• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 02/01/2008
QUỐC HỘI
Số: 11/2007/QH12
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thừa Thiên Huế, ngày 21 tháng 11 năm 2007

NGHỊ QUYẾT

Về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XII (2007-2011) và năm 2008

_______________________

QUỐC HỘI NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;

Căn cứ Luật tổ chức Quốc hội;

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

Sau khi xem xét Tờ trình số 71/TTr-UBTVQH12 ngày 12 tháng 11 năm 2007 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XII (2007-2011) và năm 2008 và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XII gồm 128 dự án luật, pháp lệnh, trong đó có 93 dự án thuộc Chương trình chính thức (gồm 83 dự án luật, 10 dự án pháp lệnh) và 35 dự án luật thuộc Chương trình chuẩn bị (theo Danh mục số 1).

Điều 2. Thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2008 gồm 54 dự án luật, pháp lệnh, trong đó có 44 dự án thuộc Chương trình chính thức (gồm 36 dự án luật, 08 dự án pháp lệnh) và 10 dự án luật thuộc Chương trình chuẩn bị (theo Danh mục số 2).

Điều 3. Giao Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ đạo việc triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XII, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2008; trình Quốc hội Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm tại kỳ họp cuối năm của năm trước. Trong trường hợp thật cần thiết, Ủy ban thường vụ Quốc hội có thể điều chỉnh, bổ sung Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và kịp thời báo cáo Quốc hội.

Điều 4. Để thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XII và năm 2008, cần tập trung thực hiện các giải pháp sau đây:

1. Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các cơ quan khác, tổ chức có quyền trình dự án luật, pháp lệnh sớm thành lập hoặc củng cố Ban soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh; đổi mới quy trình chuẩn bị, xem xét dự án luật, pháp lệnh, dành thời gian hợp lý để thảo luận về các dự án; giữ mối quan hệ thường xuyên với Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội trong công tác xây dựng pháp luật;

2. Cơ quan soạn thảo, cơ quan, tổ chức trình dự án luật, pháp lệnh có kế hoạch bảo đảm thực hiện đúng quy trình, tiến độ và chất lượng chuẩn bị dự án; nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về thời hạn gửi dự án luật, pháp lệnh đến Chính phủ, cơ quan thẩm tra, Ủy ban thường vụ Quốc hội và Quốc hội;

3. Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo, cơ quan, tổ chức trình dự án luật, pháp lệnh nhằm nâng cao chất lượng thẩm tra; các Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội dành thời gian thỏa đáng để nghiên cứu, tổ chức thảo luận, cho ý kiến hoàn thiện dự thảo luật, pháp lệnh;

4. Ủy ban thường vụ Quốc hội có biện pháp bảo đảm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; tập trung chỉ đạo việc chuẩn bị, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, pháp lệnh; bảo đảm để các dự án trình thông qua được chuẩn bị kỹ cả về nội dung và kỹ thuật văn bản;

5. Tiếp tục củng cố bộ máy giúp việc về công tác xây dựng pháp luật của Chính phủ, các bộ, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đủ mạnh để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao; có kế hoạch thu hút các luật gia, chuyên gia, nhà khoa học vào quá trình soạn thảo, thẩm tra, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, pháp lệnh.

Nghị quyết này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 21 tháng 11 năm 2007./.

Chủ tịch Quốc hội

(Đã ký)

 

Nguyễn Phú Trọng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.