CHỈ THỊ CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Về công tác quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ đến 2010
Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội là một khâu quan trọng trong toàn bộ quy trình kế hoạch hóa nền kinh tế quốc dân. Quy hoạch phải gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và làm căn cứ cho việc xây dựng kế hoạch 5 năm.
Trong mấy năm vừa qua, căn cứ vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000 và tầm nhìn đến năm 2020, các ngành, các tỉnh, thành phố đã chủ động xây dựng quy hoạch ngành, quy hoạch vùng và quy hoạch các đại phương. Đến nay đã có 34 dự án quy hoạch ngành, 56 dự án quy hoạch tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 12 dự án quy hoạch vùng kinh tế lớn, vùng kinh tế trọng điểm và kinh tế biển. Các dự án quy hoạch đã có nhiều đóng góp cho Đại hội Đảng và sự chỉ đạo của các cấp, các ngành, cho việc xây dựng kế hoạch phát triển trên phạm vi cả nước. Song, các dự án quy hoạch còn bộc lộ nhiều thiếu sót, đặc biệt là việc xử lý liên ngành, liên vùng và luận chứng các phương án, các điều kiện thực hiện quy hoạch chưa được chỉ rõ; quy hoạch về tổ chức lãnh thổ ở nhiều nơi còn tình trạng chồng chéo, không ăn khớp, thậm chí có trường hợp gây lãng phí lớn cho nền kinh tế. Điều đó đòi hỏi phải nhanh chóng nâng cao chất lượng công tác quy hoạch.
Để khắc phục những tồn tại nêu trên nhằm thống nhất nhận thức, quan điểm chỉ đạo và nhiệm vụ đối với công tác nghiên cứu quy hoạch gắn với việc xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch 5 năm, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị các Bộ, ngành Trung ương, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện một số việc sau đây:
1. Thực hiện quy trình công tác kế hoạch hóa bắt đầu từ chiến lược đến quy hoạch, rồi cụ thể hóa bằng các kế hoạch 5 năm và hàng năm. Quy hoạch phát triển căn cứ vào chiến lược, cụ thể hóa chiến lược, còn kế hoạch phải căn cứ vào quy hoạch và cụ thể hóa nội dung cũng như bước đi của quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Trong lĩnh vực đầu tư phát triển, những dự án đầu tư lớn và các dự án hợp tác đầu tư với nước ngoài chỉ được xem xét khi phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt. Trường hợp đặc biệt phải được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ. Công tác quy hoạch phải được nghiên cứu thường xuyên, các quy hoạch phải được cập nhật, hiệu chỉnh cho phù hợp với tình hình và điều kiện thực tế.
2. Quy hoạch ngành và quy hoạch tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải căn cứ vào Chiến lược và định hướng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội phải được làm trước, tất cả các quy hoạch chi tiết như quy hoạch xây dựng hay quy hoạch mặt bằng, quy hoạch vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi, quy hoạch khu công nghiệp ... phải căn cứ vào quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội.
3. Giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương, các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương đưa công tác quy hoạch vào nề nếp và tích cực triển khai xây dựng quy hoạch, rà soát và điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành và địa phương trên phạm vi cả nước. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, hướng dẫn nghiệp vụ trong việc tổ chức nghiên cứu, đôn đốc, kiểm tra thực hiện quy hoạch.
4. Yêu cầu tất cả các Bộ, ngành Trung ương, các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương phải xây dựng dự án quy hoạch phát triển dài hạn, trước mắt là xây dựng và hoàn chỉnh quy hoạch phát triển đến năm 2010.
Đối với những ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa xây dựng quy hoạch phát triển đến năm 2010, cần nhanh chóng triển khai nghiên cứu và hoàn thành vào năm 1999.
Đối với những ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành xây dựng quy hoạch và đã được phê duyệt, cần triển khai ngay việc rà soát, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình và yêu cầu mới.
Các Bộ, ngành Trung ương, các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương khi xây dựng mới hoặc điều chỉnh quy hoạch phát triển đều phải đảm bảo sự chỉ đạo thống nhất theo một số điểm chủ yếu dưới đây:
- Quy hoạch phải làm rõ tiềm năng, điều kiện, quan điểm, mục tiêu, phương hướng phát triển và các giải pháp thực hiện. Cần làm tốt công tác tổng kết công cuộc đổi mới về phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện chiến lược 10 năm (1991 - 2000) và kế hoạch 5 năm (1996 - 2000) để làm cơ sở cho việc xây dựng quy hoạch thời kỳ tới (theo sự hướng dẫn của Tiểu ban chỉ đạo xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ, văn bản số 44/BCS ngày 3 tháng 6 năm 1998 của Ban Cán sự đảng Chính phủ).
- Quy hoạch phát triển thời kỳ 2001 - 2010 lấy năm 2000 làm điểm xuất phát và tính toán cho các mốc năm 2005 và 2010. Vấn đề xây dựng kết cấu hạ tầng và bố trí sử dụng lãnh thổ phải nhìn xa tới năm 2020 hoặc dài hơn nữa.
- Đối với nội dung của quy hoạch phát triển yêu cầu các ngành, các địa phương tập trung tổng kết thời kỳ 1991 - 2000, 1996 - 2000 (năm 2000 phải ước thực hiện) và tính một số phương án quy hoạch phát triển đến năm 2010, trong đó tính toán cụ thể cho 5 năm đầu (2001 - 2005). Quy hoạch phát triển phải coi trọng yếu tố thị trường, tác động của khu vực và quốc tế, phát huy tối đa nguồn nội lực và khai thác hiệu quả nguồn lực từ bên ngoài. Các ngành, các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương cần tính toán đầy đủ nguồn nội lực để chủ động vươn lên, không trông chờ nhiều vào Trung ương và nguồn vốn bên ngoài; chủ động trong mọi tình huống để phát triển có hiệu qủa và bền vững theo chiến lược chung.
5. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển các ngành, các vùng kinh tế lớn, các vùng kinh tế trọng điểm. Đối với quy hoạch của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trọng điểm, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt những định hướng mang tính nguyên tắc, làm cơ sở cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trình quy hoạch đầy đủ để Hội đồng nhân dân thảo luận và thông qua. Để giúp Thủ tướng Chính phủ có căn cứ phê duyệt, Hội đồng thẩm định Nhà nước về các dự án đầu tư tổ chức việc thẩm định, đặc biệt chú trọng các vấn đề có tính liên ngành, liên vùng và làm đầy đủ thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.
Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh khác phải được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét và các Bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố trong cùng một vùng kinh tế lớn tham gia ý kiến để đảm bảo sự thống nhất về định hướng phát triển với quy hoạch vùng kinh tế lớn và quy hoạch ngành, trên cơ sở đó, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân thảo luận và thông qua.
Nội dung phê duyệt đối với các dự án quy hoạch là: định hướng phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xây dựng kết cấu hạ tầng, các chương trình và dự án đầu tư quan trọng, các giải pháp thực hiện quy hoạch.
6. Các Bộ, ngành Trung ương chủ trì nghiên cứu, xây dựng dự án quy hoạch tổng thể phát triển các vùng kinh tế lớn, các vùng phát triển kinh tế trọng điểm phải nhanh chóng rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với tình hình mới và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
7. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các ngành Trung ương và các địa phương xây dựng kế hoạch hàng năm và 5 năm phù hợp với quy hoạch của cả nước, làm cho công tác quy hoạch có tác dụng thiết thực, đạt hiệu qủa.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính có kế hoạch bố trí vốn hàng năm cho công tác quy hoạch./.