• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 15/11/2012
BỘ CÔNG AN
Số: 56/2012/TT-BCA
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thái Nguyên, ngày 18 tháng 9 năm 2012

THÔNG TƯ

Quy định chi tiết thi hành một số quy định tại Điều 6 Nghị định

số 72/2010/NĐ-CP ngày 08/7/2010 của Chính phủ về phòng ngừa, đấu tranh

chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường

_______________

 

Căn cứ Luật Công an nhân dân năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 77/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;

Căn cứ Nghị định số 72/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 2010 của Chính phủ quy định về phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường;

Căn cứ Quyết định số 151/2008/QĐ-TTg ngày 28/11/2008 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế áp dụng biện pháp công tác nghiệp vụ trong phòng, chống tội phạm và giữ gìn trật tự, an toàn xã hội của lực lượng Cảnh sát nhân dân;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm,

Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định chi tiết thi hành một số quy định tại Điều 6 Nghị định số 72/2010/NĐ-CP ngày 08/7/2010 của Chính phủ quy định về phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định chi tiết thi hành về nội dung, trình tự, thủ tục, thẩm quyền áp dụng các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường quy định tại khoản 1, điểm a khoản 2 và các khoản 4 và 5 Điều 6 Nghị định số 72/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 2010 của Chính phủ quy định về phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường (sau đây gọi tắt là Nghị định số 72/2010/NĐ-CP) và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các đơn vị, cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân làm công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường.

Điều 3. Nguyên tắc áp dụng biện pháp phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường

1. Tuân thủ quy định của Nghị định số 72/2010/NĐ-CP, Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Nghiêm cấm lợi dụng việc tiến hành các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường để sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Điều 4. Trách nhiệm và quyền của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường có trách nhiệm nghiêm chỉnh chấp hành quyết định của cấp có thẩm quyền quy định tại Nghị định số 72/2010/NĐ-CP và Thông tư này; có quyền kiến nghị, khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật đối với các quyết định, hành vi của cơ quan, người có thẩm quyền trong quá trình áp dụng, thực hiện các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường, nếu có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 5. Áp dụng các biện pháp nghiệp vụ phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường

1. Biện pháp nghiệp vụ phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định số 72/2010/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là biện pháp nghiệp vụ) chỉ được áp dụng khi có dấu hiệu tội phạm về môi trường hoặc khi có căn cứ xác định là có vi phạm pháp luật liên quan trực tiếp đến tội phạm về môi trường.

2. Thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp nghiệp vụ:

a) Tổng cục trưởng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm; Cục trưởng, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường; Giám đốc, Phó giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là Công an cấp tỉnh) phụ trách Cảnh sát được quyền quyết định áp dụng các biện pháp nghiệp vụ quy định tại Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 72/2010/NĐ-CP.

b) Trưởng phòng, Phó trưởng phòng Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường Công an cấp tỉnh; Trưởng Công an, Phó trưởng Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (gọi chung là Công an cấp huyện) phụ trách Cảnh sát được quyền quyết định áp dụng các biện pháp nghiệp vụ quy định tại các điểm b, c, d và đ Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 72/2010/NĐ-CP.

3. Nội dung, trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp nghiệp vụ phải theo đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ Công an.

Điều 6. Áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động có liên quan trực tiếp đến việc gây ô nhiễm môi trường của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp

1. Biện pháp tạm đình chỉ hoạt động có liên quan trực tiếp đến việc gây ô nhiễm môi trường của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (sau đây gọi tắt là biện pháp tạm đình chỉ hoạt động) là một trong các biện pháp khẩn cấp tạm thời được quy định tại Điểm a, Khoản 2 Điều 6 Nghị định số 72/2010/NĐ-CP, nhằm ngăn chặn ngay hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, bảo đảm cho việc xác minh, làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Biện pháp tạm đình chỉ hoạt động chỉ được áp dụng khi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có hành vi vi phạm có dấu hiệu của tội phạm về môi trường hoặc hành vi vi phạm nghiêm trọng các quy định tại các khoản 4, 5, 6, 7, 8, 9, 11, 13, 14 và 15 Điều 7 Luật Bảo vệ môi trường năm 2005.

2. Thẩm quyền áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động:

a) Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường;

b) Giám đốc Công an cấp tỉnh.

Người ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

3. Trường hợp người có thẩm quyền quy định tại Điểm a, b Khoản 2 Điều này vắng mặt thì có thể ủy quyền cho cấp phó ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động. Việc ủy quyền phải được thực hiện bằng văn bản. Người được ủy quyền phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình trước cấp trưởng và trước pháp luật, không được ủy quyền cho người khác.

4. Quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động phải bằng văn bản của người có thẩm quyền. Trong quyết định tạm đình chỉ hoạt động phải ghi rõ lý do, thời hạn áp dụng, thời điểm bắt đầu áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động, các biện pháp bảo vệ môi trường phải thực hiện, cơ quan giám sát thực hiện, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp bị áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động; ngày, tháng, năm ra quyết định; họ, tên, chức vụ, chữ ký của người ra quyết định và đóng dấu của cơ quan của người ra quyết định.

Quyết định tạm đình chỉ hoạt động phải được gửi cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp bị áp dụng biện pháp này và các cơ quan có liên quan trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày ra quyết định.

5. Thời hạn tạm đình chỉ hoạt động không quá 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày bắt đầu áp dụng; trong trường hợp do tính chất phức tạp của vụ việc thì thời hạn tạm đình chỉ hoạt động có thể kéo dài, nhưng tổng số thời gian tạm đình chỉ không được vượt quá 30 (ba mươi) ngày, kể từ ngày bắt đầu áp dụng.

Trong thời hạn tạm đình chỉ hoạt động, cơ quan đã ra quyết định phải tổ chức xác minh, làm rõ hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và đề xuất, áp dụng biện pháp xử lý.

Điều 7. Yêu cầu tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu, tài sản, đồ vật khi có căn cứ xác định liên quan đến tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường

1. Việc yêu cầu tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu, tài sản, đồ vật theo quy định tại Khoản 4 Điều 6 Nghị định số 72/2010/NĐ-CP chỉ được áp dụng trong trường hợp cần xác minh, làm rõ các hành vi vi phạm liên quan đến tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường.

2. Căn cứ để yêu cầu tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu, tài sản, đồ vật có liên quan đến tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường:

a) Có tin báo, tố giác tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường;

b) Kết quả điều tra theo quy định của pháp luật của cơ quan có thẩm quyền về việc tổ chức, cá nhân có liên quan đến tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường;

c) Kiến nghị của các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc liên quan đến tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường.

3. Thẩm quyền ra quyết định yêu cầu tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu, tài sản, đồ vật có liên quan đến tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường:

a) Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường;

b) Giám đốc Công an cấp tỉnh;

c) Trưởng phòng Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường Công an cấp tỉnh;

d) Trưởng Công an cấp huyện.

Người ra quyết định yêu cầu tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu, tài sản, đồ vật phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

4. Người có thẩm quyền ra quyết định yêu cầu tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu, tài sản, đồ vật có thể yêu cầu đại diện tổ chức, cá nhân có liên quan đến trụ sở cơ quan mình để cung cấp thông tin, tài liệu, tài sản, đồ vật có liên quan đến tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường hoặc cử cán bộ trực tiếp đến yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu, tài sản, đồ vật có liên quan đến tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường.

5. Trường hợp người có thẩm quyền quy định tại các điểm a, b, c và d Khoản 3 Điều này vắng mặt thì có thể uỷ quyền cho cấp phó của mình ra quyết định yêu cầu tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu, tài sản, đồ vật. Việc uỷ quyền phải được thực hiện bằng văn bản. Người được uỷ quyền phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình trước cấp trưởng và trước pháp luật, không được ủy quyền cho người khác.

6. Thông tin, tài liệu, tài sản, đồ vật do tổ chức, cá nhân cung cấp phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích; trường hợp để mất, hư hỏng, thất thoát tài sản, đồ vật của tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 8. Kiểm tra các hoạt động của tổ chức, cá nhân có liên quan đến tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường

1. Kiểm tra các hoạt động của tổ chức, cá nhân có liên quan đến tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường theo quy định tại Khoản 5 Điều 6 Nghị định số 72/2010/NĐ-CP là hoạt động kiểm tra hành chính đột xuất khi có căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều này nhằm xác minh, làm rõ dấu hiệu tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật khác về môi trường của tổ chức, cá nhân.

2. Căn cứ ra quyết định kiểm tra:

a) Khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường;

b) Có tố giác, tin báo về tội phạm và qua xác minh, bước đầu đã xác định có dấu hiệu tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường đã xảy ra;

c) Yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường.

3. Thẩm quyền ban hành quyết định kiểm tra:

a) Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường;

b) Giám đốc Công an cấp tỉnh;

c) Trưởng Công an cấp huyện.

4. Trường hợp người có thẩm quyền quy định tại các điểm a, b và c Khoản 3 Điều này vắng mặt có thể uỷ quyền cho cấp phó của mình ra quyết định kiểm tra. Việc uỷ quyền phải được thực hiện bằng văn bản. Người được uỷ quyền phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình trước cấp trưởng và trước pháp luật, không được ủy quyền cho người khác.

5. Quyết định kiểm tra phải bằng văn bản. Trong quyết định kiểm tra phải ghi rõ căn cứ kiểm tra; phạm vi, đối tượng, nội dung, nhiệm vụ, phương pháp kiểm tra; thời hạn kiểm tra; thành phần đoàn kiểm tra; quyền và trách nhiệm của người thực hiện nhiệm vụ kiểm tra; quyền và nghĩa vụ của của đối tượng được kiểm tra; họ, tên, chức vụ, chữ ký của người ra quyết định và đóng dấu của cơ quan của người ra quyết định.

Người ra quyết định kiểm tra phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

6. Người được giao nhiệm vụ kiểm tra có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, tài liệu, sổ sách, chứng từ; kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường như các biện pháp bảo vệ môi trường, cam kết bảo vệ môi trường; hoạt động giám sát môi trường định kỳ; việc quản lý các loại chất thải rắn, chất thải nguy hại; hệ thống thu gom và xử lý nước thải, khí thải, tiếng ồn và các nội dung khác đã được ghi trong quyết định kiểm tra.

Việc kiểm tra phải được lập biên bản, có chữ ký của đại diện tổ chức, cá nhân được kiểm tra. Trường hợp tổ chức, cá nhân được kiểm tra cố tình không ký vào biên bản kiểm tra thì đoàn kiểm tra có trách nhiệm mời đại diện chính quyền địa phương hoặc người làm chứng xác nhận vào biên bản kiểm tra.

7. Thời hạn kiểm tra trực tiếp của mỗi cuộc kiểm tra tối đa là 5 (năm) ngày làm việc kể từ ngày công bố quyết định kiểm tra. Trong trường hợp cần thiết, thời hạn kiểm tra có thể kéo dài nhưng không vượt quá 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày công bố quyết định kiểm tra.

8. Chậm nhất là 05 (năm) ngày, kể từ ngày kết thúc cuộc kiểm tra, Trưởng đoàn kiểm tra phải có văn bản báo cáo người ra quyết định kiểm tra về kết quả kiểm tra.

9. Chậm nhất là 15 (mười lăm) ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả kiểm tra, người ra quyết định kiểm tra phải có văn bản kết luận kiểm tra. Văn bản kết luận kiểm tra phải được gửi cho đối tượng được kiểm tra và gửi báo cáo Thủ trưởng cơ quan quản lý cấp trên; kết luận kiểm tra của Giám đốc Công an cấp tỉnh đồng gửi Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm (qua Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường) để theo dõi.

10. Trách nhiệm của cơ quan, cán bộ tiến hành kiểm tra:

a) Thực hiện đúng quy định của Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan; chấp hành đúng quy định về bảo mật, không được cung cấp cho người không có trách nhiệm các thông tin, tài liệu liên quan đến cuộc kiểm tra;

b) Nghiêm cấm việc tiến hành kiểm tra mà không có quyết định của cấp có thẩm quyền hoặc tự ý mở rộng đối tượng, nội dung, phạm vi kiểm tra hoặc lợi dụng việc kiểm tra để sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, của tổ chức, cá nhân.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 9. Biểu mẫu áp dụng các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường

Ban hành kèm theo Thông tư này 06 biểu mẫu để sử dụng trong quá trình áp dụng các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường.

Điều 10. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 11 năm 2012.

Điều 11. Trách nhiệm thi hành

1. Các Tổng cục trưởng, Thủ trưởng đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

2. Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện và hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện Thông tư, nếu có khó khăn, vướng mắc nảy sinh, Công an các đơn vị, địa phương, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phản ánh về Bộ Công an (qua Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm) để có hướng dẫn kịp thời./.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Thượng tướng Trần Đại Quang

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.