• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/08/2020
CHÍNH PHỦ
Số: 63/2020/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thừa Thiên Huế, ngày 8 tháng 6 năm 2020

NGHỊ ĐỊNH

Quy định về công nghiệp an ninh

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Công an nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2018;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định về công nghiệp an ninh.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chi tiết thi hành Điều 34 Luật Công an nhân dân năm 2018 về công nghiệp an ninh, bao gồm nguyên tắc xây dựng và phát triển công nghiệp an ninh; nhiệm vụ, tổ chức, hoạt động công nghiệp an ninh; chính sách, cơ chế đặc thù và chương trình, kế hoạch xây dựng, phát triển công nghiệp an ninh; hợp tác quốc tế về công nghiệp an ninh; quản lý nhà nước về công nghiệp an ninh; quyền hạn và trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan, tổ chức có liên quan trong quản lý và thực hiện nhiệm vụ xây dựng, phát triển công nghiệp an ninh.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia các hoạt động liên quan đến công nghiệp an ninh của Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Phát triển công nghiệp an ninh là việc đầu tư các nguồn lực và ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ, kỹ thuật để phát triển tiềm lực quốc gia về nghiên cứu, chế tạo, sản xuất sản phẩm công nghiệp an ninh chuyên dụng và lưỡng dụng.

2. Lực lượng thực thi pháp luật khác là lực lượng ngoài lực lượng Công an nhân dân được pháp luật quy định sử dụng một số loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị, vật tư kỹ thuật nghiệp vụ phục vụ nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

3. Sản phẩm công nghiệp an ninh chuyên dụng là sản phẩm có tính năng đặc thù phục vụ công tác bí mật nghiệp vụ, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật của lực lượng Công an nhân dân và lực lượng thực thi pháp luật khác.

4. Sản phẩm công nghiệp an ninh lưỡng dụng là sản phẩm phục vụ công tác của lực lượng Công an nhân dân, lực lượng thực thi pháp luật khác và nhu cầu hợp pháp của xã hội.

Điều 4. Nguyên tắc xây dựng, phát triển công nghiệp an ninh

1. Bám sát mục tiêu, nhiệm vụ, chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đáp ứng yêu cầu trang bị cho lực lượng Công an nhân dân và lực lượng thực thi pháp luật khác.

2. Gắn kết chặt chẽ và tận dụng tối đa năng lực của nền công nghiệp quốc gia và công nghiệp quốc phòng; không đầu tư trùng lặp, những gì công nghiệp dân sinh và công nghiệp quốc phòng làm được thì các cơ sở công nghiệp an ninh không đầu tư và ngược lại. Ưu tiên các sản phẩm có trình độ khoa học, công nghệ tiên tiến, bảo đảm bí mật, an toàn, hiệu quả và bảo vệ môi trường.

3. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo quốc phòng, an ninh, trên cơ sở phát huy nội lực kết hợp với mở rộng hợp tác quốc tế; bảo đảm bí mật nhà nước về an ninh, quốc phòng.

4. Tuân thủ các quy định của pháp luật về sản xuất, quản lý, kinh doanh các sản phẩm là vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; quản lý tài sản công và các quy định của pháp luật về những ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự và cam kết của Việt Nam về giải trừ quân bị, chống phổ biến vũ khí và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Điều 5. Tiêu chí sản phẩm công nghiệp an ninh và danh mục sản phẩm công nghiệp an ninh

1. Tiêu chí sản phẩm công nghiệp an ninh chuyên dụng, gồm:

a) Sản phẩm có tính năng đặc thù phù hợp với tính chất, đặc điểm, yêu cầu nghiệp vụ của lực lượng Công an nhân dân và lực lượng thực thi pháp luật khác;

b) Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đặt hàng, giao kế hoạch hoặc giao nhiệm vụ sản xuất, cung ứng theo quy định của pháp luật;

c) Được pháp luật quy định cụ thể về đối tượng được sử dụng, trường hợp sử dụng.

2. Tiêu chí sản phẩm công nghiệp an ninh lưỡng dụng, gồm:

a) Sản phẩm phục vụ công tác đảm bảo an ninh, an toàn, phòng chống cháy, nổ, cứu nạn, cứu hộ của lực lượng Công an nhân dân, lực lượng thực thi pháp luật khác và nhu cầu hợp pháp của xã hội;

b) Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đặt hàng, giao kế hoạch, giao nhiệm vụ sản xuất, cung ứng hoặc đấu thầu theo quy định của pháp luật.

3. Ban hành kèm theo Nghị định này danh mục sản phẩm công nghiệp an ninh.

Điều 6. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Tiết lộ bí mật nhà nước về chương trình, kế hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp an ninh, kết quả khoa học, công nghệ có liên quan đến công nghiệp an ninh, nhiệm vụ sản xuất sản phẩm phục vụ công tác, chiến đấu của lực lượng Công an nhân dân.

2. Khai thác, sử dụng trái phép thiết bị và tài sản do Nhà nước giao cho cơ sở công nghiệp an ninh.

3. Mua, bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép sản phẩm công nghiệp an ninh chuyên dụng.

4. Sử dụng và chuyển giao trái phép thông tin, tài liệu, sáng chế, quy trình và bí quyết công nghệ thuộc bí mật nhà nước về công nghiệp an ninh.

5. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi trái pháp luật trong hoạt động công nghiệp an ninh.

Chương II

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CÔNG NGHIỆP AN NINH

Điều 7. Tổ chức, nhiệm vụ của cơ sở công nghiệp an ninh

1. Nhà nước đầu tư hoặc tham gia đầu tư xây dựng các cơ sở công nghiệp an ninh, Bộ Công an là đại diện chủ sở hữu. Căn cứ quy mô, tính chất hoạt động của cơ sở công nghiệp an ninh, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định hoặc đề xuất cấp thẩm quyền quyết định loại hình, cơ cấu tổ chức, cơ chế hoạt động của từng cơ sở công nghiệp an ninh.

2. Nhiệm vụ của cơ sở công nghiệp an ninh

a) Nghiên cứu, sản xuất, sửa chữa, phát triển sản phẩm là vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị, vật tư kỹ thuật nghiệp vụ và các sản phẩm khác phục vụ công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và xây dựng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại;

b) Nghiên cứu, sản xuất, sửa chữa, cung ứng, phát triển, kinh doanh sản phẩm công nghiệp an ninh lưỡng dụng phục vụ công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật của lực lượng Công an nhân dân, đáp ứng nhu cầu hợp pháp của xã hội.

Điều 8. Hệ thống cơ sở công nghiệp an ninh

1. Cơ sở nghiên cứu; cơ sở ứng dụng, thí nghiệm khoa học, công nghệ được tổ chức thành đơn vị sự nghiệp công lập hoặc doanh nghiệp khoa học công nghệ trong Công an nhân dân.

2. Cơ sở chế tạo, sản xuất, sửa chữa, lắp ráp sản phẩm công nghiệp an ninh chuyên dụng và lưỡng dụng do Nhà nước đầu tư, được tổ chức thành đơn vị sự nghiệp công lập hoặc doanh nghiệp trong Công an nhân dân.

3. Cơ sở nghiên cứu, sản xuất, sửa chữa sản phẩm công nghiệp an ninh chuyên dụng và lưỡng dụng được thành lập trên cơ sở hợp tác giữa công nghiệp an ninh do Bộ Công an quản lý và công nghiệp quốc phòng do Bộ Quốc phòng quản lý.

4. Cơ sở nghiên cứu, sản xuất, sửa chữa sản phẩm công nghiệp an ninh chuyên dụng và lưỡng dụng được thành lập trên cơ sở hợp tác, liên doanh giữa doanh nghiệp trong Công an nhân dân với doanh nghiệp khác, trong đó phần vốn của Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

Điều 9. Hoạt động của cơ sở công nghiệp an ninh

1. Nghiên cứu, sản xuất, sửa chữa, phát triển các sản phẩm công nghiệp an ninh chuyên dụng theo cơ chế đặt hàng, giao kế hoạch hoặc giao nhiệm vụ theo quy định Nhà nước và Bộ Công an.

2. Hợp tác, liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để nghiên cứu, sản xuất, sửa chữa các sản phẩm công nghiệp an ninh chuyên dụng và lưỡng dụng theo quy định của pháp luật.

3. Tổ chức chuyển giao công nghệ, giải mã công nghệ, đào tạo, huấn luyện nhân lực phục vụ cho mục tiêu phát triển công nghiệp an ninh.

4. Chuẩn bị các điều kiện về nghiên cứu, sản xuất, sửa chữa, phát triển sản phẩm mới và yêu cầu dự trữ, dự phòng cho các tình huống đột xuất về an ninh, trật tự.

Điều 10. Hợp tác quốc tế về công nghiệp an ninh

1. Thiết lập, củng cố và phát triển mối quan hệ hợp tác với Chính phủ, các tổ chức, cá nhân nước ngoài.

2. Trao đổi thông tin, tài liệu kỹ thuật và chuyển giao công nghệ phục vụ xây dựng và phát triển công nghiệp an ninh.

3. Hợp tác, liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư sản xuất, phát triển sản phẩm; nghiên cứu ứng dụng, triển khai sản xuất phục vụ công nghiệp an ninh; xúc tiến thương mại, xuất khẩu sản phẩm công nghiệp an ninh.

4. Đào tạo nguồn nhân lực cho công nghiệp an ninh.

Chương III

CHÍNH SÁCH, CƠ CHẾ ĐẶC THÙ VÀ CHƯƠNG TRÌNH,

KẾ HOẠCH XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP AN NINH

Điều 11. Chính sách đối với cơ sở công nghiệp an ninh

1. Chính sách đặc thù được áp dụng đối với cơ sở công nghiệp an ninh do Nhà nước đầu tư toàn bộ nguồn lực, trực tiếp phục vụ nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật và xây dựng Công an nhân dân, gồm:

a) Được Nhà nước đảm bảo nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng, đầu tư các cơ sở nghiên cứu, sản xuất, sửa chữa các sản phẩm công nghiệp an ninh chuyên dụng và phát triển công nghệ lưỡng dụng chất lượng cao phục vụ nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật và xây dựng Công an nhân dân;

b) Được áp dụng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ về thuế, phí và các cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, xây dựng theo quy định của pháp luật;

c) Được hưởng các chính sách ưu đãi và hỗ trợ theo quy định của pháp luật khi đầu tư đối với lĩnh vực sản xuất vật liệu mới, sản phẩm công nghệ cao; nghiên cứu và phát triển; chuyển giao công nghệ; sản phẩm xuất khẩu;

d) Được sử dụng các nguồn lực được giao để hoạt động sản xuất kinh doanh bổ sung ngoài kế hoạch sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ an ninh hoặc thực hiện nhiệm vụ an ninh khi bảo đảm các điều kiện sau: Cơ quan có thẩm quyền cho phép bằng văn bản; hoạt động kinh doanh bổ sung có mục đích để kết hợp hỗ trợ nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự hoặc để phát huy công suất và hiệu quả sử dụng tài sản sau khi đã hoàn thành việc sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ an ninh hoặc thực hiện nhiệm vụ an ninh được giao; không làm ảnh hưởng đến năng lực và điều kiện sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ an ninh hoặc thực hiện nhiệm vụ an ninh được giao; hạch toán riêng phần hoạt động sản xuất kinh doanh bổ sung và thực hiện nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật;

đ) Được sử dụng các nguồn vốn vay ưu đãi, vay tín dụng do Nhà nước bảo lãnh và các nguồn tài chính khác theo quy định để sản xuất các sản phẩm công nghiệp an ninh trang cấp cho Công an các đơn vị, địa phương theo hình thức sử dụng trước, thanh toán sau, phù hợp với kinh phí mua sắm trang bị hằng năm của Công an các đơn vị, địa phương.

2. Chính sách đối với người lao động tại cơ sở công nghiệp an ninh, gồm:

a) Được hưởng chế độ, chính sách về tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hộ lao động, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các chế độ ưu đãi khác theo quy định của pháp luật;

b) Được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề tại các trường trong và ngoài ngành Công an và ở nước ngoài.

Điều 12. Cơ chế đặt hàng, giao kế hoạch, giao nhiệm vụ và ủy thác nhập khẩu hàng hóa phục vụ an ninh

1. Hằng năm, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định đặt hàng, giao kế hoạch, giao nhiệm vụ và ủy thác nhập khẩu hàng hóa phục vụ an ninh cho các cơ sở công nghiệp an ninh đảm bảo điều kiện và năng lực theo quy định của pháp luật.

2. Cơ chế đặt hàng, giao kế hoạch, giao nhiệm vụ và ủy thác nhập khẩu hàng hóa phục vụ an ninh thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an.

Điều 13. Chính sách nhập khẩu và dự trữ vật tư kỹ thuật cho công nghiệp an ninh

1. Chính sách thuế nhập khẩu đối với các loại dây chuyền thiết bị, công nghệ, nguyên liệu, vật tư kỹ thuật phục vụ công nghiệp an ninh và dự trữ vật tư kỹ thuật đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ an ninh thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

2. Thủ tướng Chính phủ quyết định danh mục vật tư kỹ thuật nhập khẩu phục vụ công nghiệp an ninh.

Điều 14. Cơ chế, chính sách nghiên cứu khoa học, phát triển và chuyển giao công nghệ phục vụ công nghiệp an ninh

1. Tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia nghiên cứu khoa học, phát triển và chuyển giao công nghệ tiên tiến phục vụ nhiệm vụ xây dựng và phát triển công nghiệp an ninh được hưởng cơ chế khuyến khích và chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức, cá nhân nghiên cứu khoa học, phát triển công nghiệp an ninh được ưu tiên đăng ký các đề tài khoa học cấp cơ sở, cấp bộ, cấp nhà nước theo quy định hiện hành.

Điều 15. Nguồn vốn đầu tư phát triển công nghiệp an ninh

1. Nguồn vốn đầu tư phát triển công nghiệp an ninh, gồm:

a) Ngân sách nhà nước ưu tiên cho các cơ sở công nghiệp an ninh được đầu tư theo chương trình, kế hoạch đã được phê duyệt;

b) Quỹ đầu tư phát triển sản xuất các cơ sở công nghiệp an ninh;

c) Đầu tư, hợp tác, liên doanh, liên kết, tài trợ, hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia xây dựng và phát triển công nghiệp an ninh;

d) Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia cho đầu tư nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ mới trong xây dựng và phát triển công nghiệp an ninh;

đ) Vốn vay tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước; vốn vay từ nguồn tín dụng do Nhà nước bảo lãnh; vốn ODA; các nguồn vốn vay tín dụng khác theo quy định.

2. Nhà nước ưu tiên bảo đảm ngân sách cho nhiệm vụ nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, phát triển vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị, vật tư kỹ thuật nghiệp vụ, phương tiện khác phục vụ công tác công an.

3. Việc quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư phát triển công nghiệp an ninh phải thực hiện theo kế hoạch và quy định của pháp luật.

Điều 16. Đất phục vụ công nghiệp an ninh

1. Đất xây dựng, quy hoạch, phát triển cơ sở công nghiệp an ninh bao gồm đất an ninh và đất dành cho phát triển các khu công nghiệp theo quy định của Luật Đất đai.

2. Doanh nghiệp thuộc Bộ Công an được giao quản lý, vận hành các cơ sở công nghiệp an ninh thực hiện chế độ quản lý, sử dụng đất và được miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Điều 17. Nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp an ninh

1. Nhân lực phục vụ tại cơ sở công nghiệp an ninh, gồm:

a) Người có năng lực và trình độ chuyên môn phù hợp với nhu cầu sử dụng, đủ tiêu chuẩn về phẩm chất, đạo đức, sức khỏe, có nguyện vọng và được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tuyển dụng, điều động;

b) Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, công nhân viên trong Công an nhân dân được cấp có thẩm quyền điều động, bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo, quản lý, công tác ở các cơ sở công nghiệp an ninh theo quy định về phân công, phân cấp trong công tác tổ chức, cán bộ của Bộ Công an;

c) Lao động hợp đồng.

2. Bộ Công an có chính sách khuyến khích, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên gia, nhà khoa học tham gia phát triển công nghiệp an ninh thông qua tuyển dụng, điều động công tác hoặc thông qua đặt hàng nghiên cứu, phát triển công nghiệp an ninh.

Điều 18. Chương trình, kế hoạch xây dựng, phát triển công nghiệp an ninh

1. Chương trình, kế hoạch xây dựng, phát triển công nghiệp an ninh phải tuân thủ nguyên tắc được quy định tại Điều 4 Nghị định này và đáp ứng các yêu cầu sau đây:

a) Khai thác, sử dụng có hiệu quả mọi tiềm năng và nguồn lực của công nghiệp quốc gia và công nghiệp quốc phòng để xây dựng và phát triển công nghiệp an ninh; bảo đảm vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị, vật tư kỹ thuật nghiệp vụ ngày càng tiên tiến, hiện đại;

b) Bảo đảm cân đối, đồng bộ, có quy mô hợp lý, được bố trí phù hợp tại các địa bàn chiến lược;

c) Phù hợp với quy hoạch, kế hoạch, mục tiêu phát triển quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

2. Căn cứ để xây dựng chương trình, kế hoạch xây dựng, phát triển công nghiệp an ninh, gồm:

a) Nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước;

b) Chiến lược bảo đảm hậu cần, kỹ thuật cho lực lượng Công an nhân dân;

c) Quy hoạch, chương trình, kế hoạch phát triển công nghiệp quốc gia, công nghiệp quốc phòng, khả năng cân đối các nguồn lực đầu tư của Nhà nước cho xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh.

3. Nội dung chương trình, kế hoạch xây dựng và phát triển công nghiệp an ninh, gồm:

a) Xác định mục tiêu, phạm vi, nhiệm vụ chương trình, kế hoạch, dự án trọng điểm;

b) Tổ chức hệ thống cơ sở công nghiệp an ninh;

c) Cân đối các nguồn lực, điều kiện bảo đảm, giải pháp thực hiện.

Chương IV

TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VÀ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP AN NINH

Điều 19. Trách nhiệm của Bộ Công an

1. Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về công nghiệp an ninh. Ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về công nghiệp an ninh.

2. Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch đầu tư phát triển công nghiệp an ninh. Trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc phê duyệt theo thẩm quyền chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư các dự án đầu tư phát triển công nghiệp an ninh theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

3. Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan ban hành danh mục cụ thể sản phẩm công nghiệp an ninh theo phụ lục kèm theo Nghị định này.

4. Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan rà soát, lập mới hoặc điều chỉnh danh mục sản phẩm công nghiệp an ninh, trình Chính phủ phê duyệt và danh mục các cơ sở công nghiệp an ninh, danh mục vật tư kỹ thuật nhập khẩu phục vụ công nghiệp an ninh, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

5. Ban hành hoặc phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách đặc thù ưu đãi, hỗ trợ cụ thể dành cho xây dựng và phát triển cơ sở công nghiệp an ninh.

6. Rà soát danh mục và đánh giá năng lực sản xuất của cơ sở công nghiệp an ninh, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Quốc phòng xây dựng phương án đặt hàng, phương án hợp tác đầu tư, liên doanh, liên kết nhằm tránh đầu tư trùng lặp, lãng phí.

7. Chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan liên quan ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các sản phẩm công nghiệp an ninh chuyên dụng do Việt Nam sản xuất phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.

8. Chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các cơ quan, tổ chức liên quan đề xuất và triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, phát triển và chuyển giao công nghệ phục vụ công nghiệp an ninh.

9. Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rà soát, lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phục vụ xây dựng và phát triển cơ sở công nghiệp an ninh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện.

10. Phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tổ chức công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho xây dựng, phát triển công nghiệp an ninh.

11. Tổ chức, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia hoạt động công nghiệp an ninh và quản lý hợp tác quốc tế về công nghiệp an ninh.

12. Phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về công nghiệp an ninh.

Điều 20. Trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ

1. Bộ Quốc phòng có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công an rà soát, lập mới hoặc điều chỉnh danh mục sản phẩm công nghiệp an ninh và danh mục cụ thể sản phẩm công nghiệp an ninh; phối hợp, rà soát năng lực các cơ sở công nghiệp quốc phòng thuộc Bộ Quốc phòng và các cơ sở công nghiệp an ninh thuộc Bộ Công an để làm căn cứ trao đổi, hợp tác nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm phục vụ công tác, chiến đấu của lực lượng Quân đội, Công an và lực lượng thực thi pháp luật khác, tránh trùng lặp, lãng phí.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư

a) Phối hợp với Bộ Công an, các cơ quan liên quan tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư chương trình, kế hoạch, dự án đầu tư phát triển công nghiệp an ninh theo quy định của pháp luật về đầu tư công;

b) Phối hợp, hướng dẫn Bộ Công an lập kế hoạch, dự toán kinh phí đầu tư phát triển công nghiệp an ninh và tổng hợp vào kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm của Bộ Công an;

c) Chủ trì cân đối, bố trí vốn đầu tư thực hiện chương trình, kế hoạch phát triển công nghiệp an ninh theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, huy động nguồn vốn ODA cho các mục tiêu phát triển công nghiệp an ninh; chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng chính sách nhằm khuyến khích, thu hút các nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư cho xây dựng, phát triển công nghiệp an ninh.

3. Bộ Tài chính

a) Chủ trì bố trí kinh phí thực hiện chương trình, kế hoạch đầu tư phát triển công nghiệp an ninh theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

b) Hướng dẫn về điều kiện, đối tượng, thủ tục, quy trình vay ưu đãi, vay vốn tín dụng đầu tư nhà nước, vốn tín dụng do Nhà nước bảo lãnh và các nguồn tín dụng khác theo quy định đối với các chương trình, kế hoạch, dự án đầu tư phát triển công nghiệp an ninh, hoạt động sản xuất, cung cấp các sản phẩm công nghiệp an ninh đảm bảo đơn giản, rõ ràng, minh bạch;

c) Phối hợp với Bộ Công an hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc sử dụng kinh phí thực hiện chương trình, kế hoạch phát triển công nghiệp an ninh.

4. Bộ Công Thương

a) Phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan liên quan rà soát, đưa nội dung phát triển công nghiệp an ninh và danh mục sản phẩm công nghiệp an ninh lồng ghép với các chương trình, chiến lược về phát triển công nghiệp theo ngành;

b) Phối hợp, rà soát, lập mới hoặc điều chỉnh danh mục sản phẩm công nghiệp an ninh để trình Chính phủ phê duyệt ban hành.

5. Bộ Tài nguyên và Môi trường

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương án về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất dành cho phát triển công nghiệp an ninh;

b) Phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn về chế độ sử dụng đất, các ưu đãi đặc thù về đất đai cho các chương trình, dự án phát triển công nghiệp an ninh.

6. Bộ Khoa học và Công nghệ

a) Chủ trì, phối hợp, hướng dẫn Bộ Công an và các tổ chức, cá nhân thực hiện các chương trình, nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ xây dựng, phát triển công nghiệp an ninh, tập trung nghiên cứu, ứng dụng, cập nhật, phát triển sản phẩm mới, sản phẩm chuyên dụng công nghệ cao đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới;

b) Phối hợp, hướng dẫn, kiểm tra công tác chuyển giao công nghệ, giải mã công nghệ; ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các sản phẩm công nghiệp an ninh chuyên dụng và việc huy động các chuyên gia, nhà khoa học tham gia nghiên cứu, phát triển công nghiệp an ninh.

7. Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể việc thực hiện chính sách tín dụng từ nguồn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước; bảo lãnh tín dụng trong và ngoài nước; từ các nguồn vốn tín dụng khác cho các chương trình, dự án phát triển công nghiệp an ninh theo quy định của pháp luật.

Điều 21. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

1. Phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về xây dựng, phát triển công nghiệp an ninh, đảm bảo phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch tổng thể về xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng quốc gia, vùng và địa phương.

2. Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhằm bố trí đất dành cho phát triển công nghiệp an ninh theo chương trình, kế hoạch, dự án đã được cấp thẩm quyền phê duyệt. Phối hợp thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù dành cho công nghiệp an ninh tại địa phương.

3. Phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan liên quan đề xuất cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển công nghiệp an ninh.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 22. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 8 năm 2020.

Điều 23. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hướng dẫn thi hành Nghị định này.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Xuân Phúc

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.