội do lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm vũ trang canh gác bảo vệ thực hiện các quy định tại Nghị định số 37/2009/NĐ-CP và Thông tư này.

2. Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, tổ chức thực hiện Thông tư này.

3. Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân có trách nhiệm bảo đảm biên chế cho lực lượng Cảnh sát nhân dân làm nhiệm vụ vũ trang canh gác bảo vệ mục tiêu; nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền về chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân làm nhiệm vụ vũ trang canh gác bảo vệ mục tiêu.

4. Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội tổ chức nghiên cứu, trang bị vũ khí, phương tiện, công cụ hỗ trợ cho các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ vũ trang canh gác bảo vệ mục tiêu thống nhất trên toàn quốc theo quy định của pháp luật.

5. Tổng cục trưởng các Tổng cục, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có vướng mắc nảy sinh, các cơ quan, tổ chức có liên quan, Công an các đơn vị, địa phương phản ánh về Bộ Công an (qua Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội) để có hướng dẫn kịp thời./.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Đại tướng Lê Hồng Anh

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.