THÔNG TƯ
Hướng dẫn tạm ứng vốn Kho bạc Nhà nước cho ngân sách Nhà nước
Căn cứ Nghị định số 178/CP ngày 28/10/1994 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 25/CP ngày 05/04/1995 của Chính phủ về nhiệm vụ quyền hạn và tổ chức bộ máy của hệ thống Kho bạc Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính;
Để đảm bảo yêu cầu điều hành ngân sách nhà nước;
Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện việc tạm ứng vốn tạm thời nhàn rỗi của Kho bạc Nhà nước cho ngân sách nhà nước như sau:
I. QUY ĐỊNH CHUNG:
1. Kho bạc Nhà nước tạm ứng vốn tạm thời nhàn rỗi cho ngân sách nhà nước thông qua Bộ Tài chính (đối với ngân sách trung ương), Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (đối với ngân sách các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) để đáp ứng các yêu cầu chi khi nguồn thu chưa tập trung kịp.
2. Việc tạm ứng vốn Kho bạc Nhà nước cho ngân sách nhà nước phải được cơ quan có thẩm quyền quyết định: Đối với ngân sách trung ương do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định. Đối với ngân sách các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước quyết định trên cơ sở hạn mức tạm ứng cho các địa phương đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt. Việc tạm ứng vốn Kho bạc Nhà nước phải đảm bảo không ảnh hưởng đến các nhiệm vụ thanh toán chi trả của Kho bạc Nhà nước. Kho bạc Nhà nước có quyền từ chối thực hiện tạm ứng trong trường hợp tồn ngân không đủ đáp ứng các nhu cầu thanh toán, chi trả.
3. Cấp ngân sách nhận tạm ứng có trách nhiệm sử dụng vốn tạm ứng của Kho bạc Nhà nước đúng mục đích được duyệt, hoàn trả tạm ứng đầy đủ, đúng hạn và thanh toán cho Kho bạc Nhà nước một khoản phí trên số vốn đã tạm ứng theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Ngân sách nhà nước cấp nào tạm ứng thì cấp đó có trách nhiệm hoàn trả tạm ứng cho Kho bạc Nhà nước, ngân sách trung ương không chịu trách nhiệm hoàn trả các khoản tạm ứng vốn Kho bạc Nhà nước của ngân sách địa phương.
4. Việc tạm ứng vốn tạm thời nhàn rỗi của Kho bạc Nhà nước cho ngân sách nhà nước chỉ được thực hiện tại Kho bạc Nhà nước Trung ương và Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Kho bạc Nhà nước quận, huyện, thị xã, khu vực không được phép tạm ứng cho bất kỳ đối tượng nào.
II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ
1. Mục đích tạm ứng vốn:
Kho bạc Nhà nước tạm ứng cho ngân sách trung ương và ngân sách địa phương để giải quyết các nhu cầu sau:
- Các khoản chi thường xuyên của ngân sách nhà nước đã ghi trong dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
- Các khoản chi đột xuất như: khắc phục hậu quả thiên tai, bão lụt, bù hụt thu ngân sách đã được cấp có thẩm quyền duyệt;
- Các dự án, công trình đầu tư xây dựng cơ bản đã được ghi trong dự toán ngân sách nhưng cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện để mang lại hiệu quả kinh tế.
2. Hạn mức tạm ứng vốn:
- Hạn mức tạm ứng vốn là mức dư nợ tối đa Kho bạc Nhà nước ứng cho ngân sách nhà nước trong năm tài chính.
- Hàng năm căn cứ vào dự toán thu, chi ngân sách nhà nước; Kho bạc Nhà nước Trung ương trình Bộ trưởng Bộ Tài chính duyệt hạn mức tạm ứng vốn Kho bạc Nhà nước cho ngân sách trung ương; hạn mức tạm ứng vốn cho ngân sách các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
- Trên cơ sở hạn mức tạm ứng vốn Kho bạc Nhà nước đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt; Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước thực hiện việc tạm ứng vốn Kho bạc Nhà nước cho ngân sách các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khi có nhu cầu tạm ứng.
- Trường hợp tạm ứng vượt quá hạn mức phải được Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định.
3. Thủ tục tạm ứng:
3.1. Tạm ứng vốn cho ngân sách trung ương : Khi phát sinh nhu cầu tạm ứng, Vụ Ngân sách Nhà nước lập giấy đề nghị tạm ứng (có ý kiến của Kho bạc Nhà nước Trung ương) trình Bộ truởng Bộ Tài chính xem xét quyết định. Căn cứ quyết định của Bộ trưởng, Kho bạc Nhà nước phối hợp với Vụ Ngân sách Nhà nước thực hiện.
3.2. Tạm ứng vốn cho ngân sách địa phương: Khi phát sinh nhu cầu tạm ứng, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có công văn và lập giấy đề nghị tạm ứng (theo mẫu đính kèm) gửi Kho bạc Nhà nước Trung ương phê duyệt. Uỷ ban nhân dân tỉnh chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng nguồn vốn tạm ứng đúng các quy định hiện hành và cam kết hoàn trả Kho bạc Nhà nước cả gốc và phí đúng thời hạn.
Trong trường hợp số đề nghị tạm ứng của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương vượt hạn mức tạm ứng đã được duyệt; Kho bạc Nhà nước Trung ương trình Bộ trưởng Bộ Tài chính xem xét quyết định.
4. Thời hạn tạm ứng và thu hồi tạm ứng:
4.1. Thời hạn tạm ứng:
- Đối với các khoản ứng cho ngân sách trung ương do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định.
- Đối với các khoản tạm ứng cho ngân sách địa phương do Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước quyết định tối đa không quá 12 tháng cho mỗi lần tạm ứng.
- Đối với các khoản tạm ứng có thời hạn trên 12 tháng do Bộ trưởng Bộ Tài chính duyệt.
- Ngân sách trung ương, ngân sách địa phương phải hoàn trả tạm ứng cho Kho bạc Nhà nước theo đúng thời hạn đã cam kết trong giấy đề nghị tạm ứng, trừ trường hợp được phép gia hạn nợ của Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước hoặc của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
4.2. Thu hồi tạm ứng:
Trước khi đến hạn thu hồi tạm ứng 15 ngày, Kho bạc Nhà nước chủ động thông báo với cơ quan tài chính để sắp xếp tồn quỹ ngân sách hoàn trả tạm ứng. Đối với các khoản tạm ứng đã quá hạn, Kho bạc Nhà nước được quyền tự động trích tồn quỹ ngân sách để thu hồi nợ; đồng thời thông báo cho Sở Tài chính - Vật giá (đối với ngân sách địa phương), Vụ Ngân sách Nhà nước (đối với ngân sách trung ương).
5. Phí tạm ứng: Cơ quan tài chính thanh toán cho Kho bạc Nhà nước một khoản phí tính trên số dư nợ tạm ứng, căn cứ vào số ngày thực tế tạm ứng. Mức phí tạm ứng vốn cho ngân sách nhà nước được áp dụng thống nhất là 0,2%/ tháng (30 ngày) tính trên số dư nợ tạm ứng. Phí tạm ứng được Kho bạc Nhà nước hạch toán và sử dụng theo quy định của Bộ Tài chính.
6. Hạch toán kế toán, báo cáo: Các khoản tạm ứng, hoàn trả tạm ứng, phí ứng vốn được hạch toán theo mục lục ngân sách nhà nước hiện hành và theo đúng quy định của Bộ Tài chính.
- Định kỳ (tháng, quý, năm) Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương báo cáo tình hình tạm ứng, thu hồi tạm ứng gửi Kho bạc Nhà nước Trung ương.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các đơn vị Kho bạc Nhà nước, các cơ quan tài chính cần phối hợp chặt chẽ trong việc kế hoạch hoá các khoản thu, chi ngân sách, đôn đốc thu nộp, đảm bảo việc tạm ứng và sử dụng vốn hợp lý, kịp thời, có hiệu quả, hoàn trả đầy đủ và đúng hạn.
2. Các đơn vị Kho bạc Nhà nước theo dõi chặt chẽ tình hình tồn ngân của Kho bạc Nhà nước trên địa bàn. Trong trường hợp nếu tồn ngân Kho bạc Nhà nước tại địa phương không đủ để chi trả, cần báo ngay về Kho bạc Nhà nước Trung ương để giải quyết kịp thời.
3. Thông tư này thay thế Thông tư số 84TC/KBNN ngày 17/11/1995 của Bộ Tài chính và có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký; Các quy định trước đây của Bộ Tài chính và Kho bạc Nhà nước về việc tạm ứng vốn cho ngân sách nhà nước trái với Thông tư này đều không có hiệu lực thi hành.