• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 03/01/2008
NGÂN HÀNG PHÁT TRIỂN VIỆT NAM
Số: 05/NHPT-HTUT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Thành phố Huế, ngày 3 tháng 1 năm 2008

           Kính gửi:       - Các đơn vị thuộc Ngân hàng Phát triển Việt Nam

                                   - Chi nhánh NHPT Sơn La, Điện Biên, Lai Châu

Căn cứ Nghị định số 16/2005/NĐ- CP ngày 07 tháng 02 năm 2005 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư và xây dựng công trình; Nghị định số 112/2006/NĐ- CP ngày 29 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 16/2005/NĐ- CP; Nghị định 99/2007/NĐ-CP ngày 13/6/2007 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình;

Căn cứ Quyết định số 207/2004/QĐ-TTg ngày 11/12/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành cơ chế quản lý và thực hiện dự án Thuỷ điện Sơn La, Quyết định số 11/2007/QĐ-TTg ngày 23/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều về cơ chế quản lý và thực hiện Dự án thuỷ điện Sơn La ban hành kèm theo Quyết định số 207/2004/QĐ-TTg;

Căn cứ Thông tư số 27/2007/TT-BTC ngày 03/4/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn về quản lý, thanh toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư thuộc nguồn vốn Ngân sách Nhà nước; Thông tư 130/2007/TT-BTC ngày 02/11/2007 sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư 27/2007/TT-BTC;

Căn cứ công văn số 7865/BTC- ĐT ngày 26/6/2006 của Bộ Tài chính về việc thanh toán vốn đầu tư Dự án giao thông tránh ngập Dự án thuỷ điện Sơn La; công văn số 370/BTC- ĐT ngày 9/01/2007 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn chuyển vốn và thanh toán vốn từ nguồn huy động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho các công trình giao thông tránh ngập thuỷ điện Sơn La.

Ngân hàng Phát triển Việt Nam (NHPT) hướng dẫn việc quản lý, thanh toán vốn đầu tư Dự án các công trình giao thông tránh ngập thuỷ điện Sơn La như sau:

A. Quy định chung

1. Nguồn vốn đầu tư các công trình giao thông tránh ngập thuỷ điện Sơn La (sau đây gọi chung là dự án) được NHPT thực hiện quản lý và thanh toán là nguồn vốn do Tập đoàn Điện lực huy động và chuyển sang NHPT theo thoả thuận kế hoạch vốn cho các dự án giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam với Bộ Giao thông vận tải.

2. Các dự án được NHPT thanh toán vốn phải thuộc danh mục các dự án đầu tư hàng năm do Tập đoàn Điện lực Việt Nam thông báo cho NHPT.

3. NHPT có trách nhiệm tiếp nhận nguồn vốn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và chuyển cho các Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Sơn La, Điện Biên, Lai Châu (sau đây gọi là Chi nhánh NHPT) để quản lý và thanh toán vốn cho các dự án thực hiện trên địa bàn, theo tiến độ thực hiện của dự án. 

4. Chủ đầu tư hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, hợp pháp của giá trị khối lượng đề nghị thanh toán, định mức, đơn giá, dự toán các loại công việc, chất lượng công trình. Chi nhánh NHPT căn cứ vào hồ sơ thanh toán đầy đủ, hợp pháp, hợp lệ và các điều khoản thanh toán được quy định trong hợp đồng để thực hiện thanh toán cho Chủ đầu tư theo hợp đồng.

Chi nhánh NHPT không tham gia vào các Hội đồng nghiệm thu ở các công trình, dự án.

5. Các tài liệu cơ sở, tài liệu tạm ứng, thanh toán khối lượng hoàn thành do Chủ đầu tư gửi đến Chi nhánh NHPT phải là bản chính, hoặc bản sao chứng thực từ bản chính, hoặc sao y bản chính theo quy định.

Khi nhận được tài liệu do chủ đầu tư gửi tới, cán bộ thanh toán phải kiểm tra ngay tính đầy đủ, hợp pháp, hợp lệ của từng loại tài liệu; sự phù hợp về trình tự thời gian của các văn bản, tài liệu phê duyệt và trả lời chủ đầu tư kèm theo phiếu giao nhận tài liệu (mẫu số 01/TT-UT) hoặc có văn bản gửi chủ đầu tư (trường hợp tiếp nhận tài liệu qua đường bưu điện). Trường hợp tài liệu còn thiếu hoặc đã có nhưng không hợp pháp, không hợp lệ thì trong thời hạn một (01) ngày làm việc, Chi nhánh NHPT yêu cầu chủ đầu tư bổ sung hoặc thay thế tài liệu còn thiếu, tài liệu chưa hợp pháp, chưa hợp lệ.

6. Giấy đề nghị thanh toán vốn đầu tư (mẫu 02/TT-UT) được sử dụng trong từng lần thanh toán, tạm ứng vốn. Trường hợp thanh toán một lần không hết số vốn chấp nhận trên Giấy đề nghị thanh toán vốn đầu tư thì những lần thanh toán tiếp theo, chủ đầu tư cần lập Giấy đề nghị thanh toán vốn đầu tư với nội dung thanh toán ghi “Thanh toán tiếp khối lượng tại Giấy đề nghị thanh toán vốn đầu tư số........., ngày.... tháng ... năm ....”. Nếu nguyên nhân thanh toán một lần không hết là do thiếu nguồn vốn thì khi có nguồn vốn, cán bộ thanh toán phải thông báo ngay cho chủ đầu tư để thực hiện thủ tục thanh toán tiếp.

7. Số vốn thanh toán cho từng hạng mục công trình (bao gồm số dư tạm ứng vốn và thanh toán khối lượng hoàn thành) không được vượt dự toán được duyệt, giá gói thầu, hợp đồng đã ký kết và kế hoạch vốn thanh toán hàng năm bố trí cho dự án; tổng số vốn thanh toán cho dự án không được vượt tổng mức đầu tư của dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

8. Chủ đầu tư phải bố trí đủ vốn trong kế hoạch hàng năm để mua bảo hiểm công trình xây dựng theo quy định. Chi nhánh NHPT không thanh toán cho chủ đầu tư để bù đắp các chi phí thiệt hại, rủi ro thuộc phạm vi bảo hiểm nếu chủ đầu tư không mua bảo hiểm công trình xây dựng theo quy định hiện hành.

9. Việc thanh toán bằng tiền mặt chỉ được thực hiện đối với một số khoản chi như trả lương, trả tiền đền bù và một số chi phí thường xuyên khác theo đúng quy định.

B. Quy định cụ thể

I. Thông báo kế hoạch

1. Hàng năm, căn cứ kế hoạch thanh toán vốn của các dự án đã được thỏa thuận giữa Bộ giao thông vận tải và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (bao gồm kế hoạch giao đầu năm và kế hoạch điều chỉnh), NHPT thông báo kế hoạch thanh toán vốn cho các Chi nhánh NHPT, đồng thời gửi Chủ đầu tư để theo dõi, quản lý.

2. Kế hoạch thanh toán vốn được NHPT thông báo là cơ sở để Chi nhánh NHPT phối hợp với Chủ đầu tư thực hiện thanh toán vốn (bao gồm tạm ứng và thanh toán khối lượng hoàn thành) cho dự án.

3. Nếu hết năm không thực hiện hết kế hoạch vốn đầu tư đã được bố trí (kể cả kế hoạch vốn điều chỉnh) thì được chuyển sang năm sau tiếp tục thực hiện cho đến khi dự án kết thúc đầu tư.

II. Chuyển vốn

1. Trước ngày 15 tháng cuối quý, Chủ đầu tư căn cứ kế hoạch thanh toán vốn năm được cơ quan có thẩm quyền thông báo, tiến độ thực hiện và thanh toán vốn của dự án để xác định nhu cầu vốn thanh toán quý sau gửi Chi nhánh NHPT.

2. Trước ngày 20 tháng cuối quý, căn cứ kế hoạch thanh toán vốn năm được NHPT thông báo, nhu cầu thanh toán vốn quý sau của Chủ đầu tư và số dư nguồn vốn tại Chi nhánh NHPT, Chi nhánh NHPT lập nhu cầu chuyển vốn thanh toán quý sau của dự án báo cáo NHPT.

3. Trước ngày 25 tháng cuối quý, căn cứ đề nghị chuyển vốn của Chi nhánh NHPT và nguồn vốn thanh toán của dự án kết dư sang quý sau, NHPT có văn bản đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam chuyển vốn vào tài khoản của NHPT.

4. Căn cứ số vốn đã nhận của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và nhu cầu thanh toán vốn quý sau, NHPT chuyển vốn cho Chi nhánh NHPT để thực hiện thanh toán theo đề nghị của Chủ đầu tư.

III. Mở tài khoản giao dịch

Để mở tài khoản giao dịch thanh toán vốn đầu tư, Chủ đầu tư gửi đến Chi nhánh NHPT các tài liệu sau:

1. Quyết định thành lập Ban quản lý dự án;

2. Quyết định bổ nhiệm Giám đốc hoặc Trưởng Ban quản lý dự án;

3. Quyết định bổ nhiệm kế toán trưởng hoặc phụ trách kế toán;

4. Giấy mở tài khoản kèm đăng ký mẫu dấu chữ ký.

Chi nhánh NHPT hướng dẫn Chủ đầu tư thực hiện mở tài khoản theo quy định hiện hành của NHPT về mở và sử dụng tài khoản kế toán giao dịch trong hệ thống NHPT.

IV. Thanh toán vốn đầu tư

1. Kiểm soát thanh toán:

1.1. Đối với tạm ứng vốn:

Việc tạm ứng vốn cho các loại hợp đồng thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư và phải được quy định rõ trong hợp đồng xây dựng. Vốn tạm ứng được thực hiện sau khi hợp đồng có hiệu lực, được thực hiện trong thời hạn thanh toán của kế hoạch vốn và có thể tạm ứng một hoặc nhiều lần căn cứ vào nhu cầu thanh toán vốn tạm ứng nhưng không vượt mức vốn tạm ứng theo quy định; trường hợp trong hợp đồng chủ đầu tư và nhà thầu thoả thuận có bảo lãnh tiền tạm ứng thì nhà thầu phải có bảo lãnh khoản tiền tạm ứng. Mức vốn tạm ứng không vượt kế hoạch vốn hàng năm đã bố trí cho gói thầu.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, cán bộ thanh toán:

- Tiến hành kiểm tra tính hợp pháp, hợp lệ, đối chiếu mức vốn đề nghị tạm ứng với tỷ lệ quy định và kế hoạch vốn bố trí hàng năm được thông báo cho công việc, dự án; tên, tài khoản đơn vị được hưởng; ghi đầy đủ các chỉ tiêu, ký vào Giấy đề nghị thanh toán vốn đầu tư,

- Xác định mức vốn tạm ứng. Trường hợp kết quả kiểm soát có sự chênh lệch, cán bộ thanh toán phải ghi rõ lý do từ chối,

- Báo cáo Trưởng phòng nghiệp vụ trình Lãnh đạo Chi nhánh.

Trường hợp chủ đầu tư đề nghị tạm ứng nhiều lần theo quy định của hợp đồng, cán bộ thanh toán phải theo dõi luỹ kế số vốn đã tạm ứng, đảm bảo không vượt kế hoạch vốn hàng năm của dự án. Nếu kế hoạch vốn hàng năm bố trí không đủ theo mức vốn tạm ứng của hợp đồng thì tiếp tục tạm ứng vào kế hoạch năm sau cho đủ mức tạm ứng của hợp đồng.

Trong thời hạn 01 ngày làm việc Trưởng phòng nghiệp vụ xem xét, ký vào tài liệu thanh toán báo cáo Lãnh đạo chi nhánh ký duyệt. Sau khi ký duyệt, cán bộ thanh toán chuyển Giấy đề nghị thanh toán vốn đầu tư kèm theo chứng từ thanh toán sang phòng Tài chính kế toán để làm thủ tục thanh toán. Trường hợp số đề nghị tạm ứng và số chấp nhận tạm ứng có sự chênh lệch, cán bộ thanh toán thông báo cho chủ đầu tư lập lại chứng từ rút vốn gửi tới phòng Tài chính kế toán để thực hiện thủ tục thanh toán.

Trong 01 ngày làm việc phòng Tài chính kế toán thực hiện kiểm soát chứng từ thanh toán và thực hiện thanh toán, luân chuyển chứng từ thanh toán theo quy định của NHPT. Sau khi thực hiện xong thủ tục thanh toán, thu hồi tạm ứng (nếu có), phòng Tài chính kế toán lưu 01 liên Giấy đề nghị thanh toán vốn đầu tư, các liên còn lại chuyển trả phòng nghiệp vụ để lưu hồ sơ và trả chủ đầu tư.

1.2. Đối với thanh toán khối lượng hoàn thành:

Trong thời hạn 05 ngày làm việc cán bộ thanh toán:

- Tiến hành kiểm tra, đối chiếu tên công việc, khối lượng, đơn giá công việc hoàn thành (bảng tính giá trị khối lượng hoàn thành theo hợp đồng, bảng xác định giá trị khối lượng phát sinh ngoài hợp đồng - nếu có) với dự toán được duyệt (trường hợp chỉ định thầu hoặc tự thực hiện) hoặc đơn giá trúng thầu (trường hợp lựa chọn nhà thầu khác), kiểm tra các phép tính số học;

- Xác định số vốn thanh toán, số vốn tạm ứng cần phải thu hồi; tên, tài khoản đơn vị thụ hưởng; ghi đầy đủ các chỉ tiêu, ký vào Giấy đề nghị thanh toán vốn đầu tư, báo cáo Trưởng phòng nghiệp vụ, trình Lãnh đạo Chi nhánh;

Trường hợp kết quả kiểm soát có sự chênh lệch, cán bộ thanh toán phải ghi rõ lý do;

- Báo cáo Trưởng phòng nghiệp vụ trình Lãnh đạo Chi nhánh.

Trong thời hạn 01 ngày làm việc Trưởng phòng nghiệp vụ xem xét, ký vào tài liệu thanh toán báo cáo Lãnh đạo chi nhánh ký duyệt. Sau khi ký duyệt, cán bộ thanh toán chuyển Giấy đề nghị thanh toán vốn đầu tư kèm theo chứng từ thanh toán sang phòng Tài chính kế toán để làm thủ tục thanh toán. Trường hợp số đề nghị thanh toán và số chấp nhận thanh toán có sự chênh lệch, cán bộ thanh toán thông báo cho chủ đầu tư lập lại chứng từ rút vốn gửi tới phòng Tài chính kế toán để làm thủ tục thanh toán.

Trong 01 ngày làm việc phòng Tài chính kế toán thực hiện kiểm soát chứng từ thanh toán và thực hiện thanh toán, luân chuyển chứng từ thanh toán theo quy định. Sau khi thực hiện xong thủ tục thanh toán, thu hồi tạm ứng (nếu có), phòng Tài chính kế toán lưu 01 liên Giấy đề nghị thanh toán vốn đầu tư, các liên còn lại chuyển trả phòng nghiệp vụ để lưu hồ sơ và trả chủ đầu tư.

Luỹ kế số vốn thanh toán không vượt dự toán được duyệt (đối với trường hợp chỉ định thầu và tự thực hiện) hoặc giá gói thầu (đối với các hình thức lựa chọn nhà thầu qua đấu thầu).

Những khối lượng phát sinh vượt hoặc ngoài hợp đồng, ngoài phạm vi của hồ sơ mời thầu phải có văn bản phê duyệt (nếu khối lượng phát sinh được đấu thầu) hoặc dự toán bổ sung được duyệt (nếu khối lượng phát sinh được chỉ định thầu) của cấp có thẩm quyền cả về khối lượng và đơn giá.

Đối với các công việc được thực hiện không thông qua hợp đồng xây dựng (như trường hợp tự làm, các công việc quản lý dự án do chủ đầu tư trực tiếp thực hiện...), việc thanh toán phù hợp với từng loại công việc, trên cơ sở báo cáo khối lượng công việc hoàn thành và dự toán được duyệt cho từng công việc.

2. Tài liệu cơ sở của dự án:

Để phục vụ cho công tác quản lý, kiểm soát thanh toán vốn đầu tư, chủ đầu tư phải gửi đến Chi nhánh NHPT nơi mở tài khoản thanh toán các tài liệu cơ sở của dự án (chỉ gửi một lần cho đến khi dự án kết thúc đầu tư, trừ trường hợp phải bổ sung, điều chỉnh), bao gồm:

2.1. Đối với dự án quy hoạch:

- Văn bản của cấp có thẩm quyền phê duyệt đề cương hoặc nhiệm vụ dự án quy hoạch;

- Dự toán chi phí cho công tác quy hoạch được duyệt;

- Văn bản lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu;

- Hợp đồng giữa chủ đầu tư với nhà thầu.

2.2. Đối với dự án chuẩn bị đầu tư:

- Dự toán chi phí cho công tác chuẩn bị đầu tư được duyệt;

- Văn bản lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu;

- Hợp đồng giữa chủ đầu tư với nhà thầu.

Đối với công tác chuẩn bị đầu tư nhưng bố trí vốn trong kế hoạch thực hiện đầu tư cần có dự toán chi phí cho các công việc chuẩn bị đầu tư được duyệt.

2.3. Đối với dự án thực hiện đầu tư:

- Dự án đầu tư xây dựng công trình (hoặc báo cáo kinh tế-kỹ thuật đối với dự án chỉ lập báo cáo kinh tế-kỹ thuật) kèm quyết định đầu tư của cấp có thẩm quyền, các quyết định điều chỉnh dự án (nếu có);

- Văn bản lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu (gồm đấu thầu, chỉ định thầu, mua sắm trực tiếp, chào hàng cạnh tranh, tự thực hiện và lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt);

- Hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu (bao gồm cả các tài liệu kèm theo hợp đồng theo quy định của Bộ Xây dựng);

- Dự toán và quyết định phê duyệt dự toán của từng công việc, hạng mục công trình, công trình đối với trường hợp chỉ định thầu hoặc tự thực hiện và các công việc thực hiện không thông qua hợp đồng. Riêng công việc giải phóng mặt bằng phải kèm theo phương án giải phóng mặt bằng và Dự toán chi phí giải phóng mặt bằng được cấp có thẩm quyền phê duyệt (nếu chưa có trong phương án giải phóng mặt bằng).

3. Tạm ứng và thu hồi vốn tạm ứng:

3.1. Đối tượng được tạm ứng vốn và mức vốn tạm ứng:

a. Đối với hợp đồng thi công xây dựng:

- Giá trị hợp đồng dưới 10 tỷ đồng, mức tạm ứng tối thiểu bằng 20% giá trị hợp đồng.

- Giá trị hợp đồng từ 10 tỷ đồng đến 50 tỷ đồng, mức tạm ứng tối thiểu bằng 15% giá trị hợp đồng.

- Giá trị hợp đồng trên 50 tỷ đồng, mức tạm ứng tối thiểu bằng 10% giá trị hợp đồng.

b. Đối với hợp đồng mua sắm thiết bị: tuỳ theo giá trị hợp đồng, mức tạm ứng vốn do nhà thầu và chủ đầu tư thoả thuận trên cơ sở tiến độ thanh toán trong hợp đồng nhưng tối thiểu bằng 10% giá trị hợp đồng.

c. Đối với hợp đồng thực hiện theo hình thức EPC:

- Tạm ứng vốn để mua sắm thiết bị căn cứ vào tiến độ cung ứng trong hợp đồng.

- Các công việc khác, mức tạm ứng tối thiểu bằng 15% giá trị công việc đó trong hợp đồng.

d. Đối với hợp đồng tư vấn:

Mức vốn tạm ứng theo thoả thuận trong hợp đồng giữa chủ đầu tư với nhà thầu nhưng tối thiểu bằng 25% giá trị hợp đồng.

e. Đối với công việc giải phóng mặt bằng:

Mức vốn tạm ứng theo tiến độ thực hiện trong kế hoạch giải phóng mặt bằng.

f. Đối với các dự án cấp bách: như xây dựng và tu bổ đê điều, công trình vượt lũ, thoát lũ, công trình giống, các dự án khắc phục ngay hậu quả lũ lụt thiên tai, mức vốn tạm ứng tối thiểu bằng 50% giá trị hợp đồng.

g. Đối với một số cấu kiện, bán thành phẩm trong xây dựng có giá trị lớn phải được sản xuất trước để đảm bảo tiến độ thi công và một số loại vật tư phải dự trữ theo mùa: mức vốn tạm ứng theo nhu cầu cần thiết và do chủ đầu tư thống nhất với nhà thầu .

3.2. Thu hồi vốn tạm ứng:

a. Vốn tạm ứng cho các công việc nêu tại điểm 3.1 trên đây được thu hồi qua các lần thanh toán khối lượng hoàn thành của hợp đồng, bắt đầu thu hồi từ lần thanh toán đầu tiên và thu hồi hết khi thanh toán khối lượng hoàn thành đạt 80% giá trị hợp đồng. Mức thu hồi từng lần do chủ đầu tư thống nhất với nhà thầu để xác định.

Đối với công việc giải phóng mặt bằng:

- Đối với công việc bồi thường, hỗ trợ: sau khi chi trả cho người thụ hưởng, chủ đầu tư tập hợp chứng từ, làm thủ tục thanh toán và thu hồi tạm ứng trong thời hạn chậm nhất là 30 ngày làm việc kể từ ngày chi trả cho người thụ hưởng.

- Đối với việc mua nhà tái định cư và các công việc giải phóng mặt bằng khác: vốn tạm ứng được thu hồi vào từng kỳ thanh toán khối lượng hoàn thành và thu hồi hết khi đã thực hiện xong công việc giải phóng mặt bằng.

b. Chủ đầu tư có trách nhiệm cùng với nhà thầu tính toán mức tạm ứng hợp lý, quản lý chặt chẽ, sử dụng vốn tạm ứng đúng mục đích, đúng đối tượng, có hiệu quả và có trách nhiệm đảm bảo hoàn trả đủ số vốn đã tạm ứng khi thanh toán khối lượng hoàn thành đạt 80% giá trị hợp đồng.

Nghiêm cấm việc tạm ứng vốn mà không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích.

c. Trường hợp đến hết năm kế hoạch mà vốn tạm ứng chưa thu hồi hết do hợp đồng chưa được thanh toán đạt đến tỷ lệ quy định thì tiếp tục thu hồi trong kế hoạch năm sau và không trừ vào kế hoạch thanh toán vốn đầu tư năm sau.        3.3. Hồ sơ thanh toán tạm ứng:

Ngoài tài liệu cơ sở của dự án theo quy định, khi tạm ứng vốn, chủ đầu tư gửi đến Chi nhánh NHPT các tài liệu thanh toán sau:

- Giấy đề nghị thanh toán vốn đầu tư (mẫu 02/TT-UT) kèm theo chứng từ rút vốn do chủ đầu tư lập.

- Bảo lãnh khoản tiền tạm ứng của nhà thầu (nếu trong hợp đồng chủ đầu tư và nhà thầu thoả thuận có bảo lãnh tiền tạm ứng).

Chi nhánh NHPT kiểm tra và tạm ứng vốn theo quy định tại điểm 1.1 khoản 1 Mục IV.

4. Thanh toán khối lượng hoàn thành.

4.1. Đối với các công việc được thực hiện thông qua các hợp đồng xây dựng:

 Việc thanh toán hợp đồng phù hợp với từng loại hợp đồng, giá hợp đồng và các điều kiện trong hợp đồng. Số lần thanh toán, giai đoạn thanh toán và điều kiện thanh toán phải được ghi rõ trong hợp đồng.

a. Đối với giá hợp đồng trọn gói:

Thanh toán theo tỉ lệ phần trăm (%) giá hợp đồng hoặc giá công trình, hạng mục công trình hoàn thành tương ứng với các giai đoạn thanh toán được ghi trong hợp đồng. Sau khi hoàn thành hợp đồng và được nghiệm thu, bên giao thầu thanh toán cho bên nhận thầu toàn bộ giá hợp đồng đã ký và các khoản tiền được điều chỉnh giá (nếu có).

b. Đối với giá hợp đồng theo đơn giá cố định:

Thanh toán trên cơ sở khối lượng các công việc hoàn thành (kể cả khối lượng phát sinh được duyệt theo thẩm quyền, nếu có) được nghiệm thu trong giai đoạn thanh toán và đơn giá tương ứng với các công việc đó đã ghi trong hợp đồng hoặc phụ lục bổ sung hợp đồng. Sau khi hoàn thành hợp đồng và được nghiệm thu, bên giao thầu thanh toán cho bên nhận thầu toàn bộ giá hợp đồng đã ký và các khoản tiền được điều chỉnh giá (nếu có).

c. Đối với giá hợp đồng theo giá điều chỉnh:

Thanh toán trên cơ sở khối lượng các công việc hoàn thành (kể cả khối lượng phát sinh được duyệt theo thẩm quyền, nếu có) được nghiệm thu trong giai đoạn thanh toán và đơn giá đã điều chỉnh theo quy định của hợp đồng. Trường hợp đến giai đoạn thanh toán vẫn chưa đủ điều kiện điều chỉnh đơn giá thì sử dụng đơn giá tạm tính khi ký hợp đồng để thực hiện thanh toán và điều chỉnh giá trị thanh toán khi có đơn giá điều chỉnh theo đúng quy định của hợp đồng. Sau khi hoàn thành hợp đồng và được nghiệm thu, bên giao thầu thanh toán cho bên nhận thầu toàn bộ giá hợp đồng đã ký và các khoản tiền được điều chỉnh giá (nếu có).

d. Đối với giá hợp đồng kết hợp:

Việc thanh toán được thực hiện tương ứng theo các quy định thanh toán tại điểm a, b, c trên đây.

e. Đối với khối lượng công việc phát sinh ngoài hợp đồng:

- Đối với khối lượng công việc phát sinh từ 20% trở xuống so với khối lượng công việc tương ứng trong hợp đồng và đã có đơn giá trong hợp đồng thì khối lượng công việc phát sinh được thanh toán theo đơn giá đã ghi trong hợp đồng.

- Đối với khối lượng công việc phát sinh lớn hơn 20% so với khối lượng công việc tương ứng trong hợp đồng hoặc khối lượng công việc phát sinh chưa có đơn giá trong hợp đồng thì khối lượng công việc phát sinh được thanh toán theo đơn giá do chủ đầu tư phê duyệt theo quy định.

- Đối với khối lượng công việc bổ sung ngoài phạm vi công việc quy định của hợp đồng áp dụng phương thức giá hợp đồng trọn gói thì giá trị bổ sung được lập dự toán và bên giao thầu và bên nhận thầu thống nhất ký hợp đồng bổ sung giá trị phát sinh này.

f. Hồ sơ thanh toán:

Để thanh toán khối lượng hoàn thành thực hiện qua hợp đồng xây dựng (Hợp đồng tư vấn; Hợp đồng cung cấp vật tư, thiết bị; Hợp đồng thi công xây dựng; Hợp đồng EPC; Hợp đồng chìa khoá trao tay), Chủ đầu tư gửi đến Chi nhánh NHPT các tài liệu sau:

- Bảng xác định giá trị khối lượng công việc hoàn thành theo hợp đồng (Quy định tại phụ lục số 2 kèm theo Thông tư số 06/2007/TT-BXD ngày 25/7/2007 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn hợp đồng trong hoạt động xây dựng hoặc văn bản bổ sung thay thế, nếu có); 

Khi có khối lượng phát sinh ngoài hợp đồng, chủ đầu tư gửi Bảng xác định giá trị khối lượng phát sinh ngoài hợp đồng (Quy định tại phụ lục số 4 kèm theo Thông tư số 06/2007/TT-BXD ngày 25/7/2007 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn hợp đồng trong hoạt động xây dựng hoặc văn bản bổ sung thay thế, nếu có);

- Giấy đề nghị thanh toán vốn đầu tư (mẫu 02/TT-UT) kèm theo chứng từ rút vốn do chủ đầu tư lập.

Chi nhánh NHPT kiểm tra và tạm ứng vốn theo quy định tại điểm 1.2 khoản 1 Mục IV.

4.2. Đối với các công việc được thực hiện không thông qua hợp đồng xây dựng:

Các công việc được thực hiện không thông qua hợp đồng xây dựng như  trường hợp tự làm, các công việc quản lý dự án do chủ đầu tư trực tiếp thực hiện, các khoản chi khác theo tỷ lệ phần trăm... việc thanh toán phù hợp với từng loại công việc, trên cơ sở báo cáo khối lượng công việc hoàn thành và dự toán được duyệt cho từng công việc.

Để thanh toán khối lượng công việc này, chủ đầu tư gửi đến Chi nhánh NHPT các tài liệu sau:

- Báo cáo khối lượng công việc hoàn thành (đối với công việc tự thực hiện);

- Các căn cứ chứng minh công việc đã được thực hiện như: bảng kê hoá đơn, chứng từ hợp lệ hoặc thông báo trả tiền của cơ quan thu tiền... (đối với các công việc thực hiện theo dự toán hoặc theo tỷ lệ phần trăm theo quy định);

- Giấy đề nghị thanh toán vốn đầu tư (mẫu 02/TT-UT) kèm theo chứng từ rút vốn do chủ đầu tư lập.

Chi nhánh NHPT kiểm tra và tạm ứng vốn theo quy định tại điểm 1.2 khoản 1 Mục IV.

V.  Quyết toán vốn đầu tư

1. Hàng quý, Chi nhánh NHPT thực hiện đối chiếu với Chủ đầu tư về số liệu thanh toán vốn (Mẫu số 03/TT-TN), phối hợp với Chủ đầu tư xử lý số vốn chênh lệch và các nội dung khác (nếu có) và gửi  một (01) bản đối chiếu về NHPT (Ban HTSĐT&QLVUT).

2. Khi dự án hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng:

- Chủ đầu tư có trách nhiệm lập báo cáo quyết toán vốn đầu tư, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo quy định của Bộ Tài chính về hướng dẫn quyết toán vốn đầu tư và gửi quyết định phê duyệt quyết toán vốn đầu tư cho Chi nhánh NHPT.

- Chi nhánh NHPT có trách nhiệm đối chiếu, xác nhận vốn đầu tư đã thanh toán, đồng thời có nhận xét, kiến nghị với Chủ đầu tư và cơ quan thẩm tra, phê duyệt quyết toán vốn đầu tư về quá trình đầu tư của dự án theo đúng quy định của Bộ Tài chính hướng dẫn quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn Nhà nước. Phối hợp với Chủ đầu tư xử lý các các vấn đề về thanh toán vốn đầu tư  theo kết quả phê duyệt quyết toán của cấp có thẩm quyền, thực hiện tất toán tài khoản theo quy định.

Trường hợp quyết toán được phê duyệt mà số vốn được quyết toán thấp hơn số vốn đã thanh toán cho dự án, Chủ đầu tư có trách nhiệm hoàn trả lại số vốn đã thanh toán thừa.

VI. Chế độ Báo cáo

1. Báo cáo định kỳ:

 Trước ngày 05 của tháng đầu quý sau quý báo cáo, Chi nhánh NHPT báo cáo NHPT (Ban HTSĐT&QLVUT, Ban Kế hoạch tổng hợp) tình hình thực hiện quản lý và thanh toán vốn đầu tư của dự án quý trước (Mẫu số 04/TT-TN), kèm theo thuyết minh nhận xét đánh giá về các mặt được, mặt còn tồn tại và các nguyên nhân của tồn tại, đề xuất biện pháp xử lý tồn tại trong quá trình quản lý và thanh toán. Riêng báo cáo quý IV thay cho báo cáo năm.

2. Báo cáo đột xuất:

 Chi nhánh NHPT thực hiện báo cáo theo nội dung, thời gian NHPT yêu cầu.

3. Trước ngày 10 của tháng đầu năm sau, Chi nhánh NHPT thực hiện báo cáo NHPT (Ban HTSĐT&QLVUT) các dự án hoàn thành được phê duyệt quyết toán đã tất toán tài khoản năm trước, kèm theo nhận xét về tình hình thực hiện của dự án (Mẫu số 05/TT-TN).  

4. Hàng quý, năm Ban HTSĐT&QLVUT có trách nhiệm tổng hợp, đối chiếu số liệu với Ban Tài chính kế toán, kho quỹ và báo cáo Lãnh đạo NHPT về tình hình quản lý và thanh toán đối với dự án. 

VII. Chế độ kiểm tra 

1. Hàng quý, Chi nhánh NHPT tự tổ chức thực hiện kiểm tra nghiệp vụ quản lý và thanh toán vốn đầu tư của dự án, thông qua công tác tự kiểm tra, nếu có tồn tại, sai sót, phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện khắc phục kịp thời. Báo cáo kết quả tự kiểm tra Chi nhánh NHPT gửi NHPT (Ban kiểm tra nội bộ, Ban HTSĐT&QLVUT) trước ngày 10 của quý sau quý báo cáo.

2. Căn cứ tình hình cụ thể, NHPT tổ chức hoặc phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức kiểm tra nghiệp vụ quản lý và thanh toán vốn đầu tư của dự án tại Chi nhánh NHPT.

VIII. Trách nhiệm của các đơn vị có liên quan:

1. Trách nhiệm của Chủ đầu tư :

Thực hiện quản lý dự án đầu tư theo đúng chế độ quản lý đầu tư và xây dựng hiện hành, sử dụng vốn đầu tư đúng mục đích. Phối hợp chặt chẽ với Chi nhánh NHPT trong việc thực hiện quản lý và thanh toán vốn. 

2. Trách nhiệm của Chi nhánh NHPT:

- Tổ chức thực hiện quản lý và thanh toán vốn đầu tư theo đúng hướng dẫn này và các quy định hiện hành của Nhà nước có liên quan. 

- Thực hiện báo cáo định kỳ và báo cáo đột xuất (nếu có) đảm bảo chất lượng và đúng thời hạn quy định với  NHPT và các đơn vị có liên quan.

- Phối hợp chặt chẽ với Chủ đầu tư tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình quản lý và thanh toán vốn. 

3. Trách nhiệm của các đơn vị thuộc NHPT:

3.1. Ban Kế hoạch tổng hợp:

Chủ trì và phối hợp với Ban HTSĐT&QLVUT trình Tổng Giám đốc NHPT thông báo kế hoạch thanh toán vốn đầu tư Dự án các công trình giao thông tránh ngập thuỷ điện Sơn La cho các Chi nhánh trên cơ sở kế hoạch vốn đầu tư được thỏa thuận giữa Bộ Giao thông vận tải và Tập đoàn Điện lực Việt Nam. 

3.2. Ban Nguồn vốn:

- Hàng quý, chủ trì và phối hợp với Ban HTSĐT&QLVUT, Ban Tài chính kế toán, kho quỹ đối chiếu số vốn đã nhận, vốn đã thanh toán cho dự án, nhu cầu thanh toán quý sau trình Lãnh đạo NHPT đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam chuyển nguồn vốn đầu tư cho dự án vào tài khoản của NHPT (theo mẫu số 06/TT-TN).

- Chủ trì và phối hợp với Ban Tài chính kế toán, kho quỹ trình Tổng Giám đốc điều chuyển nguồn vốn cho các Chi nhánh để thanh toán cho dự án, đồng thời thông báo cho Chủ đầu tư theo dõi số vốn đã chuyển.

3.3. Ban Tài chính kế toán, kho quỹ:

- Hướng dẫn, kiểm tra các Chi nhánh trong việc mở tài khoản tiếp nhận nguồn vốn thanh toán, tài khoản thanh toán vốn của chủ đầu tư; kiểm soát chi và hạch toán kế toán đối với nguồn vốn thanh toán cho dự án.

- Hàng quý, chủ trì và phối hợp với Ban Nguồn vốn, Ban HTSĐT&QLVUT thực hiện đối chiếu số vốn đã nhận với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (theo mẫu số 07/TT-TN). 

3.4. Ban Kiểm tra nội bộ:

Thực hiện kiểm tra các Chi nhánh NHPT trong việc triển khai các mặt nghiệp vụ về quản lý và thanh toán vốn đối với dự án theo nhiệm vụ và kế hoạch kiểm tra được Tổng Giám đốc NHPT giao hàng năm.

3.5. Ban HTSĐT&QLVUT;

- Thường xuyên kiểm tra và hướng dẫn các Chi nhánh NHPT trong việc thực hiện các nghiệp vụ quản lý và thanh toán vốn, tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện theo định kỳ hoặc đột xuất, tham mưu với Tổng Giám đốc NHPT trong việc chỉ đạo, điều hành công tác quản lý và thanh toán vốn.

- Tham mưu với Tổng Giám đốc NHPT trong việc phối hợp với các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh về những vấn đề có liên quan đến công tác quản lý và thanh toán vốn đối với dự án.

3.6. Các đơn vị khác thuộc NHPT:

Căn cứ chức năng của đơn vị, tham mưu với Tổng Giám đốc NHPT các nội dung có liên quan đến việc quản lý, thanh toán vốn đối với dự án và thực hiện các nhiệm vụ khi được Tổng Giám đốc giao.      

IX. Tổ chức thực hiện:

1. Các đơn vị nêu tại mục 3 phần VIII và các cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thực hiện theo hướng dẫn tại văn bản này.

2. Văn bản này thay thế công văn số 839/NHPT-HTUT ngày 04/4/2007 của Ngân hàng Phát triển Việt Nam v/v hướng dẫn quản lý và thanh toán vốn đầu tư các công trình giao thông tránh ngập thuỷ điện Sơn La.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc yêu cầu các Chi nhánh NHPT Sơn La, Điện Biên, Lai Châu và các đơn vị có liên quan kịp thời báo cáo NHPT để hướng dẫn bổ sung, sửa đổi./.    

Tổng Giám đốc

(Đã ký)

 

Nguyễn Quang Dũng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.