QUYẾT ĐỊNH CỦA THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
Về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế Thanh toán điện tử liên ngân hàng
ban hành kèm theo Quyết định số 309/2002/QĐ-NHNN ngày 09/04/2002
của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước
THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 1997; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2003;
Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng năm 1997; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 52/2003/NĐ-CP ngày 19/5/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
Căn cứ Nghị định 64/2001/NĐ-CP ngày 20/9/2001 của Chính phủ về hoạt động thanh toán qua các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán;
Căn cứ Quyết định số 44/2002/QĐ-TTg ngày 21/3/2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng chứng từ điện tử làm chứng từ kế toán để hạch toán và thanh toán vốn của các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Công nghệ tin học Ngân hàng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế Thanh toán điện tử liên ngân hàng ban hành kèm theo Quyết định số 309/2002/QĐ-NHNN ngày 09/4/2002 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước như sau:
1. Khoản 17 Điều 2 được sửa đổi, bổ sung như sau:
"17. Lệnh thanh toán Có là Lệnh thanh toán của người phát lệnh nhằm ghi Nợ tài khoản của người phát lệnh tại đơn vị phục vụ người phát lệnh một khoản tiền xác định và ghi Có cho tài khoản của người nhận lệnh tại đơn vị phục vụ người nhận lệnh về khoản tiền đó."
2. Điểm i khoản 1 Điều 6 được sửa đổi, bổ sung như sau:
"i) Thanh toán các loại giấy tờ có giá được quy định tại khoản 1 Điều 27 của Quy chế này khi đến hạn;"
3. Điểm c khoản 1 Điều 20 được sửa đổi, bổ sung như sau:
Đoạn "Nhiệm vụ của người duyệt (chủ tài khoản hoặc người được uỷ quyền)" được sửa đổi thành: "Đối với người duyệt (chủ tài khoản hoặc người được uỷ quyền; riêng đối với các thành viên là Ngân hàng Nhà nước, người duyệt là Thủ trưởng đơn vị hoặc người được uỷ quyền)."
4. Khoản 3 Điều 20 được sửa đổi, bổ sung như sau:
"3. Sau khi người duyệt đã kiểm tra và ghi mã khoá bảo mật, in ra giấy 02 liên: 01 liên lưu nhật ký chứng từ, 01 liên sử dụng để báo Nợ hoặc báo Có cho khách hàng. Riêng đối với các Lệnh thanh toán do các ngân hàng thành viên gửi đến Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước và được chuyển tiếp sang hệ thống Chuyển tiền điện tử của Ngân hàng Nhà nước (CTĐT), được in thêm 02 liên để làm chứng từ hạch toán tại hệ thống CTĐT."
5. Điều 23 được sửa đổi, bổ sung như sau:
a) Đoạn "Căn cứ Bảng kê được lập trên dữ liệu điện tử để làm cơ sở kiểm soát, hạch toán, kiểm toán và lưu trữ." được sửa đổi thành: "Căn cứ Bảng kê được lập trên dữ liệu điện tử (theo các biểu số: TTLNH-10, TTLNH-11, TTLNH-12, TTLNH-13, TTLNH-14, TTLNH-15 đính kèm Quy chế này) để làm cơ sở kiểm soát, hạch toán, kiểm toán và lưu trữ."
b) Bổ sung khoản 3 và khoản 4 như sau:
"3. Xử lý hạch toán tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước
Khi nhận được Lệnh thanh toán (Lệnh chuyển Có) của Hội sở chính ngân hàng thương mại gửi đến để chuyển tiền cho các chi nhánh của ngân hàng thương mại đó, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước kiểm soát theo quy định, nếu đủ điều kiện thanh toán thì xử lý:
+ Trường hợp Lệnh chuyển Có chuyển cho đơn vị thụ hưởng đóng trụ sở cùng địa bàn Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tham gia hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng (TTLNH) thì căn cứ Lệnh chuyển Có hạch toán:
Nợ Tài khoản Tiền gửi của đơn vị chuyển;
Có Tài khoản Liên hàng đi năm nay (Tiểu khoản Ngân hàng Nhà nước nhận Lệnh chuyển tiền).
+ Trường hợp Lệnh chuyển Có chuyển cho đơn vị thụ hưởng đóng trụ sở cùng địa bàn Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa tham gia hệ thống TTLNH thì căn cứ Lệnh chuyển Có hạch toán:
Nợ Tài khoản thích hợp (Tài khoản tiền gửi của khách hàng);
Có Tài khoản Chuyển tiền đi năm nay.
4. Xử lý đối với trường hợp Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước nhận Lệnh thanh toán từ các ngân hàng thương mại để chuyển tiếp sang hệ thống CTĐT (các lệnh thanh toán này đã được hệ thống tự động kiểm tra đủ số dư và hạch toán ghi nợ vào tài khoản tiền gửi của khách hàng) nhưng chưa gửi được Lệnh thanh toán Đi do quá thời gian quy định gửi Lệnh thanh toán của hệ thống CTĐT, do sự cố kỹ thuật hoặc lý do khách quan khác
Sau thời điểm ngừng chuyển Lệnh thanh toán Đi trong ngày của hệ thống CTĐT, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước phải thông báo ngay cho Hội sở chính ngân hàng thương mại biết về Lệnh thanh toán chưa chuyển đi được và nguyên nhân. Việc xử lý các Lệnh thanh toán chưa chuyển đi được thực hiện như sau:
a) Trả lại Lệnh thanh toán cho khách hàng nếu khách hàng yêu cầu và Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước có đủ thời gian xử lý. Việc trả lại Lệnh thanh toán phải được thực hiện bằng cách lập Lệnh thanh toán theo quy định tại Điều 38 Quy chế này.
b) Trường hợp khách hàng không yêu cầu trả lại Lệnh thanh toán, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước ghi nhập "Sổ theo dõi chứng từ chuyển tiền chưa chuyển đi do sự cố kỹ thuật và các lý do khách quan khác" và hạch toán:
Nợ Tài khoản Tiền gửi của đơn vị chuyển tiền;
Có Tài khoản Các khoản khác phải trả khách hàng.
Vào thời gian làm việc tiếp theo, khi đã khắc phục xong sự cố, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước phải thực hiện chuyển tiền ngay và ghi xuất "Sổ theo dõi chứng từ chuyển tiền chưa chuyển đi do sự cố kỹ thuật và các lý do khách quan khác" đồng thời tất toán khoản tạm ghi trên tài khoản "Các khoản khác phải trả khách hàng" và hạch toán:
Nợ Tài khoản Các khoản khác phải trả khách hàng;
Có Tài khoản Chuyển tiền đi năm nay."
6. Điểm d khoản 2 Điều 25 được sửa đổi, bổ sung như sau:
"d) Trường hợp Lệnh thanh toán được chấp nhận, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước sử dụng Lệnh thanh toán Có do Hội sở chính ngân hàng thương mại lập và gửi đến để làm căn cứ kiểm soát, in ra giấy, trích tài khoản tiền gửi của Hội sở chính ngân hàng thương mại tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước và lập Lệnh chuyển tiền đi cho các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước qua hệ thống CTĐT."
7. Khoản 4 Điều 25 được sửa đổi, bổ sung như sau:
"4. Xử lý đối chiếu
Việc kiểm soát, đối chiếu các Lệnh thanh toán tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại có liên quan được thực hiện theo nguyên tắc: Lệnh thanh toán được khởi tạo ở hệ thống TTLNH hoặc CTĐT thì kiểm soát, đối chiếu theo hệ thống tương ứng."
8. Khoản 1 Điều 27 được sửa đổi, bổ sung như sau:
"1. Các giấy tờ có giá được sử dụng ký quỹ (sau đây gọi tắt là giấy tờ có giá ký quỹ) để thiết lập hạn mức nợ ròng trong quyết toán bù trừ ròng gồm:
a) Tín phiếu Kho bạc Nhà nước;
b) Tín phiếu Ngân hàng Nhà nước;
c) Trái phiếu Kho bạc Nhà nước;
d) Trái phiếu công trình Trung ương;
đ) Công trái xây dựng tổ quốc;
e) Các giấy tờ có giá khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước."
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 3. Chánh Văn phòng, Cục trưởng Cục Công nghệ tin học Ngân hàng, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc (Giám đốc) các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.