THÔNG TƯ
Hướng dẫn thi hành quy chế hành nghề tư vấn pháp luật của
tổ chức luật sư nước ngoài tại Việt Nam
_______________
Căn cứ Điều 2 của Nghị định số 42/CP ngày 8 tháng 7 năm 1995 của Chính phủ ban hành quy chế hành nghề tư vấn pháp luật của tổ chức luật sư nước ngoài tại Việt Nam (sau đây gọi tắt là Quy chế).
Sau khi trao đổi ý kiến với các Bộ, ngành hữu quan.
Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành một số quy định của Quy chế như sau:
1. Về đối tượng được xét cấp Giấy phép đặt Chi nhánh tổ chức luật sư nước ngoài (sau đây gọi tắt là Chi nhánh).
1.1. Đối tượng được xét cấp giấy phép đặt Chi nhánh tại Việt Nam là các tổ chức luật sư nước ngoài có đơn xin phép đặt chi nhánh gửi Bộ Tư pháp theo quy định của Quy chế.
1.2. Tổ chức luật sư nước ngoài quy định tại Quy chế là tổ chức hành nghề tư vấn pháp luật của nước ngoài được thành lập và đang hoạt động phù hợp với pháp luật của nước nơi đặt trụ sở chính của tổ chức đó.
2. Về điều kiện cấp Giấy phép đặt Chi nhánh.
2.1. Tổ chức luật sư nước ngoài muốn được cấp giấy phép đặt chi nhánh tại Việt Nam phải có đủ các điều kiện quy định tại Điều 6 của Quy chế.
2.2. Khách hàng nước ngoài hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam quy định tại điểm 1 Điều 6 của Quy chế bao gồm:
a. Cá nhân, tổ chức nước ngoài đang hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
b. Cá nhân tổ chức nước ngoài đang xúc tiến dự án đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
3. Về thủ tục cấp Giấy phép đặt Chi nhánh.
3.1. Tổ chức luật sư nước ngoài muốn đặt Chi nhánh tại Việt Nam phải gửi Bộ Tư pháp hai bộ hồ sơ, mỗi bộ hồ sơ gồm có:
a. Đơn xin phép đặt Chi nhánh do người đứng đầu của tổ chức luật sư nước ngoài ký tên (Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này);
b. Các giấy tờ kèm theo quy định tại Điều 11 của Quy chế.
3.2. Trong trường hợp tổ chức luật sư nước ngoài muốn đặt hai chi nhánh, thì phải làm thủ tục xin phép riêng đối với mỗi Chi nhánh.
3.3. Tên của Chi nhánh phải bao gồm tên của tổ chức luật sư nước ngoài và tên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi được phép đặt Chi nhánh. Trong trường hợp hai Chi nhánh được đặt tại một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì tên gọi của Chi nhánh phải kèm theo số I hoặc II.
3.4. Vụ quản lý luật sư, tư vấn pháp luật, Bộ Tư pháp ký nhận hồ sơ xin đặt Chi nhánh của tổ chức luật sư nước ngoài.
3.5. Khi nộp hồ sơ xin phép đặt Chi nhánh, tổ chức luật sư nước ngoài phải nộp lệ phí theo quy định của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp.
4. Về đăng ký hành nghề
4.1. Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày được cấp giấy phép, Chi nhánh phải đăng ký hành nghề tại Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi được phép đặt trụ sở.
Mỗi Chi nhánh chỉ được có một trụ sở tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi được phép đặt Chi nhánh.
4.2. Hồ sơ đăng ký hành nghề bao gồm các giấy tờ sau đây:
a. Giấy xin đăng ký hành nghề theo mẫu do Bộ Tư pháp ban hành;
b. Bản sao Giấy phép đặt Chi nhánh;
c. Bản sao hợp đồng và các giấy tờ khác có liên quan đến việc thuê nhà để đặt trụ sở của Chi nhánh theo quy định của pháp luật Việt Nam;
d. Bản sao hợp đồng và các giấy tờ khác liên quan đến việc thuê nhân viên phục vụ là công dân Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Các bản sao nói tại điểm này phải có chứng nhận của Công chứng Nhà nước Việt Nam.
4.3. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp phải hoàn thành thủ tục đăng ký và cấp Giấy đăng ký hành nghề cho Chi nhánh.
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày cấp Giấy đăng ký hành nghề cho Chi nhánh. Sở Tư pháp gửi một bảo sao Giấy đăng ký hành nghề cho Bộ Tư pháp.
4.4. Việc đăng ký hành nghề quá thời hạn quy định tại Điều 14 của Quy chế chỉ được thực hiện, nếu có lý do chính đáng được Bộ Tư pháp chấp thuận. Chi nhánh phải làm đơn trình bày rõ lý do chậm đăng ký hành nghề gửi Bộ Tư pháp.
Bộ Tư pháp chỉ xét đơn xin đăng ký hành nghề quá hạn, nếu đơn được gửi chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày hết hạn đăng ký.
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đơn, Bộ Tư pháp xem xét và thông báo bằng văn bản về việc chấp thuận hoặc không chấp thuận cho đăng ký quá hạn.
5. Về thủ tục thay đổi nội dung Giấp phép, gia hạn hoạt động cho Chi nhánh.
5.1. Việc thay đổi nội dung giấy phép đặt Chi nhánh bao gồm những điểm sau đây:
a. Thay đổi tên gọi;
b. Thay đổi trụ sở;
c. Thay đổi người đại diện;
d. Thay đổi danh sách luật sư;
e. Thay đổi nội dung và lĩnh vực hành nghề.
Chi nhánh muốn thay đổi nội dung Giấy phép đặt Chi nhánh phải làm đơn gửi Bộ Tư pháp; trong đơn phải ghi rõ nội dung thay đổi, lý do xin thay đổi.
5.1.1. Chi nhánh chỉ thay đổi tên gọi trong trường hợp tổ chức luật sư nước ngoài đã thay đổi tên gọi phù hợp với pháp luật của nước nơi thành lập tổ chức luật sư đó.
5.1.2. Trong trường hợp thay đổi địa điểm đặt trụ sở trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi được phép đặt Chi nhánh, thì Chi nhánh phải đăng ký trụ sở mới tại Sở Tư pháp. Khi đăng ký phải nộp bản sao hợp đồng và các giấy tờ khác liên quan đến việc thuê trụ sở mới.
Việc thay đổi trụ sở chỉ được thực hiện sau khi đăng ký trụ sở mới.
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày đăng ký trụ sở mới, Chi nhánh phải thông báo địa chỉ đặt trụ sở mới cho Bộ Tư pháp.
Trong trường hợp thay đổi trụ sở từ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi được phép đặt Chi nhánh sang tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác, thì Chi nhánh phải làm đơn xin phép Bộ Tư pháp, trong đó nêu rõ lý do xin thay đổi trụ sở.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày Bộ Tư pháp quyết định cho phép thay đổi trụ sở. Chi nhánh phải làm thủ tục đăng ký hành nghề tại Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt trụ sở mới theo quy định tại Điều 14 của Quy chế và hướng dẫn tại điểm 4 của Thông tư này.
5.1.3. Chi nhánh muốn thay đổi người đại diện thì kèm theo đơn xin phép phải có văn bản của tổ chức luật sư nước ngoài uỷ nhiệm luật sư thay thế làm người đại diện.
5.1.4. Chi nhánh muốn thay đổi, bổ sung luật sư vào danh sách luật sư hành nghề trong Chi nhánh, thì kèm theo đơn xin phép phải có lý lịch tư pháp, lý lịch nghề nghiệp, bản sao Giấy phép hành nghề của luật sư dự kiến bổ sung.
5.1.5. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đơn và các giấy tờ kèm theo. Bộ Tư pháp quyết định cho phép hoặc từ chối việc xin thay đổi nội dung Giấy phép. Quyết định cho phép thay đổi nội dung Giấy phép được cấp cho Chi nhánh một bản và gửi Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi Chi nhánh đặt trụ sở một bản.
5.2. Chậm nhất 60 ngày, trước khi hết hạn hoạt động ghi trong Giấy phép nếu Chi nhánh muốn gia hạn hoạt động phải gửi Bộ Tư pháp một bộ hồ sơ, gồm có:
a. Đơn xin gia hạn hoạt động của Chi nhánh do người đứng đầu tổ chức luật sư nước ngoài ký tên;
b. Báo cáo tóm tắt hoạt động của Chi nhánh trong thời hạn hoạt động tại Việt Nam.
Bộ Tư pháp có văn bản đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi Chi nhánh đặt trụ sở cho biết ý kiến về việc gia hạn hoạt động cho Chi nhánh.
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản nói trên của Bộ Tư pháp, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có văn bản gửi Bộ Tư pháp nêu rõ ý kiến của mình về việc gia hạn hoạt động cho Chi nhánh.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ về việc xin gia hạn hoạt động của Chi nhánh. Bộ Tư pháp quyết định cho phép hoặc từ chối gia hạn hoạt động của Chi nhánh.
Quyết định gia hạn hoạt động được làm thành 03 bản, một bản cấp cho đương sự, một bản gửi Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi chi nhánh đặt trụ sở và một bản lưu.
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định gia hạn hoạt động. Chi nhánh phải đăng ký gia hạn hoạt động tại Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi Chi nhánh đặt trụ sở.
Khi đăng ký gia hạn hoạt động, Chi nhánh phải nộp bản sao Quyết định gia hạn hoạt động có chứng nhận của Công chứng Nhà nước Việt Nam.
6. Về quyền, nghĩa vụ của Chi nhánh, của luật sư nước ngoài.
6.1. Chi nhánh được tư vấn về pháp luật nước ngoài và pháp luật quốc tế trong lĩnh vực kinh doanh, đầu tư, thương mại cho khách hàng nước ngoài, khách hàng Việt Nam.
6.2. Luật sư nước ngoài của Chi nhánh không được tư vấn về pháp luật Việt Nam, bao gồm:
a. Giải thích, diễn giải các quy định của pháp luật Việt Nam;
b. Đưa ra ý kiến về việc áp dụng pháp luật Việt Nam;
c. Soạn thảo hợp đồng và các văn bản khác có nội dung áp dụng các quy định của pháp luật Việt Nam;
d. Các hình thức tư vấn khác về pháp luật Việt Nam.
Khi khách hàng yêu cầu thực hiện công việc tư vấn quy định tại điểm này, Chi nhánh phải ký kết hợp đồng với tổ chức tư vấn pháp luật Việt Nam để luật sư tư vấn Việt Nam thực hiện việc tư vấn đó. ý kiến tư vấn về pháp luật Việt Nam của luật sư tư vấn Việt Nam phải được thực hiện bằng văn bản có chữ ký của luật sư và xác nhận của tổ chức tư vấn pháp luật Việt Nam.
6.3. Công dân Việt Nam muốn tập sự hành nghề tư vấn pháp luật tại Chi nhánh phải có đủ các điều kiện sau đây:
a. Có bằng cử nhân luật;
b. Có tư cách đạo đức tốt;
c. Không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người đang chấp hành hình phạt hoặc người chưa được xoá án.
Chi nhánh muốn nhận công dân Việt Nam tập sự hành nghề tư vấn pháp luật tại Chi nhánh phải gửi Sở Tư pháp 2 bộ hồ sơ cá nhân của người được dự kiến nhận tập sự, gồm các giấy tờ sau đây:
a. Bản sao bằng cử nhân luật có chứng nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam;
b. Sơ yếu lý lịch có xác nhận của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi thường trú;
c. Lý lịch tư pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Sở Tư pháp xem xét, đối chiếu với các điều kiện đã quy định và trả lời bằng văn bản chấp thuận hay không chấp thuận việc nhận người tập sư của Chi nhánh.
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo không chấp thuận, người xin tập sự tại Chi nhánh có thể gửi đơn khiếu nại đến Bộ Tư pháp.
Trong thời hạn 30 ngày, Bộ Tư pháp xem xét khiếu nại và thông báo cho người khiếu nại về quyết định giải quyết khiếu nại.
Chi nhánh tổ chức luật sư nước ngoài chỉ được ký hợp đồng nhận công dân Việt Nam tập sự sau khi có văn bản chấp thuận của Sở Tư pháp.
Hình thức, nội dung và thủ tục ký kết hợp đồng tập sự phải phù hợp với pháp luật về lao động.
Thời hạn tập sự của công dân Việt Nam tại Chi nhánh là 2 năm và có thể gia hạn, nhưng thời hạn tập sự không quá 3 năm.
6.4. Luật sư của Chi nhánh phải mua bảo hiểm trách nhiệm cho việc hành nghề tư vấn pháp luật tại Việt Nam tại Tổng công ty Bảo hiểm Việt Nam.
6.5. Chi nhánh theo hướng dẫn của Bộ Tài chính phải đăng ký nộp thuế tại Cục thuế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt trụ sở của Chi nhánh.
6.6. Chi nhánh được có con dấu riêng, ghi rõ tên của Chi nhánh, tên tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt trụ sở theo quy định của Bộ Nội vụ.
7. Về chế độ báo cáo, kiểm tra.
7.1. Định kỳ 6 tháng và hàng năm Chi nhánh phải báo cáo về tổ chức và hoạt động của mình (Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này) cho Bộ Tư pháp và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi Chi nhánh đặt trụ sở.
7.2. Khi cần thiết, Bộ Tư pháp tiến hành kiểm tra hoặc phối hợp với Bộ ngành hữu quan, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành kiểm tra.
Việc kiểm tra được thông báo cho Chi nhánh 15 ngày trước ngày tiến hành kiểm tra.
Khi có dấu hiệu chi nhánh hoặc luật sư của Chi nhánh vi phạm pháp luật Việt Nam, Bộ Tư pháp có thể quyết định kiểm tra đột xuất.
7.3. Chi nhánh phải chấp hành nghiêm chỉnh quyết định kiểm tra và tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiến hành kiểm tra.
8. Về điều khoản thi hành
Tổ chức luật sư nước ngoài đã được phép đặt Văn phòng đại diện tại Việt Nam, nếu có nguyện vọng hành nghề tư vấn pháp luật tại Việt Nam thì phải làm đầy đủ thủ tục xin phép đặt chi nhánh theo quy định của Quy chế và hướng dẫn tại Thông tư này; nếu trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày ban hành Quy chế mà tổ chức luật sư nước ngoài không nộp hồ sơ xin phép đặt Chi nhánh cho Bộ Tư pháp, thì Văn phòng đại diện của tổ chức luật sư nước ngoài đó phải chấm dứt hoạt động.
Trong trường hợp tổ chức luật sư nước ngoài có hồ sơ xin phép đặt chi nhánh gửi Bộ Tư pháp trong thời hạn quy định, thì Văn phòng đại diện của tổ chức luật sư nước ngoài đó phải chấm dứt hoạt động ngay sau khi có quyết định của Bộ Tư pháp về việc cấp hoặc từ chối cấp giấy phép đặt Chi nhánh.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày ký.