THÔNG TƯ
Sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư số 99/2006/TT-BNN
ngày 06/11/2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy chế quản lý rừng,
ban hành kèm theo Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg,
ngày 14/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ
_____________________
Căn cứ Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP, ngày 03/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng;
Căn cứ Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg, ngày 14/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý rừng;
Căn cứ Nghị định số 86/2003/NĐ-CP, ngày 18/7/2003 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Xét đề nghị của Cục Lâm nghiệp,
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư số 99/2006/TT-BNN ngày 06/11/2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy chế quản lý rừng, ban hành kèm theo Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg,ngày 14/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ như sau:
1. Điểm 1.1, Khoản 1, Mục II (Quy định việc phân chia, xác định ranh giới đơn vị quản lý rừng và đất quy hoạch cho lâm nghiệp) nay sửa đổi, bổ sung như sau:
“1.1 Rừng và đất quy hoạch cho lâm nghiệp được phân chia thành các đơn vị quản lý: Tiểu khu, khoảnh, lô theo quy định tại Điều 42, Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng.
Tiểu khu có diện tích trung bình một ngàn (1.000) hecta, trong cùng đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã). Thứ tự tiểu khu được ghi số bằng chữ số Ả Rập trong phạm vi của từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh), từ tiểu khu số 1 đến tiểu khu cuối cùng (ví dụ: Tiểu khu 1, Tiểu khu 2).
Khoảnh có diện tích trung bình một trăm (100) hecta. Thứ tự khoảnh được ghi số bằng chữ số Ả Rập, từ Khoảnh 1 đến khoảnh cuối cùng, trong phạm vi từng tiểu khu (ví dụ: Khoảnh 1, Khoảnh 2).
Lô có diện tích trung bình mười (10) hecta, có trạng thái rừng hoặc đất lâm nghiệp tương đối đồng nhất. Thứ tự lô được ghi bằng chữ cái Việt Nam trong phạm vi từng khoảnh (ví dụ: Lô a, Lô b). Trong cùng một khoảnh, tên các lô rừng không được trùng nhau.
Số thứ tự của tiểu khu, khoảnh, lô về cơ bản được ghi số theo trình tự từ trên xuống dưới, từ trái sang phải, trừ trường hợp được bổ sung sau này”.
2. Tiết a, b, Điểm 2.2, Khoản 2, Mục II (Tiêu chí rừng nghèo kiệt và các loại rừng nghèo kiệt được phép cải tạo; biện pháp, trình tự, thủ tục cải tạo rừng) nay sửa đổi như sau:
a) Cụm từ: “ Đối với rừng gỗ thuần loại”, sửa lại là: “ Đối với rừng gỗ”;
b) Cụm từ: “Đối với rừng tre, nứa thuần loại”, sửa lại là: “Đối với rừng tre, nứa”.
3. Điểm 7.3, Khoản 7, Mục II (Quy định việc sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp kết hợp trong rừng phòng hộ) nay sửa đổi như sau:
“7.3. Các chủ rừng được sử dụng đất chưa có rừng trong khu rừng phòng hộ để sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp kết hợp theo quy định tại Tiết b, Khoản 2, Điều 33, Quy chế quản lý rừng, ban hành kèm theo Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg, ngày 14/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ”.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo.
Những quy định tại Thông tư số 99/2006/TT-BNN, ngày 06/11/2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy chế quản lý rừng, ban hành kèm theo Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg, ngày 14/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ không trái với quy định của Thông tư này vẫn còn hiệu lực thi hành.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ảnh về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để kịp thời sửa đổi, bổ sung./.