Sign In

THÔNG TƯ

Quy định Danh mục sản phẩm công nghệ thông tin

đã qua sử dụng cấm nhập khẩu

_____________

 

Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài;

Căn cứ Nghị định số 71/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Công nghệ thông tin về công nghiệp công nghệ thông tin;

Căn cứ Nghị định số 187/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông; Nghị định số 50/2011/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2011 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 187/2007/NĐ-CP;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin;

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư quy định Danh mục sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng cấm nhập khẩu,

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

a) Ban hành kèm theo Thông tư này Danh mục sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng cấm nhập khẩu tại Phụ lục số 01 kèm theo (sau đây gọi tắt là Danh mục cấm nhập khẩu);

b) Quy định áp dụng đối với Danh mục cấm nhập khẩu.

2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động nhập khẩu hàng hóa thuộc Danh mục cấm nhập khẩu tại Việt Nam.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Dịch vụ sửa chữa, làm mới, sản xuất làm mới sản phẩm công nghệ thông tin là một hoặc một số hoạt động sau: thay thế linh kiện, lắp ráp, sửa chữa, phục hồi, nâng cấp chức năng, làm mới các máy móc, thiết bị công nghệ thông tin đã qua sử dụng.

2. Sản phẩm công nghệ thông tin được tân trang, làm mới, sản xuất làm mới là sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng được sửa chữa, thay thế linh kiện, phục hồi chức năng và hình thức tương đương với sản phẩm mới cùng chủng loại.

Chương II

QUY ĐỊNH ÁP DỤNG DANH MỤC CẤM NHẬP KHẨU

Điều 3. Các quy định áp dụng Danh mục cấm nhập khẩu

1. Danh mục được lập dựa trên cơ sở Danh mục hàng hóa và Mã số H.S trong Biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu.

Danh mục chỉ cấm nhập khẩu những hàng hóa có mã số H.S 8 số. Những mã H.S 4 số và 6 số trong Danh mục cấm nhập khẩu chỉ có tác dụng làm rõ nội dung thông tin về chủng loại hàng hóa được quy định cấm bởi mã HS 8 số.

2. Linh kiện, phụ tùng, cụm linh kiện, phụ tùng đã qua sử dụng của các loại sản phẩm thuộc Danh mục cấm nhập khẩu cũng bị cấm nhập khẩu.

3. Danh mục này được xem xét bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với tình hình phát triển của công nghệ thông tin và các quy định khác của pháp luật.

4. Sản phẩm được tân trang, làm mới phải có dấu hiệu, nhãn hiệu bằng tiếng Việt (tân trang, tái sản xuất, làm mới, tái sử dụng) hoặc bằng tiếng Anh (refurbished, remanufactured, renew, recycled, reused) trên bao bì.

5. Trường hợp nhập khẩu theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Thông tư này, phải tuân thủ các quy định sau:

a) Toàn bộ sản phẩm sau quá trình sửa chữa, làm mới hoặc sản xuất làm mới phải tái xuất. Phế liệu, phế thải phát sinh trong quá trình sản xuất phải được xử lý theo quy định của pháp luật về môi trường hoặc tái xuất cùng sản phẩm;

b) Định kỳ hàng năm, tổ chức, cá nhân báo cáo số lượng hàng nhập khẩu, tái xuất, tồn kho (theo mẫu tại Phụ lục số 02 của Thông tư này) và bản sao Tờ khai xuất khẩu, nhập khẩu về Bộ Thông tin và Truyền thông;

c) Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các cơ quan có liên quan kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất trong quá trình thực hiện.

6. Trường hợp nhập khẩu theo quy định tại Khoản 8 Điều 4 Thông tư này phải tuân thủ các quy định sau:

a) Định kỳ hàng năm, tổ chức, cá nhân báo cáo số lượng hàng nhập khẩu, xuất khẩu, phân phối trong nước, tồn kho (theo mẫu tại Phụ lục số 03 của Thông tư này) và bản sao Tờ khai xuất khẩu, nhập khẩu về Bộ Thông tin và Truyền thông;

b) Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các cơ quan có liên quan kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất trong quá trình thực hiện.

Điều 4. Các trường hợp không áp dụng Danh mục cấm nhập khẩu

1. Nhập khẩu để làm dịch vụ sửa chữa, làm mới hoặc sản xuất làm mới và tái xuất khẩu sản phẩm sau quá trình sản xuất.

2. Nhập khẩu để làm phương tiện sản xuất trực tiếp hoặc làm mẫu phục vụ hoạt động thiết kế, nghiên cứu - phát triển (R&D).

3. Tái nhập khẩu sau khi đưa ra nước ngoài để bảo hành, bảo trì hoặc sửa chữa, làm mới.

4. Nhập khẩu theo hình thức di chuyển phương tiện sản xuất trong cùng một cơ quan, tổ chức.

5. Nhập khẩu sản phẩm công nghệ thông tin chuyên dụng, với tính năng đặc biệt phục vụ cho các chuyên ngành cụ thể như đo lường, tự động hóa, trang thiết bị y tế, sinh học và các ngành khác, có thời hạn kể từ ngày sản xuất đến ngày mở Tờ khai Hải quan không quá 03 năm.

6. Nhập khẩu để làm phương tiện sản xuất, điều khiển, vận hành, khai thác, kiểm tra hoạt động của một phần hoặc toàn bộ hệ thống, dây chuyền sản xuất.

7. Nhập khẩu sản phẩm công nghệ thông tin đã được tân trang, làm mới, sản xuất làm mới để phục vụ sản xuất thuộc dự án cụ thể, khi thực hiện dự án mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội hoặc phục vụ mục đích an ninh, quốc phòng.

8. Nhập khẩu hộp mực đã in qua sử dụng, sau khi sửa chữa, làm mới hoặc sản xuất làm mới để cung cấp, phân phối tại thị trường trong nước hoặc tái xuất.

9. Nhập khẩu phục vụ cho các mục đích đặc biệt khác thì thực hiện theo hướng dẫn đối với từng trường hợp cụ thể của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 5. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2012.

2. Thông tư này thay thế Thông tư số 43/2009/TT-BTTTT ngày 30 tháng 12 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Danh mục sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng cấm nhập khẩu và các văn bản hướng dẫn trước đây của Bộ Thông tin và Truyền thông trái với Thông tư này.

3. Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định trong hoạt động nhập khẩu sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật về vi phạm trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.

Điều 6. Tổ chức thực hiện

1. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan, tổ chức, cá nhân nêu tại Điều 1 chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phản ánh về Bộ Thông tin và Truyền thông để kịp thời giải quyết.

Bộ Thông tin và Truyền thông

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Bắc Son