• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 10/11/2018
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Số: 14/2018/TT-BLĐTBXH
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 26 tháng 9 năm 2018

THÔNG TƯ

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA THÔNG TƯ SỐ 17/2016/TT-BLĐTBXH NGÀY 28 THÁNG 6 NĂM 2016 CỦA BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI HƯỚNG DẪN QUY TRÌNH RÀ SOÁT HỘ NGHÈO, HỘ CẬN NGHÈO HẰNG NĂM THEO CHUẨN NGHÈO TIẾP CẬN ĐA CHIỀU ÁP DỤNG CHO GIAI ĐOẠN 2016-2020

Căn cứ Nghị định số 14/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Căn cứ Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội,

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28 tháng 6 năm 2016 hướng dẫn quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28 tháng 6 năm 2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020

1. Sửa đổi Khoản 1 Điều 3 như sau:

"1. Phương pháp: thực hiện rà soát thông qua các phương pháp đánh giá, chấm điểm tài sản, thu thập thông tin đặc điểm, điều kiện sống của hộ gia đình để ước lượng thu nhập (trên cơ sở phân tích kết quả thống kê và điều tra mức sống hộ gia đình, thực hiện quy đổi từ mức thu nhập bình quân đầu người trên tháng sang các mức điểm số tương ứng khi thực hiện rà soát và đánh giá tài sản, cụ thể: 700.000 đồng tương đương 120 điểm; 900.000 đồng tương đương 140 điểm; 1.000.000 đồng tương đương 150 điểm; 1.300.000 đồng tương đương 175 điểm) và xác định mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy trình tại Chương II và tại Phụ lục số 1a, 1b, 2a, 2b, 2c, 2d, 2đ, 2e, 3a, 3b, 3c, 3d, 4 ban hành kèm theo Thông tư này.".

2. Sửa đổi Điểm a và Điểm b Khoản 1 Điều 5 như sau:

"a) Hộ gia đình có giấy đề nghị xét duyệt bổ sung hộ nghèo, hộ cận nghèo (theo Phụ lục số 1a ban hành kèm theo Thông tư này) nộp trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện đến Ủy ban nhân dân cấp xã tiếp nhận, xử lý;

b) Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ đạo Ban giảm nghèo cấp xã lập danh sách các hộ gia đình có giấy đề nghị (theo Phụ lục số 2a ban hành kèm theo Thông tư này) và tổ chức thẩm định theo mẫu Phiếu B (theo Phụ lục số 3b ban hành kèm theo Thông tư này); báo cáo kết quả thẩm định và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định công nhận danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo phát sinh; niêm yết công khai danh sách tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã;

Thời gian thẩm định, xét duyệt và ban hành Quyết định công nhận danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo phát sinh không quá 07 ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận giấy đề nghị của hộ gia đình. Trường hợp không ban hành Quyết định công nhận thì cần nêu rõ lý do;".

3. Sửa đổi Điểm a và Điểm b Khoản 2 Điều 5 như sau:

"a) Hộ gia đình có giấy đề nghị xét duyệt thoát nghèo, thoát cận nghèo (theo Phụ lục số 1b ban hành kèm theo Thông tư này) nộp trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện đến Ủy ban nhân dân cấp xã tiếp nhận, xử lý;

b) Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ đạo Ban giảm nghèo cấp xã lập danh sách các hộ gia đình có giấy đề nghị (theo Phụ lục số 2b ban hành kèm theo Thông tư này) và tổ chức thẩm định theo mẫu Phiếu B (Phụ lục số 3b ban hành kèm theo Thông tư này); báo cáo kết quả thẩm định và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định công nhận danh sách hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo; niêm yết công khai danh sách tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã;

Thời gian thẩm định, xét duyệt và ban hành Quyết định công nhận danh sách hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo không quá 07 ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận giấy đề nghị của hộ gia đình. Trường hợp không ban hành Quyết định công nhận thì cần nêu rõ lý do;".

4. Sửa đổi Điểm a Khoản 1 Điều 6 như sau:

"a) Đối với hộ gia đình có khả năng nghèo, cận nghèo: các điều tra viên sử dụng mẫu phiếu A (theo Phụ lục số 3a ban hành kèm theo Thông tư này) để nhận dạng nhanh đặc điểm hộ gia đình có giấy đề nghị. Nếu hộ gia đình có các điều kiện không thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định tại Cột 0 Phiếu A thì đưa ra khỏi danh sách cần rà soát. Các hộ còn lại thực hiện đánh giá theo các nội dung từ Cột 1 đến Cột 9 Phiếu A, nếu hộ gia đình có từ 02 điều kiện trở xuống thì đưa vào danh sách hộ có khả năng nghèo, cận nghèo (theo Phụ lục số 2c ban hành kèm theo Thông tư này) để tiếp tục rà soát theo mẫu Phiếu B.

Cán bộ chuyên trách giảm nghèo cấp xã, trưởng thôn chủ động phát hiện những trường hợp nhận thấy hộ gia đình gặp khó khăn, biến cố rủi ro trong năm, có khả năng nghèo, cận nghèo nhưng chưa có giấy đề nghị xét duyệt bổ sung để đưa vào danh sách các hộ cần rà soát.".

5. Sửa đổi Khoản 2 Điều 6 như sau:

"2. Tổ chức rà soát, lập danh sách phân loại hộ gia đình

Các điều tra viên thực hiện rà soát các hộ gia đình theo các mẫu phiếu B áp dụng cho khu vực thành thị và các khu vực nông thôn chia theo từng vùng tương ứng với địa bàn (theo Phụ lục số 3b ban hành kèm theo Thông tư này). Trường hợp hộ gia đình sinh sống tại phường (thuộc thành phố, thị xã), thị trấn (thuộc huyện) có các đặc điểm tài sản đất đai, chăn nuôi như khu vực nông thôn, Ban Chỉ đạo rà soát cấp tỉnh quy định việc áp dụng đặc điểm tài sản đất đai, chăn nuôi quy định tại Phiếu B áp dụng cho khu vực nông thôn tương ứng với địa bàn trong việc đánh giá, chấm điểm hộ gia đình. Trường hợp hộ gia đình sinh sống ở khu vực nông thôn, miền núi thuộc nơi có sông, hồ và có tài sản như tàu, ghe, thuyền, Ban Chỉ đạo rà soát cấp tỉnh quy định việc áp dụng mức điểm cho tài sản tàu, ghe, thuyền của địa bàn theo mức điểm của các vùng khác có điều kiện tương ứng với địa bàn.

Qua rà soát, tổng hợp và phân loại kết quả như sau:

a) Danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo qua rà soát, bao gồm:

- Hộ nghèo khu vực thành thị là hộ có tổng điểm B1 từ 140 điểm trở xuống (hộ nghèo về thu nhập) hoặc hộ có tổng điểm B1 trên 140 điểm đến 175 điểm và có tổng điểm B2 từ 30 điểm trở lên (hộ nghèo thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản);

- Hộ nghèo khu vực nông thôn là hộ có tổng điểm B1 từ 120 điểm trở xuống (hộ nghèo về thu nhập) hoặc hộ có tổng điểm B1 trên 120 điểm đến 150 điểm và có tổng điểm B2 từ 30 điểm trở lên (hộ nghèo thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản);

- Hộ cận nghèo khu vực thành thị là hộ có tổng điểm B1 trên 140 điểm đến 175 điểm và có tổng điểm B2 dưới 30 điểm;

- Hộ cận nghèo khu vực nông thôn là hộ có tổng điểm B1 trên 120 điểm đến 150 điểm và có tổng điểm B2 dưới 30 điểm;

b) Danh sách hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo qua rà soát, bao gồm:

- Hộ thoát nghèo khu vực thành thị:

+ Hộ thoát nghèo vượt qua chuẩn cận nghèo là hộ có tổng điểm B1 trên 175 điểm;

+ Hộ thoát nghèo, nhưng vẫn còn là hộ cận nghèo là hộ có tổng điểm B1 trên 140 điểm đến 175 điểm và có tổng điểm B2 dưới 30 điểm;

- Hộ thoát nghèo khu vực nông thôn:

+ Hộ thoát nghèo vượt qua chuẩn cận nghèo là hộ có tổng điểm B1 trên 150 điểm;

+ Hộ thoát nghèo, nhưng vẫn còn là hộ cận nghèo là hộ có tổng điểm B1 trên 120 điểm đến 150 điểm và có tổng điểm B2 dưới 30 điểm;

- Hộ thoát cận nghèo khu vực thành thị là hộ có tổng điểm B1 trên 175 điểm;

- Hộ thoát cận nghèo khu vực nông thôn là hộ có tổng điểm B1 trên 150 điểm;".

6. Sửa đổi Khoản 3 Điều 6 như sau:

"3. Tổ chức họp dân thống nhất kết quả

a) Thành phần tham gia: trưởng thôn (chủ trì cuộc họp), đại diện tổ chức đảng, đoàn thể, cán bộ thực hiện rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo tại thôn và mời đại diện các hộ gia đình tham gia cuộc họp. Trường hợp cần thiết, trưởng thôn báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã cử đại diện tham gia cuộc họp.

b) Nội dung cuộc họp: thống nhất ý kiến kết quả đánh giá, chấm điểm theo mẫu Phiếu B đối với các hộ trong danh sách rà soát (chủ yếu tập trung vào các hộ nghèo, hộ cận nghèo mới phát sinh, hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo).

c) Kết quả cuộc họp được lập thành 02 Biên bản (theo Phụ lục số 2đ ban hành kèm theo Thông tư này), có chữ ký của chủ trì, thư ký cuộc họp và đại diện của các hộ dân (01 bản lưu ở thôn, 01 bản gửi báo cáo Ban giảm nghèo cấp xã để tổng hợp).".

7. Sửa đổi Điểm a Khoản 6 Điều 6 như sau:

"a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã căn cứ kết quả phân loại hộ gia đình qua điều tra, rà soát, tiếp thu ý kiến thẩm định của Ủy ban nhân dân cấp huyện để quyết định công nhận danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo trên địa bàn; thực hiện niêm yết công khai danh sách tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và cấp giấy chứng nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn theo danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo đã được phê duyệt (theo Phụ lục số 2e ban hành kèm theo Thông tư này hoặc địa phương tự thiết kế mẫu nhưng phải đảm bảo thông tin cơ bản quy định theo mẫu tại Phụ lục số 2e) để phục vụ công tác quản lý đối tượng và thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo của nhà nước;".

8. Đối với một số địa phương đã kiện toàn Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 41/2016/QĐ-TTg ngày 10 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế quản lý, điều hành các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020: các cụm từ được sử dụng trong Thông tư gồm “Ban Chỉ đạo giảm nghèo cấp tỉnh”, “Ban Chỉ đạo giảm nghèo cấp huyện”, “Ban giảm nghèo cấp xã” được hiểu là “Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia cấp tỉnh”, “Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia cấp huyện” và “Ban quản lý cấp xã”.

9. Các Phụ lục số 1a, 1b, 2e, 3a, 3c, 4a, 4b, 4c, 4d, 4đ ban hành kèm theo Thông tư số 17/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28 tháng 6 năm 2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm được bãi bỏ và thay thế tương ứng bằng các Phụ lục số 1a, 1b, 2e, 3a, 3c, 4 (Phụ lục 4 gồm Mẫu số 4a, 4b, 4c, 4d, 4đ, 4e, 4g) ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 2. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 10 tháng 11 năm 2018.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Lê Tấn Dũng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.