• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 17/09/2004
  • Ngày hết hiệu lực: 25/04/2007
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 155/2004/QĐ-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 24 tháng 8 năm 2004

QUYẾT ĐỊNH

Về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại công ty nhà nước và công ty thành viên hạch toán độc lập thuộc tổng công ty nhà nước

___________________

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Doanh nghiệp nhà nước ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Để triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 và đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này tiêu chí, danh mục phân loại công ty nhà nước và công ty thành viên hạch toán độc lập thuộc tổng công ty nhà nước.

Điều 2. Đối tượng áp dụng của Quyết định này bao gồm các công ty nhà nước độc lập, công ty thành viên hạch toán độc lập của các tổng công ty nhà nước và các tổng công ty nhà nước hiện có.

Điều 3. Quyết định này thay thế Quyết định số 58/2002/QĐ-TTg ngày 26 tháng 4 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ và có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng quản trị Tổng công ty 91 có trách nhiệm căn cứ vào Quyết định này, tiếp tục phân loại, thực hiện sắp xếp các công ty nhà nước và các công ty thành viên hạch toán độc lập thuộc tổng công ty nhà nước hiện có thuộc mình quản lý báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10 năm 2004.

Bộ Kế hoạch và đầu tư phối hợp Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương, Tổng công ty 91 thực hiện Quyết định này và thường xuyên tổng hợp tình hình báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.

 TIÊU CHÍ, DANH MỤC PHÂN LOẠI CÔNG TY NHÀ NƯỚC VÀ CÔNG TY THÀNH VIÊN HẠCH TOÁN ĐỘC LẬP THUỘC TỔNG CÔNG TY NHÀ NƯỚC

(Ban hành kèm theo Quyết định số 155/2004/QĐ-TTg ngày 24 tháng 8 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ)

A. CÔNG TY NHÀ NƯỚC ĐỘC LẬP VÀ CÔNG TY THÀNH VIÊN HẠCH TOÁN ĐỘC LẬP THUỘC CÁC TỔNG CÔNG TY NHÀ NƯỚC (SAU ĐÂY GỌI TẮT LÀ CÔNG TY)

I. Nhà nước nắm giữ 100% vốn đối với những công ty hoạt động trong các ngành, lĩnh vực sau:

1. Những công ty hoạt động trong một số lĩnh vực quan trọng:

- Sản xuất, cung ứng vật liệu nổ;

- Sản xuất, cung ứng hoá chất độc;

- Sản xuất, cung ứng chất phóng xạ;

- Hệ thống truyền tải điện quốc gia,

- Mạng trục thông tin quốc gia và quốc tế,

- Sản xuất thuốc lá điếu;

- Điều hành bay;

- Bảo đảm hàng hải;

- Sản xuất sửa chữa vũ khí, khí tài, trang bị chuyên dùng cho quốc phòng, an ninh; trang thiết bị, tài liệu kỹ thuật và cung ứng dịch vụ bảo mật thông tin bằng kỹ thuật nghiệp vụ mật mã;

- Các công ty được giao thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh đặc biệt và các công ty đóng tại các địa bàn chiến lược quan trọng kết hợp kinh tế với quốc phòng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ;

- In tiền, chứng chỉ có giá; sản xuất tiền kim loại;

- Xổ số kiến thiết;

- Các Nhà xuất bản;

- Sản xuất phim khoa học, phim thời sự, phim tài liệu, phim cho thiếu nhi;

- Đo đạc bản đồ;

- Quản lý, bảo trì hệ thống đường sắt quốc gia, cảng hàng không và cảng biển có quy mô lớn, vị trí quan trọng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ;

- Quản lý, khai thác công trình thuỷ nông đầu nguồn, công trình thuỷ nông có quy mô lớn;

- Trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng;

- Thoát nước ở đô thị lớn;

- Chiếu sáng đô thị;

- Một số lĩnh vực quan trọng khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

2. Những công ty bảo đảm nhu cầu thiết yếu cho phát triển sản xuất và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc ở miền núi, vùng sâu, vùng xa.

3. Những công ty đáp ứng đủ các điều kiện sau: vốn nhà nước từ 30 tỷ đồng trở lên; mức thu nộp ngân sách nhà nước bình quân 3 năm liền kề từ 3 tỷ đồng trở lên; đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ mũi nhọn, công nghệ cao; góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô và hoạt động trong những ngành, lĩnh vực sau:

- Chế biến dầu mỏ;

- Khai thác quặng có chất phóng xạ,

- Đóng và sửa chữa phương tiện vận tải đường không;

- In sách, báo chính trị;

- Bán buôn thuốc phòng bệnh, chữa bệnh, hoá dược;

- Bán buôn lương thực;

- Bán buôn xăng dầu;

- Vận tải đường không, đường sắt.

IL Những công ty tiến hành đa dạng hoá sở hữu dưới các hình thức: cổ phần hoá, giao cho tập thể người lao động hoặc bán.

1. Những công ty khi cổ phần hoá, Nhà nước nắm giữ trên 50% tổng số cổ phần.

a. Những công ty có vốn nhà nước từ 20 tỷ đồng trở lên; mức thu nộp ngân sách nhà nước bình quân 3 năm liền kề từ 2 tỷ đồng trở lên; hoạt động trong các ngành, lĩnh vực quy định tại điểm 3 mục I nêu trên và các ngành, lĩnh vực sau:

- Sản xuất điện;

- Khai thác các khoáng sản quan trọng: than, bô xít, quặng đồng, quặng sắt, quặng thiếc, vàng, đá quý;

- Sản xuất các sản phẩm cơ khí: thiết bị kỹ thuật điện và vật liệu điện; máy công nghiệp chuyên dùng; máy móc, thiết bị phục vụ nông, lâm, ngư nghiệp; đóng và sửa chữa phương tiện vận tải đường biển, đường sắt;

- Cung cấp hạ tầng mạng viễn thông;

- Sản xuất kim loại đen (gang, thép) trên 100.000 tấn/năm;

- Sản xuất xi măng công nghệ hiện đại, chất lượng cao, có công suất thiết kế trên 1,5 triệu tấn/năm;

- Sản xuất phân hoá học, thuốc bảo vệ thực vật;

- Sản xuất một số mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm: muối ăn; sữa; bia trên 50 triệu lít/năm; cồn và rượu trên 10 triệu lít/năm;

- Khai thác, lọc và cung cấp nước sạch ở các thành phố lớn;

- Vận tải đường biển;

- Kinh doanh tiền tệ bảo hiểm.

b. Những công ty khác:

- Sản xuất giống gốc cây trồng, vật nuôi và tinh đông;

- Dịch vụ đánh bắt hải sản xa bờ,

- Quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ, đường thuỷ quan trọng;

- Quản lý, khai thác các công trình thuỷ nông;

- Dịch vụ hợp tác lao động;

- Kinh doanh mặt bằng hội chợ, triển lãm.

2. Những công ty không thuộc điểm 1 mục này, khi tiến hành cổ phần hoá, cơ quan nhà nước có thẩm quyền căn cứ từng trường hợp cụ thể, quyết định việc Nhà nước giữ cổ phần ở mức thấp hoặc không giữ cổ phần.

3. Những công ty không cổ phần hoá được, thì thực hiện chuyển đổi sở hữu dưới hình thức giao công ty cho tập thể người lao động hoặc bán công ty theo quy định của Chính phủ.

III. Phương thức xử lý đối với những công ty không thuộc mục i trên đây, hoạt động thua lỗ kéo dài, không thực hiện được chuyển đổi sở hữu.

1. Đối với công ty kinh doanh không có hiệu quả, thua lỗ 2 năm liên tiếp nhưng chưa đến mức phải giải thể, phá sản thì thực hiện biện pháp sáp nhập hoặc hợp nhất.

2. Đối với công ty kinh doanh thua lỗ 3 năm liên tiếp và có số lỗ luỹ kế từ 3/4 vốn nhà nước trở lên, nhưng chưa mất khả năng thanh toán nợ đến hạn, tuy đã áp dụng các biện pháp tổ chức lại nhưng không thể khắc phục được thì thực hiện giải thể.

3. Đối với công ty kinh doanh bị thua lỗ 2 năm liên tiếp, không có khả năng trả được các khoản nợ đến hạn thì thực hiện phá sản.

B. TỔNG CÔNG TY NHÀ NƯỚC

1. Tổng công ty do Nhà nước quyết định đầu tư và thành lập phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a. Thuộc các ngành, lĩnh vực: khai thác, chế biến dầu khí và kinh doanh bán buôn xăng dầu; sản xuất và cung ứng điện; khai thác, chế biến, cung ứng than, các khoáng sản quan trọng; luyện kim; cơ khí chế tạo; sản xuất xi măng; bưu chính, viễn thông, điện tử; hàng không; hàng hải; đường sắt; hoá chất và phân hoá học; sản xuất một số hàng tiêu dùng và công nghiệp thực phẩm quan trọng (dệt, giấy, muối, cà phê, cao su, chế biến gỗ, rượu, bia, thuốc lá); thuốc chữa bệnh, hoá dược; xây dựng, kinh doanh bán buôn lương thực; ngân hàng; bảo hiểm.

b. Có vốn nhà nước từ 500 tỷ đồng trở lên, đối với ngành đặc thù theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ vốn nhà nước có thể thấp hơn, nhưng không dưới 100 tỷ đồng.

c. Có mức thu nộp ngân sách nhà nước bình quân 3 năm liền kề từ 50 tỷ đồng trở lên, đối với ngành đặc thù theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ có thể thấp hơn, nhưng không dưới 20 tỷ đồng.

d. Có trình độ công nghệ và quản lý tiên tiến, chất lượng sản phẩm tốt, hiệu quả cao trong sản xuất kinh doanh, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

2. Những tổng công ty nhà nước không đáp ứng đủ bốn điều kiện trên, sẽ được sắp xếp lại theo hướng: sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể sau khi sắp xếp lại các công ty thành viên.

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phan Văn Khải

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.