• Hiệu lực: Hết hiệu lực một phần
  • Ngày có hiệu lực: 01/01/2019
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Số: 26/2018/TT-BNNPTNT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thừa Thiên Huế, ngày 15 tháng 11 năm 2018

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ GIỐNG THỦY SẢN, THỨC ĂN THỦY SẢN, SẢN PHẨM XỬ LÝ MÔI TRƯỜNG NUÔI TRỒNG THỦY SẢN

n cứ Nghị định số 15/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Luật Thủy sản năm 2017;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản;

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư quy định về quản lý giống thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn một số nội dung quy định tại khoản 2 Điều 23, khoản 2 Điều 31 Luật Thủy sản, gồm:

1. Hướng dẫn kiểm tra điều kiện của cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản; hướng dẫn kiểm tra điều kiện của cơ sở sản xuất, mua bán, nhập khẩu thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản;

2. Hướng dẫn kiểm tra chất lượng giống thủy sản trong sản xuất, lưu thông trên thị trường; hướng dẫn kiểm tra chất lượng thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản trong sản xuất, lưu thông trên thị trường;

3. Quy định thời hạn sử dụng giống thủy sản bố mẹ;

4. Quy định đặt tên, sai số cho phép trong phân tích chất lượng, chỉ tiêu kỹ thuật phải công bố trong tiêu chuẩn công bố áp dụng của thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản;

5. Ban hành danh mục hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật cấm sử dụng trong thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản; danh mục hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, nguyên liệu sản xuất thức ăn được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam;

6. Quy định trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp kỹ thuật xử lý vi phạm chất lượng giống thủy sản; quy định trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp kỹ thuật xử lý thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản vi phạm quy định về chất lượng;

7. Hướng dẫn cập nhật thông tin về thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản trước khi lưu thông trên thị trường.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kinh doanh giống thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản trên lãnh thổ Việt Nam.

Chương II

KIỂM TRA ĐIỀU KIỆN CƠ SỞ SẢN XUẤT, ƯƠNG DƯỠNG GIỐNG THỦY SẢN VÀ CƠ SỞ SẢN XUẤT, MUA BÁN, NHẬP KHẨU THỨC ĂN THỦY SẢN, SẢN PHẨM XỬ LÝ MÔI TRƯỜNG NUÔI TRỒNG THỦY SẢN

Điều 3. Kiểm tra điều kiện cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản và cơ sở sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản

1. Hình thức kiểm tra: Thực hiện bằng hình thức đoàn kiểm tra.

2. Căn cứ thành lập đoàn kiểm tra:

a) Đề nghị của cơ sở đối với trường hợp cấp mới, cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện;

b) Thời gian kiểm tra duy trì điều kiện cơ sở đối với cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện.

3. Thành phần đoàn kiểm tra gồm: Trưởng đoàn và thành viên; chuyên gia tư vấn khi cần thiết.

4. Yêu cầu đối với trưởng đoàn: Là lãnh đạo cấp phòng trở lên hoặc công chức có ít nhất 05 năm kinh nghiệm về một trong các lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, giống thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản.

5. Yêu cầu đối với thành viên

Đoàn kiểm tra phải có ít nhất 01 thành viên đáp ứng yêu cầu sau:

a) Đã tham gia lớp tập huấn nghiệp vụ kiểm tra điều kiện cơ sở do Tổng cục Thủy sản tổ chức;

b) Thành viên đoàn kiểm tra điều kiện cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản phải có trình độ đại học trở lên một trong các lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, bệnh học thủy sản, sinh học, môi trường;

c) Thành viên đoàn kiểm tra điều kiện cơ sở sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản phải có trình độ đại học trở lên một trong các lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, bệnh học thủy sản, sinh học, hóa học, công nghệ thực phẩm, môi trường.

6. Yêu cầu đối với người lấy mẫu giống thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản: Đã tham gia lớp tập huấn nghiệp vụ về lấy mẫu giống thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản do Tổng cục Thủy sản tổ chức.

Điều 4. Kiểm tra điều kiện cơ sở mua bán, nhập khẩu thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản

1. Cơ quan kiểm tra: Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh kiểm tra điều kiện cơ sở mua bán, nhập khẩu thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản trên địa bàn.

2. Hình thức kiểm tra: Thực hiện đồng thời với hoạt động kiểm tra chất lượng sản phẩm lưu thông trên thị trường theo quy định tại Điều 7 Thông tư này.

3. Nội dung kiểm tra: Theo quy định tại Điều 33 Luật Thủy sản.

Điều 5. Tập huấn nghiệp vụ kiểm tra điều kiện cơ sở và lấy mẫu

1. Tổng cục Thủy sản tổ chức tập huấn nghiệp vụ kiểm tra điều kiện cơ sở và lấy mẫu giống thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản cho cán bộ thuộc cơ quan kiểm tra.

2. Nội dung tập huấn nghiệp vụ kiểm tra điều kiện cơ sở gồm: Quy định về điều kiện cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản, điều kiện cơ sở sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản; tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến giống thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản; hệ thống quản lý chất lượng, an toàn sinh học.

3. Nội dung tập huấn nghiệp vụ lấy mẫu gồm: Quy định liên quan đến lĩnh vực kiểm tra, đối tượng kiểm tra; tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật về bảo đảm an toàn cho người lấy mẫu, phương pháp lấy mẫu, bảo quản mẫu; thực hành lấy mẫu tại cơ sở.

Chương III

KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG GIỐNG THỦY SẢN, THỨC ĂN THỦY SẢN, SẢN PHẨM XỬ LÝ MÔI TRƯỜNG NUÔI TRỒNG THỦY SẢN

Điều 6. Kiểm tra chất lượng giống thủy sản trong sản xuất, ương dưỡng; kiểm tra chất lượng thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản trong sản xuất

1. Cơ quan kiểm tra

a) Tổng cục Thủy sản: Kiểm tra chất lượng giống thủy sản bố mẹ; kiểm tra chất lượng thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản đối với nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

b) Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh: Kiểm tra chất lượng giống thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản trên địa bàn, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này; kiểm tra chất lượng giống thủy sản bố mẹ hoặc kiểm tra thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản đối với nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài khi được Tổng cục Thủy sản ủy quyền.

2. Căn cứ kiểm tra:

a) Quy định tại Điều 32 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa;

b) Tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật, quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

3. Nội dung kiểm tra:

a) Kiểm tra sự phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng, quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; kiểm tra kết quả đánh giá sự phù hợp, ghi nhãn, dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy và hồ sơ trong quá trình sản xuất, ương dưỡng. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan kiểm tra có thể sử dụng chuyên gia thực hiện việc đánh giá theo các yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật tương ứng;

b) Lấy mẫu thử nghiệm khi phát hiện có dấu hiệu không bảo đảm chất lượng sau khi thực hiện các nội dung quy định tại điểm a khoản 3 Điều này.

4. Người lấy mẫu phải đáp ứng yêu cầu theo quy định tại khoản 6 Điều 3 Thông tư này.

5. Sai số cho phép trong phân tích chất lượng thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản theo quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.

6. Trình tự và thủ tục kiểm tra thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 29 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

7. Xử lý kết quả kiểm tra chất lượng thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Điều 6 Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ hướng dẫn Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Điều 7. Kiểm tra chất lượng giống thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản lưu thông trên thị trường

1. Cơ quan kiểm tra: Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh kiểm tra chất lượng giống thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản trên địa bàn.

2. Nội dung, trình tự, thủ tục tiến hành kiểm tra chất lượng giống thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản lưu thông trên thị trường thực hiện theo quy định tại Thông tư số 26/2012/TT-BKHCN ngày 12 tháng 12 năm 2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường và Thông tư số 12/2017/TT-BKHCN ngày 28 tháng 9 năm 2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 26/2012/TT-BKHCN ngày 12 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường.

3. Người lấy mẫu phải đáp ứng yêu cầu theo quy định tại khoản 6 Điều 3 Thông tư này.

4. Sai số cho phép trong phân tích chất lượng thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản theo quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 8. Trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp kỹ thuật xử lý vi phạm chất lượng giống thủy sản

1. Giống thủy sản vi phạm chất lượng phải tiêu hủy được thực hiện theo trình tự, thủ tục sau:

a) Áp dụng một trong các biện pháp sau để tiêu hủy: Gia nhiệt từ 90°C trở lên, cấp đông, sử dụng hóa chất được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản, hình thức khác theo quy định của pháp luật.

b) Lập biên bản tiêu hủy: Biên bản tiêu hủy phải có đầy đủ chữ ký của đại diện cơ quan kiểm tra và cơ sở vi phạm. Nội dung chủ yếu của biên bản gồm: Căn cứ và lý do thực hiện tiêu hủy; thời gian, địa điểm tiêu hủy; thành phần tham gia tiêu hủy; tên, chủng loại, nguồn gốc, xuất xứ, số lượng, hiện trạng giống thủy sản vi phạm tại thời điểm tiêu hủy; hình thức tiêu hủy và các nội dung khác có liên quan.

2. Giống thủy sản vi phạm chất lượng được chuyển mục đích sử dụng thực hiện theo trình tự, thủ tục sau:

a) Áp dụng một trong các biện pháp sau để chuyển đổi mục đích sử dụng: Làm cảnh, giải trí, nghiên cứu khoa học;

b) Cơ sở phải có phương án chuyển mục đích sử dụng và báo cáo cho cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh để thực hiện quản lý, giám sát quá trình chuyển mục đích sử dụng.

Điều 9. Trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp kỹ thuật để xử lý thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản vi phạm quy định về chất lượng

1. Thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản vi phạm chất lượng phải tiêu hủy thực hiện theo trình tự, thủ tục sau:

a) Áp dụng một hoặc một số biện pháp sau để tiêu hủy: Sử dụng hóa chất, sử dụng biện pháp cơ học, đốt, chôn, hình thức khác theo quy định của pháp luật;

b) Lập biên bản tiêu hủy: Biên bản tiêu hủy phải có đầy đủ chữ ký của đại diện cơ quan kiểm tra và cơ sở vi phạm. Nội dung chủ yếu của biên bản gồm: Căn cứ và lý do thực hiện tiêu hủy; thời gian, địa điểm tiêu hủy; thành phần tham gia tiêu hủy; tên, chủng loại, nguồn gốc, xuất xứ, số lượng, hiện trạng sản phẩm vi phạm tại thời điểm tiêu hủy; hình thức tiêu hủy và các nội dung khác có liên quan.

2. Thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản vi phạm chất lượng được tái chế, chuyển mục đích sử dụng thực hiện theo trình tự, thủ tục sau:

a) Đối với biện pháp tái chế: Cơ sở phải có phương án tái chế và báo cáo cho cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh để thực hiện quản lý, giám sát quá trình tái chế;

b) Đối với biện pháp chuyển mục đích sử dụng: Cơ sở phải có phương án chuyển mục đích sử dụng đáp ứng quy định của pháp luật về sản phẩm sau khi chuyển đổi và báo cáo cho cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh để thực hiện quản lý, giám sát quá trình chuyển mục đích sử dụng.

Điều 10. Thời hạn sử dụng giống thủy sản bố mẹ

Thời hạn sử dụng giống thủy sản bố mẹ theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng. Trường hợp chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, thời hạn sử dụng giống thủy sản bố mẹ được quy định như sau:

1. Tôm thẻ chân trắng bố mẹ

a) Thời hạn sử dụng tối đa 140 ngày tính từ ngày thông quan đối với tôm bố mẹ nhập khẩu đạt khối lượng tối thiểu 40 g/con đối với tôm đực, 45 g/con đối với tôm cái.

b) Thời hạn sử dụng tối đa 120 ngày tính từ ngày cho sinh sản lần đầu đối với tôm bố mẹ sản xuất trong nước hoặc tôm bố mẹ nhập khẩu chưa đạt khối lượng theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.

2. Tôm sú bố mẹ

a) Thời hạn sử dụng tối đa 80 ngày tính từ ngày thông quan đối với tôm sú bố mẹ nhập khẩu đạt khối lượng tối thiểu 100 g/con đối với tôm đực, 120 g/con đối với tôm cái.

b) Thời hạn sử dụng tối đa 60 ngày tính từ ngày cho sinh sản lần đầu đối với tôm bố mẹ sản xuất trong nước, tôm bố mẹ khai thác từ tự nhiên, tôm bố mẹ nhập khẩu chưa đạt khối lượng theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều này.

3. Cá tra bố mẹ: Thời hạn sử dụng tối đa 60 tháng tính từ ngày cho sinh sản lần đầu và cho sinh sản không quá 02 lần/năm.

4. Thời hạn sử dụng giống thủy sản bố mẹ khác: Cơ sở tự công bố.

Điều 11. Danh mục hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật cấm sử dụng trong thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản; danh mục hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, nguyên liệu sản xuất thức ăn được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam; chỉ tiêu kỹ thuật phải công bố trong tiêu chuẩn công bố áp dụng của thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản

1. Danh mục hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật cấm sử dụng trong thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản được quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Danh mục hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, nguyên liệu sản xuất thức ăn được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam được quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Chỉ tiêu kỹ thuật phải công bố trong tiêu chuẩn công bố áp dụng của thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản được quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này.

Chương IV

CẬP NHẬT THÔNG TIN THỨC ĂN THỦY SẢN, SẢN PHẨM XỬ LÝ MÔI TRƯỜNG NUÔI TRỒNG THỦY SẢN

Điều 12. Lập tài khoản đăng nhập hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản và cập nhật thông tin thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản

1. Cơ sở sản xuất, nhập khẩu thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản lập tài khoản để đăng nhập vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản, thông tin lập tài khoản gồm:

a) Tên đăng nhập là mã số doanh nghiệp hoặc mã số thuế;

b) Thông tin kê khai khi lập tài khoản gồm: Tên cơ sở, địa chỉ trụ sở chính, điện thoại, email, địa chỉ sản xuất, điều kiện sản xuất, loại hình doanh nghiệp.

2. Trước khi đưa sản phẩm lưu thông trên thị trường, cơ sở sản xuất, nhập khẩu phải gửi thông tin về thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản theo quy định tại Điều 13 Thông tư này qua tài khoản được lập theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 13. Thông tin thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản

1. Thông tin thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản sản xuất trong nước, gồm: Thông tin về địa điểm và điều kiện sản xuất; thông tin tiêu chuẩn công bố áp dụng theo Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này; thông tin công bố hợp quy; nhãn của sản phẩm (bản sao chụp màu); kết quả thử nghiệm chất lượng sản phẩm.

2. Thông tin thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản nhập khẩu, gồm: Thông tin về cơ sở sản xuất, địa điểm và điều kiện sản xuất; thông tin tiêu chuẩn công bố áp dụng theo Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này; thông tin công bố hợp quy; nhãn của sản phẩm (bản sao chụp màu nhãn gốc và nhãn bằng tiếng Việt); Giấy chứng nhận lưu hành tự do (Certificate of free sale) hoặc văn bản có giá trị tương đương còn hiệu lực; kết quả kiểm tra chất lượng khi nhập khẩu.

3. Sau khi nhận đầy đủ thông tin theo khoản 1 và khoản 2 Điều này, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản tự động cấp mã số tiếp nhận cho cơ sở để ghi trên nhãn sản phẩm phục vụ quản lý và truy xuất nguồn gốc. Mã số tiếp nhận gồm 2 phần: AA-BBBBBB, trong đó:

a) AA: Mã số để phân loại thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản: 01 là mã thức ăn thủy sản; 02 là mã sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản; 03 là mã sản phẩm sử dụng cả 02 mục đích làm thức ăn thủy sản và xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản;

b) BBBBBB: Số thứ tự sản phẩm thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản được cấp theo thứ tự từ 000001 đến 999999.

4. Khi có bất kỳ sự thay đổi về thông tin đã cập nhật theo khoản 1 và khoản 2 Điều này, cơ sở phải cập nhật lại trước khi đưa sản phẩm lưu thông trên thị trường.

Điều 14. Quy định về đặt tên thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản

Tên thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản thực hiện theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa.

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 15. Trách nhiệm của các bên có liên quan

1. Tổng cục Thủy sản:

a) Quản lý nhà nước về giống thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản trên phạm vi cả nước. Chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ liên quan đến quản lý giống thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản;

b) Thanh tra, kiểm tra về giống thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản trên phạm vi cả nước; kiểm tra trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh về giống thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản;

c) Tập huấn nghiệp vụ kiểm tra điều kiện cơ sở, lấy mẫu giống thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản; tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn về điều kiện sản xuất, quản lý chất lượng giống thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản cho tổ chức, cá nhân;

d) Rà soát, cập nhật và trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành: Danh mục hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật cấm sử dụng trong thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản; danh mục hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, nguyên liệu sản xuất thức ăn được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam;

đ) Tiếp nhận và cấp mã số theo quy định tại Điều 13 Thông tư này đồng thời đăng tải trên trang điện tử của Tổng cục Thủy sản về thông tin thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản do cơ sở sản xuất, nhập khẩu gửi đến trước khi lưu thông trên thị trường trong trường hợp chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản.

2. Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh:

a) Quản lý nhà nước về giống thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản trên địa bàn; thanh tra, kiểm tra về giống thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản trên địa bàn;

b) Tổ chức tập huấn, phổ biến các quy định của pháp luật về giống thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản trên địa bàn;

c) Thực hiện các nhiệm vụ khác liên quan đến quản lý giống thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản trên địa bàn khi Tổng cục Thủy sản ủy quyền.

3. Cơ sở sản xuất, nhập khẩu thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản:

a) Cập nhật thông tin thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản trước khi lưu thông trên thị trường theo quy định;

b) Định kỳ báo cáo tình hình sản xuất, nhập khẩu thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản 6 tháng đầu năm trước ngày 20 tháng 6 hàng năm và báo cáo năm trước ngày 20 tháng 12 hàng năm theo mẫu tại Phụ lục VI kèm theo Thông tư này.

4. Cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản:

a) Định kỳ báo cáo tình hình sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản 6 tháng đầu năm trước ngày 20 tháng 6 hàng năm và báo cáo năm trước ngày 20 tháng 12 hàng năm theo mẫu tại Phụ lục VII kèm theo Thông tư này;

b) Thông báo bằng văn bản cho cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh về việc sử dụng giống thủy sản bố mẹ để quản lý, giám sát thời hạn sử dụng.

Điều 16. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2019.

2. Thông tư này thay thế các văn bản sau:

a) Quyết định số 10/2007/QĐ-BTS ngày 31 tháng 7 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Thủy sản ban hành Danh mục thuốc thú y thủy sản, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản được phép lưu hành tại Việt Nam;

b) Quyết định số 06/2008/QĐ-BNN ngày 18 tháng 01 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc bổ sung, sửa đổi Danh mục thuốc thú y thủy sản, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản được phép lưu hành tại Việt Nam;

c) Quyết định số 108/2008/QĐ-BNN ngày 06 tháng 11 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Danh mục bổ sung sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản được phép lưu hành tại Việt Nam;

d) Quyết định số 123/2008/QĐ-BNN ngày 29 tháng 12 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Danh mục thức ăn hỗn hợp dùng trong nuôi trồng thủy sản được phép lưu hành tại Việt Nam;

đ) Thông tư số 57/2009/TT-BNNPTNT ngày 08 tháng 9 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Danh mục bổ sung sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản được phép lưu hành tại Việt Nam;

e) Thông tư số 67/2009/TT-BNNPTNT ngày 23 tháng 10 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Danh mục bổ sung thức ăn hỗn hợp được phép lưu hành tại Việt Nam;

g) Thông tư số 71/2009/TT-BNNPTNT ngày 10 tháng 11 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Danh mục bổ sung sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản được phép lưu hành tại Việt Nam;

h) Thông tư số 74/2009/TT-BNNPTNT ngày 20 tháng 11 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Danh mục bổ sung thức ăn hỗn hợp được phép lưu hành tại Việt Nam;

i) Thông tư số 12/2010/TT-BNNPTNT ngày 11 tháng 3 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Danh mục bổ sung sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản được phép lưu hành tại Việt Nam;

k) Thông tư số 13/2010/TT-BNNPTNT ngày 12 tháng 3 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Danh mục bổ sung thức ăn hỗn hợp được phép lưu hành tại Việt Nam;

l) Thông tư số 64/2010/TT-BNNPTNT ngày 4 tháng 11 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc đưa các sản phẩm có chứa trifluralin ra khỏi danh mục sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản được phép lưu hành tại Việt Nam;

m) Thông tư số 62/2011/TT-BNNPTNT ngày 14 tháng 9 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Danh mục sửa đổi, bổ sung thức ăn thủy sản được phép lưu hành tại Việt Nam;

n) Thông tư số 65/2011/TT-BNNPTNT ngày 5 tháng 10 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Danh mục bổ sung sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản được phép lưu hành tại Việt Nam;

o) Thông tư số 04/2012/TT-BNNPTNT ngày 16 tháng 01 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa các sản phẩm có chứa Cypermethrin, Deltamethrin ra khỏi Danh mục sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản; thuốc thú y thủy sản được phép lưu hành tại Việt Nam;

p) Thông tư số 36/2012/TT-BNNPTNT ngày 30 tháng 7 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Danh mục sửa đổi, bổ sung sản phẩm thức ăn thủy sản được phép lưu hành tại Việt Nam;

q) Thông tư số 37/2012/TT-BNNPTNT ngày 30 tháng 7 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Danh mục sửa đổi, bổ sung sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản được phép lưu hành tại Việt Nam;

r) Thông tư số 26/2013/TT-BNNPTNT ngày 22 tháng 5 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quản lý giống thủy sản;

s) Thông tư số 08/2013/TT-BNNPTNT ngày 31 tháng 01 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Danh mục sửa đổi, bổ sung sản phẩm thức ăn thủy sản được phép lưu hành tại Việt Nam;

t) Thông tư số 09/2013/TT-BNNPTNT ngày 31 tháng 01 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Danh mục sửa đổi, bổ sung sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản được phép lưu hành tại Việt Nam;

u) Thông tư số 39/2013/TT-BNNPTNT ngày 12 tháng 8 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Danh mục bổ sung, sửa đổi thức ăn thủy sản; sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản được phép lưu hành tại Việt Nam;

ư) Thông tư số 11/2014/TT-BNNPTNT ngày 01 tháng 4 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư số 26/2013/TT-BNNPTNT ngày 22 tháng 5 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quản lý giống thủy sản.

3. Thông tư này bãi bỏ các quy định, văn bản sau:

a) Quyết định số 176/QĐ-BTS ngày 01 tháng 3 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Thủy sản về việc ban hành một số quy định tạm thời đối với tôm thẻ chân trắng;

b) Quyết định số 456/QĐ-BNN-NTTS ngày 04 tháng 02 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định điều kiện sản xuất giống, nuôi tôm chân trắng;

c) Quyết định số 1673/QĐ-BNN-TCTS ngày 22 tháng 7 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quy chế quản lý cá tra bố mẹ chọn giống;

d) Cụm từ Saponin từ bột hạt trà, Rotenon có số thứ tự 14 và 15 tại Phụ lục XLIV ban hành kèm theo Thông tư số 13/2016/TT-BNNPTNT ngày 02 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý thuốc thú y;

đ) Khoản 6 Điều 3, Điều 31 và Điều 32 Thông tư số 04/2015/TT-BNNPTNT ngày 12 tháng 02 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý, mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản;

e) Nội dung quản lý về thức ăn thủy sản tại Thông tư số 20/2017/TT-BNNPTNT ngày 10 tháng 11 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện Nghị định số 39/2017/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ về quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản.

Điều 17. Điều khoản chuyển tiếp

1. Thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản đã được xác nhận lưu hành trước ngày Thông tư này có hiệu lực được tiếp tục sản xuất, nhập khẩu đến ngày 01 tháng 01 năm 2020 và lưu thông, sử dụng đến hết thời hạn sử dụng của sản phẩm.

2. Sản phẩm có chứa Saponin từ bột hạt trà, Rotenon đã được lưu hành theo quy định tại Thông tư số 13/2016/TT-BNNPTNT ngày 02 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý thuốc thú y trước ngày Thông tư này có hiệu lực được tiếp tục sản xuất, nhập khẩu đến hết thời hạn của Giấy chứng nhận lưu hành thuốc thú y và được sử dụng đến hết hạn sử dụng của sản phẩm.

Điều 18. Trách nhiệm thi hành

1. Trường hợp các văn bản dẫn chiếu tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì áp dụng theo các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế đó.

2. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc hoặc phát hiện những vấn đề mới phát sinh, tổ chức, cá nhân kịp thời báo cáo về Tổng cục Thủy sản để tổng hợp, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xem xét, sửa đổi bổ sung cho phù hợp./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Lãnh đạo Bộ NN&PTNT;
- Các Bộ, Cơ quan ngang Bộ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Cục Kiểm tra văn bản, Bộ Tư pháp;
- Các đơn vị có liên quan thuộc Bộ NN&PTNT;
- Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Công báo Chính phủ;
- Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
- Cổng thông tin điện tử Bộ NN&PTNT;
- Lưu: VT, TCTS (200 bản).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Phùng Đức Tiến

 

 

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.