• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 14/03/2005
  • Ngày hết hiệu lực: 27/08/2012
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Số: 03/2005/QĐ-BGD
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thành phố Huế, ngày 15 tháng 2 năm 2005

QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Về việc ban hành Quy chế bồi dưỡng thường xuyên chu kỳ III cho giáo viên các trường

mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, bổ túc văn hóa, trung tâm giáo dục

thường xuyên và trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp


BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Căn cứ Nghị định số 43/2000/NĐ-CP ngày 30/08/2000 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục;

Căn cứ Nghị đinh số 86/2002/NĐ-CP ngày 05/11/2002 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

Căn cứ Nghị đinh số 85/2003/NĐ-CP ngày 18/07/2003 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Theo đề nghị của ông Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học,


QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế bồi dưỡng thường xuyên chu kỳ III cho giáo viên các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, bổ túc văn hóa, trung tâm giáo dục thường xuyên và trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học phối hợp với các đơn vị hữu quan hướng dẫn thực hiện.

Điều 3. Các ông (bà) Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Thủ trưởng các đơn vị liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Các trường Đại học sư phạm, Khoa sư phạm, Trường Cao đẳng sư phạm, Giám đốc các Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


QUY CHẾ

Bồi dưỡng thường xuyên chu kỳ III cho giáo viên các trường mầm non, tiểu học,

trung học cơ sở, trung học phổ thông, bổ túc văn hóa, trung tâm giáo dục thường xuyên

và trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp

(ban hành theo Quyết định số 03/2005/QĐ-BGD&ĐT ngày 15/02/2005

của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Mục đích

Bồi dưỡng thường xuyên (BDTX) cho giáo viên các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, bổ túc văn hóa, trung tâm giáo dục thường xuyên và trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp nhằm nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên về chính trị, chuyên môn và quản lý giáo dục để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Tất cả giáo viên các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, bổ túc văn hóa, trung tâm giáo dục thường xuyên và trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp đang giảng dạy trong hệ thống giáo dục quốc dân.

2. Đối với những giáo viên đang theo học chương trình bồi dưỡng chuẩn hóa được xem xét, bố trí và sắp xếp học các phần nội dung chương trình BDTX có liên quan trực tiếp tới nhiệm vụ dạy học.

Điều 3. Nhiệm vụ

1. Bổ sung và cập nhật kiến thức về chính trị, tư tưởng; về năng lực chuyên môn nghiệp vụ, năng lực sư phạm cho giáo viên.

2. Bồi dưỡng cho giáo viên năng lực tiếp cận những đổi mới và sự phát triển của khoa học giáo dục, khoa học có liên quan trực tiếp tới môn học (đặc biệt là đổi mới phương pháp giáo dục, những thành tựu khoa học mới ở trong nước, khu vực và thế giới).

3. Rèn luyện năng lực tự học, tự bồi dưỡng của giáo viên.

Điều 4. Kinh phí

Kinh phí BDTX cho giáo viên được dự toán trong kinh phí chi thường xuyên hằng năm của các Sở Giáo dục Đào tạo; Dự án đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, tăng cường cơ sở vật chất các trường sư phạm (Chương trình mục tiêu quốc gia); Hỗ trợ của các dự án quốc tế (nếu có); Các nguồn vốn hợp tác khác.

Chương II

NỘI DUNG VÀ HÌNH THỨC BỒI DƯỠNG THƯỜNG XUYÊN

Điều 5. Nội dung

1. Nội dung BDTX được quy định cụ thể trong chương trình BDTX theo chu kỳ cho giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, bổ túc văn hóa, trung tâm giáo dục thường xuyên và trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành theo Quyết định số 30/2004/QĐ-BGD&ĐT ngày 15/09/2004 về việc ban hành chương trình BDTX cho giáo viên mầm non chu kỳ II (2004 - 2007), Quyết định số 59/2003/QĐ-BGD&ĐT ngày 31/12/2003 về việc ban hành chương trình BDTX cho giáo viên tiểu học chu kỳ III (2004 - 2007), Quyết định số 14/2004/QĐ-BGD&ĐT ngày 17/05/2004 về việc ban hành chương trình BDTX cho giáo viên trung học cơ sở chu kỳ III (2004 - 2007), và Quyết định số 19/2004/QĐ-BGD&ĐT ngày 24/06/2004 về việc ban hành chương trình BDTX cho giáo viên trung học phổ thông chu kỳ III (2004 - 2007).

2. Chương trình BDTX được cấu tạo thành các học phần. Mỗi học phần được chia thành các bài học. Có thể có học phần tự chọn (được quy định cụ thể ở mỗi chu kỳ bồi dưỡng) theo yêu cầu của cấp quản lý giáo dục địa phương.

3. Thời lượng dành cho mỗi chu kỳ BDTX từ 120 tiết đến 150 tiết và được thực hiện tương ứng từ 2 năm đến 4 năm học, bao gồm:

a) Phần lý luận giáo dục chung (30 tiết): gồm các vấn đề về chính trị, xã hội, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giáo dục.

b) Phần chuyên môn nghiệp vụ gồm 60 đến 90 tiết (tùy từng bộ môn).

c) Phần dành cho địa phương (30 tiết).

Điều 6. Tài liệu

1. Tài liệu bồi dưỡng các phần chung do Bộ Giáo đục và Đào tạo tổ chức biên soạn. Tài liệu bồi dưỡng phần dành cho địa phương do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn.

2. Băng hình, băng tiếng và các tài liệu in khác là tài liệu hỗ trợ, cập nhật về đổi mới nội dung và phương pháp dạy học.

Điều 7. Hình thức

1. Việc tổ chức BDTX được tiến hành tại trường, trung tâm hoặc cụm trường, cụm trung tâm theo kế hoạch của Sở Giáo dục và Đào tạo.

2. Hình thức bồi dưỡng chính là tự học, tự nghiên cứu tài liệu và kết hợp với các hình thức học tập khác. Trên cơ sở tài liệu và sự hỗ trợ của hướng dẫn viên, các cá nhân, nhóm đồng nghiệp có thể dành thời gian trung bình 2giờ/tuần (có thể kết hợp vào các buổi sinh hoạt chuyên môn của trường hoặc trung tâm) để tiến hành BDTX.

Điều 8. Hướng dẫn viên

Đội ngũ hướng dẫn viên cho các lớp BDTX bao gồm: giảng viên các trường sư phạm, trường trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, các chuyên gia, giáo viên giỏi các môn học, cán bộ quản lý giỏi ở địa phương, các cốt cán bồi dưỡng cấp tỉnh (theo quyết định của Sở Giáo dục và Đào tạo). Hướng dẫn viên có trách nhiệm hỗ trợ giáo viên bằng nhiều hình thức: biên soạn tài liệu bổ trợ, giải đáp các vấn đề mà cá nhân hoặc nhóm học tập chưa giải quyết được trong quá trình BDTX.

Chương III

ĐÁNH GIÁ, CÔNG NHẬN KẾT QUẢ BỒI DƯỠNG THƯỜNG XUYÊN

Điều 9. Đánh giá kết quả

1. Kết quả BDTX của giáo viên được đánh giá qua các chuyên đề hay học phần trong toàn khoá. Đánh giá kết quả ở mỗi học phần dựa vào đánh giá của mỗi bài học trong học phần, báo cáo khoa học và bài tập nghiên cứu khoa học nếu có ở học phần đó.

2. Căn cứ đánh giá kết quả mỗi bài học là mức độ hoàn thành các tiêu chí đã được xác định từ mục tiêu bài học đó.

3. Kết quả BDTX được xếp theo các mức: Giỏi, Khá, Trung bình, Yếu.

Điều 10. Công nhận kết quả bồi dưỡng

Khi đã hoàn thành tất cả các học phần theo quy định của chương trình BDTX ở mức độ Trung bình trở lên, giáo viên sẽ được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình BDTX.

Chương IV

NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN LỢI CỦA GIÁO VIÊN

Điều 11. Nhiệm vụ của giáo viên

1. Nghiêm chỉnh thực hiện nội dung và chương trình BDTX theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Vận dụng có hiệu quả những kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ sư phạm vào công tác dạy học.

3. Những giáo viên không đạt yêu cầu học tập chương trình BDTX có nhiệm vụ tiếp tục hoàn thành chương trình theo thời hạn của Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục quy định.

Điều 12. Quyền lợi của giáo viên

1. Được quyền đăng ký kế hoạch học tập và có thể hoàn thành kế hoạch BDTX trước kỳ hạn.

2. Được cấp giáo trình, tài liệu học tập (tài liệu chuyên môn, băng đĩa hình, sổ tay học tập), tài liệu hướng dẫn sử dụng thiết bị, thí nghiệm đã quy định.

3. Được cấp chứng nhận khi hoàn thành kế hoạch bồi dưỡng, được khen thưởng khi có thành tích xuất sắc trong quá trình bồi dưỡng.

4. Trong thời gian tham gia chương trình BDTX, giáo viên được hưởng nguyên lương và tất cả các khoản phụ cấp cũng như các chế độ, chính sách về công tác bồi dưỡng giáo viên của Nhà nước, của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các chính sách khuyến khích của địa phương.

5. Kết quả đánh giá BDTX được ghi vào hồ sơ của mỗi cá nhân, là một tiêu chuẩn để bình xét danh hiệu thi đua các cấp theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN BỒI DƯỠNG THƯỜNG XUYÊN

Điều 13. Nguyên tắc thực hiện

Khi triển khai thực hiện chương trình BDTX theo chu kỳ, các học phần được xây dựng độc lập. Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các Phòng Giáo dục, trường, trung tâm triển khai việc học tập, tổ chức đánh giá kết quả từng học phần thống nhất theo kế hoạch chung.

Điều 14. Nhiệm vụ của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chương trình, tài liệu bồi dưỡng phần chung và phần chuyên môn nghiệp vụ, quản lý chỉ đạo triển khai thực hiện kế hoạch và các nội dung bồi dưỡng trên phạm vi toàn quốc.

Điều 15. Nhiệm vụ của Sở Giáo dục và Đào tạo

1. Củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo điều hành công trác BDTX cấp tỉnh, thành phố.

2. Xây dựng kế hoạch BDTX theo chu kỳ cho đội ngũ giáo viên cốt cán các bậc học, ngành học; chỉ đạo thống nhất các cơ sở đào tạo bồi dưỡng trong phạm vi của tỉnh, thành phố.

3. Đảm bảo các điều kiện kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác BDTX.

4. Phối hợp với các trường (khoa) Đại học sư phạm, Cao đẳng sư phạm và chỉ đạo các trường Cao đẳng sư phạm, trung học chuyên nghiệp - dạy nghề trực thuộc Sở để viết tài liệu bồi dưỡng phần dành cho địa phương.

5. Quản lý chặt chẽ việc thực hiện kế hoạch, chương trình; tổ chức triển khai và tổ chức đánh giá kết quả BDTX.

6. Chủ động tham mưu với Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố về việc đảm bảo nguồn kinh phí hỗ trợ bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên theo chế độ hiện hành.

7. Cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình BDTX cho giáo viên.

8. Hằng năm gửi báo cáo công tác BDTX về Bộ Giáo đục và Đào tạo (qua Vụ chỉ đạo bậc học) trong thời gian từ 15 đến 30/10.

Điều 16. Nhiệm vụ của Phòng Giáo dục

1. Củng cố, kiện toàn Ban điều hành công tác BDTX cấp huyện, quận.

2. Lập kế hoạch BDTX cho giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông trong phạm vi huyện, quận quản lý và tổ chức triển khai công tác BDTX theo kế hoạch.

3. Trình Sở Giáo đục và Đào tạo duyệt kế hoạch bồi dưỡng và chỉ đạo các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và các trung tâm GDTX (thuộc Phòng Giáo dục quản lý), trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp thực hiện.

Điều 17. Nhiệm vụ của hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, bổ túc văn hóa; giám đốc trung tâm GDTX

1. Lập kế hoạch BDTX theo hướng dẫn của các cấp quản lý giáo dục, tổ chức triển khai công tác BDTX cho giáo viên do trường (hoặc trung tâm) quản lý.

2. Tổ chức việc BDTX của giáo viên theo hình thức tự học là chính. Phối hợp với các hướng dẫn viên, các cốt cán bồi dưỡng, giáo viên giỏi (được Sở Giáo dục và Đào tạo quy định), hiệu trưởng (hoặc giám đốc trung tâm) đánh giá kết quả BDTX của giáo viên theo các học phần của chương trình BDTX.

3. Thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách của Nhà nước và của địa phương đối với giáo viên của trường (hoặc trung tâm) tham gia BDTX.

Điều 18. Nhiệm vụ của các trường đại học sư phạm, cao đẳng sư phạm, khoa sư phạm, trường trung học chuyên nghiệp, trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp

Các trường đại học sư phạm, cao đẳng sư phạm, khoa sư phạm và trường trung học chuyên nghiệp, trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các cấp quản lý giáo dục địa phương để thực hiện công tác BDTX cho giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, bổ túc văn hóa, trung học phổ thông./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Văn Vọng

 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.