QUYẾT ĐỊNH
Ban hành Quy chế xét tặng huy chương "Vì sự nghiệp tư pháp"
______________
BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP
Căn cứ Nghị định số 38/CP ngày 04 tháng 06 năm 1993 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Bộ Tư pháp;
Xét đề nghị của đồng chí Chánh Văn phòng Bộ và đồng chí Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và đào tạo, Bộ Tư pháp;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy chế xét tặng Huy chương "Vì sự nghiệp Tư pháp".
Điều 2: Các đồng chí Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và đào tạo, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc Sở Tư pháp, Chánh án Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
QUY CHẾ
Xét tặng huy chương "Vì sự nghiệp tư pháp"
(Ban hành hành kèm theo Quyết định số 714/TC ngày 22/11/1995
của Bộ trưởng Bộ Tư pháp)
________________
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1: Huy chương "Vì sự nghiệp Tư pháp" là hình thức khen thưởng của ngành Tư pháp để ghi nhận công lao, thành tích của các cá nhân đóng góp cho sự nghiệp Tư pháp Việt Nam.
Điều 2: Huy chương "Vì sự nghiệp Tư pháp" có một hạng, được tặng một lần cho cá nhân, không có hình thức truy tặng.
Huy chương "Vì sự nghiệp Tư pháp" được xét tặng hàng năm vào dịp "Ngày truyền thống ngành Tư pháp" ( 28 - 8 ).
Chương II
ĐỐI TƯỢNG VÀ TIÊU CHUẨN XÉT TẶNG
Điều 3: Đối tượng khen thưởng:
1. Những người đã và đang công tác trong ngành Tư pháp, bao gồm những người công tác ở các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, trong các Toà án nhân dân địa phương, các cơ quan Tư pháp địa phương, các cơ quan Thi hành án dân sự, cơ quan Pháp chế của các Bộ, ngành, Hội thẩm nhân dân;
2. Những người đang công tác tại các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức xã hội có nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp Tư pháp.
Điều 4: Tiêu chuẩn xét tặng:
1. Đối với những người đã và đang công tác trong ngành Tư pháp nói tại khoản 1; Điều 3 của Quy chế này phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có thâm niên công tác trong ngành từ 20 năm trở lên, có thành tích xuất sắc được tập thể lãnh đạo công nhận;
b) Đối với những người có thành tích xuất sắc, có những đóng góp có giá trị cho sự nghiệp Tư pháp Việt Nam; những người là anh hùng lao động, chiến sỹ thi đua toàn quốc thuộc nghành Tư pháp, chiến sỹ thi đua toàn ngành, thì không nhất thiết phải đủ số năm công tác như quy định ở điểm a, khoản 1 Điều này.
c) Người đang bị kỷ luật ở mức cảnh cáo chỉ được xét tặng sau khi có quyết định xoá kỷ luật. Thời gian chịu kỷ luật cảnh cáo không được tính để xét tặng huy chương;
d) Người bị kỷ luật trên mức cảnh cáo hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì không được xét tặng huy chương.
2. Đối với những người đang công tác ngoài ngành ( điểm 2 Điều 3):
- Có nhiều công lao trong việc lãnh đạo, chỉ đạo góp phần vào công cuộc đổi mới và phát triển sự nghiệp Tư pháp; hoặc
- Có sáng kiến, công trình nghiên cứu khoa học có giá trị thiết thực đóng góp cho sự nghiệp phát triển của ngành Tư pháp.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 5:
1. Đối với những người đang công tác trong ngành Tư pháp.
a) Ở các đơn vị thuộc cơ quan Bộ Tư pháp:
Thủ trưởng đơn vị lập hồ sơ gửi Hội đồng thi đua Bộ xét duyệt, trình Lãnh đạo Bộ quyết định;
b) Ở các cơ quan Tư pháp địa phương:
Hội đồng xét duyệt của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lập hồ sơ trình Lãnh đạo Bộ xem xét quyết định;
2. Đối với những các bộ ngành Tư pháp đã nghỉ hưu.
Cán bộ Tư pháp đang nghỉ hưu tại địa phương thi do Giám đốc Sở Tư pháp (nếu là cán bộ Tư pháp hoặc Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh) hoặc do Chánh án nhân dân cấp tỉnh (nếu là cán bộ Toà án cấp tỉnh) lập hồ sơ đưa ra Hội đồng xét duyệt của tỉnh, thành phố xem xét, đề nghị Hội đồng thi đua Bộ xét duyệt trình Lãnh đạo Bộ quyết định.
Trong trường hợp có lý do xác đáng, bản thân cán bộ không lập được bản tóm tắt thành tích thì cán bộ tổ chức của Sở hoặc Toà án nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm kê khai thay;
Điều 6: Đối với những người công tác ngoài ngành Tư pháp (điểm 2 Điều 3)
Hội đồng thi đua Bộ có trách nhiệm đề xuất lập hồ sơ trình Ban cán sự Đảng Bộ, Lãnh đạo Bộ xem xét, quyết định.
Điều 7: Hồ sơ xét tặng Huy chương "Vì sự nghiệp Tư pháp" gốm có:
1. Bản kê khai tóm tắt thành tích và quá trình công tác của cá nhân có xác nhận của Thủ trưởng đơn vị quản lý cán bộ ( mẫu số 1).
Đối với người đã nghỉ hưu, thì do cơ quan tổ chức cán bộ quản lý hồ sơ khi nghỉ hưu xác nhận;
2. Danh sách đề nghị xét tặng Huy chương "Vì sự nghiệp Tư pháp" do "Hội đồng xét tặng" địa phương đã xét duyệt (nếu là ở địa phương) hoặc do Hội nghị liên tịch: Lãnh đạo đơn vị, Chi bộ, Công đoàn đơn vị thuộc Bộ xét duyệt (mẫu số 2);
3. Tờ trình hoặc văn bản đề nghị (mẫu số 3).
Điều 8: Hội đồng xét tặng Huy chương "Vì sự nghiệp Tư pháp" ở địa phương do Giám đốc Sở Tư pháp thành lập gồm có:
1. Giám đốc Sở Tư pháp - Chủ tịch Hội đồng;
2. Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh - Phó chủ tịch;
3. Trường Phòng thi hành án - Thành viên;
4. Trường phòng tổ chức hoặc cán bộ phụ trách công tác tổ chức cán bộ Sở Tư pháp - Thành viên;
5. Chủ tịch Công đoàn cở sở ngành Tư pháp (nếu có) hoặc Công đoàn Sở Tư pháp.
Điều 9: Thời gian lập và nộp hồ sơ.
a) Cuối quý II hàng năm Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc, Giám đốc Sở Tư pháp thông báo kế hoạch nhận hồ sơ và họp hội nghị xét duyệt cho tất cả cán bộ Tư pháp đang công tác hoặc nghỉ hưu được biết để tiến hành kê khai;
b) Hồ sơ gửi về Hội đồng thi đua Bộ Tư pháp trước ngày 20/7 hàng năm để kịp xét duyệt và công bố trước ngày 28/8 - Ngày truyền thống ngành Tư pháp.
Chương IV
QUYỀN LỢI CỦA NGƯỜI ĐƯỢC TẶNG
HUY CHƯƠNG "VÌ SỰ NGHIỆP TƯ PHÁP"
Điều 10. Người được tặng Huy chương "Vì sự nghiệp Tư pháp" được nhận Huy chương, bằng chướng nhận của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và được ghi tên vào sổ vàng truyền thống của ngành Tư pháp.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG
Điều 11. Trong quá trình thực hiện, nếu phát hiện những điểm chưa phù hợp, theo đề nghị của những cá nhân, tổ chức hữu quan Vụ Tổ chức - Cán bộ và Văn phòng Bộ có trách nhiệm tập hợp, đề xuất việc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện Quy chế để việc xét tặng Huy chương "Vì sự nghiệp Tư pháp" được chính xác, dân chủ góp phần động viên toàn ngành phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ./.