Sign In

 

 

 

 

 

 

THÔNG TƯ

Hướng dẫn triển khai thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2008 nhằm kiềm chế lạm phát

Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 01 tháng 07 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Quyết định số 1569/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2008;

Căn cứ Quyết định số 390/QĐ-TTg ngày 17 tháng 04 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều hành kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản và chi tiêu ngân sách năm 2008 phục vụ mục tiêu kiềm chế lạm phát;

Bộ Tài chính hướng dẫn triển khai giao và thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2008 nhằm kiềm chế lạm phát như sau:

A. QUY ĐỊNH CHUNG:

1. Đối tượng thực hiện tiết kiệm:

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Uỷ ban nhân dân các cấp ở địa phương và các cơ quan, đơn vị được cấp có thẩm quyền giao dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2008.

2. Phạm vi tiết kiệm:

- Thực hiện tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2008 đã được giao đầu năm (sau đây gọi tắt là tiết kiệm 10% chi thường xuyên), loại trừ: Dự toán chi kinh phí sự nghiệp của các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình 135 và chi nhiệm vụ trợ giá, trợ cước; một số khoản bắt buộc chi theo chế độ, chính sách hiện hành đã được quy định tại khoản 1 điều 1 Quyết định số 390/QĐ-TTg ngày 17 tháng 4 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ.

- Căn cứ chỉ tiêu tiết kiệm 10% chi thường xuyên đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính giao, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan, đơn vị khác ở Trung ương, chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện giao chỉ tiêu tiết kiệm 10% chi thường xuyên chi tiết theo từng lĩnh vực chi cho từng cơ quan, đơn vị trực thuộc và ngân sách cấp dưới để thực hiện, kể cả các cơ quan, đơn vị hành chính đã được giao cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2005 của Chính phủ, đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2006 hoặc theo Nghị định số 115/2005/NĐ-CP ngày 05 tháng 09 năm 2005 của Chính phủ.

3. Sử dụng nguồn kinh phí tiết kiệm:

Kinh phí tiết kiệm thuộc ngân sách cấp nào được để lại ngân sách cấp đó để bổ sung tăng dự phòng ngân sách tập trung xử lý các nhiệm vụ chi bảo đảm an sinh xã hội, phòng, chống khắc phục thiên tai, dịch bệnh và xử lý các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách phát sinh ngoài dự toán ngân sách đã được giao và giảm bội chi ngân sách (đối với phần tiết kiệm của ngân sách Trung ương).

B. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ:

 

1. Nguyên tắc xác định để giao chỉ tiêu tiết kiệm 10% chi thường xuyên:

Dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2008 để tính tiết kiệm 10% theo quy định tại Thông tư này là dự toán chi thường xuyên năm 2008 đã được cấp có thẩm quyền giao còn lại chưa sử dụng, trừ đi một số khoản bắt buộc chi theo chế độ, chính sách hiện hành.

Để đơn giản trong cách xác định và giao chỉ tiêu tiết kiệm 10% chi thường xuyên cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc, đơn vị cấp dưới, ngân sách cấp huyện và cấp xã, Bộ Tài chính hướng dẫn tính bình quân theo cách thức chia dự toán chi thường xuyên (sau khi đã loại trừ các khoản không tính tiết kiệm) thành 12 phần (tương ứng với 12 tháng trong năm) rồi nhân với 8 (tương ứng với 8 tháng cuối năm), sau đó tính tiết kiệm 10%.

Công thức tính cụ thể như sau:

Số tiết kiệm 10% chi thường xuyên năm 2008 = {(A-(B+C+D+E+F)) x 8/12} x 10%

Trong đó:

A là dự toán chi thường xuyên năm 2008 đã được cấp có thẩm quyền giao (đã loại trừ dự toán chi kinh phí sự nghiệp của các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình 135 và chi nhiệm vụ trợ giá, trợ cước).

B là tổng số chi lương, phụ cấp có tính chất lương, tiền công và chi khác cho con người theo chế độ.

C là khoản tiết kiệm 10% chi thường xuyên để tạo nguồn cải cách tiền lương theo kế hoạch đầu năm.

D là tổng số chi đóng niên liễm, vốn đối ứng, đóng góp với các tổ chức quốc tế (nếu có).

E là tổng số chi tiêu cho các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài (nếu có).

F là tổng số các khoản chi đặc thù khác không thể tiết kiệm được (nếu có).

2. Cách thức giao chỉ tiêu tiết kiệm 10% chi thường xuyên:

Căn cứ chỉ tiêu tiết kiệm 10% chi thường xuyên đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính giao:

- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương xác định số tiết kiệm 10% chi thường xuyên theo nguyên tắc nêu tại khoản 1 mục B Thông tư này và giao chỉ tiêu tiết kiệm chi tiết theo từng lĩnh vực chi cho các cơ quan, đơn vị dự toán trực thuộc, đơn vị cấp dưới để thực hiện.

- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác định số tiết kiệm 10% chi thường xuyên theo nguyên tắc nêu tại khoản 1 mục B Thông tư này và giao chỉ tiêu tiết kiệm 10% chi thường xuyên chi tiết theo từng lĩnh vực chi cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc và cho ngân sách cấp huyện; chỉ đạo uỷ ban nhân dân cấp huyện giao chỉ tiêu tiết kiệm 10% chi thường xuyên cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc, ngân sách cấp xã trên cơ sở dự toán chi ngân sách đã được Hội đồng nhân dân thông qua và Uỷ ban nhân dân giao.

- Các quyết định giao chỉ tiêu tiết kiệm của cấp có thẩm quyền đến đơn vị sử dụng ngân sách được đồng gửi Kho bạc nhà nước nơi giao dịch để thực hiện kiểm soát chi.

3. Các nội dung công việc yêu cầu các cơ quan, đơn vị thụ hưởng ngân sách thực hiện tiết kiệm:

Để đảm bảo vẫn hoàn thành các nhiệm vụ chuyên môn đã được giao đầu năm trong điều kiện thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và quy định tại Thông tư này, đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Uỷ ban nhân dân các cấp chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc, ngân sách cấp dưới thực hiện rà soát, điều chỉnh lại nhiệm vụ chi thường xuyên đã được giao đầu năm, trong đó tập trung ngay vào việc triển khai các công việc sau đây:

- Tạm dừng mua sắm ô tô, phương tiện, tài sản khác có giá trị lớn; sửa chữa lớn trụ sở làm việc.

- Hạn chế tối đa các khoản chi hội nghị, hội thảo, lễ hội, tổng kết, sơ kết, đón nhận huân chương, danh hiệu thi đua, kỷ niệm ngày thành lập… và các đoàn công tác (trong và ngoài nước) sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước.

- Thực hiện tiết kiệm tối đa trong việc sử dụng điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu (tiết kiệm tối thiểu 10%).

- Ngừng các khoản chi cho các nhiệm vụ khác chưa thực sự cấp bách, nội dung không thiết thực.

4. Kiểm tra, kiểm soát:

Kho bạc nhà nước căn cứ vào quyết định giao chỉ tiêu tiết kiệm 10% chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2008 của các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp ở địa phương thực hiện hạch toán ghi giảm dự toán của từng cơ quan, đơn vị; thực hiện việc kiểm soát chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2008 theo quy định của pháp luật hiện hành.

Các cơ quan quản lý tài chính của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương và các cấp chính quyền địa phương thực hiện hướng dẫn, kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên của các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi mình quản lý.

5. Sử dụng số tiết kiệm 10% chi thường xuyên:

- Đối với số tiết kiệm 10% chi thường xuyên của các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương: Bộ Tài chính sẽ tổng hợp, báo cáo Chính phủ để trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sử dụng số tiết kiệm 10% chi thường xuyên này để bổ sung dự phòng ngân sách Trung ương ưu tiên cho các nhiệm vụ chi bảo đảm an sinh xã hội, phòng, chống khắc phục thiên tai, dịch bệnh và xử lý các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách phát sinh ngoài dự toán ngân sách đã được giao, phần còn lại để giảm bội chi ngân sách nhà nước.

- Đối với số tiết kiệm 10% chi thường xuyên của các cơ quan, đơn vị ở địa phương: Cơ quan tài chính ở từng cấp ngân sách có trách nhiệm chủ trì tổng hợp, báo cáo Uỷ ban nhân dân để trình Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp (riêng đối với cấp xã thì thống nhất với Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã) để bổ sung dự phòng ngân sách cấp mình ưu tiên cho các nhiệm vụ chi bảo đảm an sinh xã hội, phòng, chống khắc phục thiên tai, dịch bệnh và xử lý các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách phát sinh ngoài dự toán ngân sách đã được giao.

C. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.

2. Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức giao chỉ tiêu tiết kiệm cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc, ngân sách cấp dưới; chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện và báo cáo Bộ Tài chính kết quả giao tiết kiệm 10% chi thường xuyên chi tiết theo từng lĩnh vực chi, kết quả rà soát, điều chỉnh lại nhiệm vụ chi thường xuyên theo từng nội dung quy định tại điểm 3 mục B của Thông tư này. Thời hạn gửi báo cáo về Bộ Tài chính chậm nhất trước ngày 20 tháng 5 năm 2008 để kịp tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30 tháng 5 năm 2008.

3. Các cơ quan, đơn vị được giao khoán ổn định kinh phí theo các quyết định riêng của Thủ tướng Chính phủ (Ngân hàng nhà nước, Bảo hiểm xã hội, Đài truyền hình Việt Nam) tổ chức giao chỉ tiêu và thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc theo hướng dẫn tại các điểm 1, 3 mục B của Thông tư này; báo cáo kết quả thực hiện tiết kiệm về Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo từng nội dung công việc quy định tại điểm 2 mục C của Thông tư này; đồng thời nộp vào ngân sách Trung ương số kinh phí tiết kiệm được để bổ sung cho các nhiệm vụ quy định tại điểm 5 mục B của Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính để kịp thời xử lý./.

Bộ Tài chính

Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Công Nghiệp