• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 10/01/2013
BỘ TÀI CHÍNH
Số: 205/2012/TT-BTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thừa Thiên Huế, ngày 23 tháng 11 năm 2012

THÔNG TƯ
Hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ để bảo vệ và phát triển đất trồng lúa theo Nghị định 42/2012/NĐ-CP

ngày 11/05/2012 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa

__________________________

 

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước và Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 42/2012/NĐ-CP ngày 11/5/2012 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa (sau đây viết tắt là Nghị định số 42/2012/NĐ-CP);

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ để bảo vệ và phát triển đất trồng lúa theo Nghị định số 42/2012/NĐ-CP ngày 11/5/2012 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa như sau:

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng:

1. Phạm vi: Thông tư này hướng dẫn cơ chế chính sách hỗ trợ, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương, hỗ trợ chi thường xuyên cho các địa phương sản xuất lúa và việc quản lý sử dụng kinh phí bổ sung diện tích đất chuyên trồng lúa nước, kinh phí cải tạo đất trồng lúa kém chất lượng, đất trồng khác.

2. Đối tượng áp dụng: Các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến quản lý, sử dụng đất trồng lúa.

Điều 2. Chính sách hỗ trợ địa phương sản xuất lúa:

1. Căn cứ vào diện tích đất trồng lúa, ngân sách nhà nước hỗ trợ sản xuất lúa cho các địa phương (gồm chi đầu tư và chi thường xuyên) thông qua định mức phân bổ ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Đối với các năm trong thời kỳ ổn định ngân sách 2011-2015, ngân sách nhà nước thực hiện hỗ trợ sản xuất lúa cho các địa phương theo quy định tại điểm c, khoản 12, phần II, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2011 ban hành kèm theo Quyết định số 59/2010/QĐ-TTg ngày 30/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ (đối với chi thường xuyên) và theo quy định tại điểm (2), mục c, khoản 3, phần III, nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2011-2015 ban hành kèm theo Quyết định số 60/2010/QĐ-TTg ngày 30/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ (đối với chi đầu tư). Ngoài ra, đối với các năm trong thời kỳ ổn định ngân sách 2012-2015, ngân sách trung ương hỗ trợ bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương để sản xuất lúa như sau:

a) Hỗ trợ 500.000 đồng/ha/năm đối với đất chuyên trồng lúa nước;

b) Hỗ trợ 100.000 đồng/ha/năm đối với đất lúa khác, trừ đất lúa nương được mở rộng tự phát không theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa.

Diện tích đất trồng lúa được hỗ trợ căn cứ vào số liệu thống kê đất đai của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Bộ tài nguyên và Môi trường công bố của năm liền kề trước năm xây dựng kế hoạch phân bổ ngân sách.

2. Quản lý, sử dụng kinh phí hỗ trợ sản xuất lúa:

Kinh phí hỗ trợ sản xuất lúa đã bố trí trong dự toán chi cân đối ngân sách địa phương giai đoạn 2011-2015 theo Quyết định số 59/2010/QĐ-TTg ngày 30/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 60/2010/QĐ-TTg ngày 30/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ và kinh phí ngân sách trung ương hỗ trợ theo quy định tại điểm a, b khoản 1 điều này tập trung chi hỗ trợ sản xuất lúa phát triển nông nghiệp, nông thôn, cụ thể như sau:

- Tập trung đầu tư xây dựng và duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, trong đó ưu tiên đầu tư thuỷ lợi; giao thông nông thôn; kiên cố hoá kênh mương (bao gồm cả hỗ trợ đầu tư thuỷ lợi, giao thông nội đồng); hạ tầng làng nghề ở nông thôn; hạ tầng nuôi trồng thuỷ sản và các nội dung đầu tư khác liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

- Hỗ trợ các hoạt động khuyến nông giúp các hộ và tổ chức tiếp cận các dịch vụ, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao nhận thức và áp dụng vào kế hoạch đã được xác định để phát triển sản xuất và ngành nghề nông thôn trên địa bàn xã.

- Hỗ trợ xây dựng và phổ biến nhân rộng mô hình sản xuất mới có hiệu quả và ngành nghề nông thôn, bao gồm: Hỗ trợ giống lúa, phân bón, thuốc phòng trị sâu bệnh, máy móc thiết bị, công cụ sản xuất, vật tư khác.

Chính sách và mức hỗ trợ: Áp dụng Điều 12, Điều 13, Điều 14 Nghị định 02/2010/NĐ-CP ngày 08/01/2010 của Chính phủ về khuyến nông và theo quy định tại Thông tư liên tịch số 183/2010/TTLT-BTC-BNN ngày 15/11/2010 của Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cấp đối với hoạt động khuyến nông.

Căn cứ thực tế của địa phương và nguồn ngân sách được hỗ trợ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định mức chi đầu tư xây dựng, chi duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, chi hỗ trợ các hoạt động khuyến nông và chi hỗ trợ xây dựng, phổ biến nhân rộng mô hình sản xuất mới có hiệu quả cho các cấp chính quyền ở địa phương.

Điều 3. Chính sách hỗ trợ người sản xuất lúa:

1. Hàng năm ngân sách nhà nước hỗ trợ người sản xuất lúa từ nguồn kinh phí chi thường xuyên mức:

a) Hỗ trợ 500.000 đồng/ha/năm cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất lúa trên đất chuyên trồng lúa nước;

b) Hỗ trợ 100.000 đồng/ha/năm cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất lúa trên đất lúa khác trừ đất lúa nương được mở rộng tự phát không theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa.

Người sản xuất lúa sử dụng kinh phí được hỗ trợ để phát triển sản xuất lúa có hiệu quả (ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất mới; đầu tư giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật;…) nhằm nâng cao năng suất và chất lượng lúa, góp phần xây dựng nông thôn mới.

2. Đối tượng, điều kiện hưởng hỗ trợ: tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất lúa trên diện tích đất nằm trong quy hoạch đất trồng lúa.

3. Hồ sơ, trình tự, thủ tục hỗ trợ:

Người sản xuất lúa làm đơn đề nghị hỗ trợ theo Mẫu số 1 đính kèm Thông tư này gửi Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi sản xuất lúa để rà soát, kiểm tra và tổng hợp danh sách và gửi toàn bộ hồ sơ về Phòng chuyên môn thực hiện chức năng quản lý nhà nước về nông nghiệp cấp huyện (sau đây gọi tắt là Phòng chuyên môn cấp huyện). Phòng chuyên môn cấp huyện chủ trì phối hợp với Phòng Tài chính - Kế hoạch cấp huyện thẩm định hồ sơ, tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp huyện để gửi báo cáo về Sở Tài chính và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trên cơ sở đó, Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh về tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ người sản xuất lúa trên địa bàn để Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt và giao Uỷ ban ngân dân cấp huyện ra quyết định về danh sách và mức hỗ trợ cho từng tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất lúa.

Căn cứ quyết định của Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Uỷ ban nhân dân cấp xã niêm yết và công bố công khai danh sách và mức hỗ trợ cho người sản xuất lúa theo quy định tại Thông tư số 54/2006/TT-BTC ngày 19/6/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện quy chế công khai hỗ trợ trực tiếp ngân sách nhà nước đối với cá nhân, dân cư. Phòng chuyên môn cấp huyện có trách nhiệm quản lý, quyết toán kinh phí hỗ trợ người sản xuất lúa và uỷ quyền Uỷ ban nhân dân cấp xã tổ chức chi trả tiền hỗ trợ cho người sản xuất lúa.

Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể thời điểm hỗ trợ, số lần hỗ trợ hàng năm cho phù hợp với thực tế tại địa phương.

4. Trường hợp người sản xuất lúa bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh thì được ngân sách nhà nước hỗ trợ phân bón và thuốc bảo vệ thực vật như sau:

a) Đối với diện tích gieo cấy trong phạm vi 45 ngày bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 2.500.000 đồng/ha; bị thiệt hại từ 30-70%, hỗ trợ 1.750.000 đồng/ha.

b) Đối với diện tích gieo cấy trên 45 ngày bị thiệt hại trên 70%, hỗ trợ 5.000.000 đồng/ha; bị thiệt hại từ 30-70%, hỗ trợ 3.500.000 đồng/ha.

Việc tổ chức thực hiện hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho người sản xuất lúa bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh áp dụng theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 187/2010/TT-BTC ngày 22/11/2010 của Bộ Tài chính quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

5. Ngoài ra, người sản xuất lúa còn được hỗ trợ chi phí khai hoang, cải tạo đất trồng lúa quy định tại Khoản 5 Điều 4 Thông tư này.

6. Cơ chế hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương để thực hiện chính sách hỗ trợ người sản xuất lúa theo quy định tại Khoản 5, Điều 11 của Nghị định số 42/2012/NĐ-CP.

Điều 4. Quản lý, sử dụng kinh phí cải tạo nâng cao chất lượng đất trồng lúa và phát triển quỹ đất trồng lúa

1. Căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa trong từng thời kỳ được cấp có thẩm quyền phê duyệt của địa phương, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Uỷ ban nhân dân cấp huyện lập phương án khai hoang, phục hoá, cải tạo các vùng đất trồng lúa kém chất lượng, đất trồng trọt khác tại địa phương để cải tạo nâng cao chất lượng đất trồng lúa và bổ sung diện tích đất trồng lúa bị mất tại địa phương (cho cả thời kỳ và từng năm); gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.

2. Tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa nước theo quy định tại Khoản 3 Điều 4 Nghị định số 42/2012/NĐ-CP, phải lập phương án sử dụng lớp đất mặt thuộc tầng canh tác để cải tạo các vùng đất trồng lúa kém chất lượng, đất trồng trọt khác và lập phương án bù bổ sung diện tích đất chuyên trồng lúa nước đã bị mất do chuyển mục đích sử dụng, gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt; trường hợp các phương án trên không thực hiện được thì nộp kinh phí cho Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để tổ chức thực hiện khai hoang, phục hoá, cải tạo các vùng đất trồng lúa kém chất lượng, đất trồng trọt khác trên địa bàn; mức kinh phí phải nộp do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.

3. Kinh phí bóc lớp đất mặt tầng canh tác và bù bổ sung diện tích đất chuyên trồng lúa nước bị mất do chuyển mục đích sử dụng được tính vào chi phí đầu tư dự án, công trình.

4. Hàng năm căn cứ số kinh phí phát triển đất trồng lúa các tổ chức cá nhân được giao đất nộp, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phân bổ kinh phí để thực hiện khai hoang, phục hoá, cải tạo đất và bù bổ sung diện tích đất chuyên trồng lúa nước bị mất do chuyển mục đích sử dụng theo phương án được duyệt.

5. Mức hỗ trợ khai hoang, cải tạo đất trồng lúa:

a) Hỗ trợ 70% chi phí khai hoang, cải tạo đất chưa sử dụng thành đất trồng lúa hoặc cải tạo đất lúa khác thành đất chuyên trồng lúa nước;

b) Hỗ trợ 100% giống lúa trong năm đầu để sản xuất trên diện tích đất trồng lúa mới khai hoang;

c) Hỗ trợ 70% giống lúa trong năm đầu để sản xuất trên diện tích đất lúa khác được cải tạo thành đất chuyên trồng lúa nước.

Mức hỗ trợ chi phí khai hoang, cải tạo đất và giống lúa do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định; kinh phí hỗ trợ từ nguồn tổ chức, cá nhân nộp cho địa phương theo quy định tại Khoản 2 Điều này; trường hợp, kinh phí tổ chức cá nhân nộp không đảm bảo nhu cầu kinh phí hỗ trợ khai hoang, cải tạo đất, các địa phương khó khăn về ngân sách gửi văn bản đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ theo quy định tại Khoản 5, Điều 11 của Nghị định số 42/2012/NĐ-CP.

Điều 5. Lập dự toán, chấp hành và quyết toán kinh phí:

1. Về lập dự toán:

a) Đối với kinh phí hỗ trợ các địa phương có diện tích trồng lúa theo Quyết định số 59/2010/QĐ-TTg, Quyết định số 60/2010/QĐ-TTg ngày 30/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ đã bố trí ổn định trong dự toán chi cân đối ngân sách địa phương giai đoạn 2011-2015: Hàng năm căn cứ quy định tại Thông tư này các xã, các đơn vị thuộc huyện lập dự toán chi gửi Uỷ ban nhân dân cấp huyện tổng hợp báo cáo Sở Tài chính để tổng hợp vào dự toán chi cân đối ngân sách địa phương. Sau khi dự toán chi cân đối ngân sách địa phương được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh giao, Uỷ ban nhân dân cấp huyện trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định và giao dự toán các đơn vị.

b) Đối với kinh phí hỗ trợ địa phương và người sản xuất lúa quy định tại Khoản 2 Điều 10 và Khoản 1, 5 Điều 11 của Nghị định số 42/2012/NĐ-CP: Từ năm 2012 đến năm 2015, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương để thực hiện. Hàng năm, căn cứ số liệu thống kê diện tích đất trồng lúa và tình hình sản xuất lúa của năm liền kề trước năm xây dựng dự toán, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn các đơn vị trực thuộc xây dựng dự toán chi gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp gửi Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp vào dự toán chi ngân sách địa phương, gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng thời gian báo cáo dự toán ngân sách nhà nước năm kế hoạch.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ giao dự toán chi bổ sung mục tiêu thực hiện chính sách hỗ trợ địa phương sản xuất lúa và hỗ trợ người sản xuất lúa, trên cơ sở dự toán được giao, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp, phân bổ số kinh phí này để đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định.

2. Việc chấp hành dự toán và quyết toán.

Việc chấp hành dự toán và quyết toán kinh phí hỗ trợ để bảo vệ và phát triển đất trồng lúa thực hiện theo quy định hiện hành của Luật Ngân sách Nhà nước, các văn bản hướng dẫn Luật và Mục lục ngân sách Nhà nước hiện hành.

Điều 6. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 01 năm 2013.

2. Các chế độ quy định tại Thông tư này được thực hiện kể từ ngày 01/7/2012.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có báo cáo gửi Bộ Tài chính để kịp thời xem xét, giải quyết./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Công Nghiệp

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.