• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/07/1985
  • Ngày hết hiệu lực: 21/08/1998
UBND THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Số: 28/CT-UB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 20 tháng 6 năm 1985

CHỈ THỊ

Về việc bù giá gạo bằng tiền cho CB.CNV ở thành phố

_____________

 

Quán triệt tinh thần nghị quyết 6 của Ban chấp hành Trung ương Đảng và nghị quyết của Thành ủy trong chương trình cải tiến công tác phân phối lưu thông, xóa dần chế độ bao cấp, ổn định và từng bước cải thiện đời sống của CBCNV, Ủy ban Nhân dân Thành phố đã có chỉ thị số 16/CT-UB ngày 18-2-1985 về việc thí điểm bù giá gạo cho CBCNV ở huyện Thủ Đức và Quận 10.

Qua kinh nghiệm của các đơn vị thí điểm và căn cứ vào điều kiện cụ thể của Thành phố, Ủy ban Nhân dân Thành phố chỉ thị:

I- TIẾN HÀNH BÙ GIÁ GẠO BẰNG TIỀN CHO CBCNV VÀ NGƯỜI ĂN THEO Ở THÀNH PHỐ BẮT ĐẦU TỪ NGÀY 1-7-1985:

II- ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC BÙ GIÁ GẠO BẰNG TIỀN:

Đối tượng được bù giá gạo bằng tiền là các đối tượng do trung ương và thành phố quy định hiện đang hưởng chế độ mua lương thực theo giá cung cấp (0,40đ/kg) tại thành phố.

Đối với các lực lượng vũ trang: quân đội, công an, công nhân viên quốc phòng được tiếp tục cấp hiện vật, không hưởng chế độ bù giá bằng tiền.

Các trại giam do công an quản lý cũng được cấp bằng hiện vật.

III- MỨC BÙ GIÁ GẠO:

Mức bù giá gạo do Hội đồng định giá Thành phố quy định hàng quý chậm nhất vào ngày 25 của tháng cuối quý trước để thông báo cho các ngành liên quan thực hiện.

Mức bù giá bằng tiền trên 1kg gạo cho các đối tượng được hưởng là giá do Hội đồng định giá quy định trừ 0,40đ (giá bán 1kg gạo cung cấp).

Giá bù 1kg gạo trong quý 3/1985 là 30đ – 0,40đ = 29đ60/kg.

Người được bù tiền, mua gạo tại các cửa hàng và đại lý kinh doanh lương thực theo chủng loại và số lượng cần thiết, nhưng không được vượt quá định lượng theo số lương thực cung cấp.

Tiêu chuẩn tháng nào được bán trong tháng đó, tháng sau không bán lại phần tháng trước. Một số trường hợp đặc biệt cần được xem xét giải quyết phù hợp như các đồng chí về hưu, gia đình cán bộ gặp khó khăn.

IV- PHƯƠNG THỨC CẤP BÙ:

1. Đối tượng là CBCNV và người ăn theo được ăn gạo giá cung cấp thuộc khu vực sản xuất, kinh doanh do trung ương, thành phố và quận, huyện quản lý sẽ được đơn vị trực tiếp lấy phần lãi nộp ngân sách để bù như một khoản chi bộ ngân sách ở khoản chi ngoài giá thành và phí lưu thông.

2. Đối tượng là CBCNV và người ăn theo thuộc khu vực hành chánh sự nghiệp của thành phố, quận huyện quản lý sẽ được cơ quan hành chánh sự nghiệp có đối tượng đó trực tiếp cấp bù bằng nguồn hạn mức kinh phí thường xuyên do cơ quan Tài chánh cùng cấp cấp phát.

3. Đối tượng là CBCNV và người ăn theo thuộc khu vực hành chánh sự nghiệp do trung ương quản lý, có hộ khẩu tại Thành phố, sẽ được cơ quan hành chánh sự nghiệp có đối tượng đó trực tiếp cấp bù bằng nguồn kinh phí của ngân sách Thành phố, cấp qua Phòng Tài chánh quận huyện có cơ quan hành chánh sự nghiệp đó đóng.

4. Đối tượng là học sinh, sinh viên hưởng sinh hoạt phí và học bổng của các trường đại học, trung học, sơ cấp chuyên nghiệp, các trường đào tạo công nhân, trường bổ túc văn hóa tập trung, trường Đảng… của Thành phố và quận huyện quản lý sẽ được trường trực tiếp cấp bù bằng nguồn hạn mức kinh phí thường xuyên do cơ quan Tài chánh cùng cấp cấp phát.

5. Đối tượng là học sinh sinh viên như trên (điểm 4) của các trường do trung ương quản lý sẽ được trường trực tiếp cấp bù bằng nguồn kinh phí của ngân sách thành phố cấp qua Phòng Tài chánh quận huyện có trường đó đóng.

6. Đối tượng là cán bộ hưu trí, mất sức lao động có sổ trợ cấp, thương binh các loại, gia đình có công cách mạng, gia đình liệt sĩ, và các đối tượng chính sách khác do Sở Thương binh xã hội quản lý bằng nguồn kinh phí ngân sách trung ương sẽ được Sở Thương binh xã hội cấp bù bằng nguồn kinh phí của ngân sách Thành phố. Việc cấp bù này cần nghiên cứu áp dụng thật đặc biệt như phải ứng trước tiền mua lại gạo, ngoài ra còn tạo điều kiện dễ dàng để các đồng chí được mua trước và gạo tốt…

7. Đối tượng là trại viên các trại xã hội, học viên các trường giáo dục công nông nghiệp, dân nghèo được duyệt mua lương thực theo giá cung cấp do quận huyện và thành phố quản lý sẽ do cơ quan chủ quản (Phòng Thương binh xã hội, Sở thương binh xã hội, Lực lượng thanh niên xung phong, Công an thành phố, Ủy ban Nhân dân phường xã…), cấp bù bằng nguồn kinh phí do cơ quan Tài chánh cung cấp cấp phát.

8. Đối tượng là thanh niên xung phong sẽ được cấp bù như ở điểm 1 nếu đơn vị đã hạch toán kinh tế theo sản xuất kinh doanh, hoặc sẽ được cấp bù như ở cơ quan hành chánh sự nghiệp nói ở điểm 2 nếu chưa hạch toán kinh tế.

9. Đối tượng là định suất của phường, dân quân tự vệ tập trung phường xã, ban điều hành tổ dân phố sẽ được UBND phường xã cấp bù bằng nguồn kinh phí do Phòng Tài chánh quận huyện trợ cấp.

10. Đối tượng là CBCNV và người ăn theo có hộ khẩu tại Thành phố nhưng công tác tại tỉnh khác sẽ được UBND phường, xã nơi cư trú cấp bù bằng nguồn kinh phí do Phòng Tài chánh quận, huyện trợ cấp.

11. Cán bộ công nhân viên trúng tuyển nghĩa vụ quân sự, nếu vợ không phải là cán bộ công nhân viên thì những người ăn theo của họ được tiếp tục hưởng bù giá gạo như đã quy định ở trên. Ủy ban Nhân dân phường xã nơi đương sự cư trú chịu trách nhiệm cấp bù bằng nguồn kinh phí do Phòng Tài chánh quận huyện trợ cấp.

12. Đối tượng là người sản xuất tiểu thủ công nghiệp nhận gia công sản xuất cho các công ty, xí nghiệp trung ương và địa phương thì điểu chỉnh giá gia công. Người trồng rau và cây chuyên canh được Nhà nước tập trung thu mua, nếu giá thu mua chưa nâng lên phù hợp thì Công ty thu mua trực tiếp cấp bù như một khoản chi hộ ngân sách đã nói ở điểm 1. Công ty rau Thành phố, UBND huyện quận chủ động phối hợp với ngân hàng, Công ty lương thực Thành phố bảo đảm cho các hợp tác xã, tập đoàn rau, hợp đồng 2 chiều với Nhà nước được mua kịp thời và đủ lượng gạo tính theo vụ sản xuất để ổn định đời sống cho người trồng rau chuyên canh.

V- THỜI GIAN CẤP BÙ:

- Việc bù giá bằng tiền được cấp đồng thời với 2 kỳ lĩnh lương hàng tháng, hoặc 1 kỳ trong tháng, trong quý (đầu quý) đối với đối tượng là cán bộ hưu trí, mất sức lao động, gia đình chính sách…

- Thời gian bắt đầu bù giá bằng tiền thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 1985.

VI- NGUỒN KINH PHÍ CẤP BÙ:

Kinh phí cấp bù giá bằng tiền bao gồm các nguồn sau đây:

1. Tiền bù giá lương thực của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đã ghi trong kế hoạch năm 1985 sau khi trừ số đã cấp bù 6 tháng đầu năm.

2. Tiền chênh lệch giá giữa giá bảo đảm kinh doanh số lương thực cung cấp mà Công ty Lương thực thu nhận ở các tỉnh theo chỉ tiêu kế hoạch với giá vốn (giá mua bình quân giá quyền – phí + lãi định mức) Công ty Lương thực Thành phố chuyện nộp vào ngân sách Thành phố.

Như vậy toàn bộ kinh phí cấp bù tiền do ngân sách Thành phố tập trung để cấp phát cho các đơn vị và chuyển tiền cho ngân sách quận huyện trừ khu vực sản xuất kinh doanh.

VII- TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC NGÀNH VÀ UBND CÁC CẤP:

Bù giá lương thực bằng tiền cho CBCNV, người ăn theo và các đối tượng chính sách khác là một bước quá độ để đưa bù giá vào lương, chuẩn bị điều kiện cho các bước sau hạch toán đầy đủ các yếu tố chi phí của giá thành và phí lưu thông, xoá bỏ chế độ bao cấp, lập một mặt bằng giá – lương – tiền mới phù hợp với thực tế sản xuất và đời sống.

Công việc đó có nhiều khó khăn, phức tạp, đòi hỏi các cấp, các ngành nêu cao tinh thần trách nhiệm hoàn thành tốt phần việc được giao, cụ thể là:

1. Công ty Kinh doanh Lương thực mở rộng mạng lưới bán gạo lẻ, bảo đảm chất lượng và số lượng gạo cần thiết hàng tháng nhằm ổn định thị trường lương thực. Trong khi Thành phố đang khó khăn về tiền mặt, để giúp việc bù giá gạo bằng tiền cho CBCNV được kịp thời, tạm thời hàng tháng Công ty Lương thực ứng trước một lượng tiền mặt tương ứng để Ngân hàng Thành phố phát cho các đơn v ị theo 2 kỳ lương trong tháng. Hàng tháng, Công ty lương thực quyết toán với Sở Tài chánh về khoản chênh lệch giá của lượng gạo cung cấp nói trên để giúp ngân sách Thành phố đủ kinh phí cấp bù giá kịp thời.

2. Sở Tài chánh Thành phố, và quận huyện đảm bảo cấp phát đủ kịp thời tiền bù giá gạo cho các ngành; các quận huyện để các đối tượng nhận tiền đồng thời với các kỳ lương hàng tháng.

3. Ngân hàng Nhà nước Thành phố cố gắng vươn lên đảm bảo đủ lượng tiền mặt cần thiết cho việc cấp bù giá bằng tiền. Các ngân hàng quận huyện đảm bảo cho rút tiền bù giá như rút tiền lương hàng tháng. Tài chánh và Ngân hàng Thành phố cải tiến cách làm việc và giảm các thủ tục không cần thiết tạo dễ dàng thuận lợi đỡ phiền hà cho cán bộ công nhân viên chức.

4. UBND các quận huyện, UBND các phường xã có trách nhiệm chỉ đạo các ngành chức năng tổ chức bù giá lương thực bằng tiền cho từng đối tượng được kịp thời, thuận tiện, không phiền hà. Đồng thời thông qua việc bù giá bằng tiền, kiểm tra phát hiện những trường hợp bất hợp lý không đúng chính sách chế độ cung cấp lương thực.

5. Ban Tuyên huấn Thành ủy, Mặt trận Tổ quốc Thành phố, Liên hiệp Công đoàn Thành phố, Hội Liên hiệp phụ nữ Thành phố, Thành đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các cơ quan thông tin, báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình có kế hoạch tuyên truyền giải thích rộng rãi chủ trương bù giá gạo bằng tiền của Thành phố. Các cơ quan, đơn vị ở Thành phố có trách nhiệm phổ biến và sinh hoạt thật thông suốt trong nội bộ chủ trương bù giá gạo bằng tiền nói trên.

6. Ban quản lý thị trường Thành phố và Công an Thành phố có kế hoạch đề phòng và ngăn chặn kịp thời bọn xấu thừa dịp tung tin đồn nhảm, kích giá để đầu cơ trực lợi. Kiên quyết truy tố bọn chúng trước pháp luật.

7. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, các sở, ban, ngành, quận, huyện có trách nhiệm triển khai và tổ chức thực hiện tốt chỉ thị này.

Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Võ Danh

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.