QUYẾT ĐỊNH
Phê duyệt cơ chế, chính sách áp dụng đối với Dự án Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông
________________________
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Đầu tư ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp ngày 03 tháng 6 năm 2008 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp ngày 19 tháng 6 năm 2013;
Căn cứ Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư;
Căn cứ Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp;
Căn cứ Thông báo số 138/TB-VPCP ngày 01 tháng 4 năm 2014 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 12 tháng 3 năm 2014;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Công văn số 5230/BKHĐT-KTCN ngày 23 tháng 7 năm 2013), Bộ trưởng Bộ Công Thương (các Công văn số 4827/BCT-CNNg ngày 04 tháng 6 năm 2013 và số 3025/BCT-CNNg ngày 15 tháng 4 năm 2014); Bộ trưởng Bộ Tài chính (Công văn số 7690/BTC-ĐT ngày 14 tháng 6 năm 2013), Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (Công văn số 1248/BKHCN-ĐTG ngày 11 tháng 4 năm 2014),
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt cơ chế, chính sách áp dụng đối với Dự án Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông với các nội dung chính như sau:
1. Dự án Nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông (sau đây gọi tắt là Dự án luyện nhôm hoặc Dự án) thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư.
2. Ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu:
a) Thuế thu nhập doanh nghiệp:
- Miễn thuế 04 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế.
- Giảm 50% số thuế phải nộp trong 09 năm tiếp theo.
- Áp dụng mức thuế suất 10% trong 30 năm.
b) Thuế nhập khẩu: Dự án luyện nhôm được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định cho dự án; hàng hóa nhập khẩu là nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để phục vụ sản xuất của dự án theo quy định của pháp luật hiện hành về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
3. Ưu đãi về đất đai:
a) Dự án luyện nhôm được nhà nước cho thuê đất và được miễn tiền thuê đất theo quy định của pháp luật hiện hành áp dụng đối với Dự án thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư.
b) Căn cứ theo Quy hoạch khu công nghiệp tỉnh Đắk Nông được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông có trách nhiệm bố trí đủ quỹ đất để chủ đầu tư thực hiện Dự án luyện nhôm. Việc bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về đất đai.
4. Hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật:
a) Nhà nước hỗ trợ đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào: Về đường giao thông, cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc theo quy định hiện hành.
b) Tỉnh Đắk Nông hỗ trợ đầu tư các hạng mục trong hàng rào Nhà máy theo chính sách hiện hành của tỉnh và khả năng hỗ trợ của địa phương.
5. Về giá điện:
a) Về giá điện:
- Được áp dụng giá điện là 1.052 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương 5,0 cent/kWh) trong 10 năm đầu, kể từ thời điểm Nhà máy điện phân nhôm đưa vào hoạt động. Giá bán điện được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/USD.
- Sau giai đoạn trên, giá điện sẽ áp dụng theo nguyên tắc giá thị trường có tính đến đặc thù của công nghiệp điện phân nhôm, đảm bảo Dự án luyện nhôm thu hồi được chi phí và có mức lợi nhuận hợp lý.
Chủ đầu tư Nhà máy điện phân nhôm chịu trách nhiệm đầu tư Trạm biến áp 220 kV đặc thù, khuyến khích đầu tư trạm với công suất 700 MW đảm bảo cung cấp đủ cho việc mở rộng nâng công suất nhà máy lên 450.000 tấn/năm, tránh lãng phí đầu tư bổ sung và tận dụng tối ưu ưu thế về công nghệ; Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chịu trách nhiệm đầu tư đồng bộ lưới điện mạch vòng 220 kV đến Trạm biến áp, ký hợp đồng cung cấp điện, đảm bảo cung cấp điện ổn định cho Dự án.
b) Về Alumin: Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) chịu trách nhiệm cung cấp alumin ổn định lâu dài và đảm bảo chất lượng, khối lượng đáp ứng nhu cầu của Dự án theo giá thỏa thuận.
6. Về công nghệ cao, công nghệ mới:
Chấp thuận bổ sung công nghệ và sản phẩm của Dự án điện phân nhôm vào Danh mục công nghệ cao và Danh mục sản phẩm công nghệ cao ban hành kèm theo Quyết định số 49/2010/QĐ-TTg ngày 19 tháng 7 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ.
Điều 2. Trách nhiệm của các Bộ, cơ quan địa phương liên quan đối với Dự án luyện nhôm
1. Bộ Công Thương có trách nhiệm:
- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan hướng dẫn Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam và chủ đầu tư Dự án luyện nhôm thực hiện Quyết định này.
- Tổ chức thẩm duyệt, phê duyệt phương án cấp điện cho Dự án.
- Chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu bổ sung nhóm khách hàng điện phân nhôm tại cấp điện áp 220 kV vào cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
- Có trách nhiệm tổ chức, hướng dẫn và phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quyết định này.
2. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính làm thủ tục thực hiện việc bổ sung Danh mục sản phẩm công nghệ cao theo quy định.
3. Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông:
- Phối hợp, hỗ trợ nhà đầu tư về bồi thường, giải phóng mặt bằng, hạ tầng, nguồn nhân lực để đầu tư, thực hiện và phát triển Dự án luyện nhôm.
- Cân đối nguồn ngân sách địa phương để hỗ trợ quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều 1 Quyết định này.
- Theo dõi, giám sát, kiểm tra việc thực hiện Dự án theo thẩm quyền. Thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về hoạt động liên quan đến Dự án luyện nhôm tại địa phương theo quy định của pháp luật hiện hành.
Điều 3. Hiệu lực thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh: Đắk Nông, Lâm Đồng; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và tổ chức liên quan đến Dự án luyện nhôm có trách nhiệm thi hành Quyết định này./