QUYẾT ĐỊNH
Về việc phê duyệt Chương trình Phòng chống một số bệnh không
lây nhiễm giai đoạn 2002-2010
__________________________
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân ngày 30 tháng 6 năm 1989;
Căn cứ Quyết định số 35/2001/QĐ-TTg ngày 19 tháng 3 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt "Chiến lược chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân giai đoạn 2001-2010";
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt "Chương trình phòng chống một số bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2002-2010" bao gồm các bệnh Tim mạch, ung thư, đái tháo đường, rối loạn sức khoẻ tâm thần (động kinh, trầm cảm) với những nội dung chủ yếu dưới đây:
1. Mục tiêu:
Giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong của các bệnh không lây nhiễm bao gồm các bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường và rối loạn sức khoẻ tâm thần, cụ thể như sau:
a) Giảm tỷ lệ mắc, biến chứng và tử vong của các bệnh tim mạch: Giảm tần suất mắc và tử vong của các bệnh tim mạch so với kết quả điều tra:
- Giảm 5% - 10% số người bệnh bị bệnh van tim do thấp;
- Giảm 15% - 20% tỷ lệ tai biến mạch não ở các người bệnh tăng huyết áp;
- Giảm 5% - 10% số người bệnh tử vong do nhồi máu cơ tim;
- Tăng 50% số người bệnh được quản lý và điều trị bệnh tăng huyết áp;
- Tăng 30% - 40% số người bệnh được theo dõi và điều trị suy tim.
b) Giảm tỷ lệ mắc, tử vong, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh ung thư:
- Giảm tỷ lệ mắc các loại ung thư có liên quan đến thuốc lá xuống 30% so với năm 2000;
- Thực hiện tiêm phòng viêm gan B cho 100% trẻ sơ sinh;
- Giảm tỷ lệ tử vong của một số loại ung thư: Vú, cổ tử cung, miệng, đại-trực tràng;
- Giảm tỷ lệ người bệnh ung thư ở giai đoạn muộn đến các cơ sở chuyên khoa từ 80% xuống 50%;
c) Giảm tỷ lệ mắc, biến chứng và tử vong của bệnh đái tháo đường:
- Giảm 50% các yếu tố gây nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường trong cộng đồng;
- Điều trị và lập danh sách theo dõi, hướng dẫn để 100% người bệnh đái tháo đường đã được phát hiện có thể tự quản lý bệnh tật .
d) Giảm tỷ lệ mắc, tỷ lệ tử vong và ảnh hưởng xã hội của bệnh tâm thần:
- Giảm tỷ lệ mắc, tái phát và gây rối xã hội của bệnh nhân động kinh:
+ Giảm tỷ lệ tái phát xuống dưới 30% so với năm 2000; 100% người bệnh tái phát được điều trị;
+ Giảm tỷ lệ gây rối xã hội xuống dưới 30% (12.150 người bệnh) so với năm 2000 (40.500 người bệnh);
+ Giảm tỷ lệ gây nguy hại cho xã hội xuống dưới 40% (16.200 người bệnh) so với năm 2000 (40.500 người bệnh);
- Giảm tỷ lệ mắc bệnh mạn tính, mất sức lao động xuống dưới 20% (9.000 người bệnh) so với năm 2000 (270.000 người bệnh).
đ) Giảm tỷ lệ mắc bệnh trầm cảm, tự sát do bệnh trầm cảm:
- Giảm tỷ lệ tái phát xuống dưới 20% tổng số người bệnh trầm cảm (tỷ lệ trầm cảm năm 2000 là 2,47% dân số);
- Giảm tỷ lệ tự sát xuống dưới 15% tổng số người bệnh trầm cảm;
- Giảm tỷ lệ bệnh mạn tính, mất sức lao động xuống dưới 50% tổng số người bệnh trầm cảm.
2. Giải pháp:
a. Kiện toàn mạng lưới phòng chống bệnh không lây nhiễm cơ bản ở cả tuyến trung ương, tuyến tỉnh, tuyến huyện, xã.
b. Lồng ghép hoạt động của các chương trình phòng, chống các bệnh thuộc nhóm bệnh không lây nhiễm cơ bản nhằm tiết kiệm tối đa nguồn nhân lực, vật lực và tài chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của Chiến lược.
c. Đẩy mạnh thực hiện các biện pháp phòng bệnh ban đầu và giáo dục sức khoẻ.
d. Phát hiện sớm, nâng cao hiệu quả điều trị, chăm sóc, phục hồi chức năng cho người bệnh.
đ. Nghiên cứu, theo dõi, giám sát, đánh giá dịch tễ học và trao đổi thông tin.
e. Đào tạo phát triển nhân lực chuyên môn, chuyên ngành trong lĩnh vực phòng chống các bệnh không lây nhiễm; tuyên truyền, hướng dẫn cho nhân dân hiểu và ứng dụng về cách phòng, chống một số bệnh không lây nhiễm
g. Xây dựng các chính sách trong lĩnh vực phòng, chống các bênh không lây nhiễm.
h. Huy động sự tham gia tích cực đồng bộ của các Bộ, ngành và cộng đồng.
i. Mở rộng và nâng cao hiệu quả của việc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng chống bệnh không lây nhiễm.
3. Kinh phí thực hiện:
Kinh phí để thực hiện Chương trình từ các nguồn:
- Ngân sách nhà nước.
- Nguồn hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước.
- Nguồn vốn vay từ nguồn ODA và các quỹ hỗ trợ phát triển trong và ngoài nước.
- Nguồn đóng góp của người bệnh dưới hình thức viện phí và bảo hiểm y tế.
- Nguồn khác (nếu có).
Điều 2.
Bộ Y tế có trách nhiệm phối hợp với các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành có liên quan để xây dựng kế hoạch triển khai, lập kế hoạch hàng năm, tổ chức, hướng dẫn kiểm tra, giám sát việc thực hiện; định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tiến độ và kết quả thực hiện, tổ chức sơ kết, tổng kết sau 5 năm, 10 năm.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký ban hành.
Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.