CHỈ THỊ
Về việc tăng cường công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật
_____________________
Kể từ khi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (viết tắt QPPL) của HĐND, UBND có hiệu lực pháp luật, công tác thẩm định văn bản QPPL đã được Ủy ban Nhân dân các cấp triển khai, thực hiện tương đối nghiêm túc, nhiều dự thảo văn bản QPPL trước khi ban hành được cơ quan Tư pháp cùng cấp thẩm định bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất với hệ thống pháp luật, hạn chế những sai sót về thẩm quyền, hình thức, nội dung và kỹ thuật soạn thảo văn bản. Tuy nhiên, công tác thẩm định văn bản QPPL vẫn còn nhiều bất cấp, hạn chế. Từ ngày 01/4/2005 đến 31/12/2007, tại cấp tỉnh chỉ có 190 văn bản QPPL trong tổng số 345 văn bản QPPL ban hành được thực hiện thẩm định (đạt 55%); ở cấp huyện, trong tổng số 721 văn bản QPPL ban hành chỉ có 226 văn bản QPPL được thẩm định (đạt 31%); những hồ sơ văn bản gửi thẩm định thường gặp các sai sót như không bảo đảm đúng thủ tục, thời gian gửi hồ sơ thẩm định; không ít dự thảo văn bản quy phạm pháp luật không đúng với quy định của cấp trên; kỹ thuật soạn thảo, bố cục của nhiều dự thảo văn bản QPPL không đúng với hướng dẫn của Thông tư liên tịch số 55/2005/TTLT-BNV- VPCP của Bộ Nội vụ và Văn phòng Chính phủ; một số cơ quan soạn thảo đã không tiếp thu đầy đủ kết quả thẩm định của cơ quan Tư pháp nhưng không có văn bản giải trình, báo cáo cơ quan có thẩm quyền ban hành biết ý kiến khác nhau giữa cơ quan trưng cầu thẩm định và cơ quan thẩm định; trình tự, thủ tục xem xét, thông qua dự thảo văn bản QPPL vẫn chưa thực hiện đúng theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND; kinh phí bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản QPPL theo quy định của Liên bộ Tài chính-Bộ Tư pháp và UBND tỉnh vẫn không được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc (nhất là cấp huyện, cấp xã). Để khắc phục tình trạng nêu trên, Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu:
1. Các cơ quan, đơn vị được giao soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật có trách nhiệm gửi hồ sơ thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật cho cơ quan tư pháp cùng cấp theo đúng quy định về thủ tục hồ sơ, thời gian gửi hồ sơ quy định tại các Điều 24, Điều 38 (đối với cấp tỉnh) và Điều 42 (đối với cấp huyện) của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND.
Thực hiện Điều 21 Nghị định số 91/2006/NĐ-CP ngày 06/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND, Văn phòng UBND tỉnh chỉ trình hồ sơ để UBND tỉnh xem xét đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh do UBND tỉnh trình, dự thảo Quyết định QPPL, dự thảo Chỉ thị QPPL của UBND tỉnh khi có văn bản thẩm định của Sở Tư pháp. Tương tự, tại cấp huyện, Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện chỉ trình hồ sơ dự thảo văn bản QPPL của UBND khi có văn bản thẩm định của Phòng Tư pháp.
2. Cơ quan tư pháp cấp tỉnh, cấp huyện phải thực hiện công tác thẩm định theo đúng quy định về phạm vi thẩm định và thời gian thẩm định được quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND và Nghị định số 91/2006/NĐ-CP của Chính phủ.
3. Hàng năm, Sở Tư pháp có trách nhiệm tổ chức các hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác văn bản nói chung hoặc theo các chuyên đề: soạn thảo, thẩm định, kiểm tra, rà soát văn bản QPPL cho đội ngũ cán bộ Văn phòng HĐND và UBND, cán bộ Tư pháp, các cộng tác viên kiểm tra văn bản QPPL cấp huyện.
4. HĐND, UBND thành phố Huế và các huyện cần tăng cường hoặc bổ sung biên chế chuyên trách công tác văn bản cho Phòng Tư pháp và bảo đảm kinh phí cho công tác xây dựng văn bản QPPL theo đúng quy định tại Quyết định số 245/2008/QĐ-UBND ngày 25/01/2008 của UBND tỉnh về quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản.
5. Hàng năm, Sở Tư pháp có trách nhiệm tổng hợp báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh về việc thực hiện Chỉ thị này./.