• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 23/07/1998
BỘ QUỐC PHÒNG-BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI-BỘ TÀI CHÍNH
Số: 2076/1998/TTLT/BQP-BLĐTBXH-BTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thái Nguyên, ngày 8 tháng 7 năm 1998

THÔNG TƯ

LIÊN TỊCH CỦA BỘ QUỐC PHÒNG,

BỘ LAO ĐỘNG THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI, BỘ TÀI CHÍNH

Hướng dẫn thực hiện một số chế độ chính sách đối với bộ đội biên phòng

 

Thi hành Nghị định số 02/1998/NĐ-CP ngày 06/01/1998 của Chính phủ qui định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Bộ đội biên phòng.

 

Liên Bộ Quốc phòng - Lao động thương binh xã hội - Tài chính hướng dẫn thực hiện một số chế độ, chính sách đối với Bộ đội biên phòng như sau:

I. CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ BẢO VỆ BIÊN GIỚI, HẢI ĐẢO

1. Đối tượng áp dụng:

a) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức quốc phòng, hạ sĩ quan, binh sĩ thuộc biên chế tại các đồn Biên phòng.

b) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức quốc phòng, hạ sĩ quan, binh sĩ thuộc Bộ đội Biên phòng (không thuộc biên chế tại các đồn Biên phòng) được cấp có thẩm quyền điều động đi làm nhiệm vụ trinh sát, tuần tra, kiểm soát, vận động quần chúng bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.

2. Mức phụ cấp

- Đối với Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức quốc phòng phụ cấp bằng hệ số 0,3 tính trên mức tiền lương tối thiểu do Chính phủ qui định áp dụng đối với cán bộ, công chức Nhà nước;

- Đối với Hạ sĩ quan, binh sĩ phụ cấp bằng hệ số 0,3 tính trên phụ cấp quân hàm binh nhì.

3. Cách tính trả

- Các đối tượng quy định tại tiết a, điểm 1, mục 1 được tính trả cùng với kỳ lương và phụ cấp quân hàm hàng tháng. Khi rời đồn biên phòng bất kì ngày nào trong tháng (trừ đi phép) từ tháng tiếp theo thôi hưởng khoản phụ cấp trách nhiệm bảo vệ biên giới, hải đảo.

- Các đối tượng qui định tại tiết b, điểm 1 được hưởng phụ cấp theo số ngày thực tế đi làm nhiệm vụ do cấp có thẩm quyền trong Bộ đội Biên phòng quyết định và được tính trả sau mỗi đợt kết thúc làm nhiệm vụ.

Ví dụ 1: Một sĩ quan biên chế ở đồn Biên phòng hàng tháng được hưởng phụ cấp trách nhiệm bảo vệ biên giới, hải đảo là 43.200 đồng (144.000 đồng x 0,3).

Ví dụ 2: Một binh sĩ biên chế ở đồn Biên phòng, hàng tháng được hưởng phụ cấp trách nhiệm bảo vệ biên giới, hải đảo là 12,960 đồng (43.200 đồng x 0,3).

Ví dụ 3: Một sĩ quan biên chế ở 1 đơn vị cơ động, trong tháng được điều động đi tuần tra 3 lần, mỗi lần 5 ngày, tổng cộng là 15 ngày, được hưởng phụ cấp trách nhiệm bảo vệ biên giới, hải đảo là 24. 900 đồng (144.000 đồng x 0,3 x 15 ngày/26 ngày).

II. CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP CÔNG TÁC LÂU NĂM Ở BIÊN GIỚI, HẢI ĐẢO

1. Đối tượng áp dụng

Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức quốc phòng trong Bộ đội Biên phòng thuộc biên chế tại các đồn, đơn vị Biên phòng đóng quân tại các địa bàn sau:

- Các xã vùng cao biên giới được công nhận là các xã vùng cao thuộc các tỉnh biên giới theo qui định tại các quyết định hiện hành của Bộ trưởng - Chủ nhiệm Uỷ ban dân tộc và miền núi;

- Các đảo xa nằm trên lãnh hải Việt Nam (trừ 13 đảo sau: Cái Bầu, Đình Vũ, Cồn Đen, Cồn Lục, Cồn Vành, Đảo Ne, Đảo Ngư, Đảo Sơn Dương, Hòn La, Hòn Trem Bình Ba, Côn Đảo, Phú Quốc).

2. Mức phụ cấp

- Phụ cấp công tác lâu năm ở các xã vùng cao biên giới, hải đảo tính trên tiền lương tối thiểu theo quy định của Chính phủ: Đủ 5 năm đến dưới 10 năm hưởng mức hệ số: 0,2; Từ đủ 10 năm đến dưới 15 năm hưởng mức hệ số: 0,3; Từ đủ 15 năm trở lên hưởng mức hệ số: 0,4.

- Thời gian công tác được tính để hưởng phụ cấp công tác lâu năm ở các xã vùng cao biên giới, hải đảo là tổng số thời gian công tác thực tế tại đồn, các đơn vị Biên phòng đóng quân ở các xã vùng cao, đảo xa, nếu đứt quãng thì được cộng dồn.

3. Cách tính trả.

- Phụ cấp công tác lâu năm ở biên giới, hải đảo được trả cùng với kỳ lương hàng tháng.

- Phụ cấp công tác lâu năm ở biên giới, hải đảo chỉ trả cho đối tượng đang công tác tại các xã vùng cao biên giới, đảo xa. Khi được điều động đi đơn vị khác không đóng quân tại xã vùng cao biên giới, đảo xa thì thôi hưởng từ tháng tiếp theo.

Ví dụ 1: Một sĩ quan biên chế ở 1 đơn vị Biên phòng đóng quân ở 1 xã vùng cao từ 1/1990 đến 6/1998 (8 năm) hàng tháng được hưởng phụ cấp công tác lâu năm ở biên giới, hải đảo là 28.800 đ (144.000 đ x 0,2).

Ví dụ 2: Một sĩ quan có thời gian công tác tại các địa bàn như sau:

Từ tháng 02/1988 đến 02/1990 (2 năm) công tác tại đồn Biên phòng đóng quân ở xã vùng cao.

Từ 3/1990 đến 3/1992 (2 năm) công tác tại đồn Biên phòng đóng quân ở đảo xa.

Từ 4/1992 đến 4/1993 (1 năm) công tác tại Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai.

Từ 5/1993 đến 6/1998 (5 năm) công tác tại đảo Bạch Long Vĩ (Đảo xa).

Thời gian được tính để hưởng phụ cấp là: 9 năm (2 năm + 2 năm + 5 năm) mức phụ cấp được hưởng hàng tháng là 28.800 đồng (144.000 đồng x 0,2).

Ví dụ 3: Một sĩ quan có thời gian công tác như sau:

Từ tháng 8/1978 đến 8/1985 (7 năm) công tác tại một đơn vị Biên phòng đóng quân ở 1 xã vùng cao.

Từ 9/1985 đến 9/1995 (10 năm) công tác tại 1 đơn vị Biên phòng đóng quân ở 1 xã vùng cao.

Từ 10/1995 đến 6/1998 công tác tại Cơ quan Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang.

Đồng chí sĩ quan này tuy có thời gian công tác ở xã vùng cao biên giới 17 năm nhưng hiện nay đang công tác tại thị xã Hà Giang không phải là xã vùng cao nên không được hưởng phụ cấp công tác lâu năm ở biên giới, hải đảo.

III. CHẾ ĐỘ ƯU ĐÃI XÃ HỘI

1. Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức quốc phòng, hạ sĩ quan, binh sĩ thuộc Bộ đội Biên phòng trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới, hải đảo ở những địa bàn được coi là đặc biệt khó khăn, gian khổ (theo phụ lục đính kèm) nếu bị ốm đau, tai nạn (trừ trường hợp tự mình gây nên hoặc vi phạm kỷ luật đơn vị) dẫn đến chết (kể cả trường hợp chuyển về tuyến sau điều trị rồi chết) được xét xác nhận là liệt sĩ hoặc bị thương mất sức lao động từ 21% trở lên được xét xác nhận là thương binh hoặc người hưởng chính sách như thương binh.

2. Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới, hải đảo ở những địa bàn được coi là đặc biệt khó khăn gian khổ nêu trên, từ 3 năm trở lên (Trường hợp chưa đủ 3 năm phải có 10 năm phục vụ trong quân đội, Công an nhân dân) nếu:

- Bị ốm đau bệnh tật mất sức lao động từ 61% trở lên xuất ngũ về gia đình được xét xác nhận là bệnh binh;

- Bị ốm đau, bệnh tật sau đó chuyển sang địa bàn khác (hoặc xuất ngũ) dưới 1 năm mà bị ốm đau do bệnh cũ tái phát (có hồ sơ bệnh cũ điều trị bệnh khi ở địa bàn đặc biệt khó khăn gian khổ kèm theo bệnh án điều trị bệnh tái phát tại các bệnh viên) mất sức lao động từ 61% trở lên được xét xác nhận là bệnh binh.

- Thủ tục hồ sơ xét duyệt thực hiện theo qui định tại Thông tư số 22/LĐTBXH ngày 29/8/1995 của Bộ Lao động thương binh xã hội "Hướng dẫn về thủ tục lập và quản lý hồ sơ người có công với cách mạng"; Thông tư số 2285/QP-TT ngày 21/11/1995 của Bộ Quốc phòng và các văn bản khác của liên bộ "Hướng dẫn thực hiện chế độ ưu đãi theo quy định tại Nghị định số 28/CP ngày 29/4/1995 của Chính phủ".

IV. CHẾ ĐỘ KHI CHUYỂN GIA ĐÌNH ĐẾN ĐỊNH CƯ Ở VÙNG CAO, HẢI ĐẢO

Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức quốc phòng thuộc Bộ đội Biên phòng chuyển gia đình đến vùng cao, hải đảo được hưởng chế độ trợ cấp như hộ gia đình đi xây dựng vùng kinh tế mới hoặc di dân ra đảo theo quy định hiện hành. Kinh phí bảo đảm trích từ nguồn vốn sự nghiệp di dân của ngân sách Nhà nước.

Các đơn vị Bộ đội Biên phòng có đối tượng hưởng chế độ trợ cấp này lập dự toán đề nghị duyệt, chi trả và quyết toán với Bộ Quốc phòng.

 V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký.

Khoản phụ cấp trách nhiệm quản lý bảo vệ biên giới, hải đảo và phụ cấp công tác lâu năm ở biên giới, hải đảo nói tại điểm I và điểm II Thông tư này được thực hiện từ 01/01/1998.

Quá trình tổ chức thực hiện nếu có vướng mắc các đơn vị phản ánh kịp thời về Liên Bộ Quốc phòng - Lao động thương binh và xã hội - Tài chính để giải quyết./.

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Quốc phòng
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Tài chính
Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

(Đã ký)

   

Nguyễn Trọng Xuyên

Lê Duy Đồng

Phạm Văn Trọng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.