• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 27/02/2002
  • Ngày hết hiệu lực: 07/08/2009
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Số: 03/2002/TT-BGTVT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thừa Thiên Huế, ngày 27 tháng 2 năm 2002

 

 

 

 

 

THÔNG TƯ

Hướng dẫn việc sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy,

xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự để vận chuyển khách, hàng

 

Căn cứ Điều 67 Luật giao thông đường bộ số 26/2001/QH10 ngày 29-6-2001;

Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn việc sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự để vận chuyển khách, hàng nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông như sau:

 

I - Quy định chung

1 - Đối tượng, nội dung áp dụng

Thông tư này hướng dẫn những nguyên tắc chung để Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh) quy định cụ thể về hoạt động vận chuyển khách, hàng bằng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự ( sau đây gọi là phương tiện) tại địa phương.

2 - Các từ ngữ trong Thông tư này được hiểu như sau:

a - Xe thô sơ là xe không di chuyển bằng sức động cơ như xe đạp, xe xích lô, xe súc vật kéo;

b - Xe gắn máy là xe cơ giới có hai bánh di chuyển bằng động cơ và khi tắt máy thì đạp xe đi được;

c - Xe mô tô hai bánh là xe cơ giới có hai bánh, di chuyển bằng động cơ, có dung tích xi lanh từ 50cm3 trở lên và tổng trọng lượng toàn xe không vượt quá 400 ki-lô-gam;

d - Xe mô tô ba bánh là xe cơ giới có ba bánh, di chuyển bằng động cơ, có dung tích xi lanh từ 50cm3 trở lên có sức chở từ 350 ki-lô-gam đến 500 ki-lô-gam;

e - Các loại xe tương tự là các loại xe có cấu tạo, tính năng và công dụng gần giống các loại xe trên;

3 - Chủng loại phương tiện

Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương để quy định chủng loại xe thô sơ và xe gắn máy, xe môtô hai bánh, xe môtô ba bánh và các loại xe tương tự được vận chuyển khách, hàng trong phạm vi địa phương.

II - Hoạt động vận chuyển khách, vận chuyển hàng

1 - Người điều khiển phương tiện

1.1 - Có hộ khẩu thường trú hoặc giấy chứng nhận tạm trú.

1.2 - Có đủ sức khoẻ và được khám định kỳ theo quy định của Bộ Y tế.

1.3 - Có đủ tuổi lái xe theo quy định hiện hành.

1.4 - Có giấy phép lái xe hoặc hiểu biết quy tắc giao thông đường bộ theo quy định hiện hành.

1.5 - Có phù hiệu hoặc trang phục để phân biệt người điều khiển phương tiện hoạt động kinh doanh vận chuyển công cộng với các đối tượng tham gia giao thông khác và do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định.

1.6 - Đối với xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, ba bánh phải có mũ bảo hiểm cho mình và cho khách đi xe tuỳ thuộc vào tuyến đường quy định phải đội mũ.

2 - Phương tiện vận chuyển

2.1 - Phương tiện cơ giới phải bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật theo thiết kế và các điều kiện an toàn giao thông đường bộ.

2.2 - Phương tiện thô sơ bảo đảm đúng kích thước, quy cách, kiểu mẫu, vật liệu, cấu tạo theo thiết kế như:

2.2.1 - Có bộ phận hãm còn hiệu lực;

2.2.2 - Có càng điều khiển đủ độ bền, bảo đảm điều khiển chính xác;

2.2.3 - Đăng ký và cấp biển số theo quy định tại Điều 51 của Luật giao thông đường bộ;

3 - Phạm vi hoạt động

a - Phạm vi hoạt động chủ yếu trong nội tỉnh, nội thị, quận, huyện. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể phạm vi, tuyến đường hoạt động đối với từng loại phương tiện để bảo đảm an toàn và trật tự giao thông.

b - Khi hoạt động sang tỉnh khác thì phải tuân theo quy định của tỉnh đó.

4 - Thời gian hoạt động trong ngày

Để giảm ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể thời gian hoạt động cho từng loại phương tiện.

5 - Điểm đón, trả khách, nơi đỗ xe

Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định các điểm đón, trả khách, hàng và nơi đỗ xe để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong phạm vi địa phương.

III - Tổ chức hoạt động

1- Hình thức tổ chức

Trên cơ sở quy mô, địa bàn hoạt động của từng loại phương tiện và điều kiện, yêu cầu quản lý của mỗi địa phương, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định các hình thức tổ chức để tập hợp những cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh vận chuyển khách, vận chuyển hàng như hợp tác xã, tổ, đội hay nghiệp đoàn theo hình thức tự quản.

2- Cơ quan quản lý

Sở Giao thông vận tải, giao thông công chính có trách nhiệm tham mưu cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trong việc quy định quản lý, sử dụng xe thô sơ,

xe gắn máy, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh và các loại xe tương tự hoạt động vận chuyển khách, hàng trên địa bàn tỉnh.

IV - Tổ chức thực hiện

1 - Căn cứ Thông tư này và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh triển khai thực hiện nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị trên địa bàn của tỉnh.

2 - Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký. Bãi bỏ Quyết định số 1832/1999/QĐ-BGTVT ngày 26-7-2000 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Quy chế về tổ chức, quản lý vận tải hành khách công cộng bằng xe máy.

3 - Trong quá trình thực hiện có vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Giao thông vận tải để nghiên cứu giải quyết.

   

 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Phạm Thế Minh

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.