• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 14/11/2019
  • Ngày hết hiệu lực: 28/04/2023
CHÍNH PHỦ
Số: 87/2019/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 14 tháng 11 năm 2019

NGHỊ ĐỊNH

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 116/2013/NĐ-CP NGÀY 04 THÁNG 10 NĂM 2013 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT PHÒNG, CHỐNG RỬA TIỀN

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật Phòng, chống rửa tiền ngày 18 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Luật Phòng, chống khủng bố ngày 12 tháng 6 năm 2013;

Căn cứ Bộ luật Tố tụng hình sự ngày 27 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Luật Thanh tra ngày 15 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Luật Thi hành án hình sự ngày 17 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Luật Thi hành án dân sự ngày 14 tháng 11 năm 2008; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự ngày 25 tháng 11 năm 2014;

Căn cứ Luật Tổ chức cơ quan Điều tra hình sự ngày 26 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 26 tháng 11 năm 2014;

Theo đề nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2013/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2013/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền

1. Khoản 2 Điều 2 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“2. Tổ chức, cá nhân khác liên quan đến phòng, chống rửa tiền, bao gồm:

a) Tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán;

b) Tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc người không có quốc tịch không hoạt động hoặc không sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam nhưng có các giao dịch tài chính, giao dịch tài sản khác với tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 1 Điều này.”

2. Bổ sung khoản 3 vào Điều 2 như sau:

“3. Tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải áp dụng các biện pháp phòng, chống rửa tiền theo quy định của pháp luật phòng, chống rửa tiền như đối với các đối tượng báo cáo là các tổ chức tài chính được quy định tại khoản 3 Điều 4 Luật Phòng, chống rửa tiền.”

3. Điều 5 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 5. Chủ sở hữu hưởng lợi

1. Đối tượng báo cáo phải xác định chủ sở hữu hưởng lợi cuối cùng của khách hàng và áp dụng các biện pháp để nhận biết và cập nhật thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi thông qua các tiêu chí sau:

a) Cá nhân sở hữu thực tế đối với một tài khoản hoặc một giao dịch: Chủ tài khoản, đồng chủ tài khoản hoặc bất kỳ người nào chi phối hoạt động của tài khoản hoặc thụ hưởng từ giao dịch đó;

b) Cá nhân có quyền chi phối pháp nhân: Cá nhân nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp từ 25% trở lên vốn điều lệ của pháp nhân đó; chủ doanh nghiệp tư nhân; cá nhân khác thực tế chi phối, kiểm soát pháp nhân đó;

c) Cá nhân có quyền chi phối một ủy thác đầu tư, thỏa thuận ủy quyền: Cá nhân ủy thác, ủy quyền; cá nhân có quyền chi phối cá nhân, pháp nhân hoặc tổ chức ủy thác, ủy quyền.

2. Nhận dạng và xác minh thông tin nhận dạng chủ sở hữu hưởng lợi được thực hiện theo quy định tại Điều 4 Nghị định này, trừ trường hợp chủ sở hữu hưởng lợi là cá nhân đại diện vốn nhà nước trong các tổ chức.”

4. Bổ sung khoản 5 vào Điều 6 như sau:

“5. Căn cứ kết quả đánh giá rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố tại đối tượng báo cáo, đối tượng báo cáo được áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng đơn giản đối với những khách hàng được xác định có mức rủi ro rửa tiền hoặc tài trợ khủng bố thấp gồm một hoặc tất cả các biện pháp sau:

a) Không thu thập thông tin về mục đích, bản chất mối quan hệ kinh doanh nếu có cơ sở nhận biết được mục đích và bản chất từ các loại giao dịch hoặc mối quan hệ kinh doanh đã được thực hiện, thiết lập;

b) Xác thực nhận dạng khách hàng và chủ sở hữu hưởng lợi sau khi thiết lập mối quan hệ kinh doanh;

c) Giảm tần suất cập nhật nhận dạng khách hàng;

d) Giảm mức độ theo dõi và kiểm soát giao dịch.

Đối tượng báo cáo không được áp dụng các biện pháp nhận biết khách hàng đơn giản trong trường hợp nghi ngờ liên quan đến rửa tiền hoặc tài trợ khủng bố.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan hướng dẫn tiêu chí đánh giá rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố để đối tượng báo cáo thực hiện.”

5. Điểm a khoản 2 Điều 8 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“a) Yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin theo quy định tại Điều 4 Nghị định này và được quyết định gặp mặt trực tiếp hoặc không gặp mặt trực tiếp khách hàng khi lần đầu thiết lập mối quan hệ. Trường hợp không gặp mặt trực tiếp khách hàng, đối tượng báo cáo phải đảm bảo có các biện pháp, hình thức và công nghệ để nhận biết và xác minh khách hàng.”

6. Điểm b, c khoản 2 Điều 11 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“b) Vốn điều lệ;

c) Danh sách cổ đông sáng lập và danh sách người đại diện theo ủy quyền đối với cổ đông nước ngoài là tổ chức (nếu có);”

7. Điểm a khoản 1 Điều 14 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“a) Cơ sở hợp lý để nghi ngờ tài sản trong giao dịch có nguồn gốc do phạm tội mà có bao gồm: Giao dịch được yêu cầu thực hiện bởi người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, bị can, bị cáo hoặc người bị kết án theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự và tài sản trong giao dịch là tài sản hoặc có nguồn gốc từ tài sản thuộc quyền sở hữu hoặc kiểm soát của cá nhân đó hoặc của cá nhân, tổ chức liên quan tới cá nhân đó, trong hoặc sau thời gian thực hiện hành vi phạm tội;”

8. Điểm d khoản 3 Điều 17 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“d) Cơ quan thuế, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nếu giao dịch liên quan tới cá nhân, tổ chức bị nghi ngờ vi phạm pháp luật về thuế, pháp luật về hải quan hoặc pháp luật khác liên quan. Yêu cầu cung cấp thông tin phải được Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan Thuế, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra ký;”

9. Bổ sung khoản 5 vào Điều 17 như sau:

“Đối tượng báo cáo có trách nhiệm cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan điều tra các cấp kể từ khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, kể cả các thông tin thuộc bí mật nhà nước. Cơ quan điều tra khi tiếp nhận các thông tin thuộc bí mật nhà nước có trách nhiệm lưu trữ, bảo quản, sử dụng theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.”

10. Khoản 2 Điều 18 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“2. Tổ chức, cá nhân bị nghi ngờ có liên quan đến tội phạm rửa tiền nhằm tài trợ cho khủng bố nếu có các hành vi nhằm:

a) Thực hiện hoặc có ý định thực hiện giao dịch liên quan tới tổ chức, cá nhân theo danh sách trong các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc;

b) Thực hiện hoặc có ý định thực hiện giao dịch liên quan tới tổ chức, cá nhân theo danh sách những tổ chức, cá nhân khủng bố và tài trợ cho khủng bố do tổ chức quốc tế khác hoặc quốc gia khác trên thế giới lập ra và được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cảnh báo;

c) Thực hiện hoặc có ý định thực hiện giao dịch liên quan tới tổ chức, cá nhân đã từng bị kết án về các tội khủng bố, tội tài trợ cho khủng bố tại Việt Nam;

d) Thực hiện hoặc có ý định thực hiện giao dịch liên quan tới tổ chức, cá nhân khủng bố hoặc tài trợ khủng bố mà đối tượng báo cáo biết được từ các nguồn thông tin khác.”

11. Điểm e khoản 2 Điều 20 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“e) Giao dịch khác mà cơ quan phòng, chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dựa trên tài liệu xác thực và kinh nghiệm công tác nhận thấy có thể liên quan đến các hoạt động phạm tội.”

12. Điểm b khoản 3 Điều 20 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“b) Giao dịch khác mà cơ quan phòng, chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dựa trên tài liệu xác thực và kinh nghiệm công tác nhận thấy có thể liên quan đến các hoạt động rửa tiền nhằm tài trợ khủng bố.”

13. Điểm d khoản 4 Điều 20 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“d) Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.”

14. Bổ sung điểm d vào khoản 1 Điều 21 như sau:

“d) Theo yêu cầu của cơ quan thanh tra, thi hành án, thuế, hải quan.”

15. Khoản 5 Điều 20 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“5. Cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm tiếp nhận các thông tin giao dịch đáng ngờ do Ngân hàng Nhà nước chuyển giao. Nếu có dấu hiệu tội phạm và đủ căn cứ thì cơ quan có thẩm quyền phân loại, giải quyết theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm. Các thông tin chưa rõ dấu hiệu tội phạm thì tiến hành phân loại, xác minh các nội dung giao dịch đáng ngờ do Ngân hàng Nhà nước chuyển giao.”

16. Khoản 4 Điều 22 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“4. Khi áp dụng biện pháp trì hoãn giao dịch, đối tượng báo cáo phải báo cáo ngay bằng văn bản và thông báo ngay bằng điện thoại cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đồng thời báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.”

17. Điều 23 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 23. Phong tỏa tài khoản, niêm phong hoặc tạm giữ tài sản

1. Đối tượng báo cáo thực hiện phong tỏa tài khoản hoặc áp dụng biện pháp niêm phong, tạm giữ tài sản khi có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự, pháp luật thi hành án và pháp luật thanh tra có thẩm quyền ra quyết định yêu cầu đối tượng báo cáo áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản hoặc niêm phong, tạm giữ tài sản và chịu trách nhiệm về quyết định này.

3. Việc phong tỏa tài khoản hoặc niêm phong, tạm giữ tài sản phải được thể hiện bằng văn bản, bao gồm các nội dung tối thiểu sau: Tên đối tượng báo cáo phải thực hiện biện pháp phong tỏa tài khoản hoặc niêm phong, tạm giữ tài sản; tên đầy đủ của chủ tài khoản hoặc cá nhân, tổ chức liên quan đến tài sản bị niêm phong, tạm giữ; số tài khoản bị phong tỏa hoặc danh mục tài sản bị niêm phong, tạm giữ; số tiền phong tỏa; thời điểm bắt đầu và kết thúc phong tỏa tài khoản hoặc niêm phong, tạm giữ tài sản; lý do yêu cầu thực hiện biện pháp phong tỏa tài khoản hoặc niêm phong, tạm giữ tài sản; hoặc theo biểu mẫu trong tố tụng hình sự.

4. Đối tượng báo cáo phải báo cáo cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bằng văn bản ngay sau khi thực hiện biện pháp phong tỏa tài khoản hoặc niêm phong, tạm giữ tài sản quy định tại khoản 1 Điều này.

5. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ, phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình phong tỏa tài khoản hoặc niêm phong, tạm giữ tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều này.”

Điều 2. Trách nhiệm tổ chức thực hiện

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Điều 3. Điều khoản thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành./.

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Xuân Phúc

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.