QUYẾT ĐỊNH
Về việc phê duyệt Chương trình giống cây trồng,
giống vật nuôi và giống cây lâm nghiệp thời kỳ 2000 – 2005
_________________________
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt chương trình giống cây trồng, giống vật nuôi và giống cây lâm nghiệp thời kỳ 2000 - 2005 nhằm:
1. Đảm bảo đủ giống có chất lượng tốt để cung cấp cho nhu cầu phát triển sản xuất, trước hết là các ngành sản xuất quan trọng liên quan tới thu nhập của đông đảo nông dân và có kim ngạch xuất khẩu lớn như lúa gạo, cà phê, cao su, chè, điều, hồ tiêu, rau và cây ăn quả, cây có dầu, mía đường, cây thức ăn chăn nuôi, lợn, bò thịt, bò sữa, gia cầm, các loại cây lâm nghiệp quan trọng phục vụ nhu cầu sản xuất giấy và sản xuất gỗ,...
2. áp dụng khoa học công nghệ mới và truyền thống theo hướng sử dụng ưu thế lai, đồng thời giữ được tính đa dạng sinh học, từng bước áp dụng công nghệ sinh học trong lai tạo giống;
3. Hình thành hệ thống sản xuất và dịch vụ giống cây trồng, giống vật nuôi, giống cây lâm nghiệp phù hợp với cơ chế thị trường;
4. Khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia nghiên cứu, lai tạo và sản xuất giống tốt, cung ứng cho nhu cầu sản xuất.
Điều 2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trong ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn và huy động các viện, trường ngoài ngành tham gia nghiên cứu, tạo giống, tuyển chọn giống và sản xuất giống; khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia tuyển chọn, lai tạo, nhân giống, sản xuất giống và cung ứng giống; tranh thủ hợp tác quốc tế về công tác giống.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có kế hoạch xây dựng và củng cố nâng cấp các cơ sở giống cây trồng, giống vật nuôi và giống cây lâm nghiệp hiện có, khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân tham gia nhân giống, sản xuất giống và cung ứng giống cho nhu cầu sản xuất.
Điều 3. Đầu tư và tín dụng.
1. Ngân sách nhà nước (bao gồm cả vốn sự nghiệp) đầu tư cho:
a) Nghiên cứu khoa học về giống, các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học, Công nghệ và Môi trường có kế hoạch đầu tư cho một số Viện nghiên cứu khoa học, trường đại học về nông, lâm nghiệp, để tăng cường nghiên cứu khoa học cơ bản và ứng dụng nhằm nâng cao nhanh trình độ và hiệu quả về công tác nghiên cứu giống. Cần đầu tư cho Viện Di truyền nông nghiệp để xây dựng thành Viện Công nghệ sinh học trong nông nghiệp.
b) Giữ nguồn gen (bao gồm cả việc nuôi trồng và bảo vệ): Giao cho các Viện nghiên cứu khoa học thực hiện việc nuôi, trồng nguồn gen, đồng thời Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với ủy ban nhân dân một số tỉnh quy hoạch, bố trí một khu vực rừng tự nhiên (vườn thực vật), để duy trì, bảo vệ, nuôi trồng, giữ nguồn gen các loại thực vật và động vật;
c) Sản xuất giống gốc, giống siêu nguyên chủng, giống nguyên chủng giống cụ kỵ, giống ông bà;
d) Nhập nội nguồn gen và những giống mới cần thiết để tiếp thu nhanh những thành tựu khoa học kỹ thuật của thế giới;
e) Ngân sách địa phương hỗ trợ một phần cho việc sản xuất các loại giống đòi hỏi kỹ thuật cao hỗ trợ nông dân nghèo có điều kiện để có giống tốt đưa vào sản xuất, hỗ trợ tinh để phối giống tốt về bò sữa, bò thịt.
2. Vốn tín dụng: ưu tiên dành cho sản xuất giống thương mại của các viện, trường, các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế vay vốn để sản xuất giống.
Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường ưu tiên vốn vay cho các dự án thử nghiệm để thực hiện chương trình giống này.
Điều 4. Việc đầu tư, phát triển giống cây trồng, giống vật nuôi và giống cây lâm nghiệp phải có dự án cụ thể và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo các quy định về quản lý đầu tư và xây dựng hiện hành.
Căn cứ dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối trong kế hoạch vốn hàng năm bảo đảm đủ vốn cho từng dự án theo kế hoạch và tiến độ đầu tư được duyệt.
Điều 5. Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường sớm trình Chính phủ chính sách bản quyền tác giả về giống theo hướng: sản phẩm khoa học phải trở thành hàng hóa; Nhà nước mua lại bản quyền về những sản phẩm thuộc về nghiên cứu cơ bản, các loại giống của những đối tượng sản xuất vì lợi ích xã hội; với bản quyền tác giả về những giống khác phải giải quyết thỏa đáng lợi ích của nhà khoa học tạo giống và người kinh doanh giống.
Điều 6. Bộ Tài chính nghiên cứu tổng hợp trình Chính phủ báo cáo Quốc hội sửa đổi, bổ sung thuế sử dụng đất nông nghiệp theo hướng: đối với các cơ sở nghiên cứu, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi và giống cây lâm nghiệp thuế suất bằng 0%.
Điều 7. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có quy hoạch, kế hoạch đào tạo cán bộ kỹ thuật, nhất là cán bộ khoa học đầu ngành về công tác giống (kể cả việc đào tạo nước ngoài). Các chương trình khuyến nông, khuyến lâm phải tăng cường đào tạo, phổ cập kiến thức công tác giống cho nông dân để họ cùng tham gia chương trình này.
Phối hợp với ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tốt nội dung quản lý nhà nước về giống cây trồng, giống vật nuôi đã được quy định tại Nghị định số 07/CP ngày 05 tháng 02 năm 1996 của Chính phủ về quản lý giống cây trồng và Nghị định số 14/CP ngày 19 tháng 3 năm 1996 của Chính phủ về quản lý giống vật nuôi, trước hết việc cấp giấy chứng nhận chứng chỉ chất lượng giống, giấy phép kinh doanh, kiểm tra, thanh tra thực hiện việc sản xuất kinh doanh giống. Có quy định gắn trách nhiệm về chất lượng giống của người kinh doanh đối với người sử dụng giống.
Điều 8. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.
Điều 9. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.