CHỈ THỊ
Về việc tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự
___________________________
Bảo đảm hiệu lực của các bản án, quyết định dân sự của Toà án là một công tác quan trọng, phải được thực hiện nghiêm chỉnh trong hoạt động của chính quyền các cấp, trực tiếp liên quan đến việc bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, của các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, góp phần vào việc giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.
Điều 136 Hiến pháp năm 1992 đã xác định: "Các bản án và quyết định của Toà án nhân dân đã có hiệu lực pháp luật phải được các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, các đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân tôn trọng; những người và đơn vị hữu quan phải nghiêm chỉnh thi hành".
Hiện nay, tuy hệ thống tổ chức các cơ quan thi hành án dân sự đã được hình thành trong cả nước, công tác thi hành án dân sự đã được triển khai và hoạt động có hiệu quả bước đầu, làm giảm đáng kể số lượng án tồn đọng, nhưng nhìn chung, công tác thi hành án dân sự còn chưa ngang tầm, còn có nhiều vấn đề bức xúc, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. ở một số địa phương, lực lượng cán bộ thi hành án vẫn còn thiếu, năng lực chưa đáp ứng yêu cầu. Việc quản lý, chỉ đạo hướng dẫn của Bộ Tư pháp đối với công tác thi hành án dân sự trên một số mặt còn hạn chế, chưa kịp thời. Nhiều nơi, các cấp chính quyền chưa nhận thức đầy đủ vai trò, ý nghĩa của công tác thi hành án dân sự. Nhiều cơ quan nhà nước và cá nhân không chấp hành bản án, không tự nguyện thi hành án, thậm chí còn có sự can thiệp không đúng pháp luật vào việc thi hành án, không thấy được trách nhiệm của mình trong việc thực thi pháp luật, chưa nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của Hiến pháp và các văn bản pháp luật về thi hành án dân sự. Bên cạnh đó, sự phối hợp của các cấp, các ngành, các đoàn thể trong công tác thi hành án chưa chặt chẽ; chưa huy động được sức mạnh của cả hệ thống các cơ quan nhà nước, sự tham gia tích cực của các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân, để xác lập trật tự, kỷ cương trong hoạt động thực thi pháp luật nói chung và thi hành án dân sự nói riêng. Số lượng bản án, quyết định còn tồn đọng chưa được thi hành vẫn chiếm tỷ lệ đáng kể. Hiện tượng tiêu cực, thiếu trách nhiệm, thiếu tận tụy trong công việc, vẫn còn ở một số cán bộ, nhân viên thi hành án, còn nhiều dư luận phàn nàn, số đơn từ khiếu kiện còn nhiều mà chưa được xử lý kịp thời, nghiêm minh.
Để chấn chỉnh và tiếp tục tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác thi hành án dân sự, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:
1. Bộ Tư pháp khẩn trương có biện pháp củng cố, hoàn thiện hệ thống tổ chức các cơ quan thi hành án dân sự, thực hiện đủ biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ Chấp hành viên, cán bộ làm công tác thi hành án; tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, xử lý vi phạm, hướng dẫn kịp thời các vướng mắc trong công tác thi hành án dân sự; xây dựng Đề án để phân cấp mạnh cho địa phương trong việc thực hiện công tác thi hành án dân sự.
Bộ Tư pháp hướng dẫn Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có biện pháp chỉ đạo cơ quan thi hành án địa phương, nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác thi hành án dân sự; chỉ đạo các cơ quan thi hành án thực hiện Quy chế dân chủ với dân trong giải quyết việc thi hành án, nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức, chí công vô tư, kiên quyết và xử lý kịp thời các hiện tượng tiêu cực, gây phiền hà, sách nhiễu nhân dân; làm tốt công tác động viên, thuyết phục để các đương sự tự nguyện thi hành. Chỉ tổ chức cưỡng chế thi hành án khi cần thiết và phải bảo đảm an toàn, đúng pháp luật.
Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Tư pháp nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế thi hành án trong Quân đội.
Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an và các cơ quan nhà nước hữu quan khác tổ chức giao ban thường kỳ để kịp thời rút kinh nghiệm, bàn biện pháp khắc phục thiếu sót, thống nhất chỉ đạo thực hiện công tác thi hành án. Hàng năm có kế hoạch kiểm tra liên ngành về công tác thi hành án trong toàn quốc.
2. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm trực tiếp tổ chức, chỉ đạo công tác thi hành án dân sự tại địa phương; phát huy vai trò của cơ quan Tư pháp, huy động lực lượng các cơ quan hữu quan của bộ máy chính quyền, phối hợp các đoàn thể ở địa phương, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng.
Để tăng cường hơn nữa hiệu quả công tác thi hành án dân sự, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Ban Chỉ đạo thi hành án cấp tỉnh, cấp huyện, do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp làm Trưởng ban để chỉ đạo công tác thi hành án tại địa phương.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ đạo thi hành án.
Để bảo đảm việc thi hành án được nhanh gọn, giảm bớt thủ tục phiền hà, gây trì trệ, kéo dài, cần từng bước giao cho ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn trực tiếp đôn đốc thi hành đối với các vụ việc có trị giá không quá 500.000 đồng, dưới sự chỉ đạo hướng dẫn của cơ quan thi hành án.
3. Các cơ quan, tổ chức, kể cả các cơ quan nhà nước phải tự nguyện thi hành án, nếu không tự nguyện thi hành thì cơ quan thi hành án áp dụng các biện pháp tổ chức thi hành theo quy định của pháp luật.
Các cơ quan, tổ chức, cá nhân cố tình dây dưa, cản trở hoạt động thi hành án, cần được xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Đối với những cá nhân cản trở, chống đối việc thi hành án mà có đầy đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì kiên quyết truy cứu trách nhiệm hình sự, tổ chức xét xử lưu động một số vụ điển hình để tuyên truyền rộng rãi, làm gương cho những đối tượng khác.
Các khiếu nại, tố cáo về thi hành án phải được các cơ quan có liên quan phối hợp giải quyết kịp thời, dứt điểm tại nơi phát sinh, hạn chế tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp, gây phiền hà cho nhân dân.
4. Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật của Chính phủ, Bộ Văn hoá - Thông tin chỉ đạo các phương tiện thông tin đại chúng tiếp tục tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thi hành án dân sự, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân trong việc thi hành nghiêm chỉnh các bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật.
5. Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trong năm 2001 hoàn thành Đề án quản lý thống nhất các kho tang tài vật phục vụ chung cho công tác : điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện trong năm 2002.
6. Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Công an chỉ đạo các cơ quan Tư pháp và Công an các cấp có biện pháp tăng cường công tác bảo vệ để bảo đảm cho việc cưỡng chế thi hành án đạt kết quả tốt.
Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng khẩn trương xây dựng Đề án về Cảnh sát Tư pháp theo tinh thần của các Nghị quyết Trung ương, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.
7. Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính cân đối, bổ sung kinh phí bảo đảm phương tiện, cơ sở vật chất, điều kiện làm việc cho các cơ quan thi hành án, có kế hoạch cấp kinh phí từ nay đến năm 2005 hoàn thành việc xây dựng nơi làm việc của cơ quan thi hành án.
8. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp nghiên cứu cơ chế quản lý tài chính về kinh phí tổ chức cưỡng chế thi hành án theo quy định của pháp luật, hướng dẫn việc để lại cho Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn số tiền mà cơ quan này đã thu được cho ngân sách nhà nước để hỗ trợ công tác thi hành án tại cơ sở.
9. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình có kế hoạch cụ thể, khẩn trương triển khai thực hiện Chỉ thị này.
Bộ Tư pháp có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này và thường kỳ 6 tháng báo cáo Thủ tướng Chính phủ.