QUYẾT ĐỊNH
Về việc ban hành đơn giá bồi thường thiệt hại về cây trồng, vật nuôi
làm cơ sở xác định giá trị bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn
tỉnh Thanh Hóa và Quy định việc xác định giá trị bồi thường
________________
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai; Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai; Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất;
Căn cứ Thông tư 37/2014/TT-BTNMT ngày 30/6/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Thanh Hóa tại các văn bản: số 4945/TTr-STC ngày 31/10/2019; số 5464/STC-QLCSGC ngày 27/11/2019; số 828/STC-QLCSGC ngày 02/3/2020 (kèm theo Báo cáo thẩm định của Sở Tư pháp tại Văn bản số 644/BCTĐ-STP ngày 19/11/2019, ý kiến phản biện xã hội của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa tại Văn bản số 255/MTTQ-BTT ngày 26/02/2020).
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này:
1. Bảng giá bồi thường thiệt hại về cây trồng, vật nuôi làm cơ sở xác định giá trị bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
2. Quy định việc xác định giá trị bồi thường cây trồng, vật nuôi.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 4 năm 2020 và thay thế Quyết định số 4437/2016/QĐ-UBND ngày 14/11/2016 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc ban hành đơn giá bồi thường thiệt hại cây trồng, vật nuôi khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở; Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
(Đã ký)
Mai Xuân Liêm
|
|
|
|
QUY ĐỊNH
Về việc xác định giá trị bồi thường thiệt hại về cây trồng, vật nuôi
(Kèm theo Quyết định số: 11/2020/QĐ-UBND
ngày 20 tháng 3 năm 2020 của UBND tỉnh Thanh Hóa)
_____________
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Bồi thường thiệt hại về cây trồng, vật nuôi (thủy sản) khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại Luật Đất đai số 45/2013/QH13; Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
- Người sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai.
- Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường giải phóng mặt bằng, các cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai.
- Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến công tác bồi thường về cây trồng, vật nuôi khi Nhà nước thu hồi đất.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 3. Bồi thường đối với cây trồng
Khi nhà nước thu hồi đất mà gây thiệt hại đối với cây trồng thì việc bồi thường thực hiện theo quy định sau đây:
1. Đối với cây hàng năm
Mức bồi thường được tính bằng giá trị sản lượng của một vụ thu hoạch, giá trị sản lượng của vụ thu hoạch được tính theo năng suất của vụ cao nhất trong 3 năm liền kề của cây trồng chính tại địa phương và giá trung bình của nông sản cùng loại ở địa phương tại thời điểm kiểm kê (năng suất tính bồi thường do ngành nông nghiệp xác định).
2. Đối với cây lâu năm
a) Cây lâu năm khi thu hồi đất đang ở chu kỳ đầu tư hoặc đang ở thời kỳ xây dựng cơ bản, thì giá trị hiện có của vườn cây là toàn bộ chi phí đầu tư ban đầu và chi phí chăm sóc đến thời điểm kiểm kê tính thành tiền theo thời giá thị trường tại địa phương.
b) Cây lâu năm là loại thu hoạch một lần (cây lấy gỗ) đang ở trong thời kỳ thu hoạch, thì được bồi thường theo giá trị hiện có của vườn cây tại thời điểm kiểm kê. Giá trị hiện có của vườn cây được tính bằng (=) số lượng từng loại cây trồng nhân (x) với giá bán một cây tương ứng cùng loại, cùng độ tuổi, cùng kích thước hoặc có cùng khả năng cho sản phẩm ở thị trường địa phương tại thời điểm kiểm kê.
c) Cây lâu năm là loại thu hoạch nhiều lần (cây ăn quả, cây lấy dầu, cây lấy nhựa,...) đang ở trong thời kỳ thu hoạch, thì được bồi thường theo thực tế của vườn cây do Tổ chức làm công tác bồi thường xác định nhưng mức tối đa không vượt quá 40% mức giá bồi thường.
d ) Cây lâu năm đã đến hạn thanh lý, thì chỉ bồi thường chi phí chặt hạ cho chủ sở hữu vườn cây.
e) Đối với cây lâu năm trồng tập trung mà chưa có quy định mật độ trồng cây tại bảng đơn giá. Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường giải phóng mặt bằng có trách nhiệm xin ý kiến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về mật độ làm cơ sở lập dự toán.
3. Đối với cây trồng chưa thu hoạch nhưng có thể di chuyển đến địa điểm khác thì được bồi thường chi phí di chuyển và thiệt hại thực tế do phải di chuyển, phải trồng lại. Mức bồi thường căn cứ vào thực tế Tổ chức làm công tác bồi thường xác định nhưng mức tối đa không quá 40% giá trị bồi thường của cây cùng loại trong bảng giá quy định.
4. Cây rừng trồng bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, cây rừng tự nhiên giao cho các tổ chức, hộ gia đình trồng, quản lý chăm sóc, bảo vệ thì bồi thường theo giá trị thiệt hại thực tế của vườn cây; tiền bồi thường được phân chia cho người quản lý, chăm sóc, bảo vệ theo quy định của pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng.
5. Cây trồng và lâm sản phụ trồng trên diện tích đất lâm nghiệp do Nhà nước giao cho hộ gia đình, cá nhân để trồng, khoanh nuôi, bảo vệ, tái sinh rừng, mà khi giao là đất trống, đồi núi trọc, hộ gia đình, cá nhân tự bỏ vốn đầu tư trồng rừng, thì được bồi thường theo giá bán cây rừng chặt hạ tại cửa rừng cùng loại ở địa phương tại thời điểm có quyết định thu hồi đất.
Điều 4. Bồi thường đối với vật nuôi là thủy sản
1. Đối với vật nuôi là thủy sản mà tại thời điểm thu hồi đất đã đến thời kỳ thu hoạch thì không bồi thường.
2. Đối với vật nuôi mà tại thời điểm thu hồi đất chưa đến thời kỳ thu hoạch thì được bồi thường thiệt hại thực tế do phải thu hoạch sớm. Trường hợp có thể di chuyển được thì được bồi thường chi phí di chuyển và thiệt hại do di chuyển gây ra. Mức bồi thường cụ thể do Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường giải phóng mặt bằng lập dự toán cho phù hợp với thực tế nhưng mức tối đa không vượt quá 40% giá trị bồi thường của vật nuôi cùng loại.
Điều 5. Một số quy định khác
1. Các loại cây rau, màu, nông sản khác trồng xen lẫn với các loại cây ngắn ngày thì ngoài đơn giá bồi thường cho cây trồng chính, mức giá bồi thường cho các cây trồng xen bằng 50% so với đơn giá rau, màu, nông sản cùng loại.
2. Cây lâu năm có số lượng cây trồng cao hơn mật độ quy định (nếu có) thì chủ sở hữu tài sản được hỗ trợ vượt tối đa 20% mật độ quy định, mức giá bằng 50% đơn giá của cùng loại cây. Số cây vượt trên 20% mật độ quy định thì không được bồi thường, hỗ trợ.
Đối với mật độ cây trồng thấp hơn mật độ quy định, được tính theo số lượng cây trồng thực tế.
3. Đường kính gốc được xác định tại vị trí đo cách mặt đất 30cm.
4. Các loại cây sau khi bồi thường thuộc về quyền sở hữu của người được bồi thường. Một số trường hợp khác do thỏa thuận giữa hai bên.
5. Đối với các loại cây trồng chưa có trong Quyết định này, giao cho UBND cấp huyện, thị xã, thành phố xác định theo giá trị loại cây cối, hoa màu có giá trị tương đương để quyết định đơn giá bồi thường, chịu trách nhiệm trước quyết định của mình. Trường hợp không có cây trồng tương tự thì xác định theo phương pháp tại Điều 3 quy định này.
Điều 6. Xử lý chuyển tiếp
1. Đối với những dự án, hạng mục đã chi trả xong việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hoặc đang thực hiện việc chi trả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo phương án đã được phê duyệt trước ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo phương án đã phê duyệt.
2. Đối với những dự án, hạng mục chưa phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại thời điểm Quyết định này có hiệu lực thi hành thì xác định giá trị bồi thường, hỗ trợ theo đơn giá tại Quyết định này./.