NGHỊ QUYẾT
Về việc quy định quy trình xây dựng và ban hành
hệ thống chuẩn mực kiểm toán nhà nước
ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Căn cứ vào Luật tổ chức Quốc hội;
Căn cứ vào Luật kiểm toán nhà nước;
Theo đề nghị của Tổng Kiểm toán Nhà nước,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị quyết này Quy trình xây dựng và ban hành hệ thống chuẩn mực kiểm toán nhà nước.
Điều 2. Trường hợp cần sửa đổi, bổ sung Quy trình xây dựng và ban hành hệ thống chuẩn mực kiểm toán nhà nước, Tổng Kiểm toán Nhà nước trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Điều 3. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2006.
QUY TRÌNH
XÂY DỰNG VÀ BAN HÀNH HỆ THỐNG CHUẨN MỰC
KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 917/2005/NQ-UBTVQH11 ngày 15/09/2005
của Ủy ban thường vụ Quốc hội)
Điều 1. Quy định chung
Quy trình xây dựng và ban hành hệ thống chuẩn mực kiểm toán nhà nước là tổng thể các quy định về quá trình xây dựng, lấy ý kiến tham gia và ban hành chuẩn mực kiểm toán nhà nước; là căn cứ để Tổng Kiểm toán Nhà nước xây dựng, ban hành hệ thống chuẩn mực kiểm toán nhà nước áp dụng thống nhất trong hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước theo quy định tại khoản 3 Điều 8 của Luật Kiểm toán nhà nước.
Điều 2. Các bước xây dựng và ban hành chuẩn mực kiểm toán nhà nước
1. Thành lập Ban chỉ đạo xây dựng và ban hành chuẩn mực kiểm toán nhà nước và Tổ soạn thảo chuẩn mực kiểm toán nhà nước.
2. Xác định nguyên tắc, kế hoạch soạn thảo và ban hành chuẩn mực kiểm toán nhà nước.
3. Soạn thảo chuẩn mực kiểm toán nhà nước.
4. Lấy ý kiến của tổ chức, cơ quan, đơn vị có liên quan.
5. Ban hành và công bố chuẩn mực kiểm toán nhà nước.
Điều 3. Ban chỉ đạo xây dựng và ban hành hệ thống chuẩn mực kiểm toán nhà nước
1. Tổng Kiểm toán Nhà nước thành lập Ban chỉ đạo xây dựng và ban hành hệ thống chuẩn mực kiểm toán nhà nước (gọi tắt là Ban chỉ đạo) do một Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước làm Trưởng ban để giúp Tổng Kiểm toán Nhà nước xây dựng, ban hành chuẩn mực kiểm toán nhà nước.
2. Ban chỉ đạo có các nhiệm vụ sau đây:
a) Xác định nguyên tắc chung làm cơ sở xây dựng và ban hành chuẩn mực kiểm toán nhà nước;
b) Xác định danh mục chuẩn mực kiểm toán nhà nước cần xây dựng và ban hành;
c) Xác định kết cấu văn bản về chuẩn mực kiểm toán nhà nước;
d) Xây dựng kế hoạch soạn thảo, ban hành và công bố chuẩn mực kiểm toán nhà nước;
đ) Thành lập tổ soạn thảo chuẩn mực kiểm toán nhà nước;
e) Chỉ đạo toàn bộ công tác soạn thảo chuẩn mực kiểm toán nhà nước;
g) Tổ chức nghiệm thu chuẩn mực kiểm toán nhà nước;
h) Trình Tổng Kiểm toán Nhà nước ký ban hành và công bố chuẩn mực kiểm toán nhà nước.
Điều 4. Tổ soạn thảo chuẩn mực kiểm toán nhà nước
1. Trưởng Ban chỉ đạo quyết định thành lập tổ soạn thảo chuẩn mực kiểm toán nhà nước (gọi tắt là Tổ soạn thảo). Tổ soạn thảo có thể được chia thành các nhóm.
Mỗi nhóm trong Tổ soạn thảo có trách nhiệm, soạn thảo một hoặc một số chuẩn mực kiểm toán nhà nước theo sự phân công của Trưởng Ban chỉ đạo.
2. Thành viên Tổ soạn thảo do Trưởng Ban chỉ đạo quyết định, gồm:
a) Đại diện của Kiểm toán Nhà nước là tổ trưởng;
b) Đại diện đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước;
c) Các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài Kiểm toán Nhà nước.
Số lượng thành viên cụ thể của Tổ soạn thảo do Trưởng Ban chỉ đạo quyết định phù hợp với yêu cầu soạn thảo chuẩn mực kiểm toán nhà nước.
3. Tổ soạn thảo có các nhiệm vụ sau đây:
a) Soạn thảo chuẩn mực kiểm toán nhà nước theo sự phân công của Trưởng Ban chỉ đạo; tổ chức thảo luận trong tổ về nội dung dự thảo chuẩn mực kiểm toán nhà nước;
b) Trình Ban chỉ đạo cho ý kiến để hoàn thiện dự thảo chuẩn mực kiểm toán nhà nước trước khi lấy ý kiến tổ chức, cơ quan, đơn vị có liên quan;
c) Lấy ý kiến các tổ chức, cơ quan, đơn vị có liên quan và tổng hợp ý kiến tham gia vào dự thảo chuẩn mực kiểm toán nhà nước;
d) Tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo chuẩn mực kiểm toán nhà nước trình Trưởng Ban chỉ đạo để tổ chức nghiệm thu.
Điều 5. Xác định nguyên tắc, kế hoạch soạn thảo và ban hành chuẩn mực kiểm toán nhà nước
Ban chỉ đạo có trách nhiệm chỉ đạo việc xác định nguyên tắc và kế hoạch soạn thảo chuẩn mực kiểm toán nhà nước, gồm: Xác định nguyên tắc chung làm cơ sở xây dựng và ban hành chuẩn mực; dự kiến danh mục chuẩn mực kiểm toán nhà nước; xác định kết cấu văn bản; xây dựng kế hoạch nghiên cứu ban hành và công bố các chuẩn mực.
Các nội dung trên phải được Trưởng Ban chỉ đạo quyết định bằng văn bản để làm căn cứ cho việc soạn thảo chuẩn mực kiểm toán nhà nước.
Điều 6. Soạn thảo chuẩn mực kiểm toán nhà nước
Tổ soạn thảo tổ chức soạn thảo chuẩn mực kiểm toán nhà nước theo trình tự các bước công việc sau đây:
1. Xây dựng đề cương của từng chuẩn mực kiểm toán nhà nước, xin ý kiến Ban chỉ đạo;
2. Soạn thảo chuẩn mực kiểm toán nhà nước theo đề cương đã được Ban chỉ đạo phê duyệt;
3. Tổ chức hội nghị, hội thảo về nội dung dự thảo chuẩn mực kiểm toán nhà nước;
4. Hoàn chỉnh dự thảo chuẩn mực kiểm toán nhà nước trình Ban chỉ đạo.
Điều 7. Tổ chức lấy ý kiến tổ chức, cơ quan, đơn vị có liên quan
Trưởng Ban chỉ đạo gửi dự thảo chuẩn mực kiểm toán nhà nước xin ý kiến chính thức các thành viên Ban chỉ đạo, Ủy ban Kinh tế và Ngân sách, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Bộ Tài chính, Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam và một số cơ quan khác có liên quan.
Trong phạm vi 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị tham gia ý kiến của Kiểm toán Nhà nước, các cơ quan trên có ý kiến bằng văn bản và gửi Kiểm toán Nhà nước. Trường hợp các tổ chức, cơ quan, đơn vị trên không có ý kiến bằng văn bản thì coi như đồng ý với dự thảo về chuẩn mục kiểm toán của kiểm toán Nhà nước.
Điều 8. Ban hành và công bố chuẩn mực kiểm toán nhà nước
1. Sau khi nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của thành viên Ban chỉ đạo, tổ chức, cơ quan, đơn vị có liên quan theo quy định tại Điều 7 của Quy trình này, Trưởng Ban chỉ đạo tổ chức nghiệm thu, trình Tổng Kiểm toán Nhà nước ký ban hành và công bố chuẩn mực kiểm toán nhà nước.
2. Tài liệu trình Tổng Kiểm toán Nhà nước về chuẩn mực kiểm toán gồm:
a) Tờ trình về sự cần thiết phải ban hành, mục đích, nội dung cơ bản và những vấn đề còn có ý kiến khác nhau về chuẩn mực kiểm toán nhà nước;
b) Tổng hợp ý kiến tham gia của các tổ chức, cơ quan, đơn vị có liên quan về chuẩn mực kiểm toán nhà nước;
c) Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của các tổ chức, cơ quan, đơn vị quy định tại Điều 7 của Quy trình này;
d) Kết quả nghiệm thu chuẩn mực kiểm toán nhà nước;
đ) Dự thảo Quyết định ban hành chuẩn mực kiểm toán nhà nước kèm theo dự thảo chuẩn mực kiểm toán nhà nước
3. Tổng Kiểm toán Nhà nước xem xét, ký ban hành chuẩn mực kiểm toán nhà nước.
4. Chuẩn mực kiểm toán nhà nước được công bố trên Công báo.
Điều 9. Sửa đổi, bổ sung chuẩn mực kiểm toán nhà nước
1. Trong trường hợp cần sửa đổi, bổ sung chuẩn mực kiểm toán nhà nước, Tổng Kiểm toán Nhà nước chỉ đạo việc thực hiện sửa đổi, bổ sung chuẩn mực kiểm toán nhà nước.
2. Việc sửa đổi, bổ sung chuẩn mực kiểm toán nhà nước được thực hiện theo Quy trình này.
Điều 10. Điều khoản thi hành
Quy trình này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2006./.