Sign In

NGHỊ QUYẾT

Về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỷ lệ phần trăm (%)

phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách giai đoạn 2011 - 2015

_______________________

 

HỘI ĐỒNG NHÂN TỈNH THANH HOÁ

KHOÁ XV, KỲ HỌP THỨ 18

 

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 73/2003/NĐ-CP ngày 23 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ ban hành Quy chế xem xét, quyết định dự toán và phân bổ ngân sách địa phương, phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương;

Căn cứ Thông tư số 59/2003/TT-BTC ngày 23 tháng 6 năm 2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 60/NĐ-CP ngày 6/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;

Sau khi xem xét Tờ trình số 99/TTr-UBND ngày 02/12/2010 của UBND tỉnh; Báo cáo thẩm tra số 221/BC.HĐND-KTNS ngày 03/12/2010 của Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND tỉnh và ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Tán thành Tờ trình số 99/TTr-UBND ngày 02/12/2010 của UBND tỉnh về việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách giai đoạn 2011- 2015, với các nội dung sau:

A. PHÂN CẤP NGUỒN THU:

I. Những nội dung điều chỉnh cơ bản.

1. Điều chỉnh nội dung các khoản thu và tỷ lệ điều tiết đối với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh (DN NQD), không phân chia theo quy mô DN mà thực hiện phân chia số thu theo cấp quản lý và địa bàn phát sinh khoản thu; giảm tỷ lệ điều tiết thu DNNQD trên địa bàn thành phố, tăng điều tiết ngân sách tỉnh để đảm bảo nguồn điều hành chung của ngân sách cấp tỉnh.

2. Điều chỉnh giảm tỷ lệ điều tiết thu thuế thu nhập cá nhân (TNCN); thuế nhà đất; lệ phí trước bạ nhà đất trên địa bàn phường thuộc thành phố Thanh Hoá và tăng tỷ lệ điều tiết cho ngân sách Thành phố để đảm bảo điều hòa ngân sách.

3. Điều chỉnh thống nhất tỷ lệ phân chia tiền sử dụng đất từ đấu giá (không phân biệt cấp đấu giá); bổ sung tỷ lệ phân chia nguồn thu tiền sử dụng đất từ các khu tái định cư trong Khu kinh tế Nghi Sơn và bổ sung tỷ lệ phân chia nguồn thu từ giao đất thu tiền một lần cho các cấp ngân sách; để lại 100% số thu tiền sử dụng đất đối với các xã thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về xây dựng nông thôn mới.

4. Điều chỉnh tỷ lệ phân chia phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản theo hướng bỏ điều tiết ngân sách cấp tỉnh, giảm tỷ lệ điều tiết cho xã, tăng tỷ lệ điều tiết cho huyện để huyện thực hiện nhiệm vụ khôi phục môi trường, đường giao thông và đảm bảo an ninh trật tự.

5. Bổ sung nội dung và tỷ lệ điều tiết cho các cấp ngân sách đối với tiền thu từ đấu giá, định giá quyền khai thác mỏ.

II. Nguồn thu phân chia giữa ngân sách Trung ương với ngân sách địa phương:

Các khoản thu phân chia theo tỷ lệ phần trăm (%) giữa ngân sách Trung ương với ngân sách địa phương được quy định tại Khoản 2 Điều 30, Khoản 1 Điều 32 Luật Ngân sách nhà nước năm 2002 và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ hàng năm khi giao dự toán ngân sách cho các địa phương.

III. Nguồn thu ngân sách cấp tỉnh:

1. Các khoản thu ngân sách tỉnh hưởng 100%:   

1.1. Thuế giá trị gia tăng (GTGT), Thuế thu nhập doanh nghiệp, Thuế tiêu thụ đặc biệt hàng hoá dịch vụ sản xuất trong nước (trừ các DN hạch toán toàn ngành), thu khác về thuế của các DNNN ĐP, DN có vốn đầu tư nước ngoài, DN NQD do cấp tỉnh quản lý thu.

1.2. Thu từ hoạt động xổ số kiến thiết.

1.3. Thuế thu nhập cá nhân khấu trừ qua các đơn vị chi trả cấp tỉnh quản lý.

1.4. Phí xăng dầu; Phí nước thải công nghiệp; các khoản phí, lệ phí do các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh tổ chức thu (trừ các loại phí và lệ phí có qui định riêng).

1.5. Thu hồi vốn ngân sách địa phương tại các tổ chức kinh tế; thu từ quỹ dự trữ tài chính của địa phương; thu từ vốn góp của tỉnh.

1.6. Tiền cho thuê và bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, thu thanh lý tài sản, thu từ các hoạt động sự nghiệp của các cơ quan, đơn vị  cấp tỉnh .

1.7. Thu phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông (trừ cấp xã, phường, thị trấn thu), các khoản thu khác theo quy định của pháp luật do các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh tổ chức thu (bao gồm cả quyết định của các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn).

1.8. Đóng góp, viện trợ không hoàn lại của các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước cho ngân sách cấp tỉnh theo quy định của pháp luật.

1.9. Thu huy động đầu tư xây dựng (ĐTXD) các công trình kết cấu hạ tầng theo quy định tại Khoản 3 Điều 8 của Luật NSNN.

1.10. Thu kết dư ngân sách cấp tỉnh.

1.11. Thu bổ sung từ ngân sách trung ương.

1.12. Thu chuyển nguồn ngân sách cấp tỉnh .

2.  Các khoản thu phân chia của ngân sách cấp tỉnh.

2.1. Thu thuế GTGT, thuế TNDN, thuế tiêu thụ đặc biệt của các DN NQD  trên địa bàn Thành phố do Thành phố quản lý thu.

2.2. Thu tiền đấu giá, định giá quyền khai thác mỏ (Thu bán tài sản).

2.3. Thu tiền sử dụng đất từ đấu giá, từ khu tái định cư, từ cấp đất ở cho hộ dân cư trên địa bàn phường, thị trấn.

2.4. Tiền thuê đất, thuê mặt nước.

2.5. Phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản.

2.6. Lệ phí trước bạ ô tô, xe máy, tàu thuyền và lệ phí trước bạ khác trên địa bàn thành phố Thanh Hoá.

IV. Nguồn thu ngân sách cấp huyện, thị xã, thành phố (gọi chung là ngân sách cấp huyện).

1. Các khoản thu ngân sách cấp huyện hưởng 100%.

1.1. Thuế GTGT, TNDN, TTĐB, thu khác về thuế của các DN NQD trên địa bàn các huyện, thị xã do cấp huyện quản lý thu.

1.2. Thuế môn bài; thuế tài nguyên thu từ DNNN TW, DNNN địa phương, DN đầu tư nước ngoài, Các DN NQD.

1.3. Thuế thu nhập cá nhân khấu trừ qua các đơn vị chi trả cấp huyện quản lý.

1.4. Lệ phí trước bạ ô tô, xe máy, tàu thuyền và lệ phí trước bạ khác trên địa bàn các huyện, thị xã; Phí nước thải sinh hoạt; các khoản phí, lệ phí do các cơ quan, đơn vị cấp huyện tổ chức thu (trừ các loại phí và lệ phí có qui định riêng).

1.5. Tiền cho thuê và bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, thu thanh lý tài sản, thu từ các hoạt động sự nghiệp của các cơ quan, đơn vị  cấp huyện.

1.6. Thu phạt vi phạm hành chính do cấp huyện xử lý, các khoản thu khác theo quy định của pháp luật do các cơ quan, đơn vị cấp huyện tổ chức thu.

1.7. Đóng góp, viện trợ không hoàn lại của các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước cho ngân sách cấp huyện theo quy định của pháp luật.

1.8. Thu kết dư ngân sách cấp huyện.

1.9. Thu bổ sung từ ngân sách cấp tỉnh.

1.10. Thu chuyển nguồn ngân sách cấp huyện .

2. Các khoản thu phân chia của NS cấp huyện.

2.1. Thu thuế GTGT, thuế TNDN, thuế Tiêu thụ đặc biệt của các DN NQD  trên địa bàn thành phố do thành phố quản lý thu.

2.2. Thuế GTGT, thuế TNDN, thuế tiêu thụ đặc biệt hàng hóa dịch vụ trong nước thu từ các HTX, kinh tế cá thể, hộ gia đình.

2.3. Thu tiền đấu giá, định giá quyền khai thác mỏ (thu bán tài sản).

2.4. Thu tiền sử dụng đất từ đấu giá, từ khu tái định cư, từ cấp đất ở cho hộ dân cư trên địa bàn phường, thị trấn.

2.5. Thuế thu nhập cá nhân từ chuyển quyền sử dụng đất và tài sản trên đất; thu từ các hộ cá thể nộp thuế khoán ổn định, biếu tặng, thừa kế vv...,  thu trên địa bàn xã, phường, thị trấn.

2.6. Thuế nhà đất thu trên địa bàn phường.

2.7. Thu tiền sử dụng đất từ đấu giá, cấp đất ở cho hộ dân cư nông thôn, giao đất thu tiền một lần trên địa bàn xã và khu tái định cư (TĐC), trừ thành phố Thanh Hoá và các thị xã.

2.8. Thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.

2.9. Lệ phí trước bạ nhà, đất, lệ phí trước bạ ô tô, xe máy, tàu thuyền và lệ phí trước bạ khác trên địa bàn thành phố Thanh Hoá.

2.10. Phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản.

V. NGUỒN THU NGÂN SÁCH CẤP XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN (GỌI CHUNG LÀ NGÂN SÁCH CẤP XÃ).

1. Các khoản thu ngân sách cấp xã hưởng 100%.

1.1. Thuế môn bài, Thuế tài nguyên, Thu khác về thuế từ các HTX, kinh tế cá thể, hộ gia đình.

1.2. Thuế sử dụng đất nông nghiệp.

1.3. Thuế nhà đất thu trên địa bàn các xã, thị trấn.

1.4. Thu tiền sử dụng đất từ các xã thực hiện xây dựng nông thôn mới.

1.5. Các khoản phí, lệ phí do cấp xã tổ chức thu.

1.6. Thu tiền cho thuê và bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, thu thanh lý tài sản thuộc cấp xã quản lý, thu từ các hoạt động sự nghiệp phần nộp ngân sách theo quy định của pháp luật .

1.7. Thu từ quỹ đất công ích và hoa lợi công sản.

1.8. Thu phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông, các khoản vi phạm hành chính và thu khác theo quy định của pháp luật do cấp xã quyết định và tổ chức thu.

1.9. Thu đóng góp và viện trợ không hoàn lại của các tổ chức, cá nhân ở trong và  ngoài nước trực tiếp cho xã theo quy định.

1.10. Thu kết dư ngân sách xã.

1.11. Các khoản thu khác của ngân sách xã theo quy định của pháp luật.

1.12. Thu bổ sung cân đối từ ngân sách cấp huyện.

1.13. Thu chuyển nguồn ngân sách cấp xã.

2. Các khoản thu phân chia của ngân sách cấp xã:

2.1. Thuế GTGT, thuế TNDN, thuế tiêu thụ đặc biệt hàng hóa dịch vụ trong nước thu từ các HTX; kinh tế cá thể; hộ gia đình.

2.2. Thu tiền đấu giá, định giá quyền khai thác mỏ (thu bán tài sản).

2.3. Thuế thu nhập cá nhân từ chuyển quyền sử dụng đất và tài sản trên đất; thu từ các hộ cá thể nộp thuế khoán ổn định, biếu tặng, thừa kế…vv, được thu trên địa bàn xã, phường, thị trấn.

2.4. Thuế nhà đất thu trên địa bàn phường.

2.5. Thu tiền sử dụng đất từ đấu giá, cấp đất ở cho hộ dân cư.

2.6. Thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.

2.7. Lệ phí trước bạ nhà, đất.

2.8. Phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản.

B. PHÂN CẤP NHIỆM VỤ CHI:

I. Nhiệm vụ chi của ngân sách cấp tỉnh:

1. Chi đầu tư phát triển:

1.1. Đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội không có khả năng thu hồi vốn do tỉnh quản lý, bao gồm:

- Trụ sở các cơ quan hành chính, các đơn vị sự nghiệp, các cơ quan Đảng, Đoàn thể cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.

- Các trường công lập gồm: trường đại học; cao đẳng; trung cấp; trường Chính trị tỉnh; các trường dạy nghề; các trường trung học phổ thông, Trung tâm giáo dục TX thuộc tỉnh quản lý; Trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện.

 - Các cơ sở y tế công lập gồm: Bệnh viện đa khoa và các bệnh viện chuyên khoa cấp tỉnh; Bệnh viện đa khoa khu vực cấp tỉnh; các bệnh viện đa khoa huyện, các trung tâm y tế dự phòng tuyến tỉnh, tuyến huyện; trạm y tế xã.

- Kênh thuỷ lợi cấp I, các công trình thuỷ lợi đầu mối tỉnh quản lý.

- Các công trình giao thông tỉnh quản lý.

- Các công trình kết cấu hạ tầng văn hóa thông tin, trùng tu tôn tạo di tích quan trọng do Trung ương công nhận; công trình thể dục thể thao, phúc lợi xã hội thuộc cấp tỉnh quản lý.

1.2. Đầu tư, hỗ trợ cho các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, các tổ chức tài chính của nhà nước theo quy định của pháp luật.

1.3. Chi Chương trình mục tiêu Quốc gia.

1.4. Chi trả nợ (bao gồm cả gốc và lãi) các khoản huy động theo quy định tại Khoản 3 Điều 8 của Luật ngân sách.

1.5. Các khoản chi đầu tư phát triển khác.

2. Chi thường xuyên:

2.1. Hoạt động của các cơ quan nhà nước, cơ quan Đảng cộng sản Việt nam và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh.

2.2. Chi sự nghiệp giáo dục - đào tạo công lập: Chi cho các trường Đại học; Cao đẳng; Trung cấp; các trường dạy nghề dài hạn và ngắn hạn; Các hình thức bồi dưỡng, dạy nghề khác; giáo dục trung học phổ thông và các hoạt động giáo dục đào tạo khác do cấp tỉnh quản lý.

2.3. Chi sự nghiệp y tế công lập: Chi cho Bệnh viện đa khoa tỉnh; Bệnh viện đa khoa huyện; Bệnh viện chuyên khoa cấp tỉnh; Trung tâm y tế dự phòng tuyến tỉnh, tuyến huyện; chi sự nghiệp Y tế xã.

2.4. Chi sự nghiệp văn hoá - thông tin công lập: Chi cho bảo tồn, bảo tàng, thư viện, nghiên cứu lịch sử, biểu diễn nghệ thuật, chiếu phim, triển lãm và hoạt động văn hoá khác do tỉnh quản lý.

2.5. Chi sự nghiệp thể thao công lập: Chi bồi dưỡng, tập huấn huấn luyện viên, vận động viên các đội tuyển cấp tỉnh phục vụ các giải thi đấu cấp tỉnh trở lên, các cơ sở thi đấu TDTT và các hoạt động TDTT khác do tỉnh quản lý.

2.6. Chi sự nghiệp phát thanh, truyền hình công lập: Chi cho các nhiệm vụ phát thanh, truyền hình do tỉnh quản lý.

2.7. Chi sự nghiệp đảm bảo xã hội: Chi cho các trung tâm; Các trại xã hội, Chi cứu tế xã hội; Chi phòng chống các tệ nạn xã hội; BHYT trẻ em dưới 6 tuổi; Trợ cấp thất nghiệp và các hoạt động xã hội khác do tỉnh quản lý.

2.8. Chi sự nghiệp khoa học công nghệ: Chi cho nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, các hoạt động sự nghiệp khoa học, công nghệ khác do tỉnh quản lý.

2.9. Các nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội do ngân sách tỉnh thực hiện theo đặ thù của địa phương và quy định của Chính phủ.

2.10. Các hoạt động sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp môi trường do tỉnh quản lý.

2.11. Hỗ trợ cho các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp cấp tỉnh theo quy định.

2.12. Các khoản chi khác theo quy định của pháp luật.

3. Chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính của tỉnh.

4. Chi bổ sung cho ngân sách cấp dưới.

5. Chi chuyển nguồn ngân sách cấp tỉnh.

II.  Nhiệm vụ chi của ngân sách cấp huyện:

1. Chi đầu tư phát triển:

1.1. Đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội không có khả năng thu hồi vốn do huyện quản lý. Bao gồm:

 - Các công trình kết cấu hạ tầng về văn hóa, thể dục thể thao, phát thanh truyền hình, trùng tu tôn tạo di tích do tỉnh công nhận và các công trình phúc lợi xã hội khác thuộc cấp huyện quản lý;

- Xây dựng các công trình thuỷ lợi liên xã, các công trình giao thông liên xã, các dự án đầu tư do cấp huyện quyết định.

1.2. Hỗ trợ sửa chữa các công trình do tỉnh đầu tư:

- Chi sửa chữa trụ sở các cơ quan hành chính, cơ quan Đảng, đoàn thể cấp huyện.

- Hỗ trợ sửa chữa cơ sở y tế công lập: Các bệnh viện đa khoa huyện, các trung tâm y tế dự phòng tuyến huyện, các trạm y tế xã.

- Hỗ trợ sửa chữa cơ sở giáo dục công lập: Các trường trung học phổ thông, các trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm bồi dưỡng chính trị, các trường trung cấp nghề và các trung tâm dạy nghề huyện quản lý.

1.3. Chi hỗ trợ đầu tư các công trình cấp xã.

1.4. Các khoản chi hỗ trợ đầu tư phát triển khác theo quy định của pháp luật;

2. Chi thường xuyên:

2.1. Chi đảm bảo hoạt động của các cơ quan nhà nước, cơ quan Đảng cộng sản Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện. 

            2.2. Chi sự nghiệp giáo dục, đào tạo công lập: Chi cho giáo dục tiểu học, trung học cơ sở; chi hỗ trợ cho giáo dục mầm non; Trung tâm bồi dưỡng chính trị; Trung tâm giáo dục thường xuyên; các trường dạy nghề do huyện quản lý.

2.3. Chi sự nghiệp văn hoá, thể dục thể thao, phát thanh truyền hình, sự nghiệp thông tin và truyền thông do cấp huyện quản lý.

2.4. Chi đảm bảo xã hội: Chi trợ cấp cho các đối tượng bảo trợ xã hội; trợ cấp cho cựu TNXP; thăm hỏi các đối tượng chính sách; cứu trợ đột xuất; mai táng phí cho các đối tượng; chi BHYT cho các đối tượng.

2.5. Chi sự nghiệp kinh tế; sự nghiệp khoa học công nghệ; sự nghiệp môi trường do huyện quản lý.

2.6. Chi sự nghiệp kiến thiết thị chính đối với thành phố Thanh Hóa, thị xã Bỉm Sơn, thị xã Sầm Sơn.

2.7. Công tác quân sự địa phương:

- Tổ chức hội nghị, tập huấn nghiệp vụ và triển khai các nhiệm vụ công tác quốc phòng trên địa bàn huyện.

- Tổ chức hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ; tổ chức và huy động lực lượng dự bị động viên thuộc nhiệm vụ được giao; tổ chức và phối hợp diễn tập khu vực phòng thủ theo qui định .

- Công tác tuyển quân và đón tiếp quân nhân hoàn thành nghĩa vụ trở về, công tác giáo dục quốc phòng.

- Chi hỗ trợ cơ sở vật chất và các nhiệm vụ khác theo qui định.

2.7. Công tác An ninh và trật tự, an toàn xã hội địa phương:

- Tổ chức hội nghị, tập huấn nghiệp vụ và triển khai các nhiệm vụ an ninh trật tự  trên địa bàn huyện.

- Hỗ trợ các hoạt động giữ gìn an ninh và trật tự, an toàn xã hội.

- Chi hỗ trợ cơ sở vật chất và các nhiệm vụ khác theo qui định.

2.8. Các huyện có đường biên giới và đường biển được bổ sung chi nhiệm vụ quản lý.

2.9. Chi hỗ trợ hoạt động thanh tra nhân dân, ban đại diện người cao tuổi; Hỗ trợ cho các tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp cấp huyện theo quy định.

2.10. Các khoản chi khác theo quy định của pháp luật.

3. Chi bổ sung cho ngân sách cấp xã.

4. Chi chuyển nguồn ngân sách cấp huyện.

III.  Nhiệm vụ chi của ngân sách cấp  xã:

1. Chi đầu tư phát triển:

1.1. Chi đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội không có khả năng thu hồi vốn do xã quản lý :

- Trụ sở cơ quan hành chính, các công trình văn hóa, xã hội cấp xã quản lý;

- Các trường trung học cơ sở, tiểu học, mầm non, trung tâm học tập cộng đồng.

- Chi hỗ trợ xây dựng đường giao thông liên thôn, bản; đường giao thông và thuỷ lợi nội đồng.

1.2. Hỗ trợ sửa chữa các công trình do tỉnh, huyện đầu tư.

1.3. Chi đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từ nguồn huy động đóng  góp của các tổ chức, cá nhân cho từng dự án theo qui định của pháp luật.

1.4. Các khoản chi đầu tư phát triển khác theo quy định của pháp luật.

2. Chi thường xuyên :

2.1. Chi đảm bảo hoạt động của các cơ quan nhà nước, cơ quan Đảng cộng sản Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã.

2.2. Chi sự nghiệp giáo dục: Chi hỗ trợ hoạt động nhà trẻ, mẫu giáo do xã quản lý; hỗ trợ các trường trung học cơ sở, tiểu học; hỗ trợ trung tâm học tập cộng đồng.

2.3. Chi đảm bảo xã hội: Trợ cấp hưu xã; chi thăm hỏi các đối tượng chính sách; cứu trợ đột xuất.

2.4. Chi hoạt động văn hoá, thông tin, thể dục thể thao do cấp xã quản lý.

2.5. Chi sự nghiệp kinh tế: Hỗ trợ khuyến khích phát triển sự nghiệp kinh tế theo chế độ qui định.

2.6. Chi hỗ trợ hoạt động thanh tra nhân dân, ban đại diện người cao tuổi, hoạt động cộng đồng dân cư và các hoạt động khác theo qui định.

2.7. Chi nhiệm vụ quân sự  địa phương: Chi tổ chức các hoạt động quân sự địa phương cấp xã.

2.8. Các xã có đường biên giới và có bờ biển thì bổ sung nhiệm vụ chi quản lý.

2.9. Chi công tác an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương: Chi tổ chức các hoạt động an ninh địa phương cấp xã.

2.10. Chi sửa chữa thường xuyên, bảo dưỡng các công trình kiến trúc, tài sản, công trình phúc lợi, kết cấu hạ tầng do xã quản lý.

2.11. Các khoản chi khác theo quy định của pháp luật.

3. Chi chuyển nguồn ngân sách cấp xã.

Điều 2. Giao Uỷ ban nhân dân tỉnh căn cứ Nghị quyết này và các quy định hiện hành của pháp luật, ban hành quyết định cụ thể phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỷ lệ phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách giai đoạn 2011- 2015 để các cấp, các ngành liên quan thực hiện; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức chỉ đạo thực hiện, định kỳ báo cáo kết quả với HĐND tỉnh.

Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh, các đại biểu HĐND tỉnh, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh khóa XV, kỳ họp thứ 18 thông qua ngày 08 tháng 12  năm 2010./.

Hội đồng Nhân dân tỉnh Thanh Hóa

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Mai Văn Ninh