Sign In

NGHỊ QUYẾT CỦA CHÍNH PHỦ

Về việc bổ sung một số giải pháp điều hành kế hoạch kinh tế năm 2001

 

Tình hình kinh tế 4 tháng đầu năm 2001 có những chuyển biến tích cực và có nhiều mặt được cải thiện hơn so với cùng kỳ năm trước; nhưng cũng còn nhiều khó khăn, tác động không thuận lợi đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm nay và các năm sau.

Sản xuất công nghiệp, nông nghiệp tăng khá nhanh về số lượng, nhưng chi phí sản xuất cao, hiệu quả và khả năng cạnh tranh còn thấp, xuất khẩu gặp khó khăn do giá cả xuất khẩu nhiều mặt hàng, nhất là nông sản giảm sút. Vốn đầu tư toàn xã hội đạt thấp, đặc biệt là vốn đầu tư xây dựng cơ bản tập trung thuộc Ngân sách Nhà nước và vốn tín dụng đầu tư nhà nước. Giá cả thị trường diễn biến theo chiều hướng giảm sút mạnh ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống nông dân. Xu thế kinh tế thế giới và khu vực diễn biến có chiều hướng bất lợi, ảnh hưởng xấu đến kinh tế nước ta, nhất là xuất khẩu.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên đây, nhằm hoàn thành tốt các mục tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2001 và tạo đà cho sự phát triển các năm sau, Chính phủ bổ sung một số giải pháp điều hành kế hoạch kinh tế năm 2001 như sau:

1. Thực hiện việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp năm 2001 cho các đối tượng sau đây:

a) Miễn thuế cho tất cả các hộ nghèo trong cả nước (theo chuẩn nghèo quy định tại Quyết định số 1143/2000/QĐ/LĐTB&XH ngày 01 tháng 11 năm 2000 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) và cho tất cả các hộ trong các xã thuộc Chương trình 135.

b) Giảm 50% thuế đối với đất trồng lúa và trồng cà phê của các tổ chức, cá nhân và các hộ gia đình khác còn lại.

Ngân sách Trung ương cấp bù cho ngân sách địa phương khoản hụt thu do thực hiện chính sách miễn, giảm thuế nói trên.

2. Kéo dài thêm 6 tháng thời gian tạm trữ 1 triệu tấn gạo xuất khẩu quy định tại Quyết định số 223/QĐ-TTg ngày 06 tháng 3 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ. Các doanh nghiệp được giao nhiệm vụ mua tạm trữ có trách nhiệm tìm thị trường xuất khẩu số gạo tạm trữ và tiếp tục mua vào để bổ sung cho phần đã xuất khẩu trong thời gian tạm trữ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thương mại, y ban nhân dân các tỉnh có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện chủ trương mua tạm trữ nói trên, ngăn ngừa các hiện tượng tiêu cực, bảo đảm cho nông dân không bị thua thiệt.

3. Thực hiện một bước việc chuyển đổi cơ cấu trong nông nghiệp:

a) y ban nhân dân các tỉnh khẩn trương hoàn thành công tác quy hoạch, đồng thời thực hiện ngay một số giải pháp chuyển đổi cơ cấu sau đây:

Giảm diện tích lúa hè thu ở đồng bằng sông Cửu Long và ở những nơi sản xuất không có hiệu quả để chuyển sang sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi khác có hiệu quả hơn và có thị trường tiêu thụ.

Quy hoạch và đầu tư phát triển các vùng nuôi trồng thuỷ sản, nhất là ở các vùng ven biển. Nhà nước sẽ hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là thuỷ lợi cho các vùng này.

Không trồng mới cà phê vối; chuyển một phần diện tích đang trồng cà phê vối sang trồng cà phê chè ở những nơi có điều kiện.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thuỷ sản có trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương thực hiện quá trình chuyển dịch nói trên.

b) Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ trong Quý III năm 2001 các đề án phát triển nuôi trồng các cây, con có thị trường tiêu thụ thuận lợi: ngô, đậu tương, bông, dâu tằm, thuốc lá, dầu ăn, bò sữa, lợn; đề án phát triển công nghệ sau thu hoạch đối với lúa, cà phê... và đề án về chính sách khuyến khích phát triển ngành, nghề ở nông thôn.

4. Về giống cây trồng, vật nuôi:

a) Bổ sung vốn để phát triển các trung tâm giống, đảm bảo các điều kiện cơ bản để chọn lọc, lai tạo, nhân giống và nhập khẩu giống các loại cây, con có năng suất, chất lượng và giá trị thương phẩm cao.

b) Bổ sung 50 tỷ đồng để hỗ trợ một lần cho nông dân về giống cây trồng, vật nuôi.

c) Trong tháng 6 năm 2001, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ về nhu cầu bổ sung vốn đầu tư trong năm 2001 cho các mục tiêu trên; đồng thời, phải sớm hoàn thiện đề án "Chương trình công nghệ sinh học" để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

5. Khuyến khích thương nhân Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế xuất khẩu tất cả các loại hàng hóa mà pháp luật không cấm, không phụ thuộc vào ngành nghề đã đăng ký kinh doanh.

Sử dụng Quỹ hỗ trợ xuất khẩu theo Quyết định số 195/1999/QĐ-TTg ngày 27 tháng 9 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ, để hỗ trợ các doanh nghiệp và các hiệp hội trong hoạt động phát triển thị trường, đẩy mạnh xúc tiến thương mại như hỗ trợ một phần chi phí đi lại để tìm kiếm thị trường, tổ chức các gian hàng hội chợ, triển lãm, lập kho hàng, đặt văn phòng đại diện và các trung tâm xúc tiến thương mại tại nước ngoài...

Bộ Tài chính thống nhất với Bộ Thương mại trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6 năm 2001 cơ chế thực hiện các quy định trên cũng như việc điều chỉnh, bổ sung Quy chế chi hoa hồng trong môi giới thương mại theo hướng mở rộng quyền tự chủ và trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước trong việc quyết định các hình thức và mức chi hoa hồng, đối tượng được hưởng hoa hồng, hình thức hạch toán các khoản chi hoa hồng... cho phù hợp với đặc điểm của từng đối tác giao dịch và bảo đảm hiệu quả kinh doanh chung của doanh nghiệp.

Khuyến khích các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài (kể cả đại diện thương mại) thực hiện môi giới xuất khẩu và được hưởng hoa hồng theo quy định nêu trên.

6. Ngoài chế độ thưởng xuất khẩu theo Quyết định số 195/1999/QĐ-TTg ngày 27 tháng 9 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ, trong năm 2001, thực hiện thêm chế độ thưởng theo kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng: gạo, cà phê, rau quả hộp và thịt lợn (không kể lượng hàng hoá được xuất khẩu theo hiệp định của Chính phủ và xuất khẩu trả nợ) cho tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Đối với một số mặt hàng xuất khẩu khác, trong thời gian tới nếu gặp khó khăn khách quan như các mặt hàng trên, cũng có thể được xem xét để áp dụng chế độ thưởng này.

Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Thương mại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Vật giá Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan quyết định mức thưởng cụ thể đối với từng mặt hàng, công bố công khai ngay trong tháng 6 năm 2001 và tổ chức thực hiện.

7. Bộ Tài chính sớm hoàn chỉnh Quy chế hoạt động của Quỹ tín dụng hỗ trợ xuất khẩu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 6 năm 2001, để làm căn cứ cho vay ưu đãi và bảo lãnh tín dụng xuất khẩu (kể cả tín dụng xuất khẩu trả chậm đến 720 ngày).

8. Đối với đầu tư xây dựng cơ bản thuộc nguồn vốn Ngân sách Nhà nước, theo kế hoạch đã phê duyệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình theo kế hoạch. Phải rà soát, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch vốn đầu tư một cách chặt chẽ trước khi giao phần vốn còn lại của kế hoạch năm 2001. Kiên quyết chuyển vốn của các công trình chưa đủ thủ tục, các công trình không có khả năng sử dụng hết vốn theo kế hoạch, các công trình chưa có điều kiện khởi công để cấp cho các công trình, dự án cần phải hoàn thành trong năm 2001 và các dự án ODA còn thiếu vốn đối ứng.

9. Các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương kiểm tra, xác định cụ thể khối lượng xây dựng cơ bản các công trình trong kế hoạch thuộc Ngân sách Nhà nước cấp vốn đến nay còn nợ, nhưng chưa có nguồn thanh toán, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trong tháng 6 năm 2001 để các Bộ tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ quyết định biện pháp xử lý.

10. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6 năm 2001 phương án bổ sung vốn cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng thuộc Chương trình Xoá đói giảm nghèo, Chương trình 135, Chương trình Kiên cố hoá kênh mương, đường giao thông nông thôn, Chương trình Phát triển nuôi trồng thuỷ sản; các công trình giao thông, thuỷ lợi, cơ sở hạ tầng du lịch (kể cả tôn tạo, tu sửa các di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng), cơ sở hạ tầng làng nghề; các công trình quan trọng cần hoàn thành trong năm 2001; các công trình quan trọng cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng; chuẩn bị đầu tư và khởi công một số công trình quan trọng đã được phê duyệt nhưng chưa có vốn bố trí từ đầu năm.

Riêng đối với Chương trình 135, ngoài số vốn bổ sung cho các dự án thuộc Chương trình như đã nêu trên, bổ sung thêm khoảng 200 tỷ đồng đến 300 tỷ đồng hỗ trợ cho xây dựng các đường giao thông liên xã ở các xã khó khăn thuộc khu vực biên giới.

Quỹ Hỗ trợ phát triển cho ngân sách địa phương tạm vay với lãi suất 0% để thực hiện các dự án về kiên cố hóa kênh mương, đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thuỷ sản và cơ sở hạ tầng làng nghề ở nông thôn.

11. Lãi suất tín dụng của nhà nước được điều chỉnh như sau:

a) Lãi suất tín dụng đầu tư phát triển nhà nước là 5,4%/năm.

Các đối tượng đang được hưởng lãi suất ưu đãi đặc biệt theo điểm 5 Nghị quyết số 11/2000/NQ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2000 của Chính phủ, Quyết định số 117/2000/QĐ-TTg ngày 10 tháng 10 năm 2000, Quyết định số 55/2001/QĐ-TTg ngày 23 tháng 4 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ và công văn số 485/CP-CN ngày 18 tháng 5 năm 2000 của Chính phủ từ nay sẽ được áp dụng thống nhất một mức lãi suất chung là 3%/năm.

b) Lãi suất cho vay của Ngân hàng phục vụ người nghèo đối với khu vực III là 5,4%/năm và đối với các khu vực khác là 6%/năm.

Các mức lãi suất tại các điểm a, b trên đây được tính cho các khoản vay giải ngân kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2001.

12. Đối với các dự án của chủ đầu tư không phải là doanh nghiệp nhà nước nếu sử dụng vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước thì chủ đầu tư tự quyết định đầu tư sau khi được cơ quan cho vay thẩm định phương án tài chính, phương án trả nợ và chấp thuận cho vay; chủ đầu tư tự chịu trách nhiệm về thiết kế, dự toán và tổ chức thực hiện dự án phù hợp với quy hoạch phát triển ngành, địa phương, lãnh thổ. Tổ chức cho vay giải ngân theo tiến độ thực hiện dự án và thu hồi nợ vay theo hợp đồng tín dụng đã ký. Trường hợp các dự án trên có nhu cầu sử dụng đất thì y ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải căn cứ vào đề nghị của chủ đầu tư và quy hoạch sử dụng đất của địa phương để làm thủ tục giao đất hoặc cho thuê đất theo quy định của pháp luật mà không kèm theo bất kỳ một điều kiện gì khác. Đối với các chủ đầu tư đã được giao đất (đã nộp tiền sử dụng đất) khi thực hiện các dự án sản xuất, kinh doanh, không phải chuyển sang thuê đất.

13. Đối với những dự án được Qũy Hỗ trợ phát triển bảo lãnh thì không nhất thiết phải có tài sản thế chấp. Quỹ Hỗ trợ phát triển phối hợp với tổ chức cho vay thẩm định phương án vay, trả nợ để quyết định việc bảo lãnh và cùng chia sẻ trách nhiệm với tổ chức cho vay trong việc xử lý rủi ro. Thủ tục xét duyệt bảo lãnh phải hết sức đơn giản, thuận tiện.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6 năm 2001 đề án về các hình thức bảo lãnh tín dụng, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

14. Đẩy nhanh quá trình tổ chức lại các ngân hàng thương mại. Nhà nước hỗ trợ vốn để xử lý các khoản nợ giai đoạn 2 và các khoản nợ do nguyên nhân khách quan không có khả năng hoàn trả. Đồng thời có biện pháp lành mạnh hoá tình hình tài chính, nâng cao chất lượng tín dụng và khả năng cạnh tranh của các ngân hàng thương mại. Mở rộng việc cho vay để xây dựng nhà ở, mua các động sản có giá trị cao. Bổ sung vốn Điều lệ cho Ngân hàng phục vụ người nghèo.

15. Từ năm 2001, thực hiện mức thu sử dụng vốn thống nhất theo tỷ lệ 0,15%/tháng đối với vốn nhà nước có tại doanh nghiệp. Giao Bộ Tài chính hướng dẫn và tổ chức thực hiện.

16. Nghị quyết này có hiệu lực kể từ ngày ký. Các quy định trước đây trái với Nghị quyết này đều bãi bỏ.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch y ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị quyết này.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, tổng hợp tình hình thực hiện Nghị quyết, hàng tháng báo cáo Chính phủ./.

Chính phủ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải