• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/02/2011
  • Ngày hết hiệu lực: 25/10/2020
BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG
Số: 28/2010/TT-BTTTT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 13 tháng 12 năm 2010

THÔNG TƯ

Quy định nội dung giám sát thi công Dự án ứng dụng công nghệ thông tin

sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước

 _______________________

BỘ TRƯỞNG BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 102/2009/NĐ-CP ngày 06 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 187/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Ứng dụng công nghệ thông tin,

QUY ĐỊNH:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định nội dung giám sát thi công, quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong công tác giám sát thi công dự án ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động giám sát thi công dự án ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

2. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giám sát thi công dự án ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn khác áp dụng các quy định tại Thông tư này.

Điều 3. Nguyên tắc giám sát thi công dự án ứng dụng công nghệ thông tin

1. Các dự án trong quá trình thi công phải được thực hiện giám sát thi công nhằm quản lý khối lượng, chất lượng, tiến độ, đảm bảo an toàn phòng, chống cháy, nổ, an toàn vận hành, vệ sinh công nghiệp tại hiện trường phục vụ các công tác lắp đặt, cài đặt, hiệu chỉnh vật tư, thiết bị công nghệ thông tin, phụ kiện và phần mềm thương mại, hoặc phát triển, nâng cấp, chỉnh sửa phần mềm nội bộ, cơ sở dữ liệu.

2. Chủ đầu tư có thể thuê tổ chức, cá nhân để thực hiện nhiệm vụ giám sát thi công hoặc tự thực hiện khi có đủ điều kiện năng lực bằng cách thành lập tổ tư vấn giám sát thi công hoặc giao nhiệm vụ cho cá nhân đủ điều kiện năng lực (dưới đây gọi chung là tư vấn giám sát thi công).

3. Các tổ chức, cá nhân thực hiện giám sát thi công phải đáp ứng các điều kiện năng lực quy định tại Điều 69, Điều 71 Nghị định số 102/2009/NĐ-CP ngày 06 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước (dưới đây gọi tắt là Nghị định số 102/2009/NĐ-CP).

Điều 4. Yêu cầu giám sát thi công dự án ứng dụng công nghệ thông tin

Việc giám sát thi công dự án ứng dụng công nghệ thông tin phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:

1. Thực hiện ngay từ giai đoạn chuẩn bị thi công dự án.

2. Thường xuyên, có hệ thống trong quá trình thi công.

3. Tuân thủ hợp đồng (hoặc nhiệm vụ được giao đối với trường hợp chủ đầu tư tự thực hiện), thiết kế thi công được duyệt, hệ thống danh mục tiêu chuẩn kỹ thuật công nghệ thông tin và các yêu cầu đối với giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin được áp dụng.

4. Trung thực, khách quan, minh bạch, không vụ lợi.

Chương II

NỘI DUNG GIÁM SÁT THI CÔNG DỰ ÁN ỨNG DỤNG

CÔNG NGHỆ THÔNG TIN

Điều 5. Điều kiện thi công

Trước khi thi công, tư vấn giám sát thi công tiến hành:

1. Kiểm tra đảm bảo có mặt bằng thi công đối với xây lắp mạng, lắp đặt vật tư, thiết bị công nghệ thông tin, phụ kiện và phần mềm thương mại.

2. Kiểm tra đảm bảo có hợp đồng giao nhận thầu.

3. Kiểm tra đảm bảo có hồ sơ thiết kế thi công đã được phê duyệt.

4. Kiểm tra có kế hoạch thi công chi tiết của đơn vị thi công lập.

5. Kiểm tra biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống cháy, nổ, an toàn vận hành, vệ sinh công nghiệp tại hiện trường đối với xây lắp mạng, lắp đặt vật tư, thiết bị công nghệ thông tin và phụ kiện.

Điều 6. Sự phù hợp về năng lực của nhà thầu thi công đối với hồ sơ dự thầu và hợp đồng

Trước khi thi công, tư vấn giám sát thi công tiến hành:

1. Kiểm tra nhân lực nhà thầu tham gia thi công.

2. Kiểm tra điều kiện năng lực của chỉ huy thi công tại hiện trường theo quy định tại Điều 70 Nghị định số 102/2009/NĐ-CP đối với thi công xây lắp mạng, lắp đặt vật tư, thiết bị công nghệ thông tin và phụ kiện.

3. Kiểm tra thiết bị thi công của nhà thầu. Đối với phần mềm nội bộ, cơ sở dữ liệu phải kiểm tra công cụ phát triển phần mềm và các công cụ khác.

4. Kiểm tra quy trình đảm bảo chất lượng của nhà thầu trong trường hợp chủ đầu tư yêu cầu.

5. Kiểm tra phòng thí nghiệm và các cơ sở sản xuất vật tư, thiết bị công nghệ thông tin phục vụ thi công của nhà thầu thi công (nếu có nêu trong hồ sơ dự thầu, hợp đồng).

6. Kiểm tra việc ứng vốn của nhà thầu để thực hiện hợp đồng theo cam kết của nhà thầu (nếu có nêu trong hồ sơ dự thầu, hợp đồng).

Điều 7. Chất lượng vật tư, thiết bị công nghệ thông tin trước khi lắp đặt

Trước khi thi công, tư vấn giám sát thi công tiến hành:

1. Kiểm tra giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất, kiểm tra chứng nhận hợp quy, kết quả kiểm định thiết bị của các tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận đối với vật tư, thiết bị công nghệ thông tin lắp đặt trong dự án được nêu trong hồ sơ dự thầu trước khi đưa vào thi công.

2. Kiểm tra các thông số kỹ thuật của các vật tư, thiết bị công nghệ thông tin so với các thông số kỹ thuật ghi trong hợp đồng và hồ sơ thiết kế thi công trước khi đưa vào thi công.

3. Vật tư, thiết bị công nghệ thông tin trước khi lắp đặt phải được kiểm tra chất lượng. Khi nghi ngờ các kết quả kiểm tra, kiểm định, đơn vị tư vấn giám sát thi công phải kết hợp với chủ đầu tư thực hiện kiểm tra trực tiếp vật tư, thiết bị công nghệ thông tin lắp đặt trong dự án. Trường hợp các vật tư, thiết bị công nghệ thông tin không phù hợp với công nghệ, không đúng tính năng sử dụng so với thiết kế thi công được duyệt, hồ sơ dự thầu phải được đưa khỏi khu vực thi công.

Biên bản nghiệm thu vật tư, thiết bị công nghệ thông tin lập theo mẫu tại Phụ lục I.

Điều 8. Giám sát trong quá trình thi công

Trong quá trình thi công, tư vấn giám sát thi công tiến hành:

1. Lập và ghi nhật ký giám sát thi công. Nội dung nhật ký giám sát thi công quy định chi tiết tại Điều 14 Thông tư này.

2. Đối với xây lắp mạng, lắp đặt vật tư, thiết bị công nghệ thông tin, phụ kiện và phần mềm thương mại:

a) Kiểm tra và giám sát thường xuyên, liên tục, có hệ thống quá trình nhà thầu thi công triển khai các công việc tại hiện trường. Kết quả kiểm tra đều phải được ghi vào nhật ký giám sát thi công;

b) Kiểm tra biện pháp thi công của nhà thầu (đối với trường hợp thi công phức tạp);

c) Kiểm tra số lượng, hình thức bên ngoài, bên trong của các thiết bị công nghệ thông tin;

d) Kiểm tra bản quyền của phần mềm thương mại (tính hợp pháp, số lượng);

đ) Tham gia công tác nghiệm thu vận hành thử. Khi quá trình vận hành thử đạt yêu cầu, tư vấn giám sát thi công và các bên tham gia tiến hành lập biên bản nghiệm thu vận hành thử thiết bị công nghệ thông tin theo mẫu tại Phụ lục II;

e) Tham gia công tác nghiệm thu lắp đặt thiết bị công nghệ thông tin. Khi quá trình lắp đặt thiết bị đạt yêu cầu chất lượng, tư vấn giám sát thi công và các bên tham gia tiến hành lập biên bản nghiệm thu lắp đặt thiết bị công nghệ thông tin theo mẫu tại Phụ lục III.

3. Đối với phần mềm nội bộ, cơ sở dữ liệu:

a) Kiểm tra và giám sát quá trình nhà thầu triển khai các công việc tại hiện trường theo tiến độ thi công chi tiết. Kết quả kiểm tra đều phải được ghi vào nhật ký giám sát thi công;

b) Giám sát quá trình kiểm thử, vận hành thử:

Tư vấn giám sát thi công có trách nhiệm tổng hợp kết quả kiểm thử, vận hành thử vào Báo cáo kết quả giám sát thi công. Việc kiểm thử, vận hành thử theo hướng dẫn tại Điều 46 Nghị định số 102/2009/NĐ-CP.

Tư vấn giám sát thi công và các bên tham gia tiến hành lập biên bản nghiệm thu kiểm thử, vận hành thử theo mẫu tại Phụ lục IV.

4. Tham gia công tác nghiệm thu, bàn giao sản phẩm của dự án hoặc hạng mục dự án. Khi công tác nghiệm thu đạt yêu cầu chất lượng, tiến hành lập biên bản nghiệm thu bàn giao sản phẩm dự án ứng dụng công nghệ thông tin theo mẫu tại Phụ lục V.

5. Phối hợp với các bên liên quan giải quyết những vướng mắc, phát sinh trong quá trình thi công.

6. Phát hiện sai sót, bất hợp lý về thiết kế thi công để điều chỉnh hoặc yêu cầu nhà thầu thiết kế điều chỉnh.

7. Xác nhận hồ sơ hoàn công: trong quá trình triển khai thực hiện dự án đơn vị giám sát thi công ký xác nhận vào các bản vẽ thực tế triển khai thi công.

8. Tổng hợp các biên bản, lập hồ sơ báo cáo giám sát thi công trình chủ đầu tư, đồng thời đề nghị chủ đầu tư tiến hành công tác tổng nghiệm thu bàn giao toàn bộ các sản phẩm của dự án. Biên bản tổng nghiệm thu bàn giao toàn bộ các sản phẩm của dự án lập theo mẫu tại Phụ lục VI. Nội dung báo cáo kết quả giám sát thi công quy định tại Điều 15 Thông tư này.

Điều 9. Giám sát chất lượng thi công đối với hình thức tổng thầu

1. Trường hợp thực hiện hình thức tổng thầu thi công và tổng thầu thiết kế, cung ứng vật tư thiết bị, thi công (EPC):

a) Tư vấn giám sát thi công thực hiện các công việc quy định tại Điều 5, Điều 6 và Điều 7 Thông tư này đối với tổng thầu và các nhà thầu phụ;

b) Tư vấn giám sát thi công thực hiện kiểm tra và giám sát theo quy định tại Điều 8 Thông tư này đối với tổng thầu;

c) Tư vấn giám sát thi công tham gia cùng tổng thầu kiểm tra và giám sát thi công của các nhà thầu phụ.

2. Trường hợp thực hiện theo hình thức chìa khóa trao tay:

a) Chủ đầu tư phê duyệt tiến độ thi công dự án và thời điểm nghiệm thu hoàn thành dự án;

b) Trước khi nghiệm thu hoàn thành dự án, chủ đầu tư tiếp nhận tài liệu và kiểm định chất lượng nếu thấy cần thiết làm căn cứ để nghiệm thu.

Điều 10. Giám sát khối lượng thi công

Trong quá trình giám sát thi công dự án, tư vấn giám sát thi công thực hiện:

1. Giám sát thi công theo khối lượng của thiết kế thi công được phê duyệt.

2. Tính toán và xác nhận khối lượng thi công do nhà thầu thi công đã hoàn thành theo thời gian hoặc giai đoạn thi công và đối chiếu với thiết kế thi công được duyệt. Nếu có phát sinh khối lượng, phần phát sinh đó phải được chủ đầu tư phê duyệt. Kết quả phê duyệt phần khối lượng phát sinh đó là cơ sở để thanh toán, quyết toán dự án.

Điều 11. Giám sát tiến độ thi công

Trong quá trình giám sát thi công dự án, tư vấn giám sát thi công thực hiện:

1. Kiểm tra việc nhà thầu thi công lập tiến độ thi công trước khi triển khai thi công. Tiến độ thi công phải phù hợp với tổng tiến độ của dự án đã được phê duyệt.

2. Kiểm tra việc lập tiến độ thi công cho từng giai đoạn, tháng, quý, năm đối với dự án có quy mô lớn và thời gian thi công kéo dài.

3. Kiểm tra việc nhà thầu thi công lập tiến độ thi công chi tiết, bố trí xen kẽ kết hợp các công việc cần thực hiện.

4. Theo dõi, giám sát tiến độ thi công.

5. Đề xuất với chủ đầu tư, nhà thầu thi công và các bên liên quan điều chỉnh tiến độ thi công trong trường hợp tiến độ thi công ở một số giai đoạn bị kéo dài. Trường hợp xét thấy tiến độ tổng thể của dự án bị kéo dài, chủ đầu tư phải báo cáo người quyết định đầu tư để quyết định việc điều chỉnh tổng tiến độ dự án.

6. Đề xuất chủ đầu tư phạt vi phạm và yêu cầu nhà thầu thi công bồi thường thiệt hại khi kéo dài tiến độ thi công gây thiệt hại cho chủ đầu tư.

Điều 12. Bảo đảm an toàn phòng, chống cháy, nổ, an toàn vận hành và vệ sinh công nghiệp tại hiện trường trong quá trình thi công

Trong quá trình giám sát thi công dự án, tư vấn giám sát thi công thực hiện:

1. Kiểm tra việc nhà thầu thi công lập các biện pháp đảm bảo an toàn cho người tham gia thi công.

2. Yêu cầu các bên thỏa thuận biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống cháy, nổ, an toàn vận hành khi liên quan đến nhiều bên.

3. Yêu cầu nhà thầu thi công phải thể hiện công khai các biện pháp an toàn phòng, chống cháy, nổ, nội quy về an toàn vận hành để mọi người biết và chấp hành.

4. Cùng nhà thầu thi công và các bên có liên quan xử lý và báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về an toàn lao động theo quy định pháp luật khi có sự cố về an toàn lao động.

5. Kiểm tra việc nhà thầu thi công thực hiện các biện pháp đảm bảo vệ sinh công nghiệp theo các quy định hiện hành của Nhà nước.

6. Kiểm tra việc bảo vệ hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị được lắp đặt trong vùng, khu vực, địa điểm thi công của dự án (nếu có). Trong trường hợp gây hư hại, hỏng hóc, ảnh hưởng tới vùng, khu vực, địa điểm thi công, tư vấn giám sát thi công phối hợp với nhà thầu thi công, chủ đầu tư tiến hành lập biên bản hiện trường đồng thời đề xuất chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu thi công phải bồi thường thiệt hại.

Điều 13. Quản lý thay đổi trong thi công

Trong quá trình thi công, trường hợp phát hiện những yếu tố bất hợp lý hoặc xuất hiện yếu tố mới nếu không thay đổi thiết kế thi công sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đầu tư của dự án, tiến độ thi công, biện pháp thi công và hiệu quả đầu tư của dự án, tư vấn giám sát thi công báo cáo chủ đầu tư đồng thời lập biên bản hiện trường theo mẫu tại Phụ lục VII.

Điều 14. Nhật ký giám sát thi công

1. Đối với giám sát thi công xây lắp mạng, lắp đặt vật tư, thiết bị công nghệ thông tin, phụ kiện và phần mềm thương mại.

Việc ghi nhật ký phải thường xuyên, kể cả những ngày nghỉ. Nội dung nhật ký giám sát thi công gồm:

a) Mô tả tóm tắt quá trình thi công;

b) Diễn biến tình hình thi công hàng ngày;

c) Tình trạng thực tế của vật tư, vật liệu, thiết bị sử dụng;

d) Những sai lệch so với hồ sơ thiết kế thi công, ghi rõ nguyên nhân, kèm theo biện pháp sửa chữa (nếu có).

2. Đối với giám sát thi công phát triển, nâng cấp, chỉnh sửa phần mềm nội bộ, cơ sở dữ liệu.

Việc ghi nhật ký theo mốc thời gian. Nội dung nhật ký giám sát thi công gồm:

 a) Xác nhận khối lượng công việc hoàn thành theo kế hoạch, tiến độ thi công chi tiết do nhà thầu thi công lập;

b) Xác nhận kết quả kiểm thử, vận hành thử đối với công việc được hoàn thành;

c) Những sai lệch so với hồ sơ thiết kế thi công, ghi rõ nguyên nhân, kèm theo biện pháp sửa chữa (nếu có).

Điều 15. Báo cáo kết quả giám sát thi công

Báo cáo kết quả giám sát thi công là cơ sở để chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu bàn giao. Nội dung Báo cáo kết quả giám sát thi công gồm:

1. Thông tin chung của dự án:

a) Tên dự án;

b) Tên hạng mục;

c) Địa điểm;

d) Tên chủ đầu tư;

đ) Tên tổ chức thi công;

e) Tên tổ chức tư vấn thiết kế thi công;

g) Tên tổ chức tư vấn giám sát thi công.

2. Nội dung giám sát:

a) Điều kiện thi công;

b) Sự phù hợp về năng lực của nhà thầu thi công đối với hồ sơ dự thầu và hợp đồng;

c) Chất lượng vật tư, thiết bị công nghệ thông tin trước khi lắp đặt;

d) Chất lượng thi công;

đ) Khối lượng thi công;

e) Tiến độ thi công;

g) An toàn lao động và bảo vệ môi trường;

h) Thay đổi trong thi công.

3. Kết luận và kiến nghị.

4. Các phụ lục:

a) Nhật ký giám sát thi công;

b) Các biên bản.

Chương III

QUYỀN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN TRONG CÔNG TÁC GIÁM SÁT THI CÔNG

Điều 16. Quyền và trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc thuê đơn vị tư vấn giám sát thi công dự án ứng dụng công nghệ thông tin

1. Chủ đầu tư của dự án có các quyền sau đây:

a) Thuê tổ chức tư vấn, cá nhân thực hiện giám sát thi công có đủ điều kiện năng lực giám sát thi công dự án ứng dụng công nghệ thông tin theo quy định tại Điều 69, Điều 71 Nghị định số 102/2009/NĐ-CP;

b) Đàm phán, ký kết hợp đồng tư vấn giám sát thi công, theo dõi, giám sát việc thực hiện hợp đồng;

c) Thay đổi hoặc yêu cầu tổ chức tư vấn giám sát thay đổi người giám sát trong trường hợp người giám sát không thực hiện đúng quy định;

d) Đình chỉ thực hiện hoặc chấm dứt hợp đồng tư vấn giám sát thi công dự án theo quy định của pháp luật;

đ) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

2. Chủ đầu tư dự án có các trách nhiệm sau đây:

a) Thông báo cho các bên liên quan về quyền và trách nhiệm của tư vấn giám sát thi công dự án;

b) Xử lý kịp thời những đề xuất của tổ chức, cá nhân giám sát thi công;

c) Thực hiện đầy đủ các trách nhiệm đã thoả thuận trong hợp đồng tư vấn giám sát thi công dự án;

d) Không được thông đồng hoặc dùng ảnh hưởng của mình để áp đặt làm sai lệch kết quả giám sát thi công dự án;

đ) Lưu trữ hồ sơ giám sát thi công dự án;

e) Chịu trách nhiệm khi lựa chọn tư vấn giám sát thi công không đủ điều kiện năng lực giám sát thi công dự án, nghiệm thu khối lượng không đúng, sai thiết kế thi công và các hành vi vi phạm khác gây thiệt hại do lỗi của mình gây ra;

g) Các trách nhiệm khác theo quy định pháp luật.

Điều 17. Quyền và trách nhiệm của nhà thầu giám sát thi công

1. Nhà thầu giám sát thi công có các quyền sau đây:

a) Nghiệm thu xác nhận khi dự án đã thi công bảo đảm đúng thiết kế thi công được duyệt, hệ thống danh mục tiêu chuẩn kỹ thuật công nghệ thông tin, các yêu cầu đối với giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin được áp dụng và bảo đảm chất lượng;

b) Yêu cầu nhà thầu thi công thực hiện theo đúng hợp đồng, hồ sơ thiết kế thi công được phê duyệt;

c) Bảo lưu các ý kiến của mình đối với công việc giám sát do mình đảm nhận;

d) Từ chối nghiệm thu các thiết bị đã lắp đặt xong khi các bộ phận của thiết bị chưa được nghiệm thu từng phần hoặc chưa sửa chữa hết các sai sót ghi trong biên bản nghiệm thu từng phần trước đó;

đ) Không ký biên bản nghiệm thu nếu lắp đặt không đúng thiết kế, không đúng quy trình, quy phạm kỹ thuật hoặc không đúng kỹ thuật của nhà chế tạo đã ghi trong thuyết minh kỹ thuật của thiết bị;

e) Kiến nghị với chủ đầu tư chấm dứt hợp đồng với nhà thầu thi công trong trường hợp nhà thầu thi công không tuân thủ quy trình đảm bảo chất lượng mà nhà thầu đã cam kết với chủ đầu tư;

h) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

2. Nhà thầu giám sát thi công có các trách nhiệm sau đây:

a) Thực hiện công việc giám sát theo đúng hợp đồng đã ký kết;

b) Không nghiệm thu khối lượng thi công không bảo đảm chất lượng và các tiêu chuẩn kỹ thuật theo hồ sơ thiết kế thi công được phê duyệt;

c) Đề xuất với chủ đầu tư dự án những bất hợp lý về thiết kế thi công để kịp thời sửa đổi;

d) Chủ trì, phối hợp với các bên liên quan cùng nhau giải quyết những vướng mắc, phát sinh trong quá trình thi công;

đ) Chịu trách nhiệm khi khai khống, khai tăng khối lượng hoặc thông đồng giữa các bên tham gia dẫn đến làm sai khối lượng thanh toán nhằm mục đích vụ lợi;

e) Không được thông đồng với nhà thầu thi công dự án, với chủ đầu tư dự án và có các hành vi vi phạm khác làm sai lệch kết quả giám sát;

g) Bồi thường thiệt hại khi làm sai lệch kết quả giám sát đối với khối lượng thi công không đúng thiết kế, không tuân theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật nhưng người giám sát không báo cáo với chủ đầu tư dự án hoặc người có thẩm quyền xử lý, các hành vi vi phạm khác gây thiệt hại do lỗi của mình gây ra;

h) Không được ký hợp đồng với nhà thầu thi công để thực hiện việc kiểm định chất lượng các hạng mục đầu tư đối với dự án do mình giám sát thi công;

i) Các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 18. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2011.

2. Cục Ứng dụng công nghệ thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các nội dung của Thông tư này.

3. Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề phát sinh, vướng mắc, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Thông tin và Truyền thông để xem xét, giải quyết./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Minh Hồng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.