• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 22/10/2008
BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM
Số: 3606/BHXH- CSXH
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thành phố Huế, ngày 22 tháng 10 năm 2008

Kính gửi:  - Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

                                                                   - Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng;

                                                                   - Bảo hiểm xã hội Bộ Công an;

                                                                   - Bảo hiểm xã hội Ban Cơ yếu Chính phủ.

            Ngày 23 tháng 9 năm 2008, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 19/2008/TT-BLĐTBXH, sửa đổi, bổ sung Thông tư số 03/2007/TT-BLĐTBXH ngày 30 tháng 01 năm 2007 về hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng dẫn cụ thể một số điểm để thực hiện như sau:

1. Một số nội dung về chế độ chính sách:

1.1. Đối với trường hợp người lao động mắc bệnh cần chữa trị dài ngày, sau 180 ngày vẫn tiếp tục điều trị, mà khi tính có mức hưởng chế độ ốm đau trong tháng thấp hơn mức lương tối thiểu chung thì được tính bằng mức lương tối thiểu chung (quy định tại điểm 1 Thông tư số 19/2008/TT-BLĐTBXH). Nếu nghỉ chẵn tháng dương lịch thì mức hưởng bằng mức lương tối thiểu chung tại tháng đó; nếu có ngày lẻ thì cách tính mức hưởng chế độ ốm đau cho những ngày này bằng mức lương tối thiểu chung tại tháng đó chia cho 26 ngày nhân với số ngày lẻ trong tháng (tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hàng tuần).

1.2. Giải quyết hưởng trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ (DSPHSK) theo điểm 2, 3 và điểm 4 Thông tư số 19/2008/TT-BLĐTBXH:

a) Khoảng thời gian người lao động được xem xét giải quyết hưởng trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ (DSPHSK) sau ốm đau, thai sản theo quy định tại điểm 2 và điểm 3 Thông tư số 19/2008/TT-BLĐTBXH là khoảng thời gian tính từ ngày người lao động đã nghỉ hưởng chế độ ốm đau từ đủ 30 ngày trở lên trong năm hoặc hết thời gian hưởng chế độ ốm đau, thai sản theo quy định, trở lại làm việc mà sức khỏe còn yếu. Trường hợp người lao động sau khi hết thời gian được nghỉ hưởng chế độ ốm đau theo quy định nhưng chưa trở lại làm việc do phải tiếp tục điều trị, sau khi trở lại làm việc mà sức khỏe yếu thì cũng được giải quyết hưởng trợ cấp DSPHSK theo quy định này.

Người lao động trong thời gian đang nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau, thai sản theo quy định thì chưa giải quyết trợ cấp DSPHSK.

b) Khoảng thời gian người lao động được xem xét giải quyết hưởng trợ cấp DSPHSK sau tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ-BNN) quy định tại điểm 4 Thông tư số 19/2008/TT-BLĐTBXH là khoảng thời gian tính từ ngày người lao động có kết luận của Hội đồng giám định y khoa mà sức khoẻ còn yếu.

Ngày nghỉ DSPHSK là ngày người lao động nghỉ việc hưởng chế độ DSPHSK tại gia đình hoặc tại cơ sở tập trung.

1.3. Tiền lương tháng đóng BHXH làm cơ sở tính hưởng chế độ thai sản quy định tại điểm 3 Thông tư số 19/2008/TT-BLĐTBXH đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định trong từng trường hợp cụ thể được thực hiện theo hướng dẫn tại điểm 2 công văn số 3527/BHXH- CĐCS ngày 21/9/2007 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

1.4. Chế độ TNLĐ- BNN trong trường hợp giám định lại, giám định tổng hợp theo quy định tại điểm 4 Thông tư số 19/2008/TT-BLĐTBXH đối với một số trường hợp cụ thể được thực hiện như sau :

a) Người đã hưởng trợ cấp TNLĐ-BNN trước ngày 01/01/2007 (theo quy định của Điều lệ BHXH) bị tái phát từ ngày 01/01/2007 trở đi:

- Trường hợp đã hưởng một lần nếu giám định lại có mức suy giảm khả năng lao động (KNLĐ) thay đổi nhưng vẫn nằm trong khung mức hưởng quy định hoặc thấp hơn thì không được hưởng khoản trợ cấp mới;

- Trường hợp đã hưởng trợ cấp hàng tháng nếu giám định lại có mức suy giảm KNLĐ trong cùng khung mức hưởng thì giữ nguyên mức hưởng hàng tháng cũ, thấp hơn khung mức hiện hưởng nhưng vẫn đủ điều kiện hưởng hàng tháng thì hưởng theo khung thấp hơn tương ứng.

b) Người đã hưởng trợ cấp TNLĐ-BNN từ ngày 01/01/2007 trở đi theo quy định của Luật BHXH mà bị tái phát:

- Trường hợp đã hưởng một lần nếu giám định lại có mức suy giảm KNLĐ không thay đổi hoặc thấp hơn thì không được hưởng khoản trợ cấp mới; nếu mức suy giảm KNLĐ tăng và đủ điều kiện hưởng hàng tháng thì được hưởng trợ cấp hàng tháng theo quy định (không phải thu hồi hoặc khấu trừ số tiền đã hưởng trợ cấp một lần).

- Trường hợp đã hưởng hàng tháng nếu giám định lại có mức suy giảm KNLĐ thấp hơn thì hưởng với mức thấp hơn tương ứng.

c) Người đã hưởng trợ cấp TNLĐ-BNN một lần hoặc hàng tháng (kể cả trước 01/01/2007) mà từ ngày 01/01/2007 trở đi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mới thì mức hưởng  mới tính theo mức suy giảm KNLĐ sau khi giám định tổng hợp (không tính chênh lệch khoản trợ cấp theo mức cũ và mức mới).

1.5. Thời điểm hưởng lương hưu theo quy định tại điểm 6 Thông tư số 19/2008/TT-BLĐTBXH được thực hiện như sau:

a) Đối với người lao động đang tham gia BHXH hoặc bảo lưu thời gian đóng BHXH, điều kiện để được hưởng lương hưu kể từ tháng liền kề nộp đủ hồ sơ hợp lệ, cụ thể như sau:

- Tháng người lao động đủ điều kiện về tuổi đời để được hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 50 và Điều 51 Luật BHXH là từ tháng liền kề với tháng sinh nhật của năm đủ tuổi hưởng chế độ hưu trí

Ví dụ 1: Ông A là công chức Nhà nước, sinh ngày 08/2/1949, có 35 năm đóng BHXH, đã được cơ quan làm thủ tục nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí và nộp đủ hồ sơ hợp lệ cho cơ quan BHXH từ tháng 01/2009. Ông A đủ điều kiện, được hưởng lương hưu hàng tháng từ tháng 3/2009.

- Người lao động nghỉ hưu trước tuổi phải giám định KNLĐ, ngoài điều kiện đủ tuổi đời theo quy định trên thì tháng có đủ điều kiện để giải quyết hưởng lương hưu là tháng liền kề trở đi với tháng có kết luận suy giảm KNLĐ từ 61% trở lên của Hội đồng Giám định y khoa.

- Trường hợp Quyết định nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí của người sử dụng lao động ghi ngày, tháng hưởng lương hưu sau tháng đã đủ điều kiện như nêu trên thì giải quyết hưởng lương hưu theo thời điểm ghi trong Quyết định của người sử dụng lao động.

b) Đối với người đã hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng bị tạm dừng, nay đã chấp hành xong hình phạt tù hoặc được Tòa án tuyên bố là mất tích trở về hoặc trở về định cư hợp pháp thì tiếp tục được hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng theo quy định. Thời điểm hưởng lại lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng của đối tượng này không phụ thuộc vào thời điểm nộp hồ sơ mà căn cứ tháng ghi trong quyết định đối với người chấp hành xong hình phạt tù, quyết định người được Tòa án tuyên bố là mất tích trở về và tháng nhập cảnh đối với người xuất cảnh trở về định cư hợp pháp để giải quyết hưởng từ tháng liền kề.

1.6. Mức trợ cấp và thời điểm hưởng trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã theo Nghị định số 09/1998/NĐ-CP quy định tại điểm 8 và điểm 9 Thông tư số 19/2008/TT-BLĐTBXH được thực hiện như sau:

a) Mức trợ cấp hàng tháng được tính theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23/01/1998 của Chính phủ và điểm 1, điểm 2 và điểm 4 Mục III Thông tư số 99/1998/TT-LT-TCCP-BTC-BLĐTBXH ngày 19/5/1998 của Liên tịch Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ-Bộ Tài chính-Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Mức trợ cấp hàng tháng được tính trên mức sinh hoạt phí bình quân tháng của 5 năm cuối trước khi nghỉ việc; trường hợp 5 năm cuối trước khi nghỉ việc có thời gian hưởng sinh hoạt phí theo Nghị định số 50/CP ngày 26/9/1995 thì mức sinh hoạt phí theo Nghị định số 50/CP được chuyển sang mức sinh hoạt phí theo Nghị định số 09/1998/NĐ-CP để tính mức sinh hoạt phí bình quân tháng làm căn cứ tính trợ cấp hàng tháng. Mức sinh hoạt phí hàng tháng theo Nghị định số 09/1998/NĐ-CP của cán bộ xã thống nhất lấy mức đã được điều chỉnh tại thời điểm 01/01/2003. Sau khi tính được mức trợ cấp hàng tháng theo quy định trên, thực hiện điều chỉnh như sau:

- Tăng 10% theo Nghị định số 208/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004;

- Tăng 10% theo Nghị định số 117/2005/NĐ-CP ngày 15/9/2005;

- Tăng 20,7% theo Nghị định số 118/2005/NĐ-CP ngày 15/9/2005;

- Tăng 10% theo Nghị định số 93/2006/NĐ-CP ngày 7/9/2006;

- Tăng 28,6% theo Nghị định số 94/2006/NĐ-CP ngày 7/9/2006;

- Tăng 20% theo Nghị định số 184/2007/NĐ-CP ngày 28/12/2007;

- Tăng 15% theo Nghị định số 101/2008/NĐ-CP ngày 12/9/2008.

 b) Thời điểm hưởng trợ cấp cán bộ xã hàng tháng: Tính từ tháng liền kề với tháng sinh đủ 55 tuổi đối với nam, đủ 50 tuổi đối với nữ.

Ví dụ 2: Ông B là cán bộ xã, sinh ngày 02/5/1952, có 18 năm đóng BHXH đã được cơ quan BHXH làm thủ tục chờ đủ tuổi để hưởng trợ cấp cán bộ xã từ năm 2003. Ông B được hưởng trợ cấp hàng tháng từ tháng 6/2007.

 Trường hợp đã chết sau khi đủ điều kiện để hưởng trợ cấp hàng tháng theo quy định, thì vẫn thực hiện tính trợ cấp hàng tháng để trả đến hết tháng bị chết, sau đó giải quyết trợ cấp mai táng theo quy định.

1.7. Một số nội dung hướng dẫn cụ thể thêm để thống nhất thực hiện:

a) Thời gian nghỉ việc làm căn cứ tính hưởng chế độ thai sản khi sinh con, nhận nuôi con nuôi được tính kể từ ngày người lao động sinh con, nhận nuôi con nuôi.

b) Trường hợp sau khi sinh, người mẹ cho con dưới 4 tháng tuổi thì thời gian hưởng chế độ thai sản được tính đến khi trở lại làm việc, nhưng tối đa bằng thời gian hưởng chế độ thai sản khi sinh con quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP.

c) Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên mà sau khi sinh có con chết, thì thời gian nghỉ khi sinh con tính theo số con được sinh; nếu các con đều chết, thì thời gian hưởng trợ cấp thai sản được tính theo trường hợp con chết sau.

d) Trường hợp lao động nữ mang thai đôi trở lên mà khi sinh nếu có thai bị chết lưu thì thời gian hưởng chế độ thai sản bằng thời gian quy định khi sinh con tại khoản 1 Điều 15 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP (không tính thêm thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản đối với thai chết lưu); nếu tất cả các thai đều chết lưu thì thời gian được hưởng theo quy định tại Điều 30 Luật BHXH như đối với người có một thai chết lưu.

đ) Trường hợp khi sinh con, nhận nuôi con nuôi mà có thời gian quy định nghỉ theo ngày hoặc có ngày lẻ trong tháng thì mức hưởng của những ngày lẻ thực hiện như quy định tại điểm a khoản 5 Mục II Phần B Thông tư số 03/2007/TT-BLĐTBXH.

e) Tiền lương, tiền công được tính là đã đóng BHXH trong thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản là tiền lương, tiền công đóng BHXH của tháng cuối cùng trước khi nghỉ hưởng chế độ thai sản.

g) Trường hợp số ngày nghỉ hưởng thai sản không đủ tháng thì số ngày còn lại trong tháng (không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ tết và ngày nghỉ hàng tuần) người lao động và người sử dụng lao động phải đóng BHXH theo quy định. Mức tiền lương, tiền công đóng BHXH một ngày được tính theo tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH cuối cùng trước khi nghỉ hưởng chế độ thai sản chia cho 26 ngày. 

h) Trường hợp người bị mắc bệnh nghề nghiệp mà không điều trị nội trú thì thời gian và tiền lương, tiền công đóng BHXH làm căn cứ tính khoản trợ cấp theo số năm đóng BHXH được xác định tại tháng liền kề trước tháng có kết quả giám định KNLĐ do bị bệnh nghề nghiệp của Hội đồng giám định y khoa.

i) Người lao động thuộc các đối tượng  quy định tại Điều 26 và Điều  27 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP, còn thiếu thời gian đóng BHXH tối đa không quá 6 tháng mới đủ 20 năm thì được đóng BHXH một lần cho những tháng còn thiếu để giải quyết chế độ hưu trí hàng tháng theo quy định (đối tượng làm nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên thì thời gian đóng thêm không được tính là thời gian đã làm nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm …). Thời điểm hưởng lương hưu đối với người lao động này tính từ tháng liền kề sau tháng đã có đủ thời gian 20 năm đóng BHXH.

k) Người lao động đã nghỉ việc hưởng trợ cấp TNLĐ-BNN hàng tháng có mức suy giảm KNLĐ dưới 61% mà trước đó đã hưởng BHXH một lần bị chết và người lao động đã nghỉ việc hưởng trợ cấp TNLĐ-BNN hàng tháng có mức suy giảm KNLĐ từ 61% trở lên, trước đó đã hưởng BHXH một lần mà khi chết không có thân nhân thuộc diện hưởng tiền tuất hàng tháng thì thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần theo quy định tại Điều 38 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP. Mức trợ cấp một lần bằng 3 tháng mức trợ cấp đang hưởng trước khi chết.

2. Tổ chức thực hiện:

Để thực hiện tốt chế độ chính sách BHXH đối với người lao động tham gia BHXH bắt buộc thuộc đối tượng quy định tại Nghị định số 152/2006/NĐ-CP, Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu:

2.1. Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố, Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Bộ Công an, Bảo hiểm xã hội Ban Cơ yếu Chính phủ:

Căn cứ vào quy định của pháp luật BHXH, quy định của Thông tư số 19/2008/TT-BLĐTBXH và hướng dẫn tại văn bản này để tổ chức triển khai thực hiện:

a) Đối với người lao động thuộc đối tượng quy định tại điểm 9 (Điều khoản thi hành) của Thông tư số 19/2008/TT-BLĐTBXH đã được giải quyết theo quy định của Luật BHXH từ ngày 01/01/2007 đến nay:

- Rà soát hồ sơ đang quản lý (kể cả đối tượng hưởng hàng tháng do BHXH các tỉnh, thành phố khác, Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ban Cơ yếu Chính phủ đã giải quyết chuyển đến sau đó mà chưa hưởng theo quy định của Thông tư số 19/2008/TT-BLĐTBXH) để xác định đối tượng được tính lại mức hưởng lương hưu hàng tháng và trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, trợ cấp BHXH một lần; trợ cấp TNLĐ-BNN hàng tháng, một lần và trợ cấp tuất một lần theo quy định của Thông tư số 19/2008/TT-BLĐTBXH. Đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp một lần khi nghỉ hưu, trợ cấp TNLĐ-BNN hàng tháng thì nơi đang quản lý chi trả thực hiện; đối tượng hưởng BHXH một lần, trợ cấp TNLĐ-BNN một lần và trợ cấp tuất một lần thì nơi đã giải quyết thực hiện. Nếu có trường hợp thuộc đối tượng quy định của Nghị định số 83/2008/NĐ-CP, thì khi tính mức hưởng áp dụng đồng thời quy định của Nghị định số 83/2008/NĐ-CP.

Mức hưởng hàng tháng sau khi được xác định là căn cứ để thực hiện điều chỉnh tiếp theo quy định của Nghị định số 184/2007/NĐ-CP (nếu có) và Nghị định số 101/2008/NĐ-CP;

-  Lập Phiếu điều chỉnh cho từng loại chế độ (theo mẫu số 1A- TT19, 1B -TT19 và 1C- TT19 đính kèm) để giao cho đối tượng và bổ sung vào hồ sơ lưu trữ (hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng thì gửi 1 bản Phiếu điều chỉnh về Trung tâm Lưu trữ - Bảo hiểm xã hội Việt Nam). Tổ chức thực hiện chi trả hoặc truy thu phần chênh lệch lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng, một lần đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng theo quy định.

b) Đối với người lao động được giải quyết từ ngày 01/10/2008 theo quy định của Thông tư số 19/2008/TT-BLĐTBXH:

- Tiếp nhận hồ sơ để giải quyết chế độ trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã theo Nghị định số 09/1998/NĐ-CP đã có quyết định nghỉ việc chờ đủ tuổi để hưởng trợ cấp hàng tháng khi đủ tuổi quy định (mẫu Quyết định và bản quá trình công tác của cán bộ xã đính kèm); chi trả đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng khoản trợ cấp hàng tháng được truy lĩnh của từng thời kỳ theo quy định của chính sách (nếu có);

- Thực hiện giải quyết chế độ hưu trí (kể cả trợ cấp BHXH một lần); chế độ TNLĐ-BNN (kể cả trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau TNLĐ-BNN) và chế độ tử tuất theo quy định của pháp luật BHXH, quy định tại Thông tư số 19/2008/TT-BLĐTBXH và văn bản hướng dẫn này;

- Kể từ ngày 01/10/2008 trở đi, thực hiện giải quyết chế độ ốm đau, thai sản, trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau, sau thai sản theo quy định của pháp luật BHXH, quy định tại Thông tư số 19/2008/TT-BLĐTBXH và văn bản hướng dẫn này. Người nghỉ hưởng trợ cấp ốm đau, thai sản trước 01/10/2008 mà từ 01/10/2008 trở đi còn tiếp tục được hưởng thì mức hưởng từ 01/10/2008 thực hiện theo quy định mới này; người ốm đau, thai sản trước ngày 01/10/2008 hoặc bị TNLĐ-BNN đã giám định KNLĐ trước ngày 01/10/2008 chưa được giải quyết hưởng trợ cấp DSPHSK, đến nay vẫn còn trong khoảng thời gian được giải quyết trợ cấp DSPHSK theo quy định mới này thì cũng được giải quyết trợ cấp DSPHSK.

- Tiếp nhận hồ sơ để giải quyết tiếp tục hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH  hàng tháng theo quy định tại điểm 6 Thông tư số 19/2008/TT-BLĐTBXH: Người được tổ chức Bảo hiểm xã hội giải quyết hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng từ ngày 01/01/1995 hoặc người đã được tổ chức Bảo hiểm xã hội tiếp nhận từ ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và đã nhận lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng do tổ chức Bảo hiểm xã hội chi trả sau đó bị gián đoạn không ủy quyền cho người khác lĩnh thay; người bị phạt tù giam kể từ ngày 01/01/1995 và đã chấp hành xong hình phạt tù từ ngày 01/01/2007 trở đi; người được Tòa án tuyên bố là mất tích và người xuất cảnh kể từ ngày 01/01/1995 trở về định cư từ ngày 01/01/2007 trở đi.

c) Tổ chức thực hiện cấp sổ BHXH đối với người lao động làm việc thuộc khu vực nhà nước, nghỉ chờ việc từ ngày 01 tháng 11 năm 1987 đến ngày 31 tháng 12 năm 1994 vẫn nằm trong danh sách lao động mà doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức không sắp xếp, bố trí được việc làm và chưa nhận trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp BHXH một lần theo quy định của Thông tư số 19/2008/TT-BLĐTBXH và hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 3636/QĐ-BHXH ngày 16/6/2008.

2.2. Trung tâm Thông tin: Căn cứ quy định của chính sách và hướng dẫn tại văn bản này để xây dựng chương trình phần mềm liên quan đến thực hiện các chế độ BHXH theo quy định; triển khai và hướng dẫn thực hiện chương trình phần mềm đến Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố, Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Bộ Công an, Bảo hiểm xã hội Ban Cơ yếu Chính phủ.

2.3. Các đơn vị khác thuộc bảo hiểm xã hội Việt Nam: Theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình, thực hiện các nội dung liên quan theo quy định tại văn bản này.

  Trong quá trình thực hiện có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bảo hiểm xã hội Việt Nam để hướng dẫn thực hiện./. 

Tổng Giám đốc

(Đã ký)

 

Nguyễn Huy Ban

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.