• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/04/1993
  • Ngày hết hiệu lực: 04/01/2005
CHÍNH PHỦ
Số: 26-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thành phố Huế, ngày 23 tháng 5 năm 1993

NGHỊ ĐỊNH

Quy định tạm thời chế độ tiền lương mới trong các doanh nghiệp

 

CHÍNH PHỦ

Căn cứ luật tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

Căn cứ Nghị quyết kỳ họp thứ hai, Quốc hội khoá IX;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội;

 

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành tạm thời chế độ tiền lương mới áp dụng thống nhất đối với các doanh nghiệp trong cả nước, thay thế chế độ tiền lương quy định tại Nghị định số 235-HĐBT ngày 18-9-1985.

Điều 2. Mức lương tối thiểu là 120.000 đồng/tháng. Mức lương tối thiểu này làm căn cứ để tính các mức lương khác của hệ thống thang lương, bảng lương, mức phụ cấp lương và để trả công đối với những người làm công việc đơn giản nhất trong điều kiện lao động bình thường.

Các mức lương và phụ cấp lương được điều chỉnh từng bước phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội.

Điều 3. Ban hành kèm theo Nghị định này các hệ thống thang lương, bảng lương áp dụng trong các doanh nghiệp như sau:

1. Hệ thống thang lương công nhân.

2. Hệ thống bảng lương công nhân, nhân viên trực tiếp sản xuất kinh doanh và phục vụ.

3. Bảng lương viên chức chuyên môn nghiệp vụ và phụ cấp chức vụ lãnh đạo.

4. Bảng lương chức vụ quản lý doanh nghiệp.

Điều 4. Ngoài hệ thống thang lương, bảng lương quy định tại Điều 3 của Nghị định này còn quy định các khoản phụ cấp lương sau:

1. Phụ cấp khu vực: áp dụng đối với những nơi xa xôi hẻo lánh có nhiều khó khăn và khí hậu xấu.

Phụ cấp gồm 7 mức: 0,1; 0,2; 0,3; 0,4; 0,5; 0,7 và 1,0 so với mức lương tối thiểu.

2. Phụ cấp độc hại, nguy hiểm: áp dụng đối với nghề hoặc công việc có điều kiện lao động độc hại, nguy hiểm chưa được xác định trong mức lương.

Phụ cấp gồm 4 mức: 0,1; 0,2; 0,3 và 0,4 so với mức lương tối thiểu.

3. Phụ cấp trách nhiệm: áp dụng đối với một số nghề hoặc công việc đòi hỏi trách nhiệm cao hoặc phải kiêm nhiệm công tác quản lý không thuộc chức vụ lãnh đạo.

Phụ cấp gồm 3 mức: 0,1; 0,2 và 0,3 so với mức lương tối thiểu.

4. Phụ cấp làm đêm: áp dụng đối với công nhân, viên chức làm việc từ 22 giờ đến 6 giờ sáng.

Phụ cấp gồm 2 mức:

30% tiền lương cấp bậc hoặc chức vụ đối với công việc không thường xuyên làm việc ban đêm;

40% tiền lương cấp bậc hoặc chức vụ đối với công việc thường xuyên làm việc theo ca (chế độ làm việc 3 ca) hoặc chuyên làm việc ban đêm;

5. Phụ cấp thu hút: áp dụng đối với công nhân, viên chức đến làm việc ở những vùng kinh tế mới, cơ sở kinh tế và đảo xa đất liền có điều kiện sinh hoạt đặc biệt khó khăn do chưa có cơ sở hạ tầng.

Phụ cấp gồm 4 mức: 20%, 30%, 50% và 70% mức lương cấp bậc hoặc chức vụ.

Thời gian hưởng từ 3 đến 5 năm.

6. Phụ cấp đắt đỏ: áp dụng đối với nơi có chỉ số giá sinh hoạt (lương thực, thực phẩm, dịch vụ) cao hơn chỉ số giá sinh hoạt bình quân chung của cả nước từ 10% trở lên.

Phụ cấp gồm 5 mức: 0,1; 0,15; 0,2; 0,25 và 0,3 so với mức lương tối thiểu.

Phụ cấp lưu động: áp dụng đối với một số nghề hoặc công việc phải thường xuyên thay đổi địa điểm làm việc và nơi ở.

Phụ cấp gồm 3 mức: 0,2; 0,4 và 0,6 so với mức lương tối thiểu.

Điều 5. Khi làm thêm ngoài giờ tiêu chuẩn quy định, thì giờ làm thêm được trả bằng 150% tiền lương giờ tiêu chuẩn nếu làm thêm vào ngày thường; được trả bằng 200% tiền lương giờ tiêu chuẩn nếu làm thêm vào ngày nghỉ hàng tuần hoặc ngày lễ.

Điều 6. Thời gian thử việc hoặc tập sự được trả ít nhất bằng 70% mức lương của nghề hoặc công việc được thoả thuận trong hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động.

Điều 7. Bãi bỏ các chế độ bù tiền điện, tiền học, tiền nhà ở, hệ số trượt giá và chế độ thanh toán tiền tàu xe đi làm việc hàng ngày và đi phép hàng năm (trừ một số đối tượng giao cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể).

Đối với chế độ đặc thù của một số ngành nghề, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính rà soát lại trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Điều 8. Việc thực hiện chế độ tiền lương phải bảo đảm những nguyên tắc sau:

Làm công việc gì, chức vụ gì, hưởng lương theo công việc đó, chức vụ đó thông qua hợp đồng lao động và thoả ước lao động tập thể.

Đối với công nhân và nhân viên trực tiếp sản xuất kinh doanh, cơ sở để xếp lương là tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật; đối với viên chức là tiêu chuẩn nghiệp vụ chuyên môn; đối với chức vụ quản ký doanh nghiệp là tiêu chuẩn xếp hạng doanh nghiệp theo độ phức tạp về quản lý và hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Việc trả lương phải theo kết quả sản xuất kinh doanh và doanh nghiệp phải bảo đảm các nghĩa vụ đối với Nhà nước không được thấp hơn mức quy định hiện hành. Nhà nước không hỗ trợ ngân sách để thực hiện chế độ tiền lương mới.

Điều 9. Hệ thống thang lương, bảng lương và phụ cấp lương quy định tại Điều 3, Điều 4 của Nghị định này là căn cứ để tính đơn giá tiền lương và xác định lợi tức chịu thuế của doanh nghiệp.

Việc tính toán và đăng ký đơn giá tiền lương, các doanh nghiệp phải thực hiện theo hướng dẫn của Liên bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính.

Riêng sản phẩm trọng yếu, sản phẩm đặc thù, sản phẩm do Nhà nước định giá, thì đơn giá tiền lương phải theo quy định của Nhà nước.

Điều 10. Người lao động và Chủ doanh nghiệp có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo qui định của Nhà nước.

Điều 11. Bộ Lao động - Thương binh và xã hội ban hành và thống nhất quản lý danh mục nghề, tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật công nhân, tiêu chuẩn nghiệp vụ chuyên môn của viên chức trong các doanh nghiệp.

Riêng tiêu chuẩn xếp hạng doanh nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan quy định cụ thể và hướng dẫn thi hành; đối với hạng đặc biệt của doanh nghiệp liên Bộ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính hướng dẫn việc chuyển xếp từ lương cũ sang lương mới; hướng dẫn trả lương đối với chức vụ quản lý doanh nghiệp Nhà nước theo bảng lương chức vụ và chế độ tiền thưởng theo hiệu quả sản xuất kinh doanh đối với các doanh nghiệp đã đăng ký theo Nghị định số 388-HĐBT ngày 20-11-1991; ban hành sổ lương và thu nhập của lao động trong các doanh nghiệp.

Điều 12. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1 tháng 4 năm 1993.

Các quy định về tiền lương phụ cấp, trợ cấp trái với những quy định của Nghị định này đề bãi bỏ.

Điều 13. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm hướng dẫn thi hành Nghị định này.

Điều 14. - Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

 

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Võ Văn Kiệt

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.