• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 15/02/2012
BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
Số: 38/2011/TT-BKHCN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thái Nguyên, ngày 30 tháng 12 năm 2011

THÔNG TƯ

Quy định các yêu cầu về bảo đảm an ninh vật liệu hạt nhân và cơ sở hạt nhân

_______________________

 

Căn cứ Nghị định số 28/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ;

Căn cứ Luật Năng lượng nguyên tử ngày 03 tháng 6 năm 2008;

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định các yêu cầu về bảo đảm an ninh vật liệu hạt nhân và cơ sở hạt nhân như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định các yêu cầu về bảo đảm an ninh nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đối phó với hành vi đánh cắp, chiếm đoạt bất hợp pháp hoặc phá hoại vật liệu hạt nhân trong quá trình sử dụng, lưu giữ, vận chuyển và phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đối phó với hành vi tiếp cận bất hợp pháp hoặc phá hoại cơ sở hạt nhân.

2. Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân tiến hành các hoạt động liên quan đến vật liệu hạt nhân và cơ sở hạt nhân tại Việt Nam.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Khu vực hạn chế ra vào là khu vực trong đó có cơ sở hạt nhân, vật liệu hạt nhân mà việc ra vào khu vực đó được kiểm soát nhằm bảo đảm an ninh.

2. Khu vực được bảo vệ là khu vực trong đó có vật liệu hạt nhân nhóm I, nhóm II hoặc khu vực trọng yếu, được bao quanh bởi rào cản vật lý; khu vực được bảo vệ nằm trong khu vực hạn chế ra vào.

3. Khu vực kiểm soát đặc biệt là khu vực trong đó có sử dụng hoặc lưu giữ vật liệu hạt nhân nhóm I; khu vực kiểm soát đặc biệt nằm trong khu vực được bảo vệ.

4. Khu vực trọng yếu là khu vực trong đó có vật liệu hạt nhân, hệ thống, thiết bị hoặc máy móc mà việc phá hoại chúng có thể trực tiếp hoặc gián tiếp dẫn tới hậu quả phóng xạ; khu vực trọng yếu nằm trong khu vực được bảo vệ của cơ sở hạt nhân.

5. Rào cản vật lý là hàng rào, tường hoặc chướng ngại vật nhằm kiểm soát việc ra vào và trì hoãn việc xâm nhập.

6. Cơ sở hạt nhân là các cơ sở quy định tại khoản 1 Điều 37 Luật Năng lượng nguyên tử.

7. Mất an ninh cơ sở hạt nhân, vật liệu hạt nhân là khi xảy ra một trong các tình trạng sau:

a) Vật liệu hạt nhân bị lấy cắp, chiếm đoạt bất hợp pháp hoặc phá hoại trong quá trình sử dụng, lưu giữ, vận chuyển;

b) Cơ sở hạt nhân bị tiếp cận bất hợp pháp hoặc bị phá hoại;

c) Có cơ sở khẳng định đang hiện hữu nguy cơ dẫn đến tình trạng quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này.

8. Hậu quả phóng xạ là hậu quả đối với con người và môi trường gây ra bởi các chất phóng xạ.

Điều 3. Phân nhóm vật liệu hạt nhân

Căn cứ yêu cầu bảo đảm an ninh, vật liệu hạt nhân được phân thành các nhóm I, II, III quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này và vật liệu hạt nhân không thuộc nhóm I, II và III.

Điều 4. Nguyên tắc bảo đảm an ninh vật liệu hạt nhân và cơ sở hạt nhân

1. Người đứng đầu tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ liên quan đến vật liệu hạt nhân và cơ sở hạt nhân chịu trách nhiệm cao nhất về việc bảo đảm an ninh vật liệu hạt nhân và cơ sở hạt nhân.

2. Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ liên quan đến vật liệu hạt nhân và cơ sở hạt nhân phải tuân thủ các yêu cầu về bảo đảm an ninh vật liệu hạt nhân và cơ sở hạt nhân quy định tại Thông tư này và các quy định pháp luật khác có liên quan.

3. Các yêu cầu và biện pháp bảo đảm an ninh vật liệu hạt nhân và cơ sở hạt nhân phải phù hợp với nhóm vật liệu hạt nhân và mức độ hậu quả phóng xạ khi bị phá hoại. Tổ chức, cá nhân sử dụng, lưu giữ và vận chuyển vật liệu hạt nhân không thuộc các nhóm I, II hoặc III phải thực hiện các biện pháp quản lý cần thiết để bảo đảm an ninh.

4. Các biện pháp bảo đảm an toàn, bảo đảm an ninh, thực hiện kiểm soát hạt nhân phải được xem xét ngay từ bước thiết kế để bảo đảm các biện pháp đó hỗ trợ cho nhau mà không ảnh hưởng xấu đến nhau.

Điều 5. Kế hoạch bảo đảm an ninh

Tổ chức, cá nhân tiến hành công việc bức xạ liên quan đến vật liệu hạt nhân, cơ sở hạt nhân phải xây dựng kế hoạch bảo đảm an ninh mô tả chi tiết các biện pháp bảo đảm an ninh phù hợp với quy định tại Thông tư này. Kế hoạch bảo đảm an ninh là một nội dung của báo cáo đánh giá an toàn trong hồ sơ đề nghị cấp, gia hạn giấy phép tiến hành công việc bức xạ và là một nội dung của báo cáo thực trạng an toàn tiến hành công việc bức xạ được lập và gửi đến Cục An toàn bức xạ và hạt nhân định kỳ hằng năm hoặc khi có yêu cầu của Cục An toàn bức xạ và hạt nhân.

Chương II

BẢO ĐẢM AN NINH VẬT LIỆU HẠT NHÂN TRONG SỬ DỤNG, LƯU GIỮ VÀ BẢO ĐẢM AN NINH CƠ SỞ HẠT NHÂN

Điều 6. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi sử dụng và lưu giữ vật liệu hạt nhân nhóm I

1. Thiết lập khu vực hạn chế ra vào và áp dụng các biện pháp để kiểm soát, hạn chế việc ra vào khu vực này.

2. Thiết lập khu vực được bảo vệ bảo đảm các yêu cầu:

a) Nằm trong khu vực hạn chế ra vào;

b) Có rào cản vật lý bao quanh, có thiết bị phát hiện và báo động xâm nhập bất hợp pháp; rào cản vật lý, thiết bị phát hiện và báo động xâm nhập được thiết kế sao cho lực lượng bảo vệ có đủ thời gian để đánh giá nguyên nhân gây báo động, thực hiện ứng phó kịp thời đối với hành vi xâm nhập bất hợp pháp;

c) Hạn chế số lượng các lối ra vào và phải lắp các thiết bị thiết bị phát hiện, báo động sự xâm nhập bất hợp pháp;

d) Người được phép ra vào khu vực này phải được hạn chế đến mức thấp nhất và phải mang thể có dấu hiệu nhận dạng; người được phép ra vào mà không cần có người đi kèm phải là nhân viên của cơ sở, không có tiền án, tiền sự, không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, có đạo đức tốt và được người đứng đầu cơ sở cho phép bằng văn bản; đối tượng khác khi vào khu vực này phải có người đi kèm và phải được sự đồng ý bằng văn bản của người đứng đầu cơ sở, trong đó ghi rõ người được vào, người đi kèm và thời gian ra vào;

đ) Có biện pháp kiểm tra người, phương tiện vận chuyển, vật phẩm ra vào để phát hiện và ngăn chặn sự ra vào bất hợp pháp, mang các vật bị cấm vào khu vực hoặc mang trái phép vật liệu hạt nhân ra khỏi khu vực.

3. Thiết lập khu vực kiểm soát đặc biệt bảo đảm các yêu cầu:

a) Nằm trong khu vực được bảo vệ;

b) Có biện pháp giám sát liên tục đối với người có mặt trong khu vực này;

c) Không cho phép phương tiện vận chuyển cá nhân được đi vào;

b) Bố trí rào cản vật lý ở khoảng cách hợp lý để ngăn chặn các phương tiện cơ giới đường bộ, đường thủy tiếp cận để phá hoại cơ sở;

d) Có quy trình ghi nhận và lưu giữ thông tin về tất cả những người đã vào khu vực và tất cả những người đã sử dụng, quản lý chìa khóa, thẻ ra vào hoặc hệ thống máy tính kiểm soát việc tiếp cận khu vực; thông tin phải được ghi vào sổ theo dõi và lưu giữ ít nhất 5 năm;

e) Áp dụng các biện pháp bảo đảm an ninh như quy định tại các điểm b, c, d và đ khoản 2 Điều này.

4. Sử dụng và lưu giữ vật liệu hạt nhân trong phòng có thiết kế kiên cố nằm trong khu vực kiểm soát đặc biệt luôn được khóa và có hệ thống báo động sự tiếp cận bất hợp pháp; khi vật liệu hạt nhân được đặt tạm thời tại khu vực làm việc không có người và ở ngoài phòng kiên cố thì phải có các biện pháp bảo đảm an ninh cần thiết.

5. Xây dựng và thực hiện nội quy quản lý chìa khóa của phòng sử dụng và lưu giữ vật liệu hạt nhân, bảo đảm:

a) Định kỳ thay đổi tổ hợp khóa;

b) Thay đổi khóa, chìa khóa hoặc tổ hợp khóa, nếu có dấu hiệu mất an ninh.

6. Khi di chuyển vật liệu hạt nhân trong khu vực được bảo vệ hoặc giữa các khu vực được bảo vệ phải áp dụng các biện pháp bảo đảm an ninh cần thiết.

7. Lập hồ sơ quản lý vật liệu hạt nhân, bao gồm các thông tin về địa điểm đặt, dạng, trạng thái vật lý, thành phần và khối lượng của vật liệu hạt nhân, nhật ký sử dụng và lưu giữ vật liệu hạt nhân.

8. Tổ chức lực lượng bảo vệ bảo đảm canh gác liên tục 24/24 giờ, thực hiện tuần tra khu vực được bảo vệ, ứng phó, ngăn chặn kịp thời các hành vi tiếp cận bất hợp pháp; nhân viên bảo vệ có nhân thân tin cậy và phải được phổ biến kiến thức về an toàn bức xạ, được huấn luyện và trang bị phù hợp để thực hiện nhiệm vụ.

9. Thiết lập trạm báo động trung tâm nhằm theo dõi và đánh giá các báo động, liên lạc với lực lượng bảo vệ, lực lượng ứng phó, lãnh đạo cơ sở. Trạm báo động trung tâm phải bảo đảm các yêu cầu sau:

a) Đặt trong khu vực được bảo vệ và phải được thiết kế bảo đảm duy trì hoạt động cả trong trường hợp có tấn công;

b) Có nhân viên trực liên tục;

c) Bảo đảm các thông tin về trạm được lưu giữ và bảo vệ;

d) Có biện pháp hạn chế và kiểm soát việc tiếp cận trạm.

10. Bảo đảm để việc truyền dữ liệu từ tất cả các thiết bị phát hiện, báo động xâm nhập về trạm báo động trung tâm và thông tin liên lạc giữa trạm với lực lượng bảo vệ, lực lượng ứng phó, lãnh đạo cơ sở được duy trì trong mọi tình huống.

11. Trang bị hệ thống liên lạc thông tin hai chiều giữa trạm báo động trung tâm, lực lượng bảo vệ, lực lượng ứng phó bảo đảm việc liên lạc trong mọi tình huống.

12. Bảo đảm điện cấp cho các thiết bị báo động, trạm báo động trung tâm được liên tục, không bị ảnh hưởng bởi các hành vi can thiệp, phá hoại bất hợp pháp.

13. Xây dựng và thực hiện quy trình kiểm tra định kỳ hoạt động của các thiết bị phát hiện, báo động xâm nhập bất hợp pháp, hệ thống thông tin liên lạc và các hệ thống bảo vệ khác.

14. Xây dựng và thực hiện nội quy về bảo mật thông tin liên quan đến an ninh vật liệu hạt nhân. Hệ thống máy tính sử dụng cho bảo đảm an ninh, an toàn và kiểm soát hạt nhân phải được bảo vệ chống lại mọi hành động phá hoại, bao gồm cả tấn công mạng.

15. Tổ chức phổ biến và cập nhật kiến thức, thông tin, quy định về bảo đảm an ninh vật liệu hạt nhân cho mọi nhân viên làm việc trong khu vực hạn chế ra vào.

16. Xây dựng kế hoạch ứng phó với các tình huống mất an ninh, trong đó bảo đảm sự hợp pháp giữa cơ sở và lực lượng ứng phó bên ngoài; đào tạo cho nhân viên của cơ sở thực hiện các hành động ứng phó sự cố mất an ninh; tổ chức diễn tập kế hoạch ứng phó một năm một lần để đánh giá tính hiệu quả của các biện pháp bảo đảm an ninh.

17. Phối hợp với cơ quan có thẩm quyền tạo điều kiện để lực lượng ứng phó bên ngoài nắm rõ cơ sở, vị trí đặt vật liệu hạt nhân và kiến thức về bảo vệ chống bức xạ.

Điều 7. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi sử dụng và lưu giữ vật liệu hạt nhân nhóm II

1. Thực hiện quy định tại các khoản 1, 2, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16 và 17 Điều 6 Thông tư này.

2. Sử dụng và lưu giữ vật liệu hạt nhân nhóm II trong khu vực được bảo vệ.

3. Có quy trình ghi nhận và lưu giữ thông tin về tất cả những người đã từng sử dụng, quản lý chìa khóa, thẻ ra vào hoặc hệ thống máy tính kiểm soát việc tiếp cận vật liệu hạt nhân; thông tin phải được lưu giữ ít nhất 5 năm.

Điều 8. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi sử dụng và lưu giữ vật liệu hạt nhân nhóm III

1. Thực hiện quy định tại các khoản 1, 15, 16 và 17 Điều 6 Thông tư này.

2. Sử dụng và lưu giữ vật liệu hạt nhân nhóm III trong khu vực hạn chế ra vào.

3. Khi di chuyển vật liệu hạt nhân trong khu vực hạn chế ra vào phải áp dụng các biện pháp bảo đảm an ninh cần thiết.

4. Tổ chức lực lượng bảo vệ với các nhân viên có nhân thân tin cậy, được huấn luyện và trang bị phù hợp, bảo đảm ứng phó, ngăn chặn kịp thời các hành vi tiếp cận bất hợp pháp.

Điều 9. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có cơ sở hạt nhân

1. Thực hiện quy định tại các khoản 1, 2, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16 và 17 Điều 6 Thông tư này.

2. Bảo đảm an ninh cho các vật liệu hạt nhân được sử dụng, lưu giữ trong cơ sở hạt nhân theo các yêu cầu tương ứng quy định tại các Điều 6, 7 và 8 của Thông tư này. Riêng đối với vật liệu hạt nhân nhóm I thay cho yêu cầu phải được sử dụng hoặc lưu giữ trong khu vực kiểm soát đặc biệt sẽ phải được sử dụng hoặc lưu giữ trong khu vực trọng yếu.

3. Thiết lập khu vực trọng yếu bảo đảm các yêu cầu:

a) Có các biện pháp kiểm soát, bảo đảm an ninh như đối với khu vực kiểm soát đặc biệt theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Thông tư này;

b) Trong thời gian không hoạt động hoặc được bảo dưỡng, việc ra vào khu vực trọng yếu phải được kiểm soát chặt chẽ; đối với khu vực có lò phản ứng hạt nhân thì trước khi lò phản ứng hoạt động trở lại cần phải kiểm tra để khẳng định không có hành vi xâm hại nào được thực hiện trong quá trình không hoạt động hoặc bảo dưỡng.

4. Bảo đảm vật liệu hạt nhân, các hệ thống, thiết bị, máy móc phải được sử dụng, lưu giữ trong khu vực trọng yếu nếu việc phá hoại chúng có thể trực tiếp hoặc gián tiếp dẫn tới hậu quả phóng xạ cao.

Điều 10. Xử lý sự cố mất an ninh vật liệu hạt nhân, cơ sở hạt nhân

Tổ chức, cá nhân có vật liệu hạt nhân, cơ sở hạt nhân khi phát hiện dấu hiệu mất an ninh đối với vật liệu hạt nhân, cơ sở hạt nhân có trách nhiệm:

1. Thông báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để có biện pháp phối hợp xử lý.

2. Trong vòng 08 giờ phải báo cáo cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp, Sở Khoa học và Công nghệ địa phương và Cục An toàn bức xạ và hạt nhân.

3. Phối hợp với cơ quan có thẩm quyền tìm kiếm và thu hồi vật liệu hạt nhân bị mất.

4. Ngay sau khi xảy ra hành vi phá hoại vật liệu hạt nhân, cơ sở hạt nhân phải tiến hành các biện pháp ngăn chặn thiệt hại, bảo vệ cơ sở hạt nhân, bảo vệ người.

Chương III

BẢO ĐẢM AN NINH VẬT LIỆU HẠT NHÂN TRONG VẬN CHUYỂN

Điều 11. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân gửi hàng đối với vận chuyển vật liệu hạt nhân nhóm I

1. Thông báo trước cho bên nhận về kế hoạch vận chuyển, phương thức vận chuyển, lộ trình vận chuyển, thời gian hàng được chuyển tới, vị trí chuyển giao, xác định rõ thời điểm giao trách nhiệm bảo đảm an ninh đối với vật liệu hạt nhân.

2. Trước khi vận chuyển, phải có ý kiến đồng ý bằng văn bản của bên nhận hàng, bên vận chuyển về thời điểm, địa điểm, quy trình chuyển giao trách nhiệm bảo đảm an ninh và báo cáo Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Sở Khoa học và Công nghệ địa phương nơi chuyển và nhận vật liệu hạt nhân.

3. Lựa chọn tuyến đường vận chuyển, tránh những nơi dễ xảy ra thảm họa tự nhiên hoặc điểm không đảm bảo an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội; có tuyến đường vận chuyển dự phòng cho trường hợp tuyến đường vận chuyển chính không thực hiện được.

4. Hạn chế đến mức thấp nhất số lần và thời gian chuyển giao vật liệu hạt nhân từ phương tiện vận chuyển này sang phương tiện vận chuyển khác hoặc từ kho lưu giữ tạm thời này sang kho lưu giữ tạm thời khác.

5. Vận chuyển kiện hàng vật liệu hạt nhân bằng phương tiện vận chuyển kín có khóa hoặc trong khoang chở hàng hoặc công-ten-nơ vận chuyển kín có khóa; kiện hàng phải được gắn chặt với phương tiện vận chuyển, khoang chở hàng hoặc công-ten-nơ vận chuyển; trường hợp kiện hàng có khối lượng lớn hơn 2000 kilogram đã được khóa hoặc niêm phong thì có thể vận chuyển bằng phương tiện vận chuyển hở nhưng kiện hàng phải được gắn chặt với khoang chở hàng hoặc công-ten-nơ vận chuyển bằng ít nhất hai khóa và các chìa khóa được giữ bởi các cá nhân khác nhau.

6. Trước khi chuyển vật liệu hạt nhân lên phương tiện vận chuyển phải kiểm tra phương tiện vận chuyển; ngay sau khi kiểm tra xong, phải bảo đảm phương tiện vận chuyển đỗ ở trong khu vực bảo đảm an ninh hoặc được nhân viên bảo vệ giám sát trong thời gian chờ chuyển vật liệu hạt nhân lên.

7. Trước khi vận chuyển, kiểm tra để bảo đảm không có vật lạ gắn vào kiện hàng hoặc khoang hàng; trước khi vận chuyển và trong quá trình chuyển giao vật liệu hạt nhân, phải kiểm tra tính toàn vẹn của các khóa và niêm phong trên kiện hàng, khoang hàng, công-ten-nơ và phương tiện vận chuyển.

8. Bố trí trung tâm kiểm soát vận chuyển để theo dõi vị trí của phương tiện vận chuyển, tình trạng an ninh của chuyến vận chuyển, duy trì liên lạc với những người tham gia vận chuyển, lực lượng ứng phó và báo động cho lực lượng ứng phó trong trường hợp có sự tấn công, trung tâm kiểm soát vận chuyển được bảo vệ để duy trì chức năng ngay cả khi có sự tấn công; khi chuyến hàng trong quá trình vận chuyển, trung tâm kiểm soát vận chuyển phải có nhân viên của bên gửi hàng trực gác.

9. Bố trí nhân viên bảo vệ tham gia quá trình vận chuyển để giám sát và ứng phó sự cố mất an ninh; phổ biến và giao văn bản quy định trách nhiệm của từng nhân viên trong quá trình vận chuyển; chỉ dẫn nhân viên bảo vệ báo cáo về trung tâm kiểm soát vận chuyển thường xuyên và ngay khi chuyến hàng đến nơi nhận cuối cùng, nơi nghỉ qua đêm hoặc nơi chuyển giao vật liệu hạt nhân.

10. Bảo đảm các điều kiện thông tin, liên lạc kịp thời giữa người tham gia vận chuyển, nhân viên bảo vệ đi cùng chuyến vận chuyển, tổ chức vận chuyển, bên gửi, bên nhận, cơ quan công an và các cơ quan, tổ chức liên quan trong suốt quá trình vận chuyển và trong trường hợp khẩn cấp.

11. Xây dựng và diễn tập kế hoạch ứng phó sự cố mất an ninh.

12. Xây dựng và thực hiện nội quy về bảo mật thông tin liên quan đến an ninh vận chuyển vật liệu hạt nhân.

13. Tùy thuộc vào từng phương thức vận chuyển, phải thực hiện các yêu cầu bổ sung sau:

a) Đối với vận chuyển bằng đường bộ, phải sử dụng phương tiện vận chuyển riêng biệt, được thiết kế để chống lại sự tấn công và lắp đặt thiết bị có thể khóa hoạt động phương tiện; mỗi xe vận chuyển phải có ít nhất một nhân viên bảo vệ ngoài người điều khiển phương tiện; mỗi xe vận chuyển phải có ít nhất một xe đi kèm cho nhân viên bảo vệ làm nhiệm vụ giám sát, bảo vệ xe vận chuyển và ứng phó khi cần thiết;

b) Đối với vận chuyển bằng đường sắt, phải đặt vật liệu hạt nhân trong toa chở hàng vật liệu; nhân viên bảo vệ phải ở trong toa gần nhất với toa có vật liệu hạt nhân;

c) Đối với vận chuyển bằng đường thủy, phải sử dụng tàu vận chuyển riêng biệt để chuyên chở vật liệu hạt nhân;

d) Đối với vận chuyển bằng đường không, phải sử dụng máy bay chuyên chở hàng và vật liệu hạt nhân là hàng hóa duy nhất được chuyên chở trên máy bay.

Điều 12. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân gửi hàng đối với vận chuyển vật liệu hạt nhân nhóm II

1. Vận chuyển kiện hàng vật liệu hạt nhân bằng phương tiện vận chuyển kín có khóa hoặc trong khoang chở hàng hoặc công-ten-nơ vận chuyển kín có khóa; kiện hàng phải được gắn chặt với phương tiện vận chuyển, khoang chở hàng hoặc công-ten-nơ vận chuyển; trường hợp kiện hàng có khối lượng lớn hơn 2000 kilogram đã được khóa hoặc niêm phong thì có thể vận chuyển bằng phương tiện vận chuyển hở.

2. Bố trí nhân viên bảo vệ tham gia quá trình vận chuyển để giám sát và ứng phó sự cố mất an ninh; phổ biến và giao bằng văn bản quy định trách nhiệm của từng nhân viên trong quá trình vận chuyển.

3. Thực hiện quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 10, 11 và 12 Điều 11 Thông tư này.

Điều 13. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân gửi hàng đối với vận chuyển vật liệu hạt nhân nhóm III

Thực hiện quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 7, 10 và 12 Điều 11 và các khoản 1 và 2 Điều 12 Thông tư này.

Điều 14. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân vận chuyển

Tổ chức, cá nhân vận chuyển có trách nhiệm thực hiện các quy định tại khoản 2 Điều 63 Luật Năng lượng nguyên tử.

Điều 15. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nhận hàng

1. Bảo đảm tiếp nhận hàng theo đúng kế hoạch đã được thông báo trước.

2. Kiểm tra tính toàn vẹn của kiện hàng, khóa và niêm phong trước khi nhận hàng và thông báo cho bên gửi hàng về việc đã nhận được hàng hoặc không nhận được ngay sau thời gian dự kiến.

3. Áp dụng các biện pháp bảo đảm an ninh vật liệu hạt nhân theo quy định tại Thông tư này sau khi tiếp nhận hàng.

4. Thông báo ngay cho bên gửi hàng và báo cáo Cục An toàn bức xạ và hạt nhân và Sở Khoa học và Công nghệ địa phương khi phát hiện kiện hàng nhận được không đúng hợp đồng vận chuyển về chủng loại, số lượng hoặc kiện hàng có dấu hiệu bị hư hỏng, bị tháo dỡ, mất niêm phong hoặc bị rò rỉ phóng xạ.

5. Tham gia khắc phục hậu quả cùng với các bên liên quan khi sự cố mất an ninh xảy ra.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 16. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15 tháng 02 năm 2012.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Bộ Khoa học và Công nghệ để xem xét sửa đổi, bổ sung./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Lê Đình Tiến

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.