CHỈ THỊ
Về tổ chức đợt kiểm tra việc tàng trữ buôn bán lâm sản không phép trên địa bàn thành phố và việc phá rừng huyện Duyên Hải.
____________
Thi hành chỉ thị số 83/CT ngày 25/3/1988 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và hướng dẫn của Bộ Lâm nghiệp về tổ chức kiểm tra việc khai thác, tích trữ đầu cơ, vận chuyển buôn bán lâm sản trái phép.
Đối với thành phố Hồ Chí Minh trong mấy năm gần đây nhất là qua đợt kiểm tra tỉa thưa rừng đước cho thấy việc quản lý rừng chưa tốt, một số đơn vị và nhân dân còn phá rừng trái phép ở huyện Duyên Hải, việc buôn bán gỗ, lâm sản và chế biễn gỗ không phép trên địa bàn thành phố vẫn còn, làm ảnh hưởng giá cả thị trường và trật tự trị an xã hội.
Để ngăn chặn và chấm dứt tình hình trên Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị một số nội dung và biện pháp tổ chức đợt tổng kiểm tra như sau:
I. - MỤC ĐÍCH YÊU CẦU.
Phát hiện, ngăn chặn những hiện tượng tiêu cực trong công tác tỉa thưa rừng đước Duyên Hải cũng như việc mua bán, chế biến gỗ không phép nhằm góp phần tích cực bảo vệ phát triển rừng Duyên Hải và giữ gìn trật tự xã hội ở thành phố.
Nhân dịp này, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục cán bộ, nhân dân chấp hành đúng pháp luật, phát động quần chúng tham gia bảo vệ rừng và phát triển rừng, đồng thời ngăn chặn kịp thời các vụ vi phạm về tài nguyên rừng Duyên Hải.
Tập trung chỉ đạo kiểm tra có trọng điểm việc buôn bán, chế biến gỗ không phép. Thông qua tổng kiểm tra đánh giá tình hình, đề ra những biện pháp quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản trong thời gian tới.
II.- NỘI DUNG KIỂM TRA.
a) Địa bàn kiểm tra.
Kiểm tra về quản lý bảo vệ rừng Duyên Hải Ủy ban nhân dân huyện Duyên Hải cùng Sở Lâm nghiệp cần xác định rõ trọng điểm khu vực cần kiểm tra.
- Ở thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra các tụ điểm buôn bán, kinh doanh lâm sản cũng như việc chế biến lâm sản không phép.
b) Đối tượng kiểm tra.
- Đối tượng là cá nhân (ở thành phố và các tỉnh) đến phá rừng bừa bãi cũng như các đơn vị, cơ quan, lực lượng vũ trang… phá rừng vì mục đích cá nhân (kể cả tỉa thưa rừng) không có giấy phép, không đúng quy trình kỹ thuật hay không có thiết kế phát hiện đến đâu xử lý đến đó.
- Các đối tượng kinh doanh buôn bán, chế biến gỗ và lâm sản của tổ hợp, hợp tác xã, xí nghiệp hợp doanh, xí nghiệp đời sống… không có giấy phép kinh doanh sử dụng gỗ.
III.- NỘI DUNG CÁC VIỆC CẦN LÀM TRONG TỔNG KIỂM TRA.
a) Công tác chuẩn bị:
Xây dựng phương án kế hoạch, thành lập Ban chỉ đạo chuẩn bị văn bản pháp luật, dự trù kinh phí, phương tiện bố trí lực lượng kiểm tra.
b) Kiểm tra tại hiện trường, đánh giá kết quả, xử lý ngay các việc cần thiết theo đúng pháp luật.
c) Kiểm tra đến đâu xử lý ngay những vụ việc đó, những vụ việc nghiêm trọng có tính chất điển hình cần điều tra lập hồ sơ truy tố hình sự nhằm phát huy hiệu quả.
Chi cục kiểm lâm nhân dân thành phố, huyện Duyên Hải cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an, Viện kiểm sát, lực lượng quân sự thành phố, và các ngành có liên quan để tiến hành các công việc trên nhanh, gọn, kiên quyết, dứt điểm không để tồn tại kéo dài.
d) Tổng hợp tình hình kiểm tra, tìm ra nguyên nhân để có chủ trương, biện pháp cho việc tăng cường chỉ đạo quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.
IV.- CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT LÀM CƠ SỞ PHỤC VỤ ĐỢT TỔNG KIỂM TRA.
- Pháp lệnh quy định việc bảo vệ rừng ngày 6/9/1972.
- Hệ thống các văn bản của liên Bộ, Bộ Lâm nghiệp và Ủy ban nhân dân thành phố làm cơ sở để xem xét vận dụng xử lý.
V.- TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐỢT TỔNG KIỂM TRA.
a) Ở thành phố: Ban chỉ đạo do đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố làm Trưởng ban. Đồng chí Phó Giám đốc Sở Lâm nghiệp làm Phó ban thường trực, Phó Chủ tịch huyện Duyên Hải làm Phó ban và các ủy viên gồm, Chi cục kiểm lâm, Công an thành phố, Ban chỉ huy quân sự thành phố, Ủy ban Thanh tra, Ban Cải tạo công thương nghiệp thành phố, Sở Tư pháp, Sở Tài chánh, Sở Thủy sản, Ủy ban Vật giá, Ban Quản lý thị trường thành phố, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân.
Sở Lâm nghiệp thành phố cần trao đổi cụ thể với các ngành liên quan nêu trên để thống nhất và lập danh sách nhân sự trình Thường trực Ủy ban ra quyết định.
b) Ở Duyên Hải đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban huyện là Trưởng ban, Hạt kiểm lâm làm Phó ban thường trực. Các ủy viên gồm có, Công an, huyện đội, thanh tra, tư pháp, tài chánh.
c) Tổ chức lực lượng kiểm tra.
Ban chỉ đạo thành phố và huyện Duyên Hải cần huy động và bố trí lực lượng theo thành phần đã nêu trên. Đồng thời trong khi kiểm tra cần có sự phối hợp của đơn vị phường, xã, nông lâm ngư trường, xí nghiệp, các cơ quan chính quyền và các ngành có liên quan cử cán bộ phối hợp tạo điều kiện tốt cho việc kiểm tra đạt hiệu quả đồng thời qua kiểm tra, thấy được những ưu khuyết điểm trong công tác quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản của địa phương từng đơn vị.
VI.- THỜI GIAN VÀ CHẾ ĐỘ BÁO CÁO.
Đợt kiểm tra được tiến hành từ ngày 10/6/1988 và kết thúc ngày 15/7/1988 và thực hiện chế độ báo cáo 15 ngày 1 lần. Hàng tháng báo cáo gởi về Sở Lâm nghiệp để Sở báo cáo về Ủy ban nhân dân thành phố và về Bộ Lâm nghiệp.
Kết thúc đợt kiểm tra Sở Lâm nghiệp tổng hợp toàn bộ đợt kiểm tra báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố và Bộ Lâm nghiệp trước ngày 15/7/1988.
VIII.- KINH PHÍ.
Ủy ban nhân dân thành phố giao cho Sở Lâm nghiệp bàn với Sở Tài chánh để dự trù kinh phí chung trình Ủy ban nhân dân thành phố duyệt (bao gồm cả kinh phí bồi dưỡng cho người tham gia kiểm tra).
Những người có công phát hiện bắt giữ các vụ vi phạm kể cả lực lượng kiểm tra đều được trích thưởng theo quy định chung của nhà nước.
Để khuyến khích những người có công phát hiện việc phá rừng ở Duyên Hải tỷ lệ thưởng được quy định 50% số lâm sản vi phạm từ 10 xite trở lên; 100% số lâm sản từ 9 xite trở lại.
VIII.- TỔ CHỨC THỰC HIỆN.
Sở Lâm nghiệp chịu trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện Duyên Hải xây dựng phương án kế hoạch tổng kiểm tra chung cho thành phố và riêng cho huyện Duyên Hải, hệ thống hóa các văn bản pháp lý phục vụ cho đợt tổng kiểm tra.
- Các sở, ban, ngành thành phố và huyện Duyên Hải đã được chỉ định vào Ban kiểm tra cần tiến hành phân công cán bộ để phối hợp tham gia.
- Ủy ban nhân dân quận, huyện cần hỗ trợ, giúp đỡ khi đoàn kiểm tra đến địa phương mình kiểm tra.-