Sign In

QUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Về việc ban hành quy chế xét duyệt và công nhận Học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

Theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng Học hàm Nhà nước;

 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1.- Nay ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế xét duyệt và công nhận Học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư.

Điều 2.- Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Chủ tịch Hội đồng Học hàm Nhà nước chịu trách nhiệm hướng dẫn thực hiện Quy chế ban hành kèm theo Quyết định này.

Điều 3.- Bộ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Thủ tướng các cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

QUY CHẾ

XÉT DUYỆT VÀ CÔNG NHẬN HỌC HÀM GIÁO SƯ, PHÓ GIÁO SƯ

(Ban hành kèm theo quyết định số: 200/TTg ngày 04 tháng 4 năm 1995

của Thủ tướng Chính phủ)

 

CHƯƠNG I

ĐIỀU KHOẢN CHUNG

Điều 1.- Giáo sư, Phó Giáo sư là các học hàm phong cho cán bộ khoa học hoạt động trong các lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học ở trình độ cao, có vai trò chủ chốt đối với sự nghiệp đào tạo cán bộ và phát triển khoa học của đất nước. Học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư không phải là chức danh viên chức Nhà nước.

Điều 2.- Đối tượng được phong học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư là cán bộ giảng dạy ở các Trường, Viện Đại học, cán bộ nghiên cứu ở các Viện nghiên cứu khoa học có trực tiếp giảng dạy đại học và trên đại học.

Học hàm Giáo sư có thể được phong cho các cán bộ khoa học nước ngoài, và Việt Kiều có những đóng góp về đào tạo và nghiên cứu khoa học cho các Trường đại học hay Viên nghiên cứu khoa học của Việt Nam.

 

CHƯƠNG II.

XÉT DUYỆT VÀ CÔNG NHẬN HỌC HÀM

Điều 3.- Học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư do Hội đồng Học hàm Nhà nước thẩm duyệt, công nhận và cấp giấy chứng nhận.

Điều 4.- Người đã được phong Giáo sư, Phó Giáo sư sẽ bị Hội đồng học hàm Nhà nước tước bỏ học hàm trong các trường hợp sau:

a) Bị phát hiện và xác định không đủ các điều kiện, tiêu chuẩn quy định.

b) Bị tước quyền công dân.

Điều 5.- Các Bộ chủ quản của các Trường, Viện, căn cứ vào học hàm và nhu cầu công tác, bổ nhiệm cán bộ khoa học vào các ngạch công chức tương ứng.

 

CHƯƠNG III

ĐIỀU KIỆN ĐĂNG KÝ VÀ TRÌNH TỰ XÉT DUYỆT HỌC HÀM

Điều 6.- Người đăng ký Học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư phải có đủ các điều kiện chung sau đây:

1/ Là công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Có thái độ trung thực khách quan trong khoa học.

Có tinh thần hợp tác với đồng nghiệp trong công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học.

2/ Học vị:

Phải có học vị Tiến sĩ hay Phó Tiến sĩ đối với các ngành khoa học, hoặc phải có bằng Thạc sỹ đối với ngành biểu diễn nghệ thuật.

3/ Thời gian giảng dạy và nghiên cứu khoa học:

Người đăng ký học hàm Giáo sư phải có học hàm Phó Giáo sư từ 3 năm trở lên, đã hướng dẫn nghiên cứu sinh, trong đó ít nhất có một nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án.

Người đăng ký học hàm Phó Giáo sư, nếu là cán bộ giảng dạy đại học, phải có ít nhất 6 năm làm tốt nhiệm vụ giảng viên và giảng viên chính, đã tham gia công tác đào tại trên đại học; nếu là các bộ nghiên cứu ở Viên Nghiên cứu khoa học thì phải có ít nhất 6 năm làm tốt nhiệm vụ nghiên cứu viên và nghiên cứu viên chính và ít nhất xó 3 năm trực tiếp tham gia đào tạo trên đại học ở Viện hoặc kiêm nhiệm giảng dạy đại học và trên đại học ở các Trường.

4/ Thành tích hoạt động khoa học:

Những người đăng ký học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư phải có thành tích trong hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng khoa học vào thực tế. Thành tích khoa học được đánh giá bằng số lượng và chất lượng các công trình khoa học đã công bố hoặc được ứng dụng phù hợp với ngành chuyên môn đăng ký học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư. Yêu cầu về số lượng và chất lượng công trình khoa học đối với từng học hàm do Hội đồng Học hàm Nhà nước quy định.

5/ Ngoại ngữ:

Người đăng ký học hàm Giáo sư phải sử dụng thành thạo 2 ngoại ngữ. Người đăng ký học hàm Phó Giáo sư phải sử dụng thành thạo 1 ngoại ngữ và 1 ngoại ngữ đạt trình độ học hiểu các tài liệu chuyên môn.

Điều 7.- Quy trình xét duyệt và công nhận học hàm Giáo sư, Phó Giáo sư.

1/ Người đăng ký học hàm Giáo sư hoặc Phó Giáo sư phải làm hồ sơ đăng ký theo mẫu do Hội đồng Học hàm Nhà nước quy định và gửi hồ sơ đó tới Hội đồng học hàm cơ sở tại Trường, Viện nơi mình công tác để xét. Nếu Trường, Viện không đủ điều kiện thành lập Hội đồng Học hàm cơ sơ thì người đăng ký gửi hồ sơ cá nhân lên Hội đồng Học hàm Nhà nước; Hội đồng Học hàm Nhà nước chuyển hồ sơ về một Hội đồng Học hàm cơ sở thích hợp để xét.

2/ Hiệu trưởng, Viện trưởng xác nhận kết quả bình xét của Hội đồng Học hàm cơ sở; lập danh sách những người có đủ điều kiện phong học hàm và gửi hồ sơ, danh sách lên Bộ chủ quản. Nếu Hiệu trưởng, Viện trưởng có ý kiến khác với Hội đồng Học hàm cơ sở thì gửi các ý kiến đó kèm theo danh sách trên.

3/ Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ xác nhận danh sách và chuyển toàn bộ hồ sơ đăng ký học hàm của các Trưởng, Viện thuộc Bộ mình đến Hội đồng Học hàm Nhà nước. Nếu Bộ chủ quan có ý kiến khác với Trường, Viện thì gửi các ý kiến đó kèm theo hồ sơ nói trên.

 

CHƯƠNG IV

HỆ THỐNG HỘI ĐỒNG XÉT DUYỆT HỌC HÀM

Điều 8.- Hệ thống Hội đồng xét duyệt học hàm gồm 3 cấp:

1/ Hội đồng Học hàm cơ sở là đại diện của đội ngũ cán bộ khoa học của Trường hoặc Viện, do Hiệu trưởng hoặc Viện trưởng quyết định thành lập. Hội đồng Học hàm cơ sở có nhiệm vụ xét học hàm cho những người đăng ký và lựa chọn danh sách những người xứng đáng gửi lên cấp trên.

2/ Hội đồng Học hàm Ngành trung ương bao gồm những người có học hàm, học vị cao, đại diện cho đội ngũ cán bộ khoa học thuộc ngành trong phạm vi cả nước, được tổ chức theo chuyên ngành hoặc liên ngành, do Chủ tịch Hội đồng Học hàm Ngành trung ương có nhiệm cụ xét học hàm cho những người đăng ký đã được các Bộ lập danh sách gửi đến và lựa chọn những người xứng đáng để Hội đồng Học hàm Nhà nước xem xét.

3/ Hội đồng Học hàm Nhà nước thẩm định việc xét của Hội đồng ngành Trung ương và quyết định việc công nhận học hàm.

Điều 9.- Hội đồng Học hàm cơ sở và Hội đồng Học hàm Ngành trung ương được tổ chức và hoạt động theo quy định của Hội đồng Học hàm Nhà nước.

 

CHƯƠNG V

KHIẾU NẠI VÀ KHIẾU TỐ.

Điều 10.- Cá nhân có quyền khiếu nại về việc xét duyệt học hàm cho bản thân, cũng như khiếu tố đối với việc xét duyệt học hàm cho người khác, nếu thấy việc xét duyệt học hàm ở các cấp Hội đồng là không chính xác hoặc thiếu công minh.

Điều 11.- Đơn khiếu nại, tố cáo chỉ có giá trị trong thời gian đang xét duyệt học hàm và 3 tháng sau ngày công nhận học hàm cho đối tượng bị tố cáo, khiếu nại.

Về nội dung các đơn khiếu nại, tố cáo phải được các cấp Hội đồng Học hàm kết luận trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày nhận được đơn.

 

CHƯƠNG VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 12.- Quy chế này có hiệu lực từ ngày ký. Những văn bản trước đấy trái quy chế này đều bị bãi bỏ.

Điều 13.- Hội đồng Học hàm Nhà nước có trách nhiệm hướng dẫn việc thực hiện Quy chế này./.

Thủ tướng Chính phủ

Thủ tướng Chính phủ

(Đã ký)

 

Võ Văn Kiệt