NGHỊ QUYẾT
Điều chỉnh, bổ sung Nghị quyết số 25/2010/NQ-HĐND ngày 17/12/2010 của HĐND tỉnh Lào Cai về thời kỳ ổn định ngân sách địa phương; phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi; tỷ lệ (%) phân chia nguồn thu ngân sách giữa các cấp chính quyền địa phương; định mức phân bổ dự toán cho thường xuyên; thời gian quyết định dự toán, phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương
__________________________
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI
KHÓA XIV - KỲ HỌP THỨ 9
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 16/12/2002;
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 73/2003/NĐ-CP ngày 23/6/2003 của Chính phủ ban hành Quy chế xem xét, quyết định dự toán và phân bổ ngân sách địa phương, phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương;
Căn cứ Quyết định số 59/2010/QĐ-TTg ngày 30/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2011;
Căn cứ Quyết định số 2337/QĐ-TTg ngày 30/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2014;
Căn cứ Thông tư số 188/2010/TT-BTC ngày 22/11/2010 của Bộ Tài chính quy định tiêu thức phân cấp nguồn thu và phân chia các khoản thu giữa ngân sách các cấp chính quyền địa phương;
Sau khi xem xét Tờ trình số 114/TTr-UBND ngày 29/11/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh; Báo cáo thẩm tra số 78/BC-HĐND ngày 04/12/2013 của Ban Kinh tế -Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh dự kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Nhất trí việc điều chỉnh, bổ sung Nghị quyết số 25/2010/NQ-HĐND ngày 17/12/2010 của HĐND tỉnh về thời kỳ ổn định ngân sách địa phương; phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi; tỷ lệ (%) phân chia nguồn thu ngân sách giữa các cấp chính quyền địa phương; định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên; thời gian quyết định dự toán, phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương. Cụ thể như sau:
1. Về thời gian ổn định ngân sách: Trong 5 năm, từ năm 2011 đến năm 2015.
2. Về điều chỉnh, bổ sung phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi.
(Theo Phụ lục số 01 đính kèm Nghị quyết này)
3. Về điều chỉnh tỷ lệ phần trăm (%) phân chia nguồn thu ngân sách giữa các cấp chính quyền địa phương.
(Theo Phụ lục số 02 đính kèm Nghị quyết này)
4. Về điều chỉnh, bổ sung định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương như sau:
4.1. Nội dung định mức:
(Theo Phụ lục số 03 đính kèm Nghị quyết này).
4.2. Định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương bao gồm chi từ nguồn ngân sách cấp và từ nguồn thu để lại của các cơ quan, đơn vị. Riêng các cơ sở khám, chữa bệnh, toàn bộ định mức chi thường xuyên từ ngân sách cấp.
4.3. Định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương quy định tại Điểm 4.1, Khoản 4, Điều 1 nêu trên:
a) Đã đảm bảo kinh phí thực hiện các chế độ, chính sách của Nhà nước đã ban hành đến 31/10/2010 và nhu cầu kinh phí thực hiện chế độ tiền lương tối thiểu 730.000 đồng/tháng.
b) Định mức phân bổ dự toán chi cho các cơ quan, đơn vị, huyện, thành phố đã bao gồm kinh phí lập quỹ thi đua khen thưởng của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị theo quy định tại Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ.
c) Đối với định mức chi sự nghiệp giáo dục: Nếu tỷ lệ chi lương, các khoản có tính chất lương và các khoản đóng góp theo lương (không kể phụ cấp đặc biệt và các khoản phụ cấp có tính chất đặc thù) lớn hơn 80% tổng số chi thì sẽ được ngân sách cấp bổ sung kinh phí hoạt động để đảm bảo tỷ lệ chi lương, các khoản có tính chất lương và các khoản đóng góp theo lương (không kể phụ cấp đặc biệt và các khoản phụ cấp có tính chất đặc thù) không lớn hơn 80% tổng số chi.
d) Đối với định mức chi của các cơ quan quản lý hành chính cấp tỉnh và cấp huyện: Nếu tỷ lệ chi lương, các khoản có tính chất lương và các khoản đóng góp theo lương (không kể phụ cấp đặc biệt và các khoản phụ cấp có tính chất đặc thù) lớn hơn 70% tổng số chi thì sẽ được ngân sách cấp bổ sung kinh phí hoạt động để đảm bảo tỷ lệ chi lương, các khoản có tính chất lương và các khoản đóng góp theo lương (không kể phụ cấp đặc biệt và các khoản phụ cấp có tính chất đặc thù) không lớn hơn 70% tổng số chi.
đ) Định mức phân bổ theo tiêu chí biên chế đã bao gồm: Các khoản phụ cấp và chi hoạt động của chi, Đảng bộ cơ sở; các khoản phụ cấp và chi hoạt động của lực lượng tự vệ; phụ cấp đối với cựu chiến binh của cơ quan, đơn vị; kinh phí phục vụ cho hoạt động tiếp dân; kinh phí mua sắm, thay thế trang thiết bị và phương tiện làm việc; kinh phí sửa chữa thường xuyên tài sản cố định; chi áp dụng và duy trì hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008, chi hoạt động của bộ phận một cửa, chi rà soát thủ tục hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước; chi cập nhật thông tin và duy trì hoạt động của cổng thông tin điện tử.
Định mức phân bổ theo tiêu chí biên chế chưa bao gồm: Chi mua ô tô, sửa chữa lớn trụ sở; kinh phí mua sắm, sửa chữa tài sản cố định là trang thiết bị kỹ thuật đặc thù riêng của ngành; chi mua sắm trang thiết bị và phương tiện làm việc cho cán bộ, công chức, viên chức nhà nước mới được bổ sung chỉ tiêu biên chế (thực hiện theo định mức mua sắm hiện hành được cấp có thẩm quyền ban hành); kinh phí đối ứng của các dự án; kinh phí thuê trụ sở làm việc; chi phí phục vụ công tác thu phí, lệ phí;... Căn cứ khả năng ngân sách và tình hình thực tế, Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh trong phương án phân bổ ngân sách hàng năm.
Định mức phân bổ theo tiêu chí biên chế chưa bao gồm: Kinh phí thực hiện chế độ nâng ngạch, bậc lương, các khoản phụ cấp theo lương, phụ cấp cấp ủy, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí tăng mức lương cơ sở từ 730.000 đồng lên mức lương cơ sở mới,... Căn cứ chế độ của Nhà nước, Ủy ban nhân dân tỉnh trình HĐND tỉnh giao dự toán cho các địa phương, các cơ quan, đơn vị dự toán ngân sách tỉnh trong phương án phân bổ ngân sách hàng năm.
4.4. Căn cứ định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương theo quy định của Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tính toán, xây dựng phương án phân bổ dự toán cụ thể đối với từng cơ quan, đơn vị, xã, phường, thị trấn cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, nhưng phải đảm bảo tổng mức chi cho từng lĩnh vực, sự nghiệp không thấp hơn định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương theo quy định của Hội đồng nhân dân tỉnh.
5. Về thời gian quyết định dự toán và phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương: Giữ nguyên như quy định tại Nghị quyết 25/2010/NQ-HĐND, cụ thể như sau:
5.1. Phê chuẩn dự toán ngân sách:
a) Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định dự toán ngân sách địa phương, phương án phân bổ ngân sách cấp tỉnh và số bổ sung từ ngân sách tỉnh cho ngân sách cấp huyện năm sau tại kỳ họp cuối năm trước. Thời gian cụ thể do Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định.
b) Sau khi Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định dự toán ngân sách địa phương và số bổ sung từ ngân sách tỉnh cho ngân sách cấp huyện; Hội đồng nhân dân thành phố Lào Cai và Ủy ban nhân dân các huyện quyết định dự toán ngân sách địa phương, phương án phân bổ ngân sách cấp huyện và số bổ sung từ ngân sách cấp huyện cho ngân sách cấp xã trước ngày 20 tháng 12 của năm trước.
c) Sau khi Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định dự toán ngân sách địa phương và số bổ sung từ ngân sách cấp huyện cho ngân sách cấp xã; Hội đồng nhân dân cấp xã quyết định dự toán ngân sách cấp mình trước ngày 31 tháng 12 của năm trước.
d) Căn cứ vào quy định tại tiết a, tiết b và tiết c điểm 5.1 Khoản 5, Điều 1 nêu trên, Thường trực Hội đồng nhân dân các cấp quy định thời gian gửi tài liệu đề nghị quyết định dự toán ngân sách đối với Ủy ban nhân dân cùng cấp.
5.2. Phê chuẩn quyết toán ngân sách:
a) Hội đồng nhân dân tỉnh tỉnh phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương tại kỳ họp (thường kỳ) cuối cùng của năm sau.
b) Hội đồng nhân dân thành phố Lào Cai phê chuẩn quyết toán ngân sách tại kỳ họp (thường kỳ) giữa năm sau.
c) Hội đồng nhân dân xã, thị trấn phê chuẩn quyết toán ngân sách tại kỳ họp giữa năm sau.
d) Căn cứ vào quy định tại tiết a, tiết b và tiết c điểm 5.2, Khoản 5, Điều 1 nêu trên, Thường trực Hội đồng nhân dân các cấp quy định thời gian tổ chức kỳ họp và thời gian Ủy ban nhân dân gửi tài liệu đề nghị phê chuẩn quyết toán ngân sách.
6. Các nội dung không điều chỉnh, bổ sung vẫn giữ nguyên như Nghị quyết số 25/2010/NQ-HĐND ngày 17/12/2010 của HĐND tỉnh.
Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao:
1. Ủy ban nhân dân tỉnh chịu trách nhiệm thực hiện Nghị quyết.
2. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh chịu trách nhiệm giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Lào Cai khóa XIV thông qua ngày 11/12/2013 và có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày thông qua./.