Sign In

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 51/2013/QĐ-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 22 tháng 11 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN QUẢN LÝ ĐƯỜNG SẮT ĐÔ THỊ

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Đường sắt ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 93/2001/NĐ-CP ngày 12 tháng 12 năm 2001 của Chính phủ về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho Thành phố Hồ Chí Minh;

Căn cứ Nghị định số 131/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức;

Căn cứ Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập;

Căn cứ Quyết định số 119/2007/QĐ-UBND ngày 13 tháng 9 năm 2007 của Ủy ban nhân dân thành phố về thành lập Ban Quản lý Đường sắt đô thị trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố;

Xét đề nghị của Trưởng ban Ban Quản lý Đường sắt đô thị tại Công văn số 1601/BQLĐSĐT-TCĐT ngày 23 tháng 11 năm 2012 và Công văn số 1641/BQLĐSĐT-TCĐT ngày 20 tháng 9 năm 2013 và của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 202/TTr-SNV ngày 01 tháng 4 năm 2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Quản lý Đường sắt đô thị.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký. Bãi bỏ Quyết định số 142/2007/QĐ-UBND ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Ủy ban nhân dân thành phố về ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Quản lý Đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Trưởng ban Ban Quản lý Đường sắt đô thị, Thủ trưởng các sở - ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Cục Kiểm tra văn bản-Bộ Tư pháp;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND. TP;
- TTUB: CT, các PCT;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố;
- Công an thành phố (PC64);
- Sở Nội vụ (3b);
- VPUB: Các PVP;
- Các Phòng CV, TCCB;
- Lưu:VT, (VX-VN) H.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lê Hoàng Quân

 

QUY CHẾ

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN QUẢN LÝ ĐƯỜNG SẮT ĐÔ THỊ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 51/2013/QĐ-UBND ngày 22 tháng 11 năm 2013 của Ủy ban nhân dân thành phố)

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Vị trí, chức năng

Ban Quản lý Đường sắt đô thị là đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố, thực hiện chức năng của chủ đầu tư về quản lý đầu tư xây dựng, khai thác, vận hành hệ thống đường sắt đô thị của thành phố; chịu sự chỉ đạo trực tiếp và quản lý toàn diện của Ủy ban nhân dân thành phố, đồng thời chịu sự hướng dẫn và kiểm tra về chuyên môn,nghiệp vụ có liên quan của các Bộ - ngành Trung ương và của các Sở - ngành thành phố.

Tên giao dịch quốc tế và tên viết tắt là: “Management Authority for Urban Railways (MAUR)”.

Điều 2. Ban Quản lý Đường sắt đô thị là đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng theo quy định của pháp luật.

Trụ sở làm việc của Ban Quản lý Đường sắt đô thị đặt tại: Số 29, đường Lê Quý Đôn, phường 7, quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.

Chương 2.

NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN

Điều 3. Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Ban Quản lý Đường sắt đô thị là đầu mối tiếp nhận các dự án đầu tư và tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố về kế hoạch tổng thể cho việc quản lý, xây dựng, vận hành, khai thác các tuyến đường sắt đô thị của thành phố, phát triển mạng lưới vận tải hành khách khối lượng lớn theo quy hoạch giao thông vận tải đến năm 2020.

2. Xây dựng phương án thu hút vốn đầu tư trong nước và nước ngoài về đường sắt đô thị thành phố. Đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố tiếp nhận, lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án đường sắt đô thị thành phố.

3. Thực hiện vai trò và chức năng đối tác trực tiếp với các đối tác nước ngoài trong các quan hệ giao dịch liên quan đến dự án.

4. Chuẩn bị văn kiện, tài liệu, nội dung đàm phán và cùng các cơ quan liên quan giúp Ủy ban nhân dân thành phố tham gia đàm phán các điều ước và văn bản thỏa thuận khác với các nhà tài trợ liên quan đến dự án xây dựng các tuyến đường sắt đô thị của thành phố.

5. Xây dựng chương trình, kế hoạch chi tiết và tiến độ thực hiện các dự án thành phần; tổ chức quản lý điều hành, sử dụng hiệu quả nguồn lực của dự án và xử lý các phát sinh khi thực hiện các dự án.

6. Đảm bảo đầy đủ các cơ sở dữ liệu thông tin theo yêu cầu đã thỏa thuận với đối tác nước ngoài để quản lý, điều hành dự án theo chương trình, kế hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

7. Chấp hành đầy đủ các quy định của Nhà nước trong quá trình quản lý điều hành dự án đầu tư và những vấn đề có liên quan theo thông lệ quốc tế, quy định của pháp luật Việt Nam và Hiệp định vay.

8. Chấp hành nghiêm chỉnh chế độ báo cáo tài chính, các chế độ về kế toán, thống kê, kiểm toán, quyết toán theo quy định hiện hành và yêu cầu của đối tác nước ngoài phù hợp với những nội dung đã được ký kết.

9. Đảm bảo chế độ quan hệ phối hợp với các cơ quan chức năng, các dự án có liên quan khác của thành phố để triển khai có hiệu quả trên nhiều lĩnh vực của dự án.

10. Thực hiện công tác xuất nhập khẩu vật tư, thiết bị phục vụ cho công tác xây dựng và vận hành khai thác các dự án đường sắt đô thị thành phố.

11. Hàng năm, Ban Quản lý Đường sắt đô thị lập kế hoạch sử dụng vốn, kế hoạch giải ngân (vốn trong nước và nguồn vốn vay nước ngoài) theo yêu cầu tiến độ thực hiện các dự án phù hợp với cơ chế tài chính trong nước và quy định của đối tác để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án.

12. Đảm bảo tập hợp và thực hiện đầy đủ các nội dung, quy trình liên quan đến công tác vận hành, điều độ chạy tàu, quản lý khai thác, sử dụng sau khi giai đoạn xây dựng hoàn thiện.

13. Ban Quản lý Đường sắt đô thị được phép thành lập các Ban Quản lý dự án và các đơn vị trực thuộc đúng theo quy định của pháp luật để quản lý xây dựng, quản lý và vận hành khai thác các tuyến đường sắt đô thị sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng; trình Ủy ban nhân dân thành phố việc thuê các tổ chức có đủ năng lực về kinh nghiệm và tài chính để quản lý, vận hành, khai thác các tuyến đường sắt đô thị sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng.

14. Liên kết hoặc liên doanh với các tổ chức trong nước hoặc nước ngoài, thuê các chuyên gia có kinh nghiệm nhằm đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ trong lĩnh vực chuyên ngành về quản lý điều hành dự án, tổ chức vận hành khai thác sử dụng các tuyến đường sắt đô thị của thành phố.

15. Tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư; công bố công khai quy hoạch mạng lưới vận tải hành khách khối lượng lớn của thành phố.

16. Phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân có liên quan để giải quyết các vấn đề về bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư.

17. Đảm bảo thực hiện chế độ thông tin lưu trữ, bảo mật và báo cáo theo quy định.

18. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố phân công hoặc ủy quyền bằng văn bản.

Chương 3.

TỔ CHỨC BỘ MÁY VÀ BIÊN CHẾ

Điều 4. Nguyên tắc chung

1. Ban Quản lý Đường sắt đô thị do Trưởng ban quản lý và điều hành theo chế độ thủ trưởng; có các Phó Trưởng ban giúp việc cho Trưởng ban, chịu trách nhiệm trước Trưởng ban và trước pháp luật về kết quả thực hiện những nhiệm vụ đã được giao.

2. Trưởng ban Ban Quản lý Đường sắt đô thị do Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố bổ nhiệm, miễn nhiệm; Trưởng ban chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Ban.

3. Phó Trưởng ban do Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Trưởng ban Ban Quản lý Đường sắt đô thị.

4. Kế toán trưởng do Giám đốc Sở Nội vụ bổ nhiệm, miễn nhiệm theo đề nghị của Trưởng ban Ban Quản lý Đường sắt đô thị.

Điều 5. Cơ cấu tổ chức bộ máy, biên chế của Ban Quản lý Đường sắt đô thị

1. Ban Quản lý Đường sắt đô thị có các phòng, ban chuyên môn nghiệp vụ. Trưởng ban Ban Quản lý Đường sắt đô thị có quyền quyết định thành lập, giải thể, xác định số lượng, tên gọi và giao chức năng cho các phòng, ban chuyên môn của Ban.

2. Theo yêu cầu công tác, Trưởng ban có trách nhiệm trình Ủy ban nhân dân thành phố quyết định thành lập các đơn vị sự nghiệp trực thuộc để thực hiện các nhiệm vụ được giao.

3. Biên chế sự nghiệp của Ban Quản lý Đường sắt đô thị được Ủy ban nhân dân thành phố giao hàng năm.

4. Trưởng ban Ban Quản lý Đường sắt đô thị có trách nhiệm tuyển dụng, bố trí cán bộ, viên chức; sắp xếp, sử dụng biên chế được giao phù hợp với yêu cầu công tác và theo đúng quy định của pháp luật.

5. Xét nhu cầu thực tế, Trưởng ban Ban Quản lý Đường sắt đô thị có quyền ký hợp đồng ngoài chỉ tiêu biên chế được giao phục vụ cho yêu cầu triển khai thực hiện các dự án đã được phê duyệt; kinh phí trả lương và các khoản phụ cấp (nếu có) được Ban Quản lý Đường sắt đô thị tự cân đối từ nguồn chi phí quản lý dự án, theo đúng quy định của pháp luật. Trường hợp hết nguồn kinh phí quản lý dự án, Ban Quản lý Đường sắt đô thị được phép tạm ứng kinh phí từ ngân sách thành phố để hoạt động.

Chương 4.

MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC

Điều 6. Đối với Ủy ban nhân dân thành phố

Ban Quản lý Đường sắt đô thị có trách nhiệm báo cáo định kỳ về kết quả hoạt động theo chế độ quy định và báo cáo đột xuất khi có yêu cầu của Ủy ban nhân dân thành phố.

Điều 7. Đối với các sở - ngành thành phố, Ủy ban nhân dân các quận -huyện

1. Mối quan hệ giữa Ban Quản lý Đường sắt đô thị với Sở Giao thông Vận tải là quan hệ ngang cấp, có sự phối hợp chặt chẽ và thống nhất trong các mặt công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực đường sắt đô thị (quy hoạch và kế hoạch phát triển, tiêu chuẩn kỹ thuật và quy trình quy phạm xây dựng, chất lượng xây dựng và dịch vụ phục vụ, quy chế khai thác và quản lý sử dụng hệ thống đường sắt đô thị) theo đúng pháp luật của Nhà nước và quy định của Bộ quản lý chuyên ngành.

2. Mối quan hệ giữa Ban Quản lý Đường sắt đô thị với các sở - ngành thành phố là quan hệ trao đổi thông tin và phối hợp hoạt động ngang cấp theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm được Ủy ban nhân dân thành phố quy định.

3. Mối quan hệ giữa Ban Quản lý Đường sắt đô thị với Ủy ban nhân dân các quận - huyện, phường - xã, thị trấn là mối quan hệ giữa cơ quan trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố với cơ quan hành chính địa phương.

4. Ban Quản lý Đường sắt đô thị và các sở - ngành của thành phố, Ủy ban nhân dân các quận - huyện có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ để giải quyết các vấn đề có liên quan trong quá trình thực hiện dự án xây dựng các tuyến đường sắt đô thị của thành phố đảm bảo hoàn thành theo tiến độ quy định; trường hợp vượt thẩm quyền, có báo cáo đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố giải quyết kịp thời.

5. Các sở - ngành thành phố, Ủy ban nhân dân các quận - huyện có trách nhiệm giải quyết kịp thời các đề nghị của Ban theo quy định pháp luật; hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để Ban Quản lý Đường sắt đô thị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Chương 5.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 8. Căn cứ vào nội dung Quy chế này, Trưởng ban Ban Quản lý Đường sắt đô thị có trách nhiệm ban hành quy chế làm việc của Ban, quy định cụ thể về chế độ làm việc, chế độ quản lý theo từng lĩnh vực, phân công nhiệm vụ cho từng cán bộ, công chức, viên chức của Ban.

Điều 9. Trong quá trình thực hiện Quy chế này, nếu xét thấy cần thiết hoặc có khó khăn, vướng mắc và có những điểm không còn phù hợp với quy định của Nhà nước, Trưởng ban Ban Quản lý Đường sắt đô thị có trách nhiệm phối hợp với Giám đốc Sở Nội vụ kịp thời báo cáo đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố xem xét điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của pháp luật và thực tiễn của thành phố./.