Sign In

THÔNG TƯ

Quy định nội dung, biểu mẫu báo cáo tài nguyên nước

Căn cứ Luật Tài nguyên nước số 17/2012/QH13 ngày 21 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước;

Căn cứ Nghị định số 36/2017/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước và Vụ trưởng Vụ Pháp chế;

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư quy định nội dung, biểu mẫu báo cáo tài nguyên nước.

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh    

Thông tư này quy định nội dung, biểu mẫu báo cáo tài nguyên nước, bao gồm: báo cáo tài nguyên nước quốc gia, báo cáo chuyên đề về tài nguyên nước, báo cáo sử dụng tài nguyên nước và báo cáo hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với:

1. Các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương, địa phương và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc lập báo cáo tài nguyên nước quốc gia, báo cáo chuyên đề về tài nguyên nước, báo cáo sử dụng tài nguyên nước của các Bộ, cơ quan ngang Bộ và của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh).

2. Tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành các công trình khai thác, sử dụng nước mặt, nước dưới đất, xả nước thải vào nguồn nước đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép tài nguyên nước.

 

Điều 3. Kỳ báo cáo và chế độ báo cáo tài nguyên nước

1. Kỳ báo cáo được quy định như sau:

a) Định kỳ năm (05) năm một lần đối với báo cáo tài nguyên nước quốc gia;

b) Định kỳ hằng năm đối với báo cáo chuyên đề về tài nguyên nước, báo cáo sử dụng tài nguyên nước của các Bộ, cơ quan ngang Bộ và của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

c) Định kỳ hằng năm đối với báo cáo hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước của tổ chức, cá nhân đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép tài nguyên nước.

2. Chế độ báo cáo quy định như sau:

a) Đối với báo cáo tài nguyên nước quốc gia và báo cáo chuyên đề về tài nguyên nước: hoàn thành việc xây dựng báo cáo trước ngày 01 tháng 7 của năm tiếp theo sau kỳ báo cáo;

b) Đối với báo cáo sử dụng tài nguyên nước của các Bộ, cơ quan ngang Bộ và của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 30 tháng 01 của năm tiếp theo;

c) Đối với báo cáo hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước: gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường đối với trường hợp thuộc thẩm quyền cấp giấy phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và gửi về Cục Quản lý tài nguyên nước đối với trường hợp thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 30 tháng 01 của năm tiếp theo. Trường hợp tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép tài nguyên nước trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì thực hiện việc báo cáo theo quy định của Thông tư này;

d) Các báo cáo quy định tại các điểm a, b và c khoản này được gửi bằng tệp báo cáo tới hộp thư điện tử của Cục Quản lý tài nguyên nước và Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố nơi xây dựng công trình.

Điều 4. Yêu cầu về thông tin, số liệu lập báo cáo tài nguyên nước

1. Việc tổng hợp thông tin, số liệu phục vụ lập báo cáo được thực hiện như sau:

a) Đối với báo cáo tài nguyên nước quốc gia, việc tổng hợp thông tin, số liệu có liên quan theo quy định tại Điều 6 Thông tư này được thực hiện cho từng năm trong kỳ báo cáo và cho cả thời kỳ năm (05) năm;

b) Đối với báo cáo chuyên đề về tài nguyên nước, báo cáo sử dụng tài nguyên nước và báo cáo hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, việc tổng hợp thông tin, số liệu có liên quan theo quy định tại Điều 7, Điều 8, Điều 9 và Điều 10 Thông tư này được thực hiện trong năm báo cáo, thời gian tính từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 của năm báo cáo.

2. Thông tin, số liệu sử dụng để tổng hợp phải bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, đầy đủ và có nguồn gốc rõ ràng.

Điều 5. Phạm vi tổng hợp thông tin, số liệu và phân tích, đánh giá

1. Đối với báo cáo tài nguyên nước quốc gia và báo cáo sử dụng tài nguyên nước của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, thì tùy theo từng nội dung cụ thể, việc tổng hợp thông tin, số liệu và kết quả phân tích, đánh giá được thực hiện trên phạm vi toàn quốc và được phân theo toàn bộ hoặc một số phạm vi sau đây:

a) Theo phạm vi của từng vùng địa lý, gồm: Tây Bắc Bộ, Đông Bắc Bộ, Đồng bằng Sông Hồng, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long;

b) Theo phạm vi của từng lưu vực sông, gồm: Hồng - Thái Bình, Bằng Giang, Kỳ Cùng, Mã, Cả, Gianh, Thạch Hãn, Nhật Lệ, Hương, Vu Gia - Thu Bồn, Vệ, Trà Khúc, Kôn, Ba, Cái Nha Trang, Sê San, SrêPôk, Đồng Nai và sông Cửu Long. Đối với các lưu vực sông còn lại thì tổng hợp thành các nhóm riêng và có thể gồm cả các phụ nhóm theo từng vùng hoặc địa phương;

c) Theo phạm vi hành chính của từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

2. Đối với báo cáo sử dụng tài nguyên nước của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì tùy theo từng nội dung cụ thể, việc tổng hợp thông tin, số liệu và kết quả phân tích, đánh giá được thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh và được phân theo toàn bộ hoặc một số phạm vi sau đây:

a) Theo phạm vi hành chính cấp huyện;

b) Theo phạm vi lưu vực sông quy định tại điểm b khoản 1 Điều này thuộc địa bàn của tỉnh.

 3. Đối với báo cáo chuyên đề về tài nguyên nước, thì tùy theo nội dung, tính chất của báo cáo, phạm vi tổng hợp thông tin, số liệu và kết quả phân tích, đánh giá do Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, quyết định.

Điều 6. Nội dung, yêu cầu đối với báo cáo tài nguyên nước quốc gia

1. Báo cáo tài nguyên nước quốc gia bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tổng quan về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội có tác động tới khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước;

b) Hiện trạng tài nguyên nước;

c) Hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước;

d) Ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước;

đ) Quản lý tài nguyên nước;

e) Đề xuất, kiến nghị.

2. Yêu cầu đối với nội dung về tổng quan điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội có tác động tới khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước

a) Đánh giá được tổng quan đặc điểm về địa hình, khí hậu;

b) Đánh giá được tình hình phát triển, tỷ lệ tăng trưởng, định hướng phát triển của ngành, lĩnh vực gắn với hoạt động khai thác, sử dụng nước và bảo vệ tài nguyên nước;

c) Đánh giá tổng quan về xu hướng gia tăng, chuyển dịch dân số, chuyển dịch các ngành, lĩnh vực gắn với hoạt động khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước.

3. Yêu cầu đối với nội dung về hiện trạng tài nguyên nước

a) Tổng hợp số lượng các trạm quan trắc khí tượng, thủy văn, tài nguyên nước mặt, nước dưới đất và phân tích, đánh giá được sự biến động về số lượng của các trạm. Việc tổng hợp thông tin, số liệu thực hiện theo Biểu mẫu số 1 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Về tài nguyên nước mưa: tổng hợp lượng mưa năm, phân phối lượng mưa tháng, mùa mưa, mùa khô và phân tích, đánh giá sự biến động của lượng mưa. Việc tổng hợp thông tin, số liệu thực hiện theo các Biểu mẫu số 2 và số 3 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Về tài nguyên nước mặt trên hệ thống sông, suối: tổng hợp tổng lượng dòng chảy trung bình năm, phân phối dòng chảy trung bình tháng, trung bình mùa lũ, mùa cạn tại các trạm thủy văn, trạm tài nguyên nước và phân tích, đánh giá sự biến động của dòng chảy. Việc tổng hợp thông tin, số liệu thực hiện theo các Biểu mẫu số 4 và số 5 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

Đối với các hồ chứa lớn, quan trọng, tổng hợp tổng dung tích, dung tích hữu ích, dung tích phòng lũ và tổng lượng nước mà các hồ chứa tích được vào cuối mùa lũ đầu mùa cạn hằng năm và phân tích, đánh giá sự biến động của dung tích và lượng nước tích được của các hồ. Việc tổng hợp thông tin, số liệu thực hiện theo Biểu mẫu số 6 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;

d) Về tài nguyên nước dưới đất: tổng hợp số lượng công trình quan trắc, trạm quan trắc; diện tích đã được điều tra, đánh giá tổng hợp tài nguyên nước dưới đất theo các tỷ lệ khác nhau; các đặc trưng mực nước dưới đất (lớn nhất, nhỏ nhất, trung bình) của từng tầng chứa nước và phân tích, đánh giá sự biến động. Việc tổng hợp thông tin, số liệu thực hiện theo các Biểu mẫu số 7 và số 8 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Yêu cầu đối với nội dung về hiện trạng khai thác, sử dụng nước

a) Tổng hợp số lượng công trình khai thác nước mặt, nước dưới đất thuộc đối tượng phải có giấy phép hiện có và đã được quy hoạch theo các mục đích sử dụng (tưới, thủy điện và mục đích khác), theo loại hình công trình khai thác (hồ chứa, cống, trạm bơm, giếng khoan và loại hình công trình khác) và đánh giá sự biến động. Việc tổng hợp thông tin, số liệu thực hiện theo các Biểu mẫu số 9, 10 và số 11 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Tổng hợp được lượng nước khai thác, sử dụng (quy mô) của các công trình đã được cấp giấy phép và phân loại theo các mục đích (tưới, thủy điện và mục đích khác). Việc tổng hợp thông tin, số liệu thực hiện theo Biểu mẫu số 12 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Phân tích, đánh giá, nhận định các vấn đề liên quan đến khai thác, sử dụng tài nguyên nước như: chuyển nước lưu vực sông, vận hành các hồ chứa thủy điện, thủy lợi và các vấn đề khác có liên quan đến hoạt động khai thác, sử dụng nước, quản lý, vận hành công trình.

5. Yêu cầu đối với nội dung về ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước

a) Tổng hợp được các đặc trưng (lớn nhất, nhỏ nhất, trung bình) của các chỉ tiêu cơ bản về chất lượng nước (trên cơ sở số liệu quan trắc tại các trạm quan trắc chất lượng nước mặt và các kết quả quan trắc chất lượng nguồn nước đã thực hiện) của các dòng sông, đoạn sông, hồ chứa và phân tích, đánh giá sự biến động. Việc tổng hợp thông tin, số liệu thực hiện theo Biểu mẫu số 13 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

Tổng hợp các kết quả đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của các sông, hồ đã được phê duyệt; phân tích, đánh giá tổng quan hiện trạng, diễn biến tình hình ô nhiễm nguồn nước mặt;

b) Tổng hợp được các đặc trưng (lớn nhất, nhỏ nhất, trung bình) của các chỉ tiêu cơ bản về chất lượng nước (trên cơ sở số liệu quan trắc tại các trạm quan trắc chất lượng nước dưới đất và các kết quả quan trắc chất lượng nguồn nước đã thực hiện) của các tầng chứa nước và phân tích, đánh giá sự biến động; phân tích, đánh giá được tổng quan hiện trạng, diễn biến tình hình ô nhiễm, xâm nhập mặn nguồn nước dưới đất. Việc tổng hợp thông tin, số liệu thực hiện theo Biểu mẫu số 14 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Tổng hợp được các cực trị về mực nước, lưu lượng tại các trạm thủy văn, trạm tài nguyên nước và tại công trình quan trắc, trạm quan trắc nước dưới đất (ngày nhỏ nhất, tháng nhỏ nhất, ba tháng nhỏ nhất) và phân tích, đánh giá sự biến động.

 

6. Yêu cầu đối với nội dung về quản lý tài nguyên nước: 

a) Về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước: tổng hợp được số lượng các văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước do Trung ương và địa phương ban hành còn hiệu lực đến kỳ báo cáo. Việc tổng hợp thông tin, số liệu thực hiện theo Biểu mẫu số 15 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Về hoạt động điều tra cơ bản: tổng hợp được số lượng các đề án, dự án điều tra cơ bản tài nguyên nước đã thực hiện; phân tích, đánh giá được kết quả thực hiện;

c) Về công tác lập quy hoạch tài nguyên nước: tổng hợp được số lượng các đề án, dự án quy hoạch tài nguyên nước đã thực hiện; phân tích, đánh giá được kết quả thực hiện;

d) Về công tác cấp phép: tổng hợp được tổng số giấy phép tài nguyên nước đã được cấp, phân loại theo thẩm quyền cấp phép và đánh giá sự biến động. Việc tổng hợp thông tin, số liệu thực hiện theo Biểu mẫu số 16 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;

đ) Về phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước: tổng hợp số lượng công trình, tổng số tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đã được phê duyệt, phân theo thẩm quyền phê duyệt và đánh giá được sự biến động. Việc tổng hợp thông tin, số liệu thực hiện theo Biểu mẫu số 17 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;

e) Về công tác lập hành lang bảo vệ nguồn nước: tổng hợp được kết quả lập hành lang bảo nguồn nước các sông, suối, kênh, rạch và các hồ chứa thủy điện, thủy lợi; phân tích, đánh giá được sự biến động; 

g) Về công tác điều tra, đánh giá, phê duyệt và công bố dòng chảy tối thiểu trên sông, suối và hạ lưu các hồ chứa: tổng hợp số lượng sông, suối, và hồ chứa đã được phê duyệt, công bố dòng chảy tối thiểu và phân tích, đánh giá được sự biến động. Việc tổng hợp thông tin, số liệu thực hiện theo Biểu mẫu số 18 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;

h) Về công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực tài nguyên nước: tổng hợp được số lượng các cuộc thanh tra, đối tượng thanh tra, số lượng tổ chức, cá nhân bị xử phạt hành chính, số tiền xử phạt. Việc tổng hợp thông tin, số liệu thực hiện theo Biểu mẫu số 19 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;

i) Tổng hợp, phân tích, đánh giá về đầu tư công cho công tác quản lý tài nguyên nước.

7. Yêu cầu đối với nội dung về đề xuất, kiến nghị:

a) Tổng kết được các vấn đề lớn cần tập trung xử lý, giải quyết trong công tác quản lý, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước và phòng, chống tác hại do nước gây ra;

b) Đề xuất được các giải pháp tổng thể trước mắt, lâu dài để đảm bảo khai thác, sử dụng tài nguyên nước bền vững và quản lý tài nguyên nước hiệu quả.

Điều 7. Báo cáo chuyên đề về tài nguyên nước 

1. Căn cứ tình hình thực tế về hiện trạng, diễn biến tài nguyên nước, các vấn đề phát sinh trong khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước và yêu cầu thực tế của công tác quản lý, Cục Quản lý tài nguyên nước đề xuất, trình Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt chủ đề, nội dung báo cáo chuyên đề về tài nguyên nước trước năm lập báo cáo.

2. Chủ đề, nội dung cụ thể của báo cáo chuyên đề về tài nguyên nước do Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, quyết định.    

Điều 8. Nội dung, yêu cầu đối với báo cáo sử dụng tài nguyên nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ

1. Báo cáo sử dụng tài nguyên nước của các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng và các Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tổng quan về hiện trạng phát triển của ngành;

b) Hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước;

c) Tình hình thực hiện các quy định pháp luật về tài nguyên nước;

d) Đề xuất, kiến nghị.

2. Yêu cầu đối với nội dung tổng quan về hiện trạng phát triển của ngành: đánh giá được tình hình phát triển, định hướng phát triển của ngành, lĩnh vực gắn với hoạt động khai thác, sử dụng nước, bảo vệ tài nguyên nước.

3. Yêu cầu đối với nội dung về hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước đối với các công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước thuộc phạm vi quản lý của Bộ, cơ quan ngang bộ: 

a) Tổng hợp được số lượng công trình khai thác nước mặt, nước dưới đất hiện có, đã được quy hoạch và phân theo các mục đích sử dụng (tưới, thủy điện và mục đích khác), theo loại hình công trình khai thác (hồ chứa, cống, trạm bơm, giếng khoan và loại hình công trình khai thác khác) và đánh giá sự biến động. Việc tổng hợp thông tin, số liệu thực hiện theo các Biểu mẫu số 9, 10 và số 11 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Đối với các hồ chứa lớn, quan trọng, tổng hợp được tổng dung tích, dung tích hữu ích, dung tích phòng lũ và tổng lượng nước mà các hồ chứa tích được vào cuối mùa lũ đầu mùa cạn và phân tích, đánh giá được sự biến động. Việc tổng hợp thông tin, số liệu thực hiện theo Biểu mẫu số 6 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Yêu cầu đối với nội dung tình hình thực hiện các quy định pháp luật về tài nguyên nước:

a) Tổng hợp số lượng các công trình khai thác, sử dụng nước đã được cấp giấy phép theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước;

b) Trường hợp công trình khai thác là hồ chứa, tổng hợp số lượng hồ chứa đã được lập hành lang bảo vệ hồ chứa và đánh giá sự biến động;

c) Phân tích, đánh giá tình hình thực hiện các quy định về quan trắc, giám sát khai thác, sử dụng nước, đảm bảo dòng chảy tối thiểu và các quy định khác của pháp luật về tài nguyên nước.

5. Đề xuất, kiến nghị:

a) Tổng kết được các vấn đề lớn trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

b) Kiến nghị các giải pháp liên quan đến việc đảm bảo nguồn nước cho hoạt động khai thác, sử dụng nước của ngành.

Điều 9. Nội dung, yêu cầu đối với báo cáo sử dụng tài nguyên nước của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

1. Báo cáo sử dụng tài nguyên nước của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tổng quan điều kiện tự nhiên kinh tế, xã hội có tác động tới khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước;

b) Hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước;

c) Ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước;

d) Quản lý tài nguyên nước;

đ) Đề xuất, kiến nghị.

2. Yêu cầu đối với nội dung tổng quan điều kiện tự nhiên kinh tế, xã hội có tác động tới khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước: thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư này trên địa bàn tỉnh.

3. Yêu cầu đối với nội dung về hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước: thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 6 Thông tư này và lập danh mục các công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh đối với công trình có quy mô thuộc diện phải có giấy phép theo Biểu mẫu số 20 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Yêu cầu đối với các nội dung về ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, quản lý tài nguyên nước và nội dung đề xuất, kiến nghị: thực hiện theo quy định tại khoản 5, khoản 6 và khoản 7 Điều 6 Thông tư này trên địa bàn tỉnh.

5. Sở Tài nguyên và Môi trường giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức xây dựng báo cáo sử dụng tài nguyên nước theo quy định tại Điều này.

Điều 10. Nội dung, yêu cầu đối với báo cáo hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước

1. Báo cáo hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước của tổ chức, cá nhân đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép tài nguyên nước (sau đây gọi tắt là chủ giấy phép) bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Thông tin chung;

b) Tình hình khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước;

c) Tình hình thực hiện các quy định của giấy phép tài nguyên nước;

d) Đề xuất, kiến nghị (nếu có).

2. Yêu cầu đối với nội dung về thông tin chung: khái quát được các thông tin cơ bản về chủ giấy phép, công trình khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước, việc vận hành công trình và những vấn đề phát sinh (nếu có).

3. Yêu cầu đối với nội dung về tình hình khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước:

a) Đối với hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước mặt:

Đối với loại hình công trình khai thác, sử dụng nước là hồ chứa: tổng hợp được các đặc trưng lưu lượng nước đến, lưu lượng nước xả (lớn nhất, nhỏ nhất, trung bình) và lưu lượng nước xả dòng chảy tối thiểu (nếu có) thực tế của hồ chứa theo từng tháng trong năm báo cáo.

Đối với loại hình công trình khai thác, sử dụng nước nước khác: tổng hợp được các đặc trưng lưu lượng khai thác, sử dụng nước (lớn nhất, nhỏ nhất, trung bình ngày) thực tế của công trình theo từng tháng và tổng lượng khai thác trong năm báo cáo.

Việc tổng hợp thông tin, số liệu thực hiện theo các Biểu mẫu số 21 và số 22 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Đối với hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới đất:

Tổng hợp các đặc trưng lưu lượng khai thác, sử dụng nước (lớn nhất, nhỏ nhất, trung bình ngày) và mực nước giếng khai thác (lớn nhất, nhỏ nhất, trung bình) thực tế của công trình theo từng tháng và tổng lượng khai thác trong năm báo cáo. Việc tổng hợp thông tin, số liệu thực hiện theo Biểu mẫu số 23 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Đối với hoạt động xả nước thải vào nguồn nước: tổng hợp các đặc trưng lưu lượng xả nước thải (lớn nhất, nhỏ nhất, trung bình ngày) thực tế của công trình theo từng tháng và tổng lượng lưu lượng xả thải trong năm báo cáo. Tổng hợp các đặc trưng về nồng độ các chất ô nhiễm (lớn nhất, nhỏ nhất, trung bình) theo từng thông số quy định trong giấy phép trên cơ sở các kết quả quan trắc chất lượng nước theo quy định đã thực hiện.

Việc tổng hợp thông tin, số liệu thực hiện theo các Biểu mẫu số 24 và 25 ban hành tại Phụ lục kèm theo Thông tư này.

4. Yêu cầu đối với nội dung về tình hình thực hiện các quy định của giấy phép tài nguyên nước: đánh giá kết quả thực hiện trong kỳ báo cáo đối với từng nội dung, yêu cầu quy định trong giấy phép đã được cấp.

Điều 11. Hoàn thiện, công bố báo cáo tài nguyên nước quốc gia, báo cáo chuyên đề tài nguyên nước

1. Cục Quản lý tài nguyên nước giúp Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức xây dựng, lấy ý kiến các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, các Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về dự thảo báo cáo tài nguyên nước quốc gia, báo cáo chuyên đề tài nguyên nước; tổng hợp, hoàn thiện trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, công bố báo cáo.

2. Báo cáo tài nguyên nước quốc gia, báo cáo chuyên đề tài nguyên nước được công bố trên cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Điều 12. Hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày  10  tháng  02  năm 2019.

2. Khoản 6 Điều 2 tại Mẫu số 14 về giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất, khoản 6 Điều 2 tại Mẫu số 15 về giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất (trong trường hợp gia hạn, điều chỉnh, cấp lại), khoản 3 Điều 2 tại Mẫu số 20 về giấy phép xả nước thải vào nguồn nước và khoản 3 Điều 2 tại Mẫu số 21 về giấy phép xả nước thải vào nguồn nước (trong trường hợp gia hạn, điều chỉnh, cấp lại) tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư số 27/2014/TT-BTNMT ngày 30 tháng 5 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc đăng ký khai thác nước dưới đất, mẫu hồ sơ cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép tài nguyên nước hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

          3. Cục Quản lý tài nguyên nước có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn thực hiện Thông tư này.

4. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Thông tư này.

 

Bộ Tài nguyên và Môi trường

Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Lê Công Thành